Bà mẹ bị xích cổ phơi bày thực trạng tồi tệ về nạn buôn người ở Trung Quốc

Câu chuyện về người phụ nữ bị nhốt trong nhà kho chẳng khác gì thú cưng bị bỏ rơi, đã dấy lên câu hỏi về số phận của những cô gái biến mất không tung tích.
Bà mẹ bị xích cổ phơi bày thực trạng tồi tệ về nạn buôn người ở Trung Quốc
Hình ảnh bà mẹ bị xích. Ảnh: Weibo
Những video gây sốc xuất hiện ở Trung Quốc về một bà mẹ 8 con bị xích cổ vào tường nhà kho, nghi là nạn nhân của hoạt động buôn người đã khiến cho Zhang Xiuhong, 56 tuổi, cảm thấy giằng xé. Bà Zhang, người có cô con gái tuổi teen mất tích sau khi đi học vào 14 năm trước, đã hy vọng trong giây lát rằng người phụ nữ trong video chính là người con gái đã mất tích từ lâu của bà có tên Yao Li.
“Nếu đó là Yao Li, ít nhất thì tôi cũng đã tìm thấy con bé”, bà Zhang hiện đang sống ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc nói. Nhưng bà nhanh chóng thay đổi suy nghĩ của mình: “Tôi không muốn nhìn thấy con bé đang sống như thế này. Có bao nhiêu đau đớn mà nó đã phải chịu đựng cơ chứ”.
Zhang đã nghiên cứu kỹ khuôn mặt của người phụ nữ trong video - cô ấy có khuôn mặt chữ điền giống với Yao, đứa con duy nhất của cô.

Hậu quả của chính sách 1 con​

Giống như nhiều bậc cha mẹ có con gái vị thành niên bị mất tích, bà Zhang nghi ngờ Yao đã bị bắt cóc, hòng bán làm gái mại *** hoặc làm vợ của một người đàn ông vùng nông thôn xa xôi. Tập quán chuộng con trai đã dẫn đến nạn phá thai và gây mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ở một số vùng nông thôn, nhu cầu cô dâu đã kích thích hoạt động buôn bán người, vì thế các băng nhóm tội phạm bắt cóc phụ nữ, thường là từ các vùng hẻo lánh kém phát triển rồi đem bán cho những người đàn ông không tìm được vợ tại địa phương.
Vào cuối tháng 1, một nạn nhân đã phơi bày thực trạng đó, gây nên làn sóng phản đối trên toàn Trung Quốc. Trong những clip TikTok được quay tại một ngôi làng ở tỉnh Giang Tô, người ta nhìn thấy một người phụ nữ đứng run lẩy bẩy trong nhà kho không cửa, với sợi dây xích quanh cổ và ổ khóa móc treo dưới cằm. Cô ấy có vẻ bị tổn hại tinh thần và gặp khó khăn khi giao tiếp, đồng thời đã bị rụng gần hết răng. Bát thức ăn nguội lạnh để trên cái giường bụi bặm ngay bên cạnh.
Các đoạn video cũng tiết lộ rằng người phụ nữ đã sinh được bảy con trai và một con gái. Trong một đoạn clip, Dong Zhimin, cha của những đứa trẻ, thản nhiên nói rằng anh có nhiều con để được người dân trong làng kính trọng. Ông đã đặt cho chúng những cái tên mang ý nghĩa tốt lành như “núi vàng”, “ngân hàng”, “du hành vũ trụ” “Hồng Kông”.
Hành động ngược đãi trên khiến hàng triệu người dân khắp Trung Quốc phẫn nộ, đất nước mà phần lớn đều có xuất phát điểm từ nghèo đói và thoát khỏi dần các hủ tục lạc hậu như cưỡng hôn. Sự việc trên khiến trái tim của Zhang như vỡ ra từng mảnh khi nghĩ đến cô con gái có lẽ đã gặp phải số phận tương tự. Cách đây 14 năm, em đến trường với mái tóc đuôi ngựa và không bao giờ quay trở lại.

