Ai bảo vệ quyền lợi người dùng bị 10 lần đứt cáp mỗi năm?

TienCM

Pearl
Cáp quang biển Việt Nam gặp sự cố 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa chữa cả tháng, các nhà mạng hứa hẹn khắc phục nhưng đâu lại vào đấy.
Mới đây, tuyến cáp quang biển APG lại một lần nữa gặp sự cố đứt gãy hôm 13/12 trên hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), gây ảnh hưởng đến đường truyền Internet đi quốc tế của người dùng Việt Nam. Đây không phải lần đầu tuyến cáp này gặp vấn đề trong thời gian gần đây. Sự cố gần nhất chỉ vừa mới được khắc phục vào ngày 27/11 vừa qua trên phân đoạn S3, hướng kết nối từ Việt Nam đi Nhật Bản và Mỹ. Hiện tại, chỉ còn duy nhất tuyến cáp quang biển AAG, nhưng tuyến này cũng đang gặp sự cố và chưa được khắc phục xong.
Theo một thống kê mới đây của Viettel Networks, trung bình cáp quang biển tại Việt Nam gặp sự cố 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa kéo dài cả tháng. Điều này khiến nhà mạng chỉ khai thác sử dụng được 3/4 khả năng của tuyến cáp đó. Thực tế trong năm 2021, nhiều tuyến cáp liên tục gặp sự cố, ảnh hưởng đến việc kết nối Internet quốc tế của người dùng. Không chỉ thiếu ổn định, số lượng cáp quang biển Việt Nam cũng ở mức thấp (bảy tuyến cáp biển) so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ai bảo vệ quyền lợi người dùng bị 10 lần đứt cáp mỗi năm?
Dù các công ty viễn thông liên tục đưa ra nhiều giải pháp khắc phục sự cố như mở băng thông, điều chỉnh dung lượng, và gần như 'đường truyền Internet nội địa không bị ảnh hưởng', nhưng thực tế vẫn diễn ra hiện tượng nghẽn mạng, đường truyền chập chờn, gây khó chịu cho người sử dụng dịch vụ.
Tôi phải làm việc từ xa nhưng rất khó khăn mỗi khi gửi email hay trao đổi công việc, họp online bằng các phần mềm, dịch vụ nước ngoài. Với con tôi cũng vậy, các cháu ngày nào cũng phải học online, nhưng cứ mỗi khi đứt cáp là hiện tượng giật, nghẽn mạng lại xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của con. Phần lớn nhu cầu dùng mạng của người dùng Việt đều liên quan đến hệ thống kết nối quốc tế - thứ vốn không được các nhà mạng trong nước chú trọng cam kết với người sử dụng.
Điều 33 Luật viễn thông đã quy định doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước đã thu. Tuy nhiên, để có thể nhận được bồi thường, người sử dụng dịch vụ Internet cần phải chứng minh được thiệt hại của mình. Đây bị xem là rào cản lớn nhất với người dùng Việt trong việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, nhất là khi không phải ai cũng rành về mặt kỹ thuật.
Thêm vào đó, việc nhiều người dùng Việt không hiểu rõ về nội dung tốc độ cam kết của các nhà mạng cũng là một nguyên nhân khiến họ luôn phải chịu phần thiệt thòi. Trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, nhà cung cấp dịch vụ Internet luôn có ghi rõ cam kết tốc độ tối thiểu, nhưng thực chất đó là dành cho kết nối nội địa. Trong khi đó, tuyến cáp bị đứt thường xuyên là kết nối đi quốc tế lại được nhà mạng cam kết tốc độ thấp hơn nhiều.
Người dùng Việt sử dụng khác nhiều các trang mạng nước ngoài như Facebook, YouTube, Google nên bị ảnh hưởng nhiều mỗi khi đứt cáp. Tuy nhiên, điều đó lại không ảnh hưởng đến cam kết của các nhà mạng.
Không nhiều người dùng bình thường hiểu rõ tường tận về các thuật ngữ chuyên môn hay thông số kỹ thuật trong hợp đồng. Ở chiều ngược lại, vì áp lực chạy doanh số nên nhiều tư vấn viên cũng bỏ qua việc giải thích rõ cho khách hàng từ đầu, hoặc thậm chí cố tình nói mập mờ về tốc độ đường truyền để khiến khách hàng hiểu nhầm, dẫn đến những bức xúc trong quá trình sử dụng mà không được giải quyết thỏa đáng. Nếu họ làm rõ giữa hai khái niệm tốc độ kết nối trong nước và nước ngoài khi làm hợp đồng lắp đặt, tôi tin người dùng sẽ không bức xúc, cảm thấy bị bỏ rơi mỗi khi cáp quang biển bị đứt.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dùng Việt, theo tôi, các nhà cung cấp dịch vụ Internet cần chấn chỉnh lại hoạt động tư vấn khách hàng trước khi ký kết hợp đồng, tránh việc "tốt khoe xấu che" như thời gian qua, khiến người dùng có cảm giác bị lừa dối. Một điều nữa cần làm rõ đó là ai chịu trách nhiệm mỗi khi cáp quang biển bị đứt? Không thể để tình trạng "cha chung không ai khóc" và rồi người chịu thiệt thòi vẫn luôn là người sử dụng internet.
Trách nhiệm vận hành và đảm bảo hoạt động của mỗi tuyến cáp quang biển thuộc về liên minh các đơn vị tham gia đầu tư và vận hành tuyến cáp đó, trong đó có thể có các nhà viễn thông của Việt Nam. Còn việc đảm bảo chất lượng kết nối Internet cho người sử dụng là trách nhiệm của nhà mạng trong nước. Đồng ý rằng việc đứt gãy cáp quang là sự cố bất khả kháng, nhưng không thể để tháng nào cũng đứt cáp, mạng chậm, hứa hẹn sửa chữa sớm rồi lại đâu vào đấy. Đó chỉ là các giải pháp tình thế chứ không phải kế hoạch dài hạn.
Bên cạnh việc giảm một phần giá cước, các nhà cung cấp mạng cũng cần chủ động lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển hoặc mở rộng các kênh kết nối, nâng băng thông... nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp.
Đây không chỉ là câu chuyện giữ đúng cam kết trong hợp đồng với khách hàng mà còn là trách nhiệm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng trải nghiệm người dùng, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Có như vậy, các nhà mạng mới có thể chiếm được lòng tin và sự trung thành của người sử dụng, xứng đáng với số tiền họ đã bỏ ra.
Theo VnExpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top