11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Quá trình phát triển camera trên smartphone là một trong những câu chuyện đáng chú ý nhất trong lịch sử cận đại. So với cách đây hai thập kỷ, camera ngày nay mang đến cho chúng ta những hình ảnh và video chân thực đến khó tin. Chỉ cần so sánh nhanh camera trên các mẫu smartphone tầm trung hiện nay với mẫu iPhone đầu tiên, bạn sẽ thấy những khác biệt rõ rệt về độ chi tiết, dải màu, và chất lượng hình ảnh nói chung. Trong khi đó, những mẫu điện thoại flagship mới nhất liên tục khiến người tiêu dùng phấn khích bằng hàng tá công nghệ đặc sắc nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng ảnh chụp trong tương lai.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về cách camera hoạt động, hay những gì nó có thể làm được. Một mặt, đa phần bảng thông số camera smartphone chỉ cung cấp thông tin thuần số lượng - số megapixel, kích cỡ cảm biến, số lượng ống kính… - tạo cảm giác chỉ cần tăng những con số đó lên, kết quả sẽ có ảnh chất lượng tốt hơn. Mặt khác, camera smartphone được quảng cáo với những tính năng hấp dẫn như “xử lý AI” và “nhiếp ảnh thiên văn” không nhằm mục đích nào khác ngoài việc khiến người tiêu dùng lẫn lộn giữa chất lượng và thực tế. Sau khi đọc hết bài này, có lẽ bạn sẽ nhận ra một sự thật: khá nhiều thứ về cách hoạt động của camera smartphone mà bạn từng tin là đúng, hóa ra…không chính xác lắm!
Tất nhiên, chất lượng ảnh và video bị ảnh hưởng khá nhiều bởi người dùng smartphone và điều kiện môi trường. Chụp ảnh trong thời điểm đủ sáng, ống kính sạch sẽ, sử dụng ô lưới, và kích hoạt HDR… là một vài bước có thể giúp bạn tận dụng tối đa camera của mình. Nhưng hầu như không ai có thể can thiệp vào cách hoạt động của camera một khi chúng đã ra khỏi nhà máy.
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Nhiều ống kính hơn đồng nghĩa ảnh chụp đẹp hơn?

Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp smartphone xuất hiện trào lưu nhồi nhét nhiều ống kính vào cụm camera sau của các thiết bị. Lý do ở đây cũng thuyết phục, bởi các loại ống kính đa dạng sẽ cho phép người dùng thoả sức sáng tạo trong mọi tình huống. Ví dụ, iPhone 14 Pro có 3 camera sau: một cảm biến chính 48 megapixel (MP), một cảm biến siêu rộng 12 MP, và một ống kính telephoto 12 MP. Camera siêu rộng có thể chụp những khung hình với bề ngang rộng hơn camera chính, còn camera telephoto được thiết kế để đảm bảo chất lượng hình ảnh ở khoảng cách tiêu cự dài hơn bình thường.
Nhưng mọi thứ dừng ở đó là hợp lý. Dẫu biết rất khó để đáp ứng mọi nhu cầu chỉ với một ống kính, tích hợp nhiều camera vào smartphone cũng chẳng thể giúp trải nghiệm nhiếp ảnh hoặc quay phim trên smartphone khá khẩm hơn. Nokia 9 PureView là minh chứng rõ nét cho luận điểm này, với cụm camera 5 ống kính, gồm 3 cảm biến đơn sắc và 2 cảm biến RGB, tất cả đều 12 MP với cùng khẩu độ f/1.8.
Theo Nokia, các camera này được thiết kế để hoạt động cùng nhau nhằm thu nhiều ánh sáng hơn một ống kính, và cho ra “những bức ảnh với dải động siêu đẳng, cho phép thu được chi tiết từ cả vùng highlight và shadow, cộng thêm độ sâu trường ảnh đỉnh cao và màu sắc rực rỡ, chân thực bậc nhất”. Chiếc điện thoại này còn chụp được ảnh RAW, và lẽ ra phải có chất lượng siêu phàm nhờ sự hợp sức của 5 ống kính. Ấy thế nhưng, khả năng nhiếp ảnh đáng thất vọng của Nokia 9 PureView lại là bằng chứng phũ phàng cho thấy bạn không thể có ảnh đẹp hơn với nhiều ống kính hơn!
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Nhiều “chấm” hơn, ảnh đẹp hơn?

