10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn

Cuộc đua tỷ phú không gian, chấm dứt nạn phá rừng và vấn đề phân biệt chủng tộc trong chăm sóc sức khỏe là 3 trong số 10 câu chuyện khoa học ấn tượng nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn.
1. Cuộc đua tỷ phú không gian
Năm 2021 chứng kiến nhiều sự kiện ấn tượng liên quan đến hàng không vũ trụ nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là chuyến bay kéo dài 11 phút đến bên ngoài rìa bầu khí quyển Trái Đất do tài tử nổi tiếng William Shatner thực hiện vào tháng 10 vừa qua. Chuyến bay cũng đánh dấu lần chở khách thứ 2 của tên lửa New Shepard.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Chuyến bay chở khách đầu tiên của tên lửa New Shepard vào ngày 20/7/2021
Tên lửa New Shepard, được đặt theo tên của người Mỹ đầu tiên bay vào không gian-Alan Shepard, là sản phẩm của Blue Origin (một công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos). Chuyến chở khách đầu tiên của New Shepard diễn ra vào ngày 20 tháng 7 năm 2021, chở tỷ phú Bezos và ba người khác. Ngỡ rằng Bezos đã thực hiện được tham vọng trở thành tỷ phú đầu tiên bay vào Vũ trụ, nhưng không. Trước đó 9 ngày, một tỷ phú khác là Richard Branson cùng với tên lửa Unity của Virgin Galactic đã hoàn thành chuyến du hành của mình, chính thức ghi danh là tỷ phú đầu tiên bay vào vũ trụ thành công.
Một cuộc tranh cãi về việc liệu Branson đã bay vào không gian hay chưa đã nổ ra kể từ đó. Theo trang The Guardian, chuyến bay của Branson chỉ đạt 55 dặm (88 km) so với bề mặt Trái đất, chưa vượt qua đường Kármán - ranh giới đánh dấu rìa không gian.
Ngoài cuộc đua tỷ phú không gian, có một cột mốc cũng đáng nhớ không kém của chiếc trực thăng Ingenuity. Vào ngày 19 tháng 4 năm 2021, Ingenuity đã thực hiện thành công chuyến bay có điều khiển bằng động cơ đầu tiên trên Sao Hoả.
2. Phân biệt chủng tộc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe
Năm 2021 là năm khiến người ta hiểu rõ nhất sự bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của người da đen và người châu Á.
Cụ thể, nhiều người đã quyết định mua máy đo oxy xung vì tin rằng chiếc máy này có thể phát hiện COVID-19. Tuy nhiên, một cuộc điều tra do chính phủ Anh tổ chức vào tháng 11 năm nay đã chứng thực, máy đo oxy xung không hoạt động tốt trên làn da sẫm màu và sẽ cho kết quả kém chính xác, thậm chí là dẫn đến những cái chết oan uổng.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Máy đo oxy xung hoạt động kém chính xác hơn trên làn da sẫm màu
Một tiết lộ gây sốc khác trong năm 2021 đến từ tổ chức MBRRACE là phụ nữ da đen và châu Á có nguy cơ tử vong khi sinh con lần lượt cao gấp 4 và 2 lần, đồng thời số thai chết lưu cũng nhiều hơn phụ nữ da trắng.
Tuy nhiên, các ví dụ trên chỉ là hai trong vô vàn những bằng chứng về nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nước Anh.
Tháng 5 năm 2021, bộ phim tài liệu “Subnormal: A British Scandal” của BBC lên sóng đã khiến Bộ phận Giáo dục và Tâm lý Trẻ em thuộc Hiệp hội Tâm lý Anh phải lên tiếng xin lỗi vì những sai lầm trong quá khứ. Cụ thể, trong những năm 1960 và 1970, cơ quan này đã chẩn đoán số lượng lớn trẻ em da đen là “chậm tiêu” về mặt giáo dục và đưa chúng ra khỏi hệ thống giáo dục chính thống. Tuy nhiên, Cơ quan Giáo dục Nội thành London cho biết, nhiều trường hợp thực chất không hề “chậm tiêu” như đã được chẩn đoán.
