2 “trò đùa” cá nhân và doanh nghiệp gây ra, sao lại bắt cả thị trường gánh chịu?

Tuần vừa qua trên thị trường bất động sản và chứng khoán đã xảy ra 2 “trò đùa”. Thứ nhất là vụ bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, thứ hai là vụ bỏ cọc 600 tỉ đồng của tập đoàn Tân Hoàng Minh, khiến thị trường gánh nhiều hệ lụy nặng nề.

“Trò đùa” thứ nhất

“Trò đùa” thứ nhất là vụ ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch tập đoàn FLC - bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này (mã FLC). Khi dư luận bức xúc đến cực độ vì vụ bán “chui” vỡ lở khiến cho cổ phiếu FLC lao dốc liên tục và các nhà đầu tư thiệt hại nặng nề, tập đoàn này đã đưa ra giải trình việc không thông báo/báo cáo cho cơ quan quản lý là do bộ phận thư ký bị quên. Chính cách giải trình như “trò đùa” càng khiến các nhà đầu tư và dư luận mất niềm tin. Ông chủ tịch FLC định bán hàng trăm triệu cổ phiếu, nhưng vụ bán “chui” thì mới đẩy đi được 74,8 triệu trong bối cảnh trước đó mã FLC liên tục tăng mạnh và tăng trần trong 4 phiên liên tục với tổng cộng mức tăng hơn 20% về giá, mà có thể quên thủ tục thông báo thì “chuyện thật như đùa”. Ngược lại nếu thương vụ ông Quyết bán ra cổ phiếu được thông báo đầy đủ theo đúng thủ tục quy định, giá cổ phiếu FLC chắc gì tăng mạnh liên tục như vậy? Mặt khác, việc âm thầm bán ra hàng chục triệu cổ phiếu từ người có sức ảnh hưởng tại doanh nghiệp và trên thị trường như ông Quyết đối với mã chứng khoán FLC chẳng khác nào lén lút trục lợi (các nhà đầu tư thì cho rằng bị ông Quyết “úp bô”) khiến cho nhiều nhà đầu tư ôm cổ phiếu này bị kẹp hàng còn mã FLC thì liên tục lao dốc từ phiên ngày 10/1/2022 về sau. Ông Quyết và thông tin giải trình từ phía FLC phát ra như một trò đùa. Nhưng thị trường bị khuấy đảo bất ổn và nhà đầu tư ôm cổ phiếu đang thiệt hại nặng lại là một thực tế đau đớn và phẫn nộ.
2 “trò đùa” cá nhân và doanh nghiệp gây ra, sao lại bắt cả thị trường gánh chịu?

“Trò đùa” thứ hai

“Trò đùa” thứ hai là vụ Tân Hoàng Minh (chính xác là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tân Hoàng Minh) bỏ cọc gần 600 tỉ đồng đối với khu đất đã trúng thầu trị giá 24.500 tỉ đồng tại Thủ Thiêm (thuộc Thành phố Thủ Đức, TP.HCM), ông chủ tịch của doanh nghiệp này đã viết một tâm thư kể lể dông dài, nhưng chỉ khiến dư luận cảm thấy khôi hài hơn chứ chẳng thể cảm thông. Bởi trước đó, chính vì vụ trúng thầu của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt với mức giá được đẩy lên kỷ lục 2,4 tỉ đồng/m2, đã thúc giá đất tại khu vực này “té nước theo mưa” tăng ảo. Cùng với đó, một số mã cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất ở Thủ Thiêm liên tục tăng mạnh, thậm chí giá tăng hơn gấp đôi trong vòng khoảng một tháng bất chấp thực tế tình hình sản xuất kinh doanh chẳng có gì đột phá. Từ vụ trúng thầu cho đến việc bỏ cọc đã khiến một phần thị trường bất động sản tại TPHCM và thị trường chứng khoán bị khuấy đảo, tăng giá ảo và nóng phi thực tế kết quả kinh doanh khiến cho thị trường bị méo mó, thiếu lành mạnh.

Vị đắng đối với nhà đầu tư

Trong 2 “trò đùa”, cho tới thời điểm này, mới chỉ có “trò đùa” thứ nhất bị chế tài một cách rõ ràng. Cụ thể là Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã hủy thương vụ bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông này, đồng thời sẽ tiến hành xử phạt theo quy định hiện hành. Còn “trò đùa” thứ hai, đến lúc này cũng mới chỉ dừng lại ở thông tin 11 khu đất của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội bị cơ quan chức năng kiểm tra. Trong khi đó, hệ lụy từ vụ bỏ thầu giá cao ngất rồi bỏ cọc rút rui dẫn đến tác động tiêu cực đến cổ phiếu của nhóm ngành bất động sản trên thị trường chứng khoán vẫn chưa có điểm dừng và cũng chưa được xem xét tới. Vấn đề đặt ra là, vụ ông Trịnh Văn Quyết chí ít cũng còn có các quy định chế tài và đã được các cơ quan quản lý từng bước xử lý. Song còn vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc rút lui khỏi vụ trúng thầu lô đất Thủ Thiêm, số tiền cọc doanh nghiệp này chịu mất chẳng thấm tháp vào đâu so với những hệ lụy từ việc doanh nghiệp này gây ra. Trước mắt có thể thấy, đó là cơn lao dốc của nhiều cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán bị “văng miểng”. Vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc gần 600 tỉ đồng trên tổng giá trị lô đất trúng thầu 24.500 tỉ đồng, là một thương vụ có giá trị rất lớn và chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên với vụ bán “chui” cổ phiếu của ông Quyết, chẳng phải là chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, những tiền lệ từng xảy ra và xử lý có cũng như không vì “giơ cao đánh khẽ” chẳng răn đe được gì. Hàng chục năm qua các vụ bán “chui” cổ phiếu xảy ra chỉ bị chế tài với mức phạt tiền không đáng kể. Cho nên, những “cá mập” hay “lái bự” chẳng mảy may e sợ khi họ đã có những tính toán trước một cách kỹ càng giữa khoản lợi có được và mức phạt. Cuối cùng, chỉ có những nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong đó hầu hết là các nhà đầu tư làm ăn chân chính và tuân thủ các quy định của pháp luật, lại là những người chịu thiệt hoặc bị thiệt hại nặng. Luật pháp vẫn còn quá nhiều kẽ hở để cho những kẻ lắm tiền nhiều bạc lợi dụng để thao túng trục lợi hoặc thực hiện các hành vi không chính trực trên thị trường, gây ra các cơn sốt ảo, giá cổ phiếu, đất đai tăng mạnh một cách phi thực tế… Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top