Hầu hết người dùng smartphone chỉ muốn chụp ảnh và quay phim đẹp. Các nhà sản xuất hiểu điều này, nên họ tận dụng mọi công cụ trong tay để đưa khả năng nhiếp ảnh của sản phẩm lên mây. Một trong những công cụ đó là số “chấm” (megapixel): hai thập kỷ trước, camera điện thoại mới chưa đầy 5 MP, còn nay, một số mẫu flagship mới nhất đã lên đến 200 MP.
Một điểm ảnh (pixel) là đơn vị đại diện cho một khu vực chứa thông tin trên một bức ảnh số. Một megapixel - tương đương 1 triệu pixel - là dấu hiệu cơ bản cho biết lượng thông tin camera có thể thu được trong một lần chụp. Do đó, số megapixel tăng lên đồng nghĩa camera có thể lưu giữ nhiều chi tiết hơn trong một ảnh hay khung hình video, và kéo theo đó là kích cỡ tập tin cũng tăng theo. Ví dụ cho điều này là ảnh chụp với camera nhiều chấm hơn sẽ giữ được chất lượng và độ chi tiết cao hơn so với camera ít chấm khi cùng zoom cận cảnh đến một mức cụ thể.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa chất lượng hình ảnh cũng được cải thiện. Số “chấm” không liên quan đến các tính năng khác của ống kính, như khẩu độ, kích cỡ cảm biến, và ISO - tất cả đều đóng vai trò nhất định đối với tác phẩm cuối cùng. Và đừng quên nhắc đến một tính năng khá quan trọng trong các camera nhiều “chấm” ngày nay: ghép điểm ảnh (pixel binning), tức là kết hợp dữ liệu của các điểm ảnh kề cận thành một.
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Khẩu độ càng rộng, ảnh càng đẹp?

Cần nói rõ rằng, ý niệm của mỗi người về những yếu tố cần có để ảnh được gọi là “đẹp” sẽ khác nhau. Một số thích ảnh sáng rõ, nên sẽ muốn một camera với khẩu độ rộng để cho phép ánh sáng đi vào nhiều hơn. Số khác thích ảnh tương phản cao hơn, đồng nghĩa khẩu độ không quan trọng lắm. Dù “đẹp” là nhận định mang tính chủ quan, có thể khẳng định người dùng smartphone đều muốn một cụm camera cho ra ảnh làm họ hài lòng.
Khẩu độ trên camera điện thoại quyết định lượng ánh sáng có thể đi vào camera để cho ra hình ảnh. Nó là một lỗ trong ống kính, và kích cỡ được đo bằng “f-stop” - số f-stop càng nhỏ, khẩu độ càng rộng, và càng nhiều ánh sáng đi vào được camera. Do đó, một cảm biến camera khẩu độ f/1.8 sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn cảm biến khẩu độ f/2.8. Dù máy ảnh chuyên nghiệp thường có khẩu độ linh hoạt, khẩu độ trong ống kính smartphone đa phần cố định.
Một điều hiển nhiên là các camera khẩu độ rộng sẽ chụp ảnh đêm tốt hơn, nhưng chụp ban ngày thì chuyện lại khác. Khẩu độ rộng hơn dẫn đến lượng ánh sáng thu vào trong mỗi lần chụp tăng lên, và trong một số trường hợp sẽ khiến ảnh sáng quá mức cần thiết. Tuy nhiên, khẩu độ rộng cho phép làm mờ hậu cảnh tốt hơn, cho ra kết quả ấn tượng hơn nếu bạn biết cách tận dụng. Thách thức đặt ra đối với các nhà sản xuất là làm sao tìm được khẩu độ hoàn hảo phù hợp cho cả hai tình huống nêu trên.
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Độ sâu trường ảnh (DoF) đòi hỏi phải có hai ống kính?

