Ai là người phát minh ra ổ đĩa USB?

Vào năm 2000, tại một hội chợ thương mại ở Đức, một công ty khá ít tiếng tăm của Singapore là Trek 2000, đã công bố một con chip bộ nhớ thể rắn lắp gọn gàng bên trong lớp vỏ bằng nhựa, với một đầu kết nối Universal Serial Bus (USB).
Thiết bị này, kích cỡ chỉ bằng một thỏi kẹo cao su, chứa được 8 MB dữ liệu và không cần kết nối với nguồn điện ngoài, mà lấy trực tiếp điện từ máy tính khi kết nối. Nó được đặt tên là ThumbDrive, và dù ngày nay được biết đến với khá nhiều tên gọi khác nhau - bao gồm thanh nhớ (memory stick), thanh USB (USB stick), ổ đĩa flash (flash drive), ổ đĩa USB, thumb drive - nó đã thay đổi mãi mãi cách chúng ta lưu trữ và truyền tải các tập tin máy tính.
Ổ đĩa USB là một cú hit ngay khi vừa ra mắt, với hàng trăm đơn đặt hàng bản mẫu chỉ trong vài giờ. Cuối năm đó, Trek lên sàn chứng khoán Singapore, và trong vòng 4 tháng - từ tháng 4 đến tháng 7/2000, họ đã sản xuất và bán ra hơn 100.000 ThumbDrive!
Ai là người phát minh ra ổ đĩa USB?

Tạm biệt, ổ đĩa mềm

Trước khi ổ đĩa USB ra đời, người dùng máy tính lưu trữ và truyền tải các tập tin bằng ổ đĩa mềm. Phát triển bởi IBM vào thập niên 1960, những loại đĩa mềm 8-inch, rồi sau đó là 5 1/4-inch và 3 1/2-inch dần thay thế băng cassette để trở thành công cụ lưu trữ di động thực dụng nhất thế giới. Đĩa mềm bị hạn chế bởi dung lượng lưu trữ tương đối nhỏ - những đĩa hai mặt, mật độ gấp đôi thông thường cũng chỉ chứa được 1,44 MB dữ liệu mà thôi.
Đến thập niên 1990, khi kích cỡ các tập tin và phần mềm tăng mạnh, các công ty máy tính buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Máy tính cá nhân vào cuối thập niên 1980 bắt đầu được tích hợp ổ đĩa CD-ROM, nhưng lúc bấy giờ chúng chỉ có thể đọc các đĩa ghi sẵn, không thể lưu trữ dữ liệu do người dùng tạo ra. Iomega Zip Drive, một “siêu ổ đĩa mềm” ra mắt năm 1994, chứa được 750 MB dữ liệu và có thể ghi được, nhưng chưa bao giờ phổ biến rộng rãi một phần do sự cạnh tranh khốc liệt từ các ổ đĩa cứng rẻ hơn, dung lượng cao hơn.
Người dùng máy tính thực sự cần một thiết bị lưu trữ di động rẻ, dung lượng cao, ổn định. Ổ đĩa USB chính là thứ đó và còn làm được hơn thế nữa. Nó đủ nhỏ để nhét vào túi áo, hoặc gắn vào móc khóa, và đủ bền để có thể quăng ném khắp nơi mà chẳng ngại hư hỏng. Với tất cả những lợi thế như vậy, ổ đĩa USB về cơ bản đã đặt dấu chấm hết cho thời đại ổ đĩa mềm.
Nhưng Trek 2000 lại không thể trở thành cái tên được nhiều người biết đến. Và người phát minh ra ổ đĩa USB, CEO Trek, Henn Tan, cũng không trở nên nổi tiếng giống các nhà tiên phong phần cứng khác như Robert Noyce, Douglas Engelbart, hay Steve Jobs. Ngay cả tại quê nhà Singapore, số lượng người biết đến Tan hay Trek cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tại sao vậy? Suy cho cùng, các công ty lớn bao gồm IBM, TEAC, Toshiba, và Verbatim, đều đã mua bản quyền công nghệ của Trek để sản xuất ra các thiết bị lưu trữ dữ liệu của chính họ. Và hàng loạt công ty khác cứ thế mà…sao chép phát minh của Tan, bất kể có được cấp phép hay không.

