4 điều cần biết về Evergrande - quả bom nợ 300 tỷ USD gây chấn động tài chính thế giới

Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc được ví như một quả bom tài chính với số nợ lên đến 300 tỷ USD, hiện quả bom này đang gây chấn động đến các thị trường tài chính lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Vì sao một gã khổng lồ bất động sản như Evergrande lại đi đến kết cục này? Và tương lai của tập đoàn này sẽ như thế nào? Dưới đây là 4 thông tin bạn cần biết về quả bom nợ khổng lồ này.
4 điều cần biết về Evergrande - quả bom nợ 300 tỷ USD gây chấn động tài chính thế giới
Khoản nợ khổng lồ của Tập đoàn Evergrande đã gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường toàn cầu (Ảnh: Reuter)

1. Evergrande là ai và quan hệ chính trị của nhà sáng lập Hứa Gia Ấn như thế nào?​

Evergrande được thành lập từ năm 1996, có trụ sở tại Quảng Châu và là một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Khởi đầu với mảng kinh doanh căn hộ chung cư nhỏ có giá rẻ chỉ với khoảng một chục nhân viên, Evergrande đã tạo được chỗ đứng của mình và thúc đẩy thị trường bất động sản bùng nổ vào đầu những năm 2000.
Năm 2020, doanh thu của Evergrande đạt 507,2 tỷ NDT (khoảng 78,4 tỷ USD) và xếp thứ 2 về tổng diện tích sàn bán được.
Nhà sáng lập và chủ tịch của Evergrande, là ông Hứa Gia Ấn, trước đây đã từng tham gia kinh doanh bất động sản tại một sàn giao dịch từ những năm 1990 và đã thành công đáng kể ở phân khúc nhà ở trung lưu. Từ những kinh nghiệm có được, ông Ấn đã dẫn dắt hoạt động của Evergrande thông qua những nội quy riêng về thiết kế và thu mua vật liệu để giảm giá thành sản phẩm.
Năm 2017, cái tên Hứa Gia Ấn đứng đầu danh sách những người giàu có nhất Trung Quốc của Hurun Report với khối tài sản lên đến 290 tỷ NDT. Năm 2018, ông được Đảng Cộng sản Trung Quốc công nhận là một trong 100 doanh nhân xuất sắc thuộc khối tư nhân nhân kỷ niệm 40 thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa”.
Khi đã trở thành một ngôi sao sáng trong giới doanh nhân, Hứa Gia Ấn được tham gia vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn hàng đầu có quan hệ mật thiết về chính trị của nước này. Ông đã có những đóng góp tích cực vào nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng như những sáng kiến nhà nước khác của Trung Quốc. Đồng thời, ông còn đầu tư vào ngành công nghiệp, giáo dục tại địa phương và xây dựng quan hệ với các chính trị gia có tầm ảnh hưởng trong quá trình này.
Tiếp bước thành công trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Evergrande đã có những đột phá trên nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, tập đoàn này sở hữu đội bóng đá Quảng Châu FC với 2 lần giành quán quân giải bóng đã AFC Champions League, ngoài ra tập đoàn còn đầu tư vào bóng chuyền và nhiều môn thể thao khác. Hiện tại, các mảng kinh doang của Evergrande rất đa dạng, từ công viên giải trí cho đến sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, bong bóng nợ đang đặt khả năng tài chính của Evergrande vào thế ngàn cân treo sợi tóc.
4 điều cần biết về Evergrande - quả bom nợ 300 tỷ USD gây chấn động tài chính thế giới
Nhà sáng lập và chủ tịch Tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn (Ảnh: Reuter)