Nạn buôn bán người tại Trung Quốc vẫn luôn trầm trọng​

Vào một buổi chiều tháng 4 năm 2008, vài tháng trước khi Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic lần đầu tiên tại Bắc Kinh, Zhang nhận được một cuộc điện thoại bất ngờ từ trường học của con gái.
Zhang làm việc tại một nhà hàng gần nhà của mình ở vùng ngoại ô Bắc Kinh. Chỉ một giờ trước đó, Zhang vẫn còn nói lời tạm biệt với con gái khi Yao đạp xe đi học. Đó là một ngày thứ Bảy, giống như nhiều học sinh ở Trung Quốc, Yao học một buổi dạy kèm cuối tuần tại trường trung học cơ sở của mình để chuẩn bị cho kỳ thi khốc liệt.
Nhưng cô giáo lại gọi điện hỏi lý do vì sao đứa con gái 14 tuổi của Zhang vắng mặt.
Lo lắng Yao bị tai nạn, Zhang và chồng cô đã tìm kiếm mọi nơi trên đường đến trường của cô bé và hỏi có ai nhìn thấy cô bé hay không. Vào cuối buổi chiều, Zhang phát hiện ra đôi giày thể thao màu trắng của Yao bên cánh đồng ngô, cạnh một đống rác và cỏ dại.
Khoảng 14 năm sau, Zhang vẫn giữ chiếc giày như dấu hiệu cuối cùng cho sự tồn tại của con gái mình, và cô vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại con gái, giống như những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt thường được chiếu trên sóng truyền hình Trung Quốc và thậm chí còn được chuyển thể thành những bộ phim ăn khách.
Nhưng những cuộc đoàn tụ đó cũng là lời nhắc nhở về lịch sử buôn bán người từng rất thịnh hành trên khắp những dải đất rộng lớn của đất nước này, một hiện tượng mà các nhà xã hội học cho rằng không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và họ cho rằng có sự kết hợp đan xen của các yếu tố kinh tế và xã hội. Những số liệu chính thức về nạn buôn bán phụ nữ rất ít ỏi tại Trung Quốc. Theo một báo cáo năm 2020 của Liên Hợp quốc thì hơn một nửa số nạn nhân buôn người trên toàn cầu bị bóc lột tình dục. Cứ mỗi 10 nạn nhân được tìm thấy trên toàn thế giới thì có 5 nạn nhân là phụ nữ trưởng thành và 2 trẻ em gái.
Khi Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Olympic lần thứ hai vào đầu năm nay, thể hiện mình là một quốc gia thịnh vượng và tự tin tiến về phía trước thì các đoạn video về người phụ nữ bị xích đã “rạch nát” mọi ý niệm cho rằng nạn buôn bán người đã là thứ thuộc về quá khứ của cường quốc đang trổi dậy này. Trong khi các nhà chức trách lưu tâm đến việc thể hiện hình ảnh quốc tế của mình khi ánh đèn sân khấu đổ dồn lên các màn trình diễn thể thao tại thủ đô của Trung Quốc, thì những người dân vẫn công khai đặt câu hỏi về việc ngày nay có bao nhiêu phụ nữ Trung Quốc bị đem bán, ngược đãi vô nhân đạo và liệu các nhà chức trách đã thực hiện đủ (nếu có) những lời cam kết của họ. Người dân vẫn đang chiến đấu với hoạt động kiểm duyệt internet để trút giận và kiến thị những thay đổi.
Cảnh sát tại Trung Quốc ghi nhận hàng nghìn vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em mỗi năm. Hồ sơ tại tòa án và nghiên cứu nhân chủng học Trung Quốc cho thấy các nạn nhân nữ của nạn buôn người thường được đem từ Việt Nam, Myanmar, Triều Tiên và biên giới phía Tây Nam của Trung Quốc đến bán cho những người đàn ông độc thân ở các tỉnh đông dân, nơi tỷ lệ nam - nữ chênh lệch cao và tình trạng kinh tế bị trì trệ.
Đổi lại, cha mẹ của những người phụ nữ đó nhận được tiền mặt và lời hứa giả dối rằng con gái của họ sẽ sống sung túc với người chồng tương lai của mình. Nhiều nạn nhân khác thì bị lừa gạt với những hứa hẹn về cơ hội việc làm xa nhà.
Nhưng những dữ liệu chính thức có được lại chỉ chiếm một phần nhỏ các vụ mua bán, cưỡng hôn, tấn công tình dục vì có nhiều người đang sống trong bạo lực, nô lệ và nghèo đói không thể theo nỗi một cuộc điều tra hình sự.
Người phụ nữ bị xích ở quận Feng, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô có thể là một trong vô số phụ nữ phải chịu đựng trong im lặng.