Những tranh cãi xoay quanh nguồn gốc ổ đĩa USB

Câu chuyện của ổ đĩa USB đã tiết lộ cho chúng ta khá nhiều điều về vấn đề phát minh trong thời đại máy tính. Hiếm khi một phát minh công nghệ số được gắn với tên một cá nhân hay công ty, mà thay vào đó là những mạng lưới dày đặc các cá nhân và công ty cùng hợp tác hoặc cạnh tranh, và những cải tiến thường được tung ra một cách nhỏ giọt theo thời gian. Bản chất nhỏ giọt của cải tiến đồng nghĩa việc kiểm soát độ phổ biến, quy trình sản xuất, và phát triển những ý tưởng mới là gần như bất khả thi.
Do đó, không ngạc nhiên khi có rất nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của ổ đĩa USB, với không ít tuyên bố trùng lặp và trái ngược nhau.
Vào tháng 4/1999, công ty Israel là M-Systems nộp bằng sáng chế tiêu đề “Kiến trúc cho một ổ đĩa flash dựa trên Universal Serial Bus”. Bằng sáng chế này được cấp cho Amir Ban, Dov Moran, và Oron Ogdan vào tháng 11/2000. Năm 2000, IBM bắt đầu bán các thiết bị lưu trữ 8 MB của M-Systems tại Mỹ dưới cái tên DiskOnKey. IBM cũng tuyên bố phát minh một phần của thiết bị, dựa trên một tài liệu nội bộ tuyệt mật vào năm 2000 viết bởi một trong các nhân viên là Shimon Shmueli. Trong khi đó, các nhà phát minh tại Malaysia và Trung Quốc cũng khẳng định bản thân là người đầu tiên đưa ra ý tưởng ổ đĩa USB.
Có thể nói, cuối thập niên 1990 là thời điểm “thiên thời địa lợi” để ổ đĩa USB bùng nổ. Bộ nhớ flash vào thời điểm năm 1995 đã trở nên vừa đủ rẻ và nhanh cho đại đa số người tiêu dùng. Việc lưu thông dữ liệu qua mạng internet, bao gồm phần mềm và nhạc, cũng đang sôi động hơn bao giờ hết, làm tăng nhu cầu đối với các phương tiện lưu trữ dữ liệu di động.
Khi công nghệ le lói và người tiêu dùng khao khát sở hữu, thì phát minh mới là điều gần như không thể tránh khỏi. Và các nhà phát minh chắc chắn đã ấp ủ những ý tưởng riêng về một thiết bị tương tự nhau. Nhưng không nhiều câu chuyện vẽ ra được bức tranh rõ ràng về nguồn gốc ổ đĩa USB - hoặc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phổ biến của nó - như câu chuyện của Tan ở Singapore.
Ai là người phát minh ra ổ đĩa USB?
Henn Tan, ảnh chụp năm 2017

