Apple đã "bắt chước" ý tưởng của Sony từ 3 năm trước

Một trong những tính năng mới trên iOS 16 thực ra là màn học hỏi của Apple. Tính năng cá nhân hóa âm thanh không gian xung quanh (personalized spatial audio) sẽ tăng cường trải nghiệm âm thanh của tai nghe AirPods, bằng cách cá nhân hóa luồng âm thanh phù hợp với kết cấu đôi tai của bạn.
Để cá nhân hóa, Apple sẽ sử dụng camera TrueDepth của iPhone để quét tai bạn. Tức là dùng iPhone giơ lên ngang đầu, sau đó đi xung quanh để quét. Thời gian mất khoảng 1 phút và khoảng cách lý tưởng là từ 10 đến 20 centimet. Dữ liệu thu được sẽ được phân tích và xử lý, nhằm đưa ra kết quả tối ưu nhất cho hình dạng khuôn tai bạn khi nghe spatial audio bằng AirPods.
Song, công ty Mỹ không phải người đầu tiên nảy ra ý tưởng này. Từ 3 năm trước, có 1 hãng công nghệ đã triển khai nó rồi.

Sony lại là kẻ tiên phong

Theo trang công nghệ The Verge, Apple đã đi theo con đường từ 3 năm trước của Sony. Vào năm 2019, Sony đã công bố 1 công nghệ âm thanh mới được cá nhân hóa - “Reality Audio 360” - hỗ trợ các ứng dụng chơi nhạc như Amazon Music, Tidal, Deezer, Nugs.net. Ý tưởng của Sony và Apple đều tương đồng dù chênh lệch khoảng cách tới 3 năm.


Hai công ty đều muốn tận dụng smartphone để xác định kết cấu khuôn tai của bạn, từ đó phân tích và tìm ra cách tối ưu spatial audio sao cho phù hợp nhất với con đường đi của âm thanh khi vào tai bạn. Bởi khuôn tai của chúng ta đều khác nhau, có đầy những nếp gấp và và đường viền với tỉ lệ, hình dạng khác nhau. Mục đích tối thượng là tạo ra 1 trải nghiệm âm thanh không gian 3D cá nhân hóa, loại bỏ các sai lệch.
Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh ngành hàng nghe nhìn của Sony Electronics ở Bắc Mỹ, Kaz Makiyama, đã giải thích với phóng viên The Verge trong quá khứ:
“Con người có thể nhận biết các nguồn âm thanh trong không gian nhờ sự thay đổi tinh tế về cường độ âm thanh, thời gian lan truyền. Âm thanh cũng phụ thuộc vào hình dạng của đầu và tai bạn. Vậy nên cách để tối ưu trải nghiệm là phân tích và tái hiện các đặc điểm của 2 tai trái phải thông qua chụp ảnh. Công nghệ này cho phép tái tạo âm trường chính xác khi đeo tai nghe”.

Lợi thế hệ sinh thái Apple

Mặc dù đi trước về ý tưởng, song cách làm của Sony lại phức tạp hơn so với Apple. Việc quét tai người dùng được công ty Mỹ tích hợp thẳng vào cài đặt iOS từ bản iOS 16. Còn với Sony, bạn sẽ phải tải về ứng dụng Headphones Connect (một ứng dụng phổ biến với người dùng để tinh chỉnh tai nghe Sony). Sau đó chụp ảnh tai bạn bằng máy ảnh điện thoại.
Apple đã bắt chước ý tưởng của Sony từ 3 năm trước
Apple giới thiệu tính năng mới với ý tưởng bắt nguồn từ Sony 3 năm trước
Các dữ liệu hình ảnh được tải lên máy chủ đám mây của Sony và phân tích. Công ty lưu giữ chúng trong 30 ngày sau đó nhằm phục vụ nghiên cứu nội bộ và đưa ra cải tiến trong tương lai. Họ cam kết những dữ liệu này hoàn toàn tách biệt với thông tin cá nhân bạn nhằm đảm bảo quyền riêng tư khi lấy hình ảnh.
Một lợi thế lớn của Apple so với Sony khi triển khai công nghệ này là sự liền mạch trong hệ sinh thái, khi họ làm chủ nhiều thành phần. Hãng cho biết sẽ đồng bộ hóa cấu hình spatial audio xuyên suốt dải thiết bị, từ iPhone tới Mac, iPad. Tính năng này sẽ cập nhật rộng rãi vào tháng 10 tới khi iOS 16 chính thức phát hành. Đối với tai nghe AirPods, công ty sẽ cập nhật cho Airpods 3, hai thế hệ AirPods Pro và AirPods Max.
Sony thì không làm chủ thực sự về phần mềm như Apple sở hữu iOS và MacOS, việc triển khai sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Bù lại, công ty là hãng có kinh nghiệm lâu năm về đồ âm thanh, các sản phẩm tai nghe của họ thường làm hài lòng người sử dụng ở mặt này hơn Apple.

Tất cả vì người dùng

Theo phóng viên The Verge, nhiều người dùng trên Reddit phản ánh chức năng cá nhân hóa hoạt động không tốt trên iOS 16 beta. Nhiều khi nó không nhận ra được tai người dùng, hoặc quá trình quét hình ảnh rất nhàm chán. Có lẽ vấn đề đến từ thuật toán quét hình ảnh chưa hoạt động chính xác hoặc việc này vốn dĩ đã khó có thể thực hiện dễ dàng. Nhưng dù sao, việc công ty đi theo con đường mà Sony đã vạch ra cũng cho thấy những cải thiện trong việc nâng cao trải nghiệm âm thanh, vốn hay bị chê trên AirPods.
Apple đã bắt chước ý tưởng của Sony từ 3 năm trước
Sony giới thiệu 360 Reality Audio từ 3 năm trước, đã hiện diện trên nhiều sản phẩm của hãng như smartphone, loa không dây, tai nghe Bluetooth
Bản thân Apple chưa bao giờ khẳng định họ là người đầu tiên triển khai cá nhân hóa âm thanh không gian xung quanh. Và kể cả khi là người đi sau, đó cũng đều nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, giống như những gì mà Sony đã giải thích ở trên khi theo đuổi ý tưởng này 3 năm trước.
Dù đi trước hay đi sau, ngành công nghệ vẫn luôn cần những công ty đưa ra phát kiến mới như Sony lẫn các hãng chịu học hỏi, cải tiến cái đã có theo kiểu Apple. Vì chỉ có như vậy, người sử dụng chúng ta mới có trải nghiệm tốt hơn qua từng năm. Đó chính là cách mà ngành công nghệ vận hành.


>>> Apple ra mắt tai nghe AirPods Pro Gen 2.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top