Bị Mỹ cấm vận, vì sao Huawei vẫn tự tin đặt mục tiêu xuất xưởng 70 triệu smartphone vào năm tới?

TienCM

Pearl
Huawei đã dự trữ linh kiện trong nhiều tháng với mục tiêu tăng gấp đôi doanh số bán smartphone vào năm tới bất chấp dự đoán về một cuộc đàn áp tiếp theo của Mỹ.
Mục tiêu của Huawei là xuất xưởng từ 60 triệu đến 70 triệu smartphone vào năm 2024, tăng gấp đôi số lượng xuất xưởng so với năm nay và năm ngoái, theo hãng tin Nikkei Asia dẫn nguồn từ tin từ hai giám đốc điều hành trong ngành công nghệ. Các nhà phân tích chuỗi cung ứng cho biết Huawei đã tăng cường dự trữ ống kính, máy ảnh, bảng mạch in và các bộ phận khác kể từ đầu năm nay để đáp ứng mục tiêu đó.
Bị Mỹ cấm vận, vì sao Huawei vẫn tự tin đặt mục tiêu xuất xưởng 70 triệu smartphone vào năm tới?
Huawei cũng yêu cầu Qualcomm - nhà cung cấp chip di động 4G duy nhất của họ ở Mỹ - giao đơn đặt hàng cả năm trước tháng 6 vì lo ngại Mỹ sẽ bổ sung hoạt động kiểm soát xuất khẩu.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã phải chịu đựng các hạn chế thương mại của Mỹ kể từ năm 2019 nhưng vẫn chưa từ bỏ tham vọng phát triển chip. Những nỗ lực của họ đã được nhiều đối tác trong nước hỗ trợ do các công ty này đã có sẵn nhiều thiết bị cần thiết trước khi Mỹ và các đồng minh hạn chế xuất khẩu những công nghệ đó cho Trung Quốc.
Huawei đã hợp tác với nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International (SMIC) để sản xuất chipset di động 5G và các chip tiên tiến khác tại nhà máy ở Thượng Hải, dựa trên công nghệ sản xuất 7nm và 14 nm - công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay, cách khá xa so với trình độ sản xuất chip tiến trình 3nm và 4nm của các hãng như TSMC và Samsung.
Bị Mỹ cấm vận, vì sao Huawei vẫn tự tin đặt mục tiêu xuất xưởng 70 triệu smartphone vào năm tới?
Theo dữ liệu từ hiệp hội ngành bán dẫn SEMI, Trung Quốc là nước mua công cụ sản xuất chip lớn nhất thế giới kể từ năm 2020 và nằm trong số ba thị trường thiết bị chip hàng đầu thế giới kể từ năm 2016. Xu hướng này vẫn tiếp tục trong bối cảnh căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu công cụ sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ đạt 9,24 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023 và hơn 11,4 tỷ USD cho năm 2022. Ba quốc gia này thống trị thị trường toàn cầu về các công cụ chip tiên tiến và cả ba nước này gần đây đều hạn chế xuất khẩu công nghệ như vậy.
“Một dây chuyền sản xuất với các công cụ quốc tế có khả năng phát triển và sản xuất chip 7nm đã được đưa vào sử dụng ngay từ năm 2018 hoặc 2019”, một cựu nhân viên của nhà sản xuất thiết bị Mỹ Application Materials cho biết khi đề cập đến cơ sở sản xuất của SMIC. "Việc xây dựng được dây chuyền này đã mang lại một khoảng thời gian đệm có ý nghĩa để giảm bớt các hạn chế của Mỹ và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khác từ Nhật Bản và Hà Lan."
Cựu nhân viên trên cho biết, việc mua sắm đã được thực hiện và vận chuyển trước khi Mỹ đưa SMIC vào danh sách cấm vận. “SMIC đã phát triển chip 14 nm và 7 nm trong nhiều năm nên không ngạc nhiên khi cuối cùng họ cũng có thể sản xuất được chip”. Nanomet (nm) đề cập đến khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên chip. Con số nhỏ hơn thường biểu thị chip mạnh hơn và tiên tiến hơn. Ví dụ: Samsung và TSMC hiện đang sản xuất chip 3 nm và đã có khả năng sản xuất 7 nm từ năm 2018.
Một quản lý của nhà cung cấp thiết bị chip Trung Quốc cho biết công suất chip di động 7 nm hàng năm của SMIC có thể đạt 36 triệu đơn vị nếu chất lượng tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, kế hoạch trở lại tích cực của Huawei vẫn có thể gặp phải những trở ngại lớn khi Mỹ có kế hoạch mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu vốn đã rộng rãi đối với thiết bị sản xuất chip và chip AI. Nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang thúc giục Washington rút lại các quyền miễn trừ và giấy phép cấp cho Huawei và các nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC.
Bryan Ma, phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại IDC, chia sẻ với Nikkei Asia rằng: “Huawei đang đặt mục tiêu cao trong hai năm tới và chúng tôi kỳ vọng họ sẽ tiến lên nhờ nhu cầu trong nước đang cổ vũ cho người hùng quê hương của họ”. Ma cho biết Huawei có thể sẽ giành một số thị phần từ Apple trong phân khúc điện thoại cao cấp của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của công ty nếu công ty đột nhiên không thể đảm bảo đủ linh kiện, Ma nói thêm.
Hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc đàn áp của Mỹ. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, ở thời điểm đỉnh cao năm 2019, Huawei đã bán ra 240,6 triệu chiếc smartphone, đứng hai thị phần toàn cầu. Năm ngoái, sản lượng smartphone của họ giảm xuống chỉ còn 30,5 triệu chiếc, đứng ở vị trí thứ 10.
Để đối phó với cấm vận từ Mỹ, Huawei bắt đầu có những động thái mạnh mẽ trong sản xuất chip, thay vì chỉ thiết kế, với sự giúp đỡ của nhiều chính quyền địa phương và các nhà sản xuất chip mới nổi như PengXinWei và Thâm Quyến Pensun Technology (PST), theo báo cáo đầu tiên của Nikkei.
Huawei lặng lẽ phát hành Mate 60 Pro tại Trung Quốc vào ngày 29/8. Các bài đánh giá công nghệ mô tả thiết bị này là điện thoại thông minh 5G đầu tiên của công ty sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo gọi sự phát triển này của Huawei là “đáng lo ngại” và cho biết cần có các công cụ mới để kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Washington mô tả Huawei là một rủi ro an ninh quốc gia do công ty này có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, điều mà họ liên tục phủ nhận.
>> Mỹ lại vừa ra đòn lạ, o bế Hàn Quốc để tiêu diệt bán dẫn Trung Quốc
>> CEO công ty nghiên cứu tiết lộ bí mật lớn đằng sau chipset Kirin 9000S
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top