Nhìn chung, người da đen và châu Á hoàn toàn có lý do để nghi ngờ về hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình. Trong giai đoạn sức khỏe được đặt lên hàng đầu như hiện nay, vấn đề này nên được giải quyết càng sớm càng tốt. Hy vọng rằng năm 2021 sẽ là năm mang tính bước ngoặt khi mọi người đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng sự bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
3. COP26: Đã đến lúc phải hành động!
Nóng lên toàn cầu không chỉ là câu chuyện của riêng năm 2021, nhưng Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Biến Đổi Khí Hậu Của Liên Hợp Quốc Năm 2021 (gọi tắt là Cop26) diễn ra trong năm nay đã mang đến những chuyển biến tích cực trong việc chống biến đổi khí hậu.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Một cuộc biểu tình trong bối cảnh Hội nghị Cop26 ở London, ngày 6/11/2021
Vào tháng 8 vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã xuất bản phần đầu tiên của Báo cáo Đánh giá thứ 6, nêu tình trạng hiểu biết của chúng ta về hệ thống khí hậu và dự đoán tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai. Thông điệp tổng thể giống như Báo cáo Đánh giá lần thứ Năm (2014), nhưng rõ ràng và mạnh mẽ hơn: tình hình đã trở xấu đi và cần phải có hành động quyết liệt để hạn chế hậu quả tồi tệ nhất. Có thể thấy, đã có sự chú trọng hơn vào việc hành động để thay đổi tình hình, mặc dù tiến độ về phần “hành động” vẫn còn rất chậm.
Việc truyền thông tập trung vào các sự kiện tại Cop26 thay vì khoa học về khí hậu cũng là một tín hiệu tốt. Những kiến thức khoa học về khí hậu là rất cần thiết, nó giúp mỗi cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp lường trước được hậu quả của mỗi hành động của mình. Nhưng đã đến lúc nhân loại phải hành động.
4. Bước tiến mới trong việc điều trị Hội chứng đau xơ cơ
Hội chứng đau xơ cơ, đặc trưng bởi cơn đau lan rộng và cảm giác tê liệt mỏi, ảnh hưởng đến 1/40 người, chủ yếu là phụ nữ, nhưng không rõ nguyên nhân và cách chữa trị. Các phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh này bao gồm Trị liệu hành vi nhân thức (CBT) và tập thể dục đều đặn, nhưng hiệu quả rất hạn chế.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Các nhà khoa học đã phát hiện ra vai trò của các kháng thể trong chứng đau xơ cơ
Một nghiên cứu từ Đại học Hoảng Đế Luân Đôn vào năm nay đã mang lại hy vọng cho những người đang bị loại bệnh này dày vò. Các nhà nghiên cứu đã tiêm vào chuột những kháng thể từ người mắc Hội chứng đau xơ cơ và nhận thấy chuột cũng phát sinh triệu chứng tương tự bệnh nhân như: giảm cử động, tay mất sức, nhạy cảm với cái lạnh và áp suất. Những con chuột được tiêm kháng thể của người trưởng thành khỏe mạnh không phát triển những vấn đề này.
Các tác giả kết luận rằng Hội chứng đau xơ cơ là một loại bệnh tự miễn. Nếu được nhân rộng, phát hiện này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh này cũng như các tình trạng đau mãn tính khác. Những con chuột trong nghiên cứu đã hồi phục khi các kháng thể biến mất khỏi cơ thể của chúng. Điều này cho thấy các phương pháp điều trị làm giảm kháng thể là rất có triển vọng để chấm dứt Hội chứng đau xơ cơ cho hàng triệu người trên toàn cầu.
5. Trí tuệ nhân tạo dự đoán cấu trúc protein
Vào tháng 7 vừa qua, thế hệ thứ hai của thuật toán AlphaFold của DeepMind đã được sử dụng để tạo ra một bản đồ toàn diện về cấu trúc protein cho gần 99% protein của con người. Trong đó có hàng chục nghìn cấu trúc của các thành phần cực kỳ quan trọng trong cơ thể người. Hơn nữa, tất cả thông tin này được cung cấp miễn phí cho cộng đồng nghiên cứu toàn cầu thông qua Cơ sở dữ liệu Alphafold được lưu trữ tại Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử Châu Âu ở Cambridge.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Thuật toán AlphaFold của DeepMind đã tạo ra một cơ sở dữ liệu bao gồm 99% protein của con người.
Cùng với với tốc độ nhanh chóng của việc giải trình tự gen, những công cụ mới để dự đoán cấu trúc ba chiều chi tiết của bộ máy tế bào đang nhanh chóng được triển khai trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, cho phép khám phá các loại thuốc mới và hiểu được chức năng của cơ thể con người.
6. Thời tiết cực đoan ngoài dự đoán
Mặc dù đã được các chuyên gia dự đoán từ trước, mức độ khắc nghiệt của thời tiết trong năm nay vẫn khiến nhiều chính phủ vô cùng bất ngờ, thậm chí là hoảng loạn do không kịp chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa thiên tai.