Mất lòng tin trước sự hờ hững của chính quyền​

Thứ càng làm người dân phản đối kịch liệt không chỉ là sự đối xử vô nhân đạo đối với người phụ nữ bị xích, mà còn là những năm tháng chính quyền tỏ ra vô cảm với sự tàn ác và cả những nỗ lực của họ nhằm che đậy tội ác.
Lúc đầu, chính quyền địa phương phủ nhận cáo buộc buôn người. Trong một tuyên bố chính thức được đưa ra vào ngày 30 tháng 1, vài ngày sau khi video lan truyền trên mạng, chính quyền quận Feng cho biết vào năm 1998, ông Dong Zhimin đã tìm thấy cô ấy đang ăn xin trên đường. Sau đó, họ buộc phải xích cô ấy lại vì được cho là cô mắc chứng rối loạn tâm thần, đập phá đồ đạc và tấn công các thành viên trong gia đình, các nhà điều tra của chính phủ cho hay.
Câu chuyện chính thức đã thay đổi sau đó. Trong một tuyên bố vào ngày 7 tháng 2, các quan chức cho biết người phụ nữ này có tên là Xiaohuamei, hay còn gọi là Little Flower Plum, đến từ một ngôi làng hẻo lánh ở biên giới Trung Quốc-Myanmar, nơi dân tộc thiểu số sinh sống. Cô được cho là đã mất tích khi một người dân làng đưa cô đến miền đông Trung Quốc để chữa bệnh.
Những giải thích không nhất quán, cộng với hoạt động kiểm duyệt internet, không thể xoa dịu được sự phẫn nộ của công chúng. Người dẫn tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh điều tra các đường dây buôn người trên toàn quốc và tạo cơ hội cho phụ nữ được đứng lên bảo vệ chính mình.
Bà mẹ bị xích cổ phơi bày thực trạng tồi tệ về nạn buôn người ở Trung Quốc
Người dân tổ chức lễ giáng sinh ở Nujiang, một khu vực biên giới nơi các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có nhiều người theo đạo Thiên chúa. Các nhà chức trách cho biết người phụ nữ bị xích từng sống ở đây. Ảnh: CHINA PHOTOS / GETTY IMAGES
Khi hầu hết các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đều im lặng trước những tranh cãi nổ ra, các cựu nhà báo điều tra đã đến quê hương của người phụ nữ để tìm kiếm người thân của cô. Những người đồng cảm với tình cảnh đã phát tờ rơi khắp đường phố Thượng Hải để thể hiện sự ủng hộ. Hai phụ nữ trẻ bắt đầu hành trình đến thăm cô ấy trong bệnh viện, một hành động được cổ vũ bởi hàng chục nghìn người dùng internet, mặc dù cảnh sát đã sớm bắt giữ và cáo buộc họ “khiêu khích và kích động”, theo những gì được viết trên blog Weibo của một trong hai cô gái sau khi được thả.
Trong khi đó, nhiều bằng chứng về hoạt động buôn bán cô dâu lan tràn trên mạng và bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng. Tòa án quận Feng bị phát hiện đã từ chối ít nhất yêu cầu của hai phụ nữ về việc chấm dứt cuộc hôn nhân ép buộc của họ. Một album ảnh ghi lại cuộc sống của những phụ nữ mắc bệnh tâm thần bị bán làm nô lệ tình dục đã lan truyền chóng mặt.
Bộ phim truyền hình Blind Moutain năm 2007 bắt đầu được mọi người chia sẻ lại, nó kể về vụ bắt cóc và buôn bán một nữ sinh viên đại học. Đạo diễn của Blind Moutain, Li Yang cho biết mọi người có thể chia sẻ bộ phim để ủng hộ chiến dịch chống nạn buôn người và ông sẽ không truy cứu bản quyền.
Một phụ nữ 32 tuổi có họ Ke nói rằng các video về người phụ nữ bị xích đã thúc đẩy cô theo đuổi cuộc điều tra về người mẹ ruột là nạn nhân của buôn người. Mẹ cô là một giáo viên ở tỉnh Thiểm Tây bị bán đến quận Feng vào những năm 80 sau khi một người môi giới nói với gia đình cô rằng sẽ tìm được một công việc tốt hơn ở thành phố lớn.
Ke nói mẹ cô bị nhốt lại và sinh ra một cô con gái. Bà ấy trốn thoát vào khoảng năm 1988, trước khi kết hôn với cha của Ke. Năm 2008, mẹ của Ke đã trình báo cảnh sát nhưng bị bác bỏ do thiếu bằng chứng. Bà sau đó đã kết thúc cuộc đời mình khi nhảy xuống sông trong cùng năm.
“Khi nhìn thấy người phụ nữ đó, tôi nhớ đến mẹ của mình”, Ke nói. Cô gần đây đã nộp đơn trình báo yêu cầu cảnh sát mở cuộc điều tra. “Tôi đang tự hỏi liệu có phải cô ấy cũng sẽ bị đối xử như mẹ tôi, bị ép buộc sinh con và tước đoạt cuộc sống mà cô ấy hằng mong muốn”.
Trong báo cáo gần đây nhất, được công bố vào cuối tháng Hai, chính phủ cho biết kết quả xét nghiệm ADN xác nhận người phụ nữ bị xích là Little Flower Plum đến từ quận Fugong, tỉnh Vân Nam. Sau một lần thất bại trong hôn nhân, người phụ nữ sinh năm 1977 bị dụ đến tỉnh Giang Tô vào năm 1998 và bị bán ba lần cho những người đàn ông khác nhau, cuối cùng là bị bỏ lại trong nhà kho. Ba kẻ trên, bao gồm cả cha của 8 đứa con của cô, đã bị bắt vì tội buôn người, trong khi 17 quan chức địa phương cũng phải chịu hình phạt.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng công bố một đoạn video cho thấy người phụ nữ đang được điều trị tâm thần phân liệt trong bệnh viện. Bệnh viện cho biết cô bị mất răng do nhiễm trùng nướu nghiêm trọng, nhưng cộng đồng mạng nghi ngờ nguyên nhân này.
Bộ Công an Trung Quốc cho biết họ sẽ tiến hành một chiến dịch chống lại nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, đặc biệt dành sự chú ý đến những người bị khuyết tật về tinh thần hoặc thể chất.