Như đã đề cập ở trên, nhiều ống kính không đồng nghĩa chất lượng hình ảnh tốt hơn. Một trong những công dụng được quảng cáo nhiều nhất của camera thứ hai là làm mờ hậu cảnh và giúp chủ thể ở tiền cảnh nổi bật hơn. Camera thứ hai này thường là một ống kính telephoto, nhưng đôi lúc là ống kính đơn sắc.
Smartphone có thể đạt được hiệu ứng DoF bằng cách chụp ảnh đồng thời bằng hai cảm biến camera, thêm bộ lọc mờ vào ảnh hậu cảnh, rồi đè ảnh chính lên hậu cảnh đã làm mờ. Dù cách làm này đôi lúc không thể xác định chính xác rìa các vật thể cũng như khiến ảnh không được sắc nét, kết quả thường đủ tốt để bạn thoải mái khoe Facebook.
Tuy nhiên, bạn không cần ống kính thứ hai mới tạo được hiệu ứng làm mờ hậu cảnh. Ví dụ, trước khi các điện thoại Google Pixel bắt đầu có cụm camera đa ống kính, camera đơn của nó đã cho ra những kết quả khá tốt khi xét về hiệu ứng DoF. Những camera đơn này được thiết kế với thuật toán xử lý điện toán nhằm phát hiện điểm lấy nét chính trong một bức ảnh và xoá mờ các phần còn lại.
Ngoài ra, các ứng dụng như Bokeh Lens trên iOS và AfterFocus trên Android cũng có khả năng giả lập hiệu ứng DoF trong hoặc sau khi chụp ảnh. Và nếu chiếc điện thoại camera đơn của bạn có chế độ chụp chuyên nghiệp, khả năng cao bạn có thể thay đổi tiêu cự của ảnh và làm mờ mọi thứ ở xa hơn một khoảng cách định sẵn. Tóm lại, bằng cách này hay cách khác, bạn vẫn có thể làm mờ hậu cảnh mà không cần camera thứ hai.
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

AI luôn giúp ảnh và video đẹp hơn?

Hiện nay, khái niệm “trí tuệ nhân tạo” (AI) đã trở thành cụm từ marketing tối thượng trong lĩnh vực công nghệ. Trên thực tế, nhiếp ảnh AI đồng nghĩa với nhiều thứ khác nhau, chứ không chỉ gói gọn trong một loại tính năng cụ thể. Có hay không “AI” trong camera smartphone cũng không làm tăng hay giảm đi tiềm năng chụp được những bức ảnh hay video đỉnh cao của nó.
Đúng là công nghệ AI có thể tối ưu hoá chất lượng hình ảnh bằng cách tinh chỉnh các thuộc tính phức tạp, như dải động, ISO, và cân bằng trắng. Chúng còn có thể phát hiện chính xác những yếu tố trong ảnh, và tìm ra những cách để tinh chỉnh ảnh dựa trên các yếu tố đó. Trong một số smartphone, những công nghệ này còn đặt sẵn các tham số trước khi ảnh được chụp. Nhờ đó, chúng có thể cho ra ảnh tốt hơn đáng kể so với ảnh gốc, trong khi vẫn duy trì được chất lượng và độ sắc nét của ảnh.
Vấn đề là trong một số trường hợp, các thuật toán AI tinh chỉnh ảnh dựa trên định nghĩa được lập trình sẵn về cái đẹp trong một bức ảnh - một định nghĩa mà chưa chắc ai cũng chấp nhận. Chính vì vậy, trong khi một số người dùng smartphone rất thích chụp ảnh với camera AI, số khác tìm cách tắt ngay khi mua máy về. Nhìn chung, camera AI sẽ thực sự hiệu quả khi chúng có thể học được thói quen và sở thích của người dùng smartphone để tinh chỉnh ảnh theo phong cách của họ.
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Chống rung giúp video hoàn toàn không rung?