Hiện tượng “vòm nhiệt” ở Bắc Mỹ vào mùa hè năm nay có lẽ là điều khiến các nhà khoa học khí hậu phải giật mình, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ đã bị xô đổ hoàn toàn trên nhiều vùng của Canada và Hoa Kỳ. Cái nóng như đổ lửa đã phá hủy hàng triệu mẫu rừng, xóa sổ nhiều cộng đồng. Tương tự như vậy, ở phía đông Địa Trung Hải, các đợt nắng nóng và hỏa hoạn cũng gây ra thiệt hại nặng nề.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Thời tiết cực đoan xảy ra trên toàn thế giới là hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trong khi đó, tại các vùng của Australia, nơi từng nhiều năm bị hạn hán và cháy rừng lại phải hứng chịu ngập lụt vào năm nay. Trận lũ lụt kinh hoàng cướp đi mạng sống của hơn 200 người ở khu vực phát triển nhất thế giới xung quanh sông Rhine như một minh chứng cho thấy, sự hiện đại và giàu có cũng không thể chống đỡ nổi cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Những tiến bộ trong dự báo thời tiết và lũ lụt cũng là vô ích trừ khi các cơ quan chức năng chú ý đến các cảnh báo và hành động nhanh chóng.
7. Số trẻ em nghèo bị béo phì tăng kỷ lục
Tháng 11 vừa qua, “Chương trình Đo lường Trẻ em Quốc gia” đã cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc số học sinh tiểu học ở Anh bị bệnh béo phì trong một năm: từ 1/5 lên 1/4 số học sinh trong độ tuổi 10-11. Sốc hơn là: chỉ có 14% trẻ em ở các khu vực giàu có nhất mắc béo phì, trong khi số trẻ em nghèo mắc béo phì chiếm tới 34%.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Thực phẩm thiếu lành mạnh dễ dàng được tiêu thụ tại các khu vực nghèo, gây ra tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ
Tình trạng này đã phát sinh từ lâu và ngày càng trầm trọng thêm trong bối cảnh đại dịch. Nghèo đói khiến trẻ không có điều kiện để ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất, dẫn đến béo phì. Bên cạnh đó, các khu dân cư nghèo thường có nhiều cửa hàng bán đồ ăn nhanh, tình trạng ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông cũng diễn ra rất thường xuyên.
Do vậy, việc trước mắt cần làm đó là tạo ra các thị trấn và thành phố xanh hơn, lành mạnh hơn, ưu tiên không gian cho trẻ em và người đi bộ. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống nói chung mà còn góp phần giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em cũng như nhiều loại bệnh nguy hiểm khác.
8. Thiên thạch Winchcombe rơi xuống Trái Đất
Ngày 28 tháng 2 năm 2021, đã có hơn 1.000 bài báo đưa tin về một vệt sao băng tuyệt đẹp trên bầu trời nước Anh. Vệt sáng đó thực chất là một thiên thạch ngoài Trái Đất, bay xuyên qua bầu khí quyển, sau đó nổ tung thành từng mảnh và nằm rải rác ở vùng Gloucestershire của xứ sở sương mù.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Vào tháng Hai năm nay, thiên thạch Winchcombe đã rơi xuống nước Anh
Phân tích cho thấy, thiên thạch Winchcombe đến từ một vật thể gần quỹ đạo của Sao Mộc chứa nước và băng, có cấu tạo hóa học tương tự như Mặt trời của chúng ta.
9. Hiệu quả của vaccine RNA được chứng thực
Mặc dù vaccine đầu tiên được tạo ra từ gen đã được phê duyệt vào tháng 12 năm ngoái, nhưng chỉ đến năm 2021, hiệu quả thực sự của vaccine Pfizer mới được chứng thực. Nghiên cứu của các nhà khoa học Qatar cung cấp bằng chứng xác đáng cho thấy vaccine COVID-19 Pfizer – BioNTech có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sự lây lan của chủng B.1.351-một biến thể nghiêm trọng của COVID-19.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Hiệu qủa của vaccine RNA Covid-19 do Pfizer phát triển đã được chứng thực trong năm nay.
10. Công nhận vai trò của rừng trong việc hạn chế nóng lên toàn cầu
Hội nghị Cop26 tổ chức tại Glasgow đã được gắn nhãn “Nature’s COP” vì đạt được nhiều thỏa thuận trong việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là rừng, như một cách giải quyết vấn đề nóng toàn cầu. Chỉ trong ngày thứ hai diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
10 câu chuyện khoa học nổi bật nhất năm 2021 do các nhà khoa học bình chọn
Các nhà lãnh đạo thế giới tại Cop26 cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Việc tìm ra dữ liệu chứng minh tầm quan trọng của rừng đối với sự cân bằng carbon của hành tinh là vô cùng khó khăn. Hàng nghìn nhà khoa học đã tham gia đo lường sự phát triển của cây và lượng khí thải từ vô số khu rừng trong suốt nhiều năm. Kết quả đã chứng minh các khu rừng nhiệt đới nguyên sơ có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí thải carbon do con người gây ra và những đóng góp tiềm năng mà các giải pháp tự nhiên có thể thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo The Guardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top