Henn Tan: từ cậu nhóc trốn học thành doanh nhân sáng tạo

Tan, người con thứ 3 trong gia đình gồm 6 người con trai, sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng thuộc Geylang, Singapore. Bố mẹ ông là những nông dân ngày đêm lam lũ, hiếm khi có mặt ở nhà.
Là người đầu tiên trong gia đình được học trung học, Tan nhanh chóng bị bạn bè lôi kéo bỏ học để tụ tập trong các quán ven đường, mặc quần jean rách, uống cafe và phì phèo thuốc lá, để tóc dài như những ngôi sao nhạc rock. Sau một trận đòn nhừ tử vì trốn tiết trong năm thứ ba ở trường trung học, Tan bừng tỉnh và quyết tâm học hành, vượt qua được kỳ thi cấp O. Ông gia nhập quân đội vào năm 1973 và sau hai năm nghĩa vụ bắt buộc, ông nhận việc thợ máy tại một công ty đa quốc gia của Đức.
Đó không phải là một công việc khó tìm vào thời điểm đó. Vào cuối thập niên 1960, Singapore đang trên đà công nghiệp hóa với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nhằm vào các công ty đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử và bán dẫn, để họ thiết lập nhà máy trên đảo quốc sư tử. Đến đầu thập niên 1970, Singapore là nơi đặt nhà máy sản xuất của Fairchild Semiconductor, General Electric, Hewlett Packard, và Texas Instruments… Tiếp đó là Matsushita (nay là Panasonic) vào năm 1973 và Nippon Electric Company (nay là NEC) vào năm 1977.
Tan làm việc siêng năng, tiết kiệm tiền để trả cho khóa học lái xe. Ngay khi có bằng, bộ phận bán dẫn của NEC đã thuê ông về làm giám đốc bán hàng. Ba năm sau đó, vào năm 1980, ông chuyển sang Sanyo làm quản lý bán hàng vùng. Trong 15 năm tiếp theo, ông thăng tiến lên chức giám đốc bán hàng, tích lũy được kinh nghiệm quý giá trong ngành công nghiệp điện tử, bao gồm mối quan hệ với hàng loạt các nhà cung ứng và nhiều nhóm khách hàng đa dạng.

Ngành công nghiệp điện tử châu Á cất cánh

Năm 1995, Tan từ chức ở Sanyo và mua lại Trek, một công ty giao dịch linh kiện điện tử gia đình ở Geylang, với giá chỉ 1 triệu USD. Ông lên kế hoạch phát triển sản phẩm để bán giấy phép sử dụng, hoặc bán cho các công ty đa quốc gia lớn tại Singapore.
Trong khi đó, doanh số thiết bị máy tính toàn cầu bắt đầu bùng nổ. Dù máy tính cá nhân (PC) và nhiều loại máy tính nhỏ gọn đã xuất hiện từ cuối thập niên 1970, cả Apple và IBM đều tung ra các mẫu laptop hàng đầu của họ lần lượt trong năm 1991 và 1992. Cùng với sự phổ biến của laptop là nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các thiết bị ngoại vi như màn hình, modem, máy in, bàn phím, chuột, adapter đồ họa, ổ cứng, ổ đĩa CD-ROM, và ổ đĩa mềm. Thời kỳ dot-com diễn ra từ 1995 đến 2000 càng làm nhu cầu này tăng cao.
Nhiều sản phẩm điện tử trong số đó, bao gồm những con chip bên trong, được sản xuất tại châu Á, bao gồm Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, và Singapore, theo hệ thống OEM. Những nhà sản xuất thiết bị nguyên bản này sản xuất máy tính cho Apple, Dell, và các công ty khác vốn thường xuyên thuê ngoài để đưa thiết kế của họ ra đời thực.
Đến giữa thập niên 1990, Singapore đã trở thành một trung tâm sản xuất điện tử quan trọng của thế giới, với nhiều sản phẩm bao gồm ổ cứng và tấm bán dẫn. Và đảo quốc này cũng sở hữu một hệ sinh thái điện tử đặc sắc, ngày một phát triển mạnh mẽ, nhờ năng lực thiết kế và sản xuất khó ai bì kịp.

