Bộ phim “Don’t Look Up” có chính xác về mặt khoa học?

M
Minh Bảo
Phản hồi: 0
Don’t Look Up (Đừng nhìn lên) là bộ phim hài mới ra mắt của Netflix quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng. Bộ phim kể về hành trình hai nhà thiên văn học tìm cách cảnh báo về một ngôi sao chổi đang trên đường lao vào Trái Đất. Nhưng về mặt khoa học, bộ phim này có bao nhiêu phần chính xác?
Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ nội dung phim!
Trong phim, một sao chổi đã đâm vào Trái Đất và huỷ diệt toàn bộ hành tinh của chúng ta. Bộ phim mô tả sự bài xích, ích kỷ và tham lam của con người, tất cả những điều đó đã khiến họ không thể thực hiện kịp thời các biện pháp ngăn chặn vụ va chạm. Sau bộ phim, chắc hẳn nhiều khán giả sẽ tự hỏi rằng liệu một sự kiện cấp tuyệt chủng như vậy… thật sự có nguy cơ xảy ra không? Bài viết này sẽ mổ xẻ bộ phim này trên khía cạnh khoa học, ngoài trừ cảnh sinh vật ngoài hành tinh cắn đứt đầu Meryl Streep, nữ diễn viên 3 lần đoạt giải Oscar.

Một sao chổi có khả năng huỷ diệt Trái Đất không?​

Sao chổi là gì? NASA mô tả sao chổi như những quả cầu tuyết khổng lồ ngoài không gian, ngoài trừ việc chúng không có tuyết. Chúng được tạo thành từ băng, bụi và đá; và là những gì còn sót lại kể từ khi hệ mặt trời được hình thành. Đến nay, đã có khoảng 3.743 sao chổi được ghi nhận, trong khi đó, con số ước tính lên đến hàng tỷ sao chổi đang di chuyển khắp vũ trụ.
Bộ phim “Don’t Look Up” có chính xác về mặt khoa học?
Các loại thiên thể khác nhau (Ảnh: vectorpouch/Shutterstock)
Sao chổi có đường trung bình kính khoảng vài kilomet, tương đương kích thước của một sân gôn tầm trung. Tuy nhiên, khi nó đi ngang Mặt Trời, lớp băng tan ra và hơi nước tạo thành một đám mây bao quanh sao chổi. Cho nên kích thước nhìn thấy của chúng có thể lên đến 80.000km!
Giờ thì hãy tưởng tượng một thứ có kích thước lớn như thế bay với vận tốc hàng nghìn km/h có quỹ đạo hướng vào Trái Đất… không cần đoán cũng biết hành tinh này chắc chắn không thể còn nguyên vẹn được.
Ngay cả khi bạn ném một quả bóng rổ từ tầng 10 xuống một chiếc xe hơi bên dưới cũng đã có thể khiến trần xe móp méo. Do vậy không quá khó để tin rằng một cục đá đóng băng nặng hàng tấn có thể huỷ diệt Trái Đất.

“Sao chổi Dibiasky” có thể phá huỷ Trái Đất không?​

Trong bộ phim, sao chổi giả tưởng tên Dibiasky có đường kính ước tính từ 5 – 10km, bay với vận tốc hàng nghìn km/h và sẽ va chạm với Trái Đất sau 6 tháng 14 ngày kể từ ngày phát hiện. Đó là khoảng thời gian khá lớn để sao chổi tích luỹ động lượng. Động năng mà sao chổi mang theo sẽ rất lớn và sau khi va vào Trái Đất, nó sẽ giải phóng lượng năng lượng này.
Khi lên kịch bản bộ phim, nhà thiên văn học, tiến sĩ Amy Mainzer được đoàn làm phim mời làm cố vấn khoa học cho diễn viên và biên kịch. Tiến sĩ Mainzer làm việc tại Đại học Arizona và là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về phát hiện tiểu hành tinh. Do đó, đây là một nguồn tham khảo khoa học đáng tin cậy.
Tiến sĩ Mainzer tin rằng dạng nguy cơ diệt vong này, bất kể hiếm hoi đến đâu, đều có xác suất xảy ra. Thậm chí, bà còn tạo ra sao chổi Dibiasky dựa trên một sao chổi mà nhóm của bà đã phát hiện ra có tên là NEOWISE. Tuy nhiên, chúng ta không có gì phải lo cả, Trái Đất không nằm trên quỹ đạo của NEOWISE. Ít nhất là chúng ta vẫn an toàn… ở hiện tại!
Bộ phim “Don’t Look Up” có chính xác về mặt khoa học?
Xác suất bạn chết do rắn cắn còn cao hơn do sao chổi, nhưng không có nghĩa là nó bằng không (Ảnh: Justin W/Unplash)
Sao chổi Dibiasky tương tự như sao chổi đã xoá sổ loài khủng long trên Trái Đất, do vậy bạn có thể yên tâm rằng nó cũng sẽ có thể… xoá sổ cả loài người.
Để dễ hình dung, NASA cho biết các tiểu hành tinh có kích thước lớn hơn 140m là đủ để gây ra thiệt hại đáng kể. Và sao chổi Dibiasky có kích thước 8.851m!
Trong bộ phim, cảnh Trái Đất bị huỷ diệt được dựng rất hoành tráng. Khi sao chổi Dibiasky đâm vào Thái Bình Dương, nó tạo ra một đợt sóng xung kích cực mạnh lan khắp địa cầu và huỷ diệt mọi thứ trên đường đi của nó. Bên cạnh đó, sao chổi và các thành phần phụ của nó cũng bốc cháy khi vào khí quyển do lực ma sát của không khí. Quá trình này làm tăng nhiệt độ của sao chổi lên cực lớn. Khi va chạm, mức nhiệt này có thể khiến mọi thứ trên vỏ Trái Đất bốc cháy và cơ bản là nó giết chết mọi sinh vật sống trên hành tinh.