“Phụ nữ thường được coi là hàng hóa”​

Theo các nhà nghiên cứu, hoạt động buôn bán người diễn ra phổ biến ở thời kỳ chế độ quân chủ của Trung Quốc trước khi bị Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền xóa bỏ, nhưng những giao dịch như vậy đã hồi sinh khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh nhờ những cải cách kinh tế. Đối với một số người dân sinh sống tại miền Đông Trung Quốc phát triển hơn, việc mua một cô dâu từ các vùng núi xa xôi hoặc các nước láng giềng sẽ là rẻ hơn so với việc phải biếu quà hồi môn cho một phụ nữ địa phương, và đôi khi các quan chức địa phương sẽ làm ngơ trước những sự việc này.
Feng Yuan, đồng sáng lập của Equality, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực giới, cho biết: “Phụ nữ thường được coi là hàng hóa. Mua bán phụ nữ đã trở nên thịnh hành vì những yếu tố thuận lợi”.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Trung Quốc là kết quả của việc nạo phá thai khi sinh thai nhi nữ, thường bị đổ lỗi cho nạn buôn bán cô dâu. Nhưng các nhà hoạt động đấu tranh quyền lợi cho rằng nguyên nhân sâu xa là do quan điểm cho rằng phụ nữ là tài sản của cha, anh, chồng mà không được có ý chí tự do của riêng họ. Mặc dù cố gắng duy trì các mẫu hình gia đình ổn định và gia tăng tỷ lệ sinh, nhưng chính quyền lại không bảo vệ phụ nữ khỏi nạn buôn bán, bạo lực tình dục và ngược đãi hành hạ.
Zhou Xiaoxuan, một nhân vật dẫn đầu phong trào #MeToo của Trung Quốc, cho biết có thể người phụ nữ bị xích mắc bệnh tâm thần. Nhưng nghèo đói và xuất thân từ dân tộc thiểu số đã góp phần khiến cô bị bóc lột cực kỳ tàn nhẫn; số phận của cô – buộc phải sinh con nhưng lại bị tước đi sự tự do – phản ánh cuộc đấu tranh của nhiều người phụ nữ.
“Chính phủ muốn phụ nữ có một gia đình để thực hiện nghĩa vụ tình dục và sinh đẻ, họ không được phép thoát khỏi nó mặc cho tất cả những gì họ phải chịu đựng trong khoảng thời gian đó. Yêu cầu của chúng tôi đối với chính phủ là phải tôn trọng các quyền con người cơ bản của phụ nữ, để họ có thể tồn tại trong xã hội này không chỉ với tư cách là một người mẹ hay một người vợ”.
Bà mẹ bị xích cổ phơi bày thực trạng tồi tệ về nạn buôn người ở Trung Quốc
Mẹ của các bé gái mất tích, Du Sisi (trái), Yao Li (giữa) và Yang Ziyi đã kêu gọi sự giúp đỡ trên các nền tảng live-stream.