Toshiba mang lại cho Tan cơ hội bứt phá

Đối với Tan, con đường chưa bao giờ dễ dàng. Nhiều mối quan hệ cũ của ông từ Sanyo không muốn hợp tác với một công ty không tên tuổi như Trek. Và rất ít kỹ sư tài năng muốn làm việc cho một công ty mà theo họ là khó lòng đảm bảo được tương lai lâu dài. Nhưng Tan vẫn kiên định, và sau 2 năm, vào năm 1998, ông bắt gặp cơ hội bứt phá cả đời không bao giờ có lại được: Toshiba Electronics ở Singapore chọn Trek làm đối tác thiết kế chính thức, một thỏa thuận mà thông qua đó, Trek sẽ đảm nhiệm khâu thiết kế lẫn sản xuất các sản phẩm được bán dưới nhãn hiệu Toshiba.
Cụ thể, Toshiba muốn một mẫu máy nghe nhạc MP3 - một thiết bị dùng bộ nhớ thể rắn nhỏ gọn, có thể chép các tập tin nhạc từ máy tính vào, kết nối qua cổng USB, và sau đó phát nhạc. Dù thời điểm này mẫu iPod của Apple - vốn là sản phẩm góp phần giúp máy nghe nhạc MP3 phổ biến toàn cầu - vẫn chưa ra mắt (iPod chính thức được bán ra năm 2001), đã có rất nhiều máy nghe nhạc MP3 thuộc đủ phân khúc chất lượng đang lưu hành trên thị trường vào cuối thập niên 1990.
Là công ty phát minh ra bộ nhớ flash, Toshiba chuyên sản xuất chip lưu trữ dùng trong máy tính cá nhân, laptop, và camera kỹ thuật số. Toshiba còn chế tạo radio và máy nghe nhạc bỏ túi. Do đó không hề lạ khi công ty này muốn nhảy vào cuộc đua máy nghe nhạc MP3.
Nhưng Tan nói rằng, “nếu công ty chỉ sản xuất máy nghe nhạc, thì sẽ không kiếm được nhiều tiền”. Ông tin rằng bỏ qua khả năng chơi nhạc, thiết bị sẽ trở nên đa dụng hơn, có khả năng đảm đương không chỉ các tập tin MP3 mà cả tập tin văn bản, bảng tính, hình ảnh - bất kỳ tập tin máy tính nào! Nhiều công ty đã và đang bán máy nghe nhạc trên thị trường, nhưng một thiết bị lưu trữ đa dụng giá rẻ, có cổng kết nối USB, sẽ có thị trường lớn hơn nhiều. Và ông có thể là người đầu tiên nắm bắt được thị trường đó.
Trên thực tế, Tan thực hiện đúng cam kết với Toshiba là sản xuất cho họ máy nghe nhạc MP3, nhưng ông còn yêu cầu các kỹ sư của mình phát triển một sản phẩm khác - về cơ bản là máy nghe nhạc nhưng không dùng để nghe nhạc. Kết quả, chúng ta có ổ đĩa USB.
Từ sản phẩm phổ biến đến cuộc chiến bảo vệ bản quyền
Để tạo ra một sản phẩm hoạt động được hiển nhiên không hề dễ dàng - ổ đĩa đòi hỏi phải kết hợp các phần cứng sao cho hợp lý, đồng thời còn cần firmware được thiết kế chuyên dụng, cho phép bộ nhớ thể rắn tương tác được với nhiều hệ điều hành máy tính khác nhau.
Nhưng ổ đĩa USB, với bộ nhớ flash và giao diện USB, không phải là một phát minh hoàn toàn mới mẻ. Tan không hề phát minh ra bộ nhớ flash, đó là “đứa con tinh thần” của kỹ sư Fujio Masuoka thuộc Toshiba vào năm 1980. Ông cũng không phát minh ra cổng USB, vốn đã hiện diện từ năm 1996. Sự mới mẻ ở đây chính là việc kết hợp USB với bộ nhớ flash, kèm theo một controller và firmware phù hợp - tất cả được đưa vào một bộ vỏ bằng nhựa, tạo nên một sản phẩm tiêu dùng có tiềm năng trên thị trường.
Bối cảnh ngành công nghiệp điện tử ở Singapore chỉ giải thích được phần nào tại sao ổ đĩa USB lại được phát minh ra tại đây, vào thời điểm này: kinh nghiệm của Tan tại NEC và Sanyo, hợp đồng giữa Trek với Toshiba, và mối liên hệ mà các kỹ sư Trek đã có được trong quá trình thực tập trước đây tại các công ty khác trong nước đều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, những yếu tố đó cũng khiến Tan khó kiểm soát được phát minh của mình hơn. Một khi ý tưởng về ổ đĩa USB được tiết lộ, nhiều công ty điện tử đã ngay lập tức đặt mục tiêu phải làm ra được những phiên bản của riêng họ. Tan đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế cho phát minh này một tháng trước triển lãm công nghệ CeBIT 2000, nhưng một bằng sáng chế đang chờ được thông qua làm sao ngăn cản được những kẻ sao chép?