Trong số những cải tiến đối với công nghệ camera smartphone, chống rung chắc chắn là một trong những tính năng đáng được nhắc đến nhất. Nhờ nó, chúng ta có thể quay được những đoạn video không bị ảnh hưởng bởi chuyển động cơ thể con người. Chống rung thực sự đã cải thiện trải nghiệm nhiếp ảnh smartphone theo chiều hướng tích cực.
Hiện nay, có hai kỹ thuật chống rung được áp dụng nhiều nhất. Chống rung quang học (OIS) dịch chuyển ống kính camera nhằm đối trọng với chuyển động của người dùng smartphone. Nó làm điều đó thông qua sử dụng một cảm biến con quay hồi chuyển được thiết kế cực nhạy và chính xác.
Chống rung điện tử (EIS) thì tinh chỉnh từng khung hình sao cho khớp với một điểm kiểm soát nhất định, tạo ra hiệu ứng ổn định nhân tạo trong video. Cuối cùng, chống rung lai kết hợp OIS và EIS nhằm đảm bảo video quay được vừa ổn định, vừa rõ nét.
Không may là, các kỹ thuật nêu trên đều chưa đạt đến mức có khả năng chống rung 100%. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy vẫn còn nhiều điểm chưa ổn định trong video, đặc biệt khi chuyển động của người dùng quá rung lắc. Dẫu vậy, không thể phủ nhận hiệu quả của công nghệ chống rung hình ảnh - và hãy vui vì biết rằng các nhà sản xuất smartphone vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những ý tưởng mới nhằm hoàn thiện công nghệ này.
Nếu bạn muốn quay video mượt mà hơn, hãy cân nhắc sắm gimbal. Thiết bị cầm tay này sử dụng các con quay hồi chuyển để giữ điện thoại ổn định, và hiển nhiên là đáng tin cậy hơn công nghệ chống rung hình ảnh tích hợp trong máy rồi!
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Tất cả các ống kính đều được kích hoạt trong quá trình chụp ảnh?

Nếu đang sở hữu một chiếc điện thoại nhiều camera, bạn có thể thực hiện một thử nghiệm đơn giản. Mở ứng dụng chụp ảnh, và trong khi lấy nét vào một vật thể, hãy lần lượt che từng ống kính lại. Bạn sẽ thấy rằng việc này không ảnh hưởng đến khả năng chụp ảnh, trừ khi đó là camera chính.
Nếu smartphone có nhiều chế độ chụp, hãy chuyển qua lại giữa các chế độ và lần lượt che các ống kính. Tuỳ thuộc smartphone, thuật toán camera, và điều kiện chụp, camera có thể chuyển đổi giữa các ống kính sao cho phù hợp, có nghĩa ống kính chính không phải lúc nào cũng được dùng để chụp ảnh.
Các nhà sản xuất smartphone liên tục tìm cách cải thiện chức năng và chất lượng ảnh chụp bằng các biện pháp phần mềm lẫn phần cứng. Việc trang bị cụm camera đa ống kính cho smartphone là minh chứng cho điều này. Dẫu vậy, hiếm khi mọi ống kính đều hoạt động cùng lúc. Dù là chụp ảnh thường với màu sắc chân thực, chụp macro chất lượng cao, hay tối ưu ảnh để khâu hậu kỳ mượt mà hơn, mỗi loại ống kính camera chuyên biệt đều giúp người dùng smartphone đạt được kết quả mong muốn.
Ngay cả trong những tình huống mà có hơn một camera được sử dụng - ví dụ như để tạo hiệu ứng DoF, thì số khác khả năng cao vẫn “ngủ đông”. Điều này càng cho thấy sự thừa thãi của cụm camera 4 ống kính hoặc nhiều hơn. Khá thú vị là, dù các điện thoại flagship và tầm trung cũng có nhiều camera, nhưng chất lượng hình ảnh chúng chụp được chắc chắn có sự chênh lệch lớn!
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Zoom quang học và zoom kỹ thuật số là như nhau?

