Bách Hóa Xanh được định giá 1,5 tỉ USD: quá cao hay là thấp?

Thông tin Reuters cho rằng chuỗi Bách Hóa Xanh thuộc Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG trên sàn HSX) đang chuẩn bị phương án phát hành tối đa 20% cổ phần với mức định giá chuỗi là 1,5 tỉ USD (tương ứng hơn 35.000 tỉ đồng) đã khiến cho giá cổ phiếu MWG tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần qua (26/8/2022) mặc dù thị trường chung giảm điểm.

Mở rộng thần tốc và nhiều bất cập

Chuỗi Bách Hóa Xanh được mở thần tốc trong khoảng 3 năm qua đặc biệt là dưới thời ông Trần Kinh Doanh còn đương chức CEO. Cao điểm, chuỗi này có hơn 2.100 cửa hàng trên toàn quốc. Tốc độ mở chuỗi thần tốc là chủ trương của Thế Giới Di Động nói chung và ông Trần Kinh Doanh nói riêng, nhằm sớm bành trướng ra khắp cả nước, giành lấy “thị phần sư tử” trong chiếc bánh 60 tỉ USD của thị trường sản phẩm thực phẩm, bách hóa mà ngay từ đầu Thế Giới Di Động đã nhắm tới. Khách quan mà nói, Thế Giới Di Động có quá nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác. Đó là kinh nghiệm mở chuỗi, công thức thành công trong việc mở chuỗi nhanh... Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, Thế Giới Di Động muốn lan tỏa chuỗi nhiều và nhanh nhằm áp đảo các đối thủ, nhưng sự thần tốc thiếu kiểm soát cũng kéo theo những khó khăn từ bên ngoài cũng như bất cập từ bên trong. Yếu tố bên ngoài đầu tiên đó là chuỗi cung ứng, điều mà Bách Hóa Xanh không thể chủ động được, thậm chí bị phụ thuộc từ nguồn cung. Song yếu tố bên trong mới là vấn đề lớn. Bước vào Bách Hóa Xanh, nhiều người có thu nhập trung bình khá rất khó chọn được những mặt hàng thực phẩm tươi sống thực sự hài lòng. Nhiều loại rau thì vẫn còn nguyên bùn đất ở gốc, quả và trái cây nhiều khi quá cũ, thịt bò tươi đóng gói nhiều lúc đã lên mùi khá nặng, cá thì thường xuyên kém tươi… Tại thời điểm cao điểm dịch COVID-19 tại TPHCM, Bách Hóa Xanh lại tăng giá một số mặt hàng rau củ thiết yếu lên gấp 2-3 lần so với một số chuỗi khác, bị dư luận phản ứng mạnh mẽ và tẩy chay. Thời gian sau đó, nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TPHCM và một số tỉnh bị phát hiện bán hàng không niêm yết giá, quá hạn, tính tiền nhầm đẩy thiệt cho khách hàng… Về cách bài trí, cửa hàng Bách Hóa Xanh tại không ít nơi giống với quầy tạp hóa hơn là cửa hàng, siêu thị có thương hiệu mạnh. Chất lượng phục vụ tại Bách Hóa Xanh vẫn khá tốt so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, nhiều vấn đề xảy ra tại chuỗi này trong nhiều tháng trước đã khiến cho người mua mất thiện cảm với chuỗi này. Dư luận vẫn còn cho rằng, lợi dụng lúc cao điểm dịch năm 2021, Bách Hóa Xanh tăng giá quá mức một số mặt hàng tươi sống mà thiếu sự hỗ trợ người dân, xã hội. Chính vì thế sau khi hết giãn cách, nhiều chuỗi bán hàng thực phẩm tươi sống khác mở trở lại, Bách Hóa Xanh không còn là lựa chọn của rất nhiều người, đặc biệt là tầng lớp trung lưu.

Định giá và thực tế

Có thể nói, Thế Giới Di Động đã nhận ra lỗ hổng mở chuỗi thần tốc Bách Hóa Xanh, từ đó đã thu hẹp chuỗi đặc biệt là các cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả. Trong 7 tháng đầu năm 2022, khoảng 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh đã ngừng hoạt động. Đây là đợt tái cấu trúc lớn nhất của chuỗi này từ khi nó được hình thành, với nhiều sự chấn chỉnh, cải tiến, thay đổi… Tuy nhiên có một điều quan trọng, đó là tình cảm của khách hàng đối với chuỗi này thì Bách Hóa Xanh vẫn chưa cải thiện được nhiều. Cần biết rằng, quyết định mua hàng nhiều khi không hẳn do cảm tình với thương hiệu nào đó, mà còn do nhiều lý do tác động, trong đó có các yếu tố như gần nhà, tiện lợi, giá rẻ, hoặc không có lựa chọn khác tại một thời điểm. Cảm tình của khách hàng phai nhạt, chính là một nguy cơ tiềm ẩn với các chuỗi bán lẻ. Bách Hóa Xanh ra đời sau 2 chuỗi đi trước là Thegioididong.com và Điện Máy Xanh tạo nguồn doanh thu và lợi nhuận gối đầu quan trọng. Tính đến cuối năm 2021, giá gốc đầu tư vào Bách Hóa Xanh khoảng 12.825 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thế Giới Di Động đã thành lập Công ty cổ phần công nghệ và đầu tư Bách Hóa Xanh với số vốn 13.900 tỉ đồng để mua lại 100% vốn của Công ty Thương mại Bách Hóa Xanh là pháp nhân đang sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh. Khi Bách Hóa Xanh thu hẹp quy mô 400 cửa hàng, vốn đầu tư gốc theo đó cũng sẽ giảm hoặc có thể không phát sinh tiếp. Thay vào đó theo thông tin ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế Giới Di Động, sau tái cơ cấu số cửa hàng giảm xuống nhưng doanh thu/cửa hàng vẫn tăng, và Bách Hóa Xanh có thể đạt điểm có lãi ngay trong quý IV/2022. Tính tới thời điểm cuối năm 2021, Bách Hóa Xanh vẫn đang lỗ lũy kết 4.950 tỉ đồng, ngang ngửa với tổng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của cả tập đoàn này (lãi 4.901 tỉ đồng). Với mức định giá Bách Hóa Xanh 1,5 tỉ USD theo hãng Reuters, được dự đoán tương ứng với mỗi cổ phần Bách Hóa Xanh bán ra cao hơn so với giá gốc dao động trong khoảng từ 2,5 đến 3 lần. Mức này là cao hay thấp còn tùy thuộc rất vào quan điểm đánh giá cũng như thực tế cũng như triển vọng kinh doanh của Bách Hóa Xanh tính từ thời điểm đàm phán với đối tác. Trong trường hợp Bách Hóa Xanh đạt điểm hòa vốn hay có lãi trong quý IV/2022, đó sẽ là nhân tố tạo lợi thế cực lớn cho thương vụ bán cổ phần. Còn ngược lại, khi đó, mức định giá Bách Hóa Xanh 1,5 tỉ USD có thể bị nhìn nhận là cao. Thị trường bán lẻ hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm cho tới thời điểm này có nhiều chuỗi, nhiều thương hiệu để lựa chọn và Bách Hóa Xanh chưa cho thấy tạo được ưu thế vượt trội. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top