Binance bị chính phủ Mỹ cáo buộc thực hiện giao dịch nội gián

nhhgiap

Pearl
Chính phủ Mỹ đang mở rộng quá trình điều tra nhắm vào sàn Binance khi các nhà chức trách hiện đang kiểm tra liệu các nhân viên của Binance có thực hiện giao dịch nội gián (insider trading) và thao túng thị trường hay không.
Việc mở rộng nhằm giúp các quan chức chính phủ đánh giá xem nhân viên của sàn này có thu lợi nhuận dựa trên những thông tin về thị trường mà họ có được hay không, một điều tra viên giấu tên cho biết.
Mặc dù không có trụ sở chính tại bất kỳ nước nào, Binance lại đang vận hành một sàn giao dịch tiền mã hóa khổng lồ với khối lượng giao dịch mỗi ngày lên đến hàng chục tỷ USD nhưng lại không nằm dưới sự giám sát của bất kỳ chính phủ nào. Họ đang theo dõi hàng triệu giao dịch hằng ngày và chính phủ Mỹ đang đặt câu hỏi liệu công ty có khai thác những thông tin đó hay không.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Binance cho biết công ty có chính sách
"không khoan nhượng" đối với giao dịch nội gián và đặt ra các "quy tắc đạo đức nghiêm ngặt" cho các nhân viên nhằm ngăn chặn các hành vi sai trái có thể gây tổn hại cho khách hàng hoặc ngành công nghiệp tiền mã hóa. Phát ngôn viên cũng cho biết thêm, đội ngũ bảo mật của Binance đã có bộ quy định cực kì chi tiết để nhận biết các hành vi sai trái và hình phạt cho các hành vi trên.

Khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu pháp lý

Binance bị chính phủ Mỹ cáo buộc thực hiện giao dịch nội gián
Việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý luôn là vấn đề nhức nhối đối với Binance. Danh sách các quốc gia yêu cầu Binance ngừng hoạt động giao dịch tiền mã hóa ngày càng tăng. Tại Mỹ, Bộ Tư pháp và Sở Thuế đã tiến hành các cuộc điều tra nhằm xác minh liệu Binance có phải là một đường dây cho hoạt động rửa tiền và trốn thuế hay không.
Hiện tại, Binance vẫn chưa chính thức bị buộc tội vì hành vi sai trái nào. Bộ Tư pháp và Uỷ ban Giao dịch hàng hóa phái sinh (CFTC) đã kiểm tra công ty trong nhiều tháng và có thể mất một thời gian trước khi các cơ quan quyết định có đưa ra phán quyết hay không.
Binance nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung đang chịu sự giám sát đặc biệt từ các cơ quan chức năng Mỹ. Từ Bộ Tài chính đến Cục Dự trữ Liên bang và Ủy ban Chứng khoán Mỹ ngày càng lo lắng rằng thị trường này có thể là một điểm nóng của các hoạt động bất hợp pháp và các công ty như Binance đang âm thầm tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính truyền thống mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ đang thăm dò xem Binance có cho phép cư dân nước này mua và bán các sản phẩm tài chính phái sinh gắn với Bitcoin cũng như các đồng tiền mã hóa khác hay không và việc mở rộng cuộc điều tra là một phần của cuộc thăm dò này.
Uỷ ban Chứng khoán Mỹ đã xem xét dữ liệu và thông tin liên lạc nội bộ của Binance, họ cho biết công ty có thể đã cho phép công dân Mỹ tham gia giao dịch trên sàn Binance quốc tế. Theo luật tại Mỹ, do Binance không đăng ký với các cơ quan chức năng tại đây nên họ phải cấm người dân Mỹ giao dịch một số sản phẩm tài chính theo yêu cầu của chính phủ.

“Chấp hành quy định”

Binance bị chính phủ Mỹ cáo buộc thực hiện giao dịch nội gián
Changpeng Zhao, nhà sáng lập Binance cho biết trong một bài đăng trên blog của mình vào tháng 7 rằng ông luôn cố gắng hết mình “chấp hành các quy định nếu chính phủ các nước muốn Binance thực hiện”. Ông nói thêm rằng đội ngũ pháp lý và ban cố vấn trên toàn thế giới của Binance đã tăng gấp 5 lần kể từ năm ngoái, và họ sẽ tiếp tục tăng gấp đôi quy mô hiện tại vào cuối năm 2021.
Vào năm 2019, Binance đã thành lập chi nhánh tại Mỹ với tên gọi Binance US nhằm phục vụ riêng cho các khách hàng Mỹ. Khi đó, Zhao đã cho biết Binance có các hệ thống giám sát để đảm bảo các khách hàng tại Mỹ sẽ không được giao dịch tiền mã hóa trên sàn Binance quốc tế. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh công ty luôn cam kết tuân thủ luật lệ tại các quốc gia mà công ty hoạt động.
CFTC cho biết họ muốn xác định được các máy chủ của Binance đang được đặt ở đâu. CFTC không đưa ra lời giải thích thêm nhưng điều này có thể liên quan đến các vấn đề pháp lý. Các tòa án tại Mỹ trước đây đã đưa ra các vụ kiện chống lại công ty với lý do rằng họ không có văn phòng cũng như người đại diện ở các tiểu bang.
Theo Bloomberg
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top