3 nơi trong Hệ Mặt Trời có thể nuôi dưỡng sự sống giống Trái Đất

Trong hệ Mặt Trời chỉ có hai thế giới được xác nhận có hoạt động kiến tạo và các dạng hoạt động địa chất khác là Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc.
Io quá nóng bỏng do hoạt động địa chất quá mức, nhưng đối với Trái Đất, đó là một yếu tố góp phần bảo tồn cho địa cầu một môi trường có thể sống được, đóng góp quan trọng vào sự ổn định của thành phần hóa học và các yếu tố khác của bầu khí quyển.
Nhưng có thể không chỉ có Trái Đất và Io, một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Icarus tiết lộ.
Ganymede, Europa và Enceladus là 3 mặt trăng băng giá mà các cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu là NASA và ESA, cũng như nhiều nhà khoa học khác từng nghi ngờ là có thể nuôi dưỡng sự sống dưới đại dương ngầm.
3 nơi trong Hệ Mặt Trời có thể nuôi dưỡng sự sống giống Trái Đất
Mặt trăng Europa của Sao Mộc - Ảnh: NASA
Ba thiên thể này cũng được cho là có thể có hoạt động kiến tạo, với một số vùng bề mặt hiển thị các cấu trúc rãnh giống như các đứt gãy trên Trái Đất, theo dữ liệu NASA.
Theo Sci-News, nghiên cứu mới, thực hiện bởi Đại học Arizona và Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (JPL-NASA) đã thử nghiệm giả thuyết rằng vật liệu nhẵn trên các vệ tinh băng giá có thể hình thành thông qua sự xuống cấp của các khối đứt gãy do lở đất kích hoạt địa chấn.
Điều này có nghĩa hoạt động kiến tạo rõ ràng đang diễn ra khắp nơi trên các thiên thể này.
Phát hiện đến từ mối hoài nghi xung quanh việc các rặng núi dốc được bao quanh bởi các khu vực tương đối bằng phẳng và nhẵn.
Nghiên cứu mới đã đo kích thước các đường gờ dốc, được do là các vết nứt do đứt gãy kiến tạo giống Trái Đất. Một mô hình được dựng lên và cho thấy chúng được tạo ra bởi sức mạnh của các trận động đất trong quá khứ, mạnh tới nỗi san phẳng các vật liệu vỡ vụn sau khi xô đổ chúng.
Phát hiện quan trọng về cách hoạt động kiến tạo trên các mặt trăng này sẽ là dữ liệu định hướng cho các nhiệm vụ khám phá trực tiếp chúng trong tương lai - bao gồm tìm ra nơi có thể chứa đựng sự sống - như nhiệm vụ Europa Clipper sắp tới của NASA, dự kiến đến Sao Mộc vào năm 20230 và thực hiện 50 chuyến bay quanh mặt trăng Europa.
ESA cũng đã tung sứ mệnh JUICE khám phá Sao Mộc, trong đó cũng có nhiệm vụ nghiên cứu kỹ hơn về hai mặt trăng Ganymede và Europa.
Dữ liệu khủng từ hai tàu khám phá Sao Mộc và Sao Thổ lâu năm - Juno và Cassini - của NASA vẫn đang được các nhà khoa học khắp thế giới nghiên cứu.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top