Sao chổi có thể gây ra thiệt hại đến đâu?​

Trước đây, sao chổi hay các tiểu hành tinh đã từng va chạm với Trái Đất, nhưng loài người vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đó là vì không phải sao chổi nào cũng có thể huỷ diệt Trái Đất. Trên thực tế là một số vụ va chạm hầu như không gây ra bất kỳ thiệt hại nào!
Bộ phim “Don’t Look Up” có chính xác về mặt khoa học?
Những yếu tố chính quyết định mức độ thiệt hại mà một sao chổi có thể gây ra là kích thước, tốc độ và khối lượng.
Tuỳ vào những thông số đó, sao chổi có thể gây ra thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau. Đầu tiên là sao chổi nhỏ với kích thước chỉ vài mét, chúng sẽ bị đốt cháy hoàn toàn trong khí quyển trước khi kịp đâm vào Trái Đất. Những sao chổi có kích thước lớn hơn có thể tạo ra sóng xung kích khi va chạm. Nó sẽ tạo ra những chấn động trên mặt đất. Nếu một sao chổi lớn đâm xuống đại dương, nó có thể gây ra sóng thần hoặc những đợt sóng thuỷ triều khổng lồ.
Hãy tưởng tượng bạn ném một hòn đá vào mặt hồ. Vụ va chạm làm nước bắn lên và tạo ra những gợn sóng toả ra khắp mặt hồ. Hãy hình dung hiện tượng này ở quy mô lớn hơn với một hòn đá đủ lớn để tạo ra những gợn sóng có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực ven biển.
Đó chỉ mới là tác động về mặt vật lý. Sao chổi còn mang theo lượng bức xạ nhiệt rất cao, đủ để đốt cháy lượng oxi có trong khí quyển. Bên cạnh đó, lượng bức xạ ion hoá mà sao chổi mang theo cũng có thể nướng cháy toàn bộ thiết bị điện tử, tương tự xung điện từ (EMP) vậy. Sau vụ va chạm, đống đổ nát và bụi sẽ làm ô nhiễm không khí khiến các sinh vật không thể thở được.
Đây chỉ mới là những thiệt hại ban đầu.
Không chỉ vụ va chạm đe doạ đến sự tồn vong của các loài sinh vật trên Trái Đất, mà những hậu quả thứ cấp của nó vẫn sẽ tiếp tục đe doạ sự sống. Giống như trên phim, những vụ cháy sẽ lan rộng khắp Trái Đất. Một sao chổi cực lớn sẽ đốt cháy toàn bộ oxi trong khi quyển khi nó bay qua, làm cạn kiệt nguồn oxi và làm biến đổi bản chất bầu khí quyển của chúng ta. Trong những trường hợp này, thiệt hài về mặt khí quyển là vô cùng lớn. Sao chổi lớn cũng có thể tạo ra những đám mây bụi dày đặc bao phủ bề mặt Trái Đất, chặn toàn bộ ánh sáng Mặt Trời trong nhiều tháng, hay thậm chí là nhiều năm! Trái Đất sẽ trở nên hoàn toàn cằn cỗi.
Tóm lại, sao chổi và bom hạt nhân gây ra những dạng thiệt hại tương tự nhau… và hậu quả cũng giống nhau.

Cuối cùng​

Nỗi lo sao chổi va chạm với Trái Đất xuất hiện từ năm 1705, khi nhà thiên văn học Edmond Halley lên tiếng về lo ngại của ông. Tuy nhiên, tỷ lệ người chết vì sao chổi cũng chỉ tương đương với người chết vì tại nạn máy bay hay lũ lụt ở Mỹ.
Dù vậy, như tiến sỹ Mainzer nói, viễn cảnh Trái