Bị đàn áp dữ dội, giới giải trí Trung Quốc rỉ tai nhau "hãy nằm yên"

nhhgiap

Pearl
Ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc đang trở nên hỗn loạn sau một loạt scandal của nhiều ngôi sao nổi tiếng, các chương trình tuyển chọn thần tượng và các phim thuộc thể loại “đam mỹ”.
Bị đàn áp dữ dội, giới giải trí Trung Quốc rỉ tai nhau hãy nằm yên
Triệu Vy, ngôi sao bị loại khỏi Internet Trung Quốc vào tháng 8
Sau vô số quy định mới của chính phủ Trung Quốc, giới nghệ sĩ liên tục bị "sờ gáy", kéo theo không ít cuộc điều tra và phanh phui trên quy mô lớn. Bất cứ ai có đời tư không trong sạch đều phải nhanh chóng chịu sự trừng phạt, đầu tiên đó là bị gạch tên khỏi mạng xã hội Weibo. Thậm chí, thông tin của vài người trên Internet biến mất sạch chỉ trong một đêm.
Số nghệ sĩ trong danh sách đen của chính quyền ngày càng dài, trong đó có nhiều cái tên nổi bật như Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn, Trịnh Sảng, ca sĩ Hoắc Tôn, Tiền Phong - MC nổi tiếng của đài truyền hình Hồ Nam. Cựu phóng viên của tạp chí giải trí Oriental Daily, Chu Kỳ Duệ, người có 6 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, cho biết ngành công nghiệp này đã trở thành “một bãi mìn”, nơi bất kỳ sai lầm nào, dù hiện tại hay trong quá khứ, đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Anh nói: “Bây giờ, nghệ sĩ nào cũng có khả năng bị công chúng và cơ quan quản lý nhắm tới trong bối cảnh cuộc thanh trừng vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Không ít chương trình có nội dung phản cảm đã bị cấm chiếu”. Series phim truyền hình “Hạo Y” làm về đề tài đam mỹ là một ví dụ điển hình. Mặc dù Trần Phi Vũ, một trong hai nam chính của bộ phim này, đã nhập quốc tịch Trung Quốc vào tháng 7 – trước đó là quốc tịch Mỹ, nhưng tạo hình của anh cũng như bạn diễn La Vân Hi lại rơi vào điều cấm trong quy định của các nhà quản lý nước này.

Bị đàn áp dữ dội, giới giải trí Trung Quốc rỉ tai nhau hãy nằm yên
Trần Phi Vũ (phải) và La Vân Hi, hai diễn viên chính trong phim "Hạo Y"
Bộ nguyên tắc “8 điểm” được Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia công bố ngày 02/09, “siết chặt hoạt động của các chương trình nghệ thuật, giải trí và giới showbiz”. Trong đó, điểm một nêu rõ rằng các nền tảng phát thanh, truyền hình và Internet không được hợp tác với những nghệ sĩ có quan điểm chính trị không vững vàng, vi phạm pháp luật, có lời nói hoặc hành vi trái với chuẩn mực và đạo đức. Bên cạnh đó, chương trình tuyển chọn thần tượng, show giải trí có con của người nổi tiếng tham gia, trả lương cao,... trong ngành giải trí cũng bị cấm.
Tuy nhiên, một số người nổi tiếng thậm chí đã bị tẩy chay trước đó bởi những hành động và phát ngôn của họ trong quá khứ. “Triệu Vy, ngôi sao bị loại khỏi Internet Trung Quốc vào tháng 8, là một trong những ngôi sao như vậy. Hình phạt mà cô ấy nhận được hôm nay là do những sai phạm tài chính trong quá khứ”, Chu Kỳ Duệ nói.
Năm 2017, Triệu Vy và chồng là doanh nhân Huỳnh Hữu Long bị cấm tham gia thị trường chứng khoán Trung Quốc trong 5 năm vì những sai phạm của công ty họ trong thương vụ mua lại một công ty hoạt hình. Riêng Triệu Vy phải xin lỗi rất nhiều vì diện chiếc váy mang cờ Nhật Bản thời chiến trong một sự kiện thời trang ở New York hồi năm 2001.
Trương Triết Hạn, nam diễn viên dưới quyền quản lý của công ty Triệu Vy, cũng bị buộc rời khỏi giới giải trí chỉ sau một đêm, sau khi bức ảnh nam diễn viên chụp tại khu vực nhạy cảm chính trị năm 2018 lan truyền trên mạng xã hội. Đây là ngôi đền Yasukuni, nơi tưởng niệm những người thiệt mạng trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh, một biểu tượng rất nhạy cảm về di sản thời chiến ở đất nước mặt trời mọc.