Bên cạnh những tuyên bố phát minh chính chủ đến từ M-Systems và IBM, có lẽ kẻ tranh giành phức tạp nhất là công ty Trung Quốc Netac Technology. Công ty này khẳng định đã phát minh ra thanh nhớ flash. Cheng Xiaohua và Deng Guoshun từng làm việc cho Trek trước đây, và tham gia một số nhóm phát triển liên quan bộ nhớ flash. Họ quay về Thâm Quyến, Trung Quốc và sáng lập ra Netac vào năm 1999.
Thâm Quyến vào thời điểm đó là “thiên đường của những món đồ điện tử sao chép” - máy phát DVD, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, và nhiều thiết bị tiêu dùng khác được sản xuất mà không lo ngại những ràng buộc của luật sở hữu trí tuệ. Khẳng định của Netac (và quá trình sản xuất ra ổ đĩa USB của họ) là bằng chứng rõ nét nhất cho điều này.
Netac và Trek sau đó thậm chí còn ký kết một thỏa thuận, mà theo đó Trek sẽ tài trợ cho một số nghiên cứu và phát triển của Netac, và Trek sẽ có quyền sản xuất và phân phối sản phẩm tạo ra bên ngoài Trung Quốc. Mặc dù vậy, Netac vẫn tìm cách đăng ký được bản quyền ổ đĩa USB tại Trung Quốc.
Nạn ăn cắp bản quyền điện tử trên toàn thế giới lúc này tập trung vào ổ đĩa USB. Tan chiến đấu kiên cường, và đôi lúc đã giành thắng lợi. Nếu Trek là một công ty lớn hơn với nguồn lực mạnh mẽ hơn, cũng như có nhiều kinh nghiệm liên quan bằng sáng chế hơn, thì việc đã khác. Tuy nhiên, các bằng sáng chế của Trek lại có các điều khoản tương đối yếu. Từ năm 2002, Tan kiện hàng loạt công ty tại Singapore (bao gồm Electec, FE Global Electronics, M-Systems, và Ritronics Components) vì xâm phạm bằng sáng chế. Sau nhiều năm hầu tòa và nộp hàng trăm ngàn đô phí pháp lý, Trek giành chiến thắng và thuyết phục được thẩm phán rằng ThumbDrive của mình là thiết bị đầu tiên được thiết kế để cắm trực tiếp vào máy tính mà không cần cáp. Một phiên tòa kháng cáo được mở ra tại Anh, và Trek không may đã mất bằng sáng chế vào năm 2008. Tan còn theo đuổi các vụ kiện tại Mỹ với các công ty bao gồm Imation, IronKey, Patriot, và Verbatim, nhưng không đạt được nhiều thành công. Ngay cả phán quyết thắng lợi ở Singapore cũng không có nhiều ý nghĩa. Đến cuối thập niên 2000, hàng triệu ổ đĩa USB đã được sản xuất bởi vô số công ty mà không có giấy phép của Trek.
Các bản sao, theo một vài khía cạnh, khá tốt. Trong thế giới kinh doanh, đặc biệt ở châu Á, miễn là có thứ gì sinh lời, bạn sẽ làm hết”. Nếu ai đó sao chép bạn, “có nghĩa bạn phải có ý tưởng hay ho và bạn nên tận dụng tối đa nó, càng nhanh càng tốt” - Tan nói.
Cuối cùng, Tan và Trek chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm mới. Đến năm 2010, Trek phát triển được một thiết bị tiên phong mới - Flu Drive, hay Flu Card. Loại ổ đĩa USB cải tiến này có thể truyền tải dữ liệu không dây giữa các thiết bị hoặc đến đám mây. Dù Tan vẫn tìm cách bảo vệ phát minh của minh bằng các bằng sáng chế, ông vẫn chấp nhận một con đường mới: thành công thông qua những sáng kiến mới mẻ.
Flu Card thành công tương đối. Dù không được xem là một thiết bị độc lập, kết nối Wi-Fi của nó khiến sản phẩm này phù hợp cho các thiết bị điện tử tiêu dùng như camera hay đồ chơi. Năm 2014, Trek ký thỏa thuận với Ricoh và Mattel China để cấp phép sử dụng thiết kế Flu Card.
Trek còn tìm cách chuyển sang thị trường mới, với những thành công khá hạn chế, bao gồm IoT, công nghệ đám mây, các thiết bị y tế và wearable.
Ai là người phát minh ra ổ đĩa USB?
Bằng sáng chế ổ đĩa USB của Trek