2. Vì sao Evergrande lâm vào tình trạng nghiêm trọng như vậy?​

Mùa hè 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã gạch ra “đường giới hạn đỏ” đối với các công ty phát triển bất động sản: tỷ lệ nợ trên tài sản tối đa là 70%, giới hạn nợ ròng trên vốn chủ sở hữu là 100%, và dự trữ tiền mặt tối thiểu bằng khoản vay ngắn hạn. Các doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ bị hạn chế trong việc vay vốn từ ngân hàng.
Evergrande đã cố gắng cân đối tài chính để có thể đáp ứng những yêu cầu này. Theo đó, công ty đã giảm giá bán căn hộ để thu hút khách hàng và mang về các khoản tiền mặt. Trong tháng 7 vừa qua, giá bất động sản trung bình của Evergrande đã giảm 14% xuống còn 8.055 NDT/m2.
Dù đang thu xếp trả dần các khoản nợ, tuy nhiên tiến trình vẫn còn rất chậm chạp. Theo Viện nghiên cứu Beike, đến cuối tháng 6/2021, Evergrande vẫn còn vi phạm 2 giới hạn đỏ.
Các công ty xây dựng và nhà cung cấp vật liệu có làm ăn với Evergrande cũng đã lên tiếng về các khoản chậm thanh toán – một thay đổi so với cán cân quyền lực thường thấy trong ngành này là các công ty phát triển bất động sản thường nắm mọi thứ trong tay. Bên cạnh đó, một ngân hàng địa phương đã đóng băng khoản tiền gửi của Evergrande, nguyên nhân rõ ràng là do vấn đề nợ nần của tập đoàn này.

3. Vì sao vấn đề của Evergrande lại tác động mạnh đến thị trường chứng khoán như vậy?​

Quy mô khoản nợ phải trả, tác động đối với các nhà đầu tư nước ngoài thông qua khoản nợ nước ngoài 20 tỷ USD, và quan điểm cho rằng tình huống này là một phép thử trước các chính sách mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tất cả đều có vai trò nhất định.
Giữa những dấu hiệu tình hình ngày càng căng thẳng, ngày 13/9, Evergrande đưa ra tuyên bố rằng công ty đang phải đối mặt với “những khó khăn chưa từng có”. Mặc dù Evergrande phủ nhận tin đồn về khả năng phá sản, nhưng việc thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro xung quanh quả bom nợ này.
Tổng nợ phải trả của Evergrande là 1,97 nghìn tỷ NDT – tương đương 2% tổng GDP danh nghĩa của Trung Quốc. Xử lý sai tình huống có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính của quốc gia này.
Mọi sự chú ý đã chuyển sang việc liệu Evergrande có vỡ nợ đối với các khoản nợ đến hạn phải trả vào cuối tháng này và các tháng tiếp theo hay không.
Ngoài ra, số phận của Evergrande ảnh hưởng như thế nào đến những lĩnh vực khác bên ngoài hệ thống tài chính cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Một cuộc khủng hoảng tiền mặt lớn hơn có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng các khu chung cư đã được bán ra thị trường và đến tay người tiêu dùng. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với một quốc gia mà nhà ở chiếm phần lớn tài sản của người dân.
4 điều cần biết về Evergrande - quả bom nợ 300 tỷ USD gây chấn động tài chính thế giới
Các nhân viên bảo vệ làm thành rào chắn trước trụ sở Tập đoàn Evergrande ở thành phố Thâm Quyến, vào ngày 13/9, khi rất đông người kéo tới đòi nợ (Ảnh: Reuters)

4. Evergrande sẽ phá sản?​

Nếu không thể trở mình, tái cơ cấu phá sản là một sự lựa chọn. Nếu các chủ nợ đồng ý, họ sẽ cắt giảm khoản nợ để công ty có thể tự vực dậy. HNA Group đã bắt đầu quá trình này từ tháng 2.
Tuy nhiên, con đường này không có bất kỳ sự bảo đảm nào cho sự thành công sau tái cơ cấu. Nếu Evergrande tiếp tục sa lầy, nó có thể sẽ bị thanh lý.
Một trong những dấu hỏi lớn chưa có lời giải là liệu chính phủ có ra tay giải cứu Evergrande hay không.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên mạng xã hội rằng Evergrande không nên trông chờ được giải cứu, và ngay thời điểm chính phủ đang thay đổi ngành này, họ sẽ không bảo vệ doanh nghiệp bất kể vấn đề nghiêm trọng đến đâu.
Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy chiến dịch “thịnh vượng chung”, ngành bất động sản được xem là mục tiêu của các quy định mới nhằm giải quyết vấn đề giá nhà ở tăng cao, đây được xem là nguyên nhân gốc rễ của việc tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Việc giải cứu Evergrande sẽ khiến thông điệp của chính phủ bị phai mờ đi, tuy nhiên, họ cũng không thể xem thường tác động từ vụ nổ Evergrande đối với kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top