Bị đàn áp dữ dội, giới giải trí Trung Quốc rỉ tai nhau hãy nằm yên
Bức ảnh mà Trương Triết Hạn chụp tại đền Yasukuni vào năm 2018
Gần đây, một nhân vật nổi tiếng khác trong giới giải trí là nhà văn, MC Cao Hiểu Tùng – cựu giám đốc bộ phận âm nhạc của Alibaba Picture đã bị thanh trừng, xóa sổ khỏi Internet Trung Quốc cũng vì những việc làm trong quá khứ. Năm 2016, trong chương trình talk show của mình, Cao Hiểu Tùng phát ngôn với chủ ý nghi ngờ về chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan. Ông còn tuyên bố các sĩ quan quân đội được vinh danh tại đền Yasukuni không phải là tội phạm chiến tranh. Ngoài ra, việc hạ nhục văn hóa quốc gia, dính líu các vụ rửa tiền là nguyên nhân khiến kỷ nguyên Cao Hiểu Tùng - thế lực thâu tóm giới giải trí suốt 20 năm - chính thức chấm dứt, theo Tân Hoa Xã.
Khi cuộc đàn áp mở rộng, các ngôi sao mang hai quốc tịch đã thu hút sự giám sát của công chúng và các nhà quản lý. Tuy kế hoạch của Cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc không có quy định cụ thể liên quan đến những nghệ sĩ mang hai quốc tịch, chuyên gia Lý Thu Hàn cho rằng họ vẫn bị công chúng dè bỉu, nhất là với khán giả tôn thờ chủ nghĩa dân tộc.
“Những người mang quốc tịch nước ngoài bị coi là đạo đức giả, hoạt động ở Trung Quốc chỉ vì tiền. Họ thường là đối tượng bị dư luận kêu gọi tẩy chay. Trong khi đó, công chúng và giới truyền thông cổ vũ những người đã từ bỏ quốc tịch nước ngoài, nâng họ lên làm hình mẫu”, Lý Thu Hàn nói.
Những ngôi sao gốc Hoa mang quốc tịch nước ngoài nhưng hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc có thể kể đến như Lưu Diệc Phi (quốc tịch Mỹ), Lý Liên Kiệt và Củng Lợi (quốc tịch Singapore). Giữa lúc công chúng đang lên tiếng kêu gọi lòng yêu nước, nam diễn viên kiêm ca sĩ Hồng Kông Tạ Đình Phong chia sẻ anh đã từ bỏ quốc tịch Canada trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CCTV hồi đầu tháng 9.

Bị đàn áp dữ dội, giới giải trí Trung Quốc rỉ tai nhau hãy nằm yên
Nữ diễn viên người Mỹ gốc Hoa, Lưu Diệc Phi
Vào năm 2013, Chân Tử Đan cũng tuyên bố rằng anh đã từ bỏ quốc tịch nước ngoài vào năm 2009. Nam diễn viên chia sẻ: “Tôi có 100% quốc tịch Trung Quốc. Tôi xem thường người tự nhận là người Trung Quốc nhưng luôn hướng về phương Tây”.
Lý Thu Hàn cho rằng việc trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng phương Tây cũng khiến sao Trung Quốc phải hứng chịu những lời chỉ trích. “Tốt nhất là họ nên chấm dứt hợp đồng để bảo vệ bản thân và thương hiệu đó”, Lý Thu Hàn cho hay. Đầu năm nay, Ngô Tuyên Nghi bị truyền thông xứ Trung chỉ trích vì trở thành đại sứ thương hiệu mới của Versace. Năm 2019, Versace bị dân Trung Quốc tẩy chay. Dương Mịch sau đó nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với thương hiệu thời trang cao cấp Italy để không chịu sự tẩy chay từ khán giả.
Vào năm 2019, ca sĩ Trương Nghệ Hưng, lúc đó là đại sứ thương hiệu của Samsung, tuyên bố cắt đứt quan hệ với gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc vì trang web của công ty thể hiện Đài Loan và Trung Quốc là hai khu vực khác nhau. Tuy nhiên, diễn viên Trần Khôn lại xấu số hơn khi nhận lời trở thành đại sứ thương hiệu của thương hiệu điện tử Hàn Quốc. Ngay sau sự kiện này, anh liên tục phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ công chúng.
Theo SCMP, khi cuộc “phong sát” của chính quyền Trung Quốc vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, danh sách nghệ sĩ bị tẩy chay sẽ ngày càng dài. Các blogger giải trí, truyền thông Trung Quốc không ngừng lùng sục quá khứ của nghệ sĩ, nhất là phát ngôn, hành vi không phù hợp với chính sách mới càng làm showbiz Hoa ngữ lao đao.
Chu Kỳ Duệ cho rằng những người nổi tiếng, công ty quản lý nên thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi hợp tác với thương hiệu, tổ chức chương trình và vạch ra con đường phát triển sự nghiệp. “Hiện tại, tốt hơn hết nghệ sĩ nên ngồi yên, tránh xa ánh đèn sân khấu và phải thận trọng”, anh khẳng định.
Theo SCMP
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top