Bạn còn nhớ Samsung Galaxy S4 Zoom, chiếc smartphone ra mắt năm 2013 với ống kính camera thò thụt được hay không? Samsung về sau không tung ra các thiết bị tương tự như vậy nữa - những chiếc camera kiêm điện thoại, thay vì ngược lại - bởi nó không phù hợp với hướng phát triển các sản phẩm nhỏ gọn hơn của ngành công nghiệp di động. Và Galaxy S4 Zoom cho đến nay vẫn là một ví dụ cho thấy sự khác biệt giữa zoom quang học và zoom kỹ thuật số, cũng như tính ưu việt của zoom quang học so với zoom kỹ thuật số.
Giống như các máy ảnh chuyên nghiệp, zoom quang học có cơ chế hoạt động dựa trên việc điều chỉnh ống kính để tăng độ phóng đại của vật thể. Chất lượng hình ảnh không bị mất đi trong quá trình zoom quang học (với tiêu cự và độ phóng đại đều nằm trong khoảng giới hạn). Ngược lại, zoom kỹ thuật số hoạt động bằng cách mở rộng thông tin hình ảnh được lưu giữ bởi một nhóm các điểm ảnh. Điểm ảnh càng ít, chất lượng hình ảnh khi zoom cận cảnh càng thấp - cho đến khi nó bị “vỡ hạt”.
Bằng cách nhồi nhét thêm nhiều megapixel vào camera, các nhà sản xuất smartphone tiếp tục phá vỡ giới hạn của zoom kỹ thuật số. Đồng thời, ống kính zoom quang học trên smartphone cũng ngày một cải tiến. Sẽ rất thú vị khi biết các công ty smartphone sẽ tìm ra giải pháp nào để vượt qua thách thức kỹ thuật nhằm lắp đặt camera zoom quang học vào các thân máy smartphone nhỏ gọn như hiện nay. Và liệu thị trường có hứng khởi với loại ống kính này một khi nó trở thành hiện thực hay không?
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Smartphone luôn cho ra ảnh RAW nguyên bản?

Trong những ngày đầu của nhiếp ảnh smartphone, cả camera lẫn ảnh chụp được từ chúng đều có chất lượng khá thấp. Việc đưa ảnh từ camera ra bộ nhớ điện thoại đã chậm chạp, công nghệ xử lý ảnh cao cấp lại càng hiếm hoi hơn. Ngày nay, chuyện đã khác, khi mà những cải tiến mạnh mẽ cả về phần mềm lẫn công nghệ phần cứng đã xuất hiện dành cho camera smartphone. Nếu chụp ảnh trên smartphone, ảnh của bạn nhiều khả năng đã được đưa qua một loạt các thuật toán xử lý hình ảnh trước khi trở thành một tập tin hình ảnh thực thụ trong bộ nhớ lưu trữ.
Chưa hết, quy trình xử lý ảnh diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Trên một số smartphone, các thuật toán tương đối đơn giản: ảnh được khử nhiễu, tăng sáng, và tinh chỉnh độ bão hoà màu. Trong những trường hợp khác, thuật toán phức tạp hơn: các thuộc tính hình ảnh được tinh chỉnh dựa trên điều kiện môi trường trong khi chụp để tạo ra sự cân bằng giữa vẻ đẹp của chủ thể và chất lượng tổng thể của hình ảnh. Đó là chưa nói đến những quy trình điện toán khác, bao gồm AI mà ML, lùng sục từng điểm ảnh nhỏ và tối ưu hoá tông màu da của đối tượng (như Google Pixel 6 Pro). Nhiều công ty smartphone còn phát triển chip hình ảnh tuỳ biến riêng, chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là xử lý hình ảnh mà thôi.
Dường như người tiêu dùng vẫn thích ảnh chụp được đẹp nhất có thể mà chẳng cần phải ra tay chỉnh sửa gì. Điều này đặt ra một câu hỏi: phải chăng người dùng smartphone luôn muốn ảnh nguyên bản ngay từ đầu?
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Camera sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp với các ứng dụng mạng xã hội?

