ASML cảnh báo tình trạng thiếu chip có thể kéo dài thêm 2 năm nữa

ASML, nhà cung cấp độc quyền máy quang khắc EUV quan trọng trong sản xuất bán dẫn, vừa đưa ra dự đoán rằng tình hình thiếu hụt chipset có thể kéo dài ít nhất trong hai năm tới. Cảnh báo này xuất phát từ việc ASML phụ thuộc vào các nhà cung cấp, trong đó có Carl Zeiss của Đức, công ty sản xuất các loại thấu kính thiết yếu. Hiện Zeiss cũng đang chịu ảnh hưởng từ những vấn đề về chuỗi cung ứng khiến quá trình sản xuất gặp gián đoạn.
ASML cảnh báo tình trạng thiếu chip có thể kéo dài thêm 2 năm nữa
“Zeiss cần tạo ra nhiều thấu kính hơn nữa và điều này đồng nghĩa với việc họ phải xây dựng thêm một nhà máy mới. Kế đến, sau khi hoàn thành xây dựng, họ cần đặt hàng thiết bị sản xuất và thuê nhân công để đi vào sản xuất. Quá trình sản xuất cần phải mất hơn 1 năm để cho ra những thấu kính đầu tiên từ nhà máy mới”, theo Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink trả lời với Financial Times.
Đánh giá của Wennink về sự thiếu hụt nguồn cung theo sau những thông báo gần đây của các ban lãnh đạo trong ngành công nghiệp công nghệ cao về việc tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất tại Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Mục tiêu là nhằm củng cố chuỗi cung ứng cũng như giảm bớt sự phụ thuộc sản xuất chip ở châu Á.
“Sự thiếu hụt chip gần đây đã nhắc nhở chúng ta về rủi ro của việc phụ thuộc quá mức vào bất kỳ khu vực nào trong ngắn hạn. Ngày nay, có đến 80% chip được sản xuất ở châu Á”, Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger cho biết trong một buổi đối thoại trực tiếp hôm 15/3. “Khoản đầu tư xuyên Châu Âu mang tính bước ngoặt và giúp giải quyết nhu cầu toàn cầu về một chuỗi cung ứng cân bằng và linh hoạt hơn”.
Tuy nhiên, sẽ còn lâu nữa chuỗi cung ứng toàn cầu mới thu về lợi nhuận từ những khoản đầu tư này. Vấn đề tái cân bằng giữa cung và cầu vẫn là một mối quan tâm chính đáng. Jim McGregor, người sáng lập và nhà phân tích chính của Tirias Research, giải thích lý do là các dây chuyền sản xuất mới phải mất nhiều năm mới có thể đi vào hoạt động, cùng với các hạn chế về thời gian và chi phí liên quan đến việc sản xuất chip thế hệ mới vẫn là một thách thức.
Tất cả các công ty bán dẫn như Global Foundries, TSMC, Samsung, Intel đều đang ráo riết xây dựng các dây chuyền sản xuất mới. Và vì thế họ sẽ cần những thiết bị chế tạo mới. Song, máy in quang khắc EUV sẽ trở thành chướng ngại vì ASML hiện đang là nguồn cung thiết bị này duy nhất trên thế giới.
McGregor đồng ý rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ còn kéo dài ít nhất trong hai năm tới, thậm chí có thể lâu hơn tùy thuộc vào tốc độ sản xuất chip mới để cân bằng lại cung và cầu.
Nhưng bên cạnh đó, dư thừa công suất được xem là một vấn đề đáng lưu tâm sau khi giải quyết được tình trạng thiếu nguồn cung. Sau khi những lo ngại về khả năng cung vượt cầu được đưa ra trong báo cáo thường niên năm 2021 của ASML vào hôm 9/2, CEO Wennink đã trấn an nhà đầu tư.
Ông cho rằng những nỗ lực hợp tác giữa Mỹ, EU và Trung Quốc, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến tăng gấp đôi chi tiêu vốn hàng năm của ngành bán dẫn vào năm 2021 lên 150 tỷ USD. Điều này đã tạo ra lo ngại về khả năng cung vượt cầu.
Song, Wennink lập luận rằng “triển vọng tăng trưởng đáng kể của ngành công nghiệp bán dẫn về cơ bản đòi hỏi nhiều năng lực và vốn đầu tư hơn, nên các đối tác trong ngành sẽ nỗ lực hết sức để duy trì một hệ sinh thái đổi mới dễ tiếp cận và hiệu quả”.
Mặc dù khả năng cung vượt quá cầu không được đặt ra, nhưng nó chắc chắn khả thi; đặc biệt là khi xem xét các tác động địa chính trị và kinh tế đối với ngành công nghiệp chip, McGregor lập luận.
Nguồn: EE Times
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top