Khó khăn của Trek và giai đoạn đi xuống của Tan

Doanh thu của Trek từ cấp phép ThumbDrive và Flu Card là không đủ để giúp công ty sinh lời. Nhưng thay vì thừa nhận công ty đang kinh doanh khá tệ, vào năm 2006, Tan và giám đốc tài chính bắt đầu làm giả các tài khoản của Trek, lừa gạt các công ty kiểm toán và cổ đông. Sau khi hành vi này bị bại lộ bởi công ty kiểm toán tài chính Ernst & Young vào năm 2015, Tan từ chức chủ tịch và CEO; và đến tháng 8/2022, ông bị kết án vì làm giả tài khoản. Ở thời điểm bài viết này lên sóng, Tan vẫn đang chấp hành án tù ở Singapore. Con trai ông, Wayne Tan, tiếp tục làm phó chủ tịch của Trek.
Trong khi đó, ổ đĩa USB vẫn thịnh hành. Dù hầu hết chúng ta hiện thích truyền tải tập tin qua internet hơn - có thể dưới dạng đính kèm email hoặc qua các dịch vụ như Google Drive và Dropbox - ổ đĩa USB (nay có dung lượng hàng Terabyte) vẫn là một thiết bị tiện lợi để mang dữ liệu theo trong túi.
Chúng được sử dụng như một cách nhanh gọn nhằm truyền tải tập tin từ một máy tính sang máy khác, bàn giao tài liệu tại các buổi hội thảo, khóa và mở khóa máy tính, chứa ứng dụng để chạy trên một máy tính chung, sao lưu tài liệu, và đôi lúc là chứa nhạc. Chúng còn được sử dụng cho nhiều mục đích mờ ám - đánh cắp tập tin, chèn malware vào máy tính mục tiêu… Và chúng đặc biệt hữu dụng để truyền tải an toàn các dữ liệu đã mã hóa vốn quá nhạy cảm, không thể gửi qua internet được.
Năm 2021, doanh số toàn cầu của các thiết bị từ tất cả các nhà sản xuất đã vượt quá 7 tỷ USD, và sẽ tăng lên hơn 10 tỷ USD vào năm 2028.

Anh hùng hay phản anh hùng?

Thông thường, chúng ta luôn xem các nhà phát minh là những anh hùng, sẵn sàng đi đến những nơi chưa từng ai đến trước đó. Nhưng câu chuyện của Tan không đơn giản như vậy.
Tan xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử ngành điện tử tiêu dùng - ông đã tạo ra một thiết bị mà chưa hề thấy nó trước đó, giúp nó hoạt động hiệu quả, sản xuất đại trà nó, và phổ biến nó rộng rãi dưới hình thức cấp phép hoặc bị sao chép thiết kế. Nhưng có lẽ nguồn gốc của ổ đĩa USB thực sự xuất phát từ môi trường - ý tưởng về nó đã tồn tại từ lâu, và nhen nhóm trong các mạng lưới khách hàng và nhà cung ứng thay vì một cá nhân cụ thể.
Chưa hết, đoạn kết của câu chuyện của Tan cho thấy ông giống phản anh hùng hơn là anh hùng. Chúng ta thường hâm mộ các nhà phát minh vì sự khôn ngoan và tinh thần gan góc. Với Tan, những yếu tố đó khiến ông sụp đổ. Kiên quyết giành lấy danh hiệu người tạo ra ổ đĩa USB, Tan đã làm rất nhiều thứ - thậm chí là phát luật - để giúp công ty và bản thân mình thành công. Ổ đĩa USB quả thực cho chúng ta thấy được những câu chuyện phức tạp thường ẩn sau các phát minh nổi tiếng trong lịch sử loài người.
Tham khảo: Spectrum
USB-A và USB-C khác nhau như thế nào?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top