Nói về ảnh nguyên bản, sự trỗi dậy và phổ biến của trào lưu đăng ảnh lên mạng xã hội là dấu hiệu cho thấy ảnh raw không được người dùng smartphone đánh giá cao - đặc biệt là người dùng trẻ tuổi. Chụp ảnh và quay video bằng Instagram hay Snapchat đã trở thành lựa chọn yêu thích đối với nhiều người dùng smartphone, và một số thậm chí còn dùng chúng như các ứng dụng nhiếp ảnh chủ đạo. Hơn nữa, xét những khác biệt rõ rệt giữa chất lượng ảnh chụp với Instagram trên iPhone và trên điện thoại Android, người dùng smartphone thường có xu hướng tin rằng Instagram cho iOS đã được phát triển để nâng tầm camera iPhone.
Thực ra là không phải. Bên cạnh chỉnh sửa, thêm bộ lọc và nhãn dán, các ứng dụng này không làm gì để cải thiện chất lượng ảnh chụp cả. Sự khác biệt giữa ảnh Instagram chụp với điện thoại Android và với iPhone chủ yếu liên quan đến tính liền mạch phần mềm - phần cứng. Bởi iPhone sử dụng chipset và hệ điều hành của cùng một công ty, nên phát triển ứng dụng di động tận dụng tối đa kiến trúc này sẽ dễ dàng hơn. Điều này không đúng đối với các điện thoại Android. Cho đến khi smartphone Android trở nên thống nhất hoặc chuẩn hoá, thì khả năng của những ứng dụng nhiếp ảnh sẽ còn những hạn chế khó vượt qua.
Ngoài ra, sẽ là sai lầm to lớn nếu người dùng smartphone lấy ảnh mạng xã hội ra làm tiêu chuẩn cho chất lượng camera trong tương lai. Những cải tiến camera về sau liệu có đi theo con đường này hay không, chúng ta sẽ phải chờ xem.
11 hiểu lầm phổ biến về máy ảnh điện thoại nhiều người vẫn tin là đúng

Camera smartphone đã vượt mặt camera chuyên nghiệp?

Camera smartphone thường được các nhà sản xuất quảng cáo như vậy, nhưng đừng tin điều đó. Vẫn còn một chặng đường rất dài phải đi, và nhiều quyết định khó khăn đang chờ trước mắt.
Tất nhiên, camera smarphone đã rất tốt rồi. Người dùng có thể chụp và quay hầu như bất kỳ loại ảnh hay video nào trên camera này. Một số chúng, như camera của iPhone 14 Pro, có khả năng quay cả bộ phim hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, smartphone còn được trang bị nhiều tính năng ngày càng hiện đại để cải thiện chất lượng ảnh, video, và zoom. Cinematic Mode của iPhone 14 Pro mang đến cho smartphone khả năng mà trước đây chỉ có camera quay phim chuyên nghiệp mới làm được. Không cần phải nói, mọi thứ có vẻ đang rất thuận lợi cho camera smartphone, phải vậy không?
Tuy nhiên, hiện tại, smartphone vẫn chỉ là smartphone. Máy ảnh DSLR vẫn cho ảnh chân thực hơn camera smartphone, bởi chúng có khả năng ghi nhận màu sắc, ánh sáng, và các sắc độ tốt hơn. Ngoài ra, máy ảnh chuyên nghiệp mang đến khả năng kiểm soát các thuộc tính hình ảnh tốt hơn, như độ phơi sáng, tiêu cự, bokeh, ISO, và cân bằng trắng. Dù cùng độ phân giải, chất lượng hình ảnh cao hơn chỉ có thể đạt được với camera chuyên nghiệp thay vì camera smartphone.
Nhìn chung, camera smartphone vẫn đang được phát triển theo hướng mang lại trọn vẹn khả năng nhiếp ảnh của camera chuyên nghiệp lên điện thoại. Có thể kết quả sẽ đến sớm hơn dự kiến, và đó chính là lý do tại sao tương lai có rất nhiều điều thú vị đang chờ đón công nghệ camera smartphone.
Tham khảo: SlashGear
>> 5 thông số camera quan trọng, ít được nhà sản xuất nói đến trên smartphone
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top