Trong số các nạn nhân của nạn buôn người, so với trẻ em trai thì trẻ em gái có khả năng cao bị bán làm vợ hoặc gái mại *** hơn khi bị bắt cóc hoặc lừa đảo với những lời mời làm việc. Ý nghĩ về việc một ngày nào đó những cô gái mất tích sẽ được tìm thấy ở một cuộc hôn nhân ép buộc nào đó tương tự như người phụ nữ bị xích đã trở thành niềm hy vọng dày vò của cha mẹ họ.
“Chúng tôi phải chịu đựng từng ngày”, Xu Xiaoqin, mẹ của bé gái 12 tuổi, Yang Ziyi, mất tích trên đường đến trường tại một thị trấn khai thác mỏ ở tỉnh Giang Tây năm 2011. Yang bây giờ có lẽ đã 23 tuổi.
“Chúng tôi sợ hãi rằng con của mình đã bị bán, ép kết hôn với ai đó và buộc phải sinh con. Chúng tôi thậm chí không dám nghĩ về nó. Nếu nghĩ như vậy, chúng tôi không thể ngủ nỗi”, Xu nói trong tiếng khóc nức nở.
Zhang, mẹ của cô bé Yao Li, chuyển đến Bắc Kinh từ tỉnh Hắc Long Giang, miền đông bắc nước này, sau khi cô mất việc tại một công ty thép trong bối cảnh các nhà máy nhà nước sa thải hàng loạt vào những năm 90. Cô rửa bát và chuẩn bị nguyên liệu tại một nhà hàng do chị gái điều hành, còn chồng cô thì nhận hợp đồng làm nhân viên quét dọn và bảo vệ gần ga đường sắt Bắc Kinh.
Zhang kể lại, Yao là một cô gái ít nói, ngoan ngoãn. Cô bé thích nghe các bài hát của nhóm nhạc nữ Đài Loan SHE trên máy nghe nhạc MP3 do một người họ hàng tặng. Cô bé thích trượt patin nhưng gia đình không thể đủ dư dả để mua cho cô một đôi giày trượt - một quyết định mà giờ đây Zhang rất hối hận. Yao mơ ước trở thành một tiếp viên hàng không, nhưng cô bé chưa bao giờ lên máy bay. “Nếu tìm thấy Yao Li, tôi nhất định phải đưa con bé lên máy bay để khám phá công việc của tiếp viên hàng không”, bà mẹ nói.
Zhang từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Sau khi Yao biến mất, cô cho biết chồng càng đánh đập thậm tệ hơn. Sau khi anh ta đấm vào mặt cô và dùng dao phay đe dọa khoảng một năm trước, Zhang đã chuyển ra ngoài sống. Giờ đây, cô vừa chăm sóc cha mẹ của mình, vừa livestream trên mạng xã hội để khiến mọi người chú ý đến Yao - cách rẻ nhất để thu hút sự giúp đỡ.
Giống như các bậc cha mẹ khác khi tìm kiếm con cái của họ trên mạng, Zhang lặp đi lặp lại cùng một câu chuyện trong buổi phát trực tiếp hàng ngày của mình. “Chào buổi tối mọi người, tôi đang tìm đứa con gái duy nhất của mình”, Zhang ngồi cạnh bức ảnh của Yao, giải thích vài phút một lần cho những người xem vừa tham gia kênh. “Con bé mất tích trên đường đến trường ở Bắc Kinh vào một buổi chiều năm 2008, khi đó mới 14 tuổi”.
Nguồn: VICE
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top