Bộ NN&PTNT trả lời cử tri Tiền Giang liên quan đến kênh đào Phù Nam

1728613875110.png


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời kiến nghị của cử tri Tiền Giang về việc đảm bảo nguồn nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long khi Campuchia khởi công kênh đào Phù Nam Techo. Bộ cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đánh giá tác động của dự án này, nhưng kết quả hiện tại chỉ mang tính sơ bộ do thiếu số liệu chi tiết.

Bộ cũng đang triển khai nhiều kế hoạch, bao gồm thực hiện các mục tiêu về an ninh nguồn nước theo kết luận của Bộ Chính trị và kế hoạch hành động của Thủ tướng. Đặc biệt, Bộ đang xây dựng quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai cho Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phối hợp với các bộ ngành để đề xuất các giải pháp dài hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt trong tương lai. Để biết thông tin tổng thể về Kênh đào Phù Nam, mời bạn theo dõi từ hashtag này: #funantechoảnhhưởng
Giải pháp đảm bảo nước ngọt khi Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo

Cử tri Tiền Giang kiến nghị tiếp tục có nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước ngọt cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, khi Campuchia khởi công dự án kênh đào Phù Nam Techo.
1728613820124.png

Phối cảnh dự án kênh đào Phù Nam Techo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang giải pháp để đảm bảo nguồn nước ngọt cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi Campuchia khởi công dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên quan đến dự án giao thông thủy kênh đào Phù Nam Techo, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo đánh giá tổng thể các tác động của dự án.

Về phía bộ đã chủ động giao cho các đơn vị nghiên cứu của bộ đánh giá các tác động do dự án gây ra liên quan đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, do số liệu, tài liệu về dự án hết sức sơ bộ, hạn chế, không có số liệu về khai thác vận hành nên kết quả của các đơn vị nghiên cứu mới là những kết quả bước đầu, mang tính định hướng và ngắn hạn.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện kết luận số 36-2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quyết định số 1595-2022 của Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kết luận số 36-2022 của Bộ Chính trị.

Trong đó đã cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là an ninh nguồn nước nội sinh, nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi của việc gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.

Đồng thời, bộ đang triển khai xây dựng Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long sau khi có Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 847-2023, trong đó có xét đến tác động của Dự án giao thông thủy kênh đào Phù Nam Techo.

Cùng với đó, bộ đang chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương xây dựng Đề án tổng thể phòng, chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9-2024.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thu thập đầy đủ số liệu của Dự án để đánh giá kỹ hơn, đầy đủ hơn các tác động liên quan đến các lĩnh vực bộ phụ trách và đề xuất các giải pháp, biện pháp hữu hiệu, dài hạn.

Đồng thời báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo, triển khai, thực hiện kịp thời nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Bộ cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại kết luận số 36-2022 của Bộ Chính trị và quyết định số 1595-2022 của Thủ tướng để góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt cho tỉnh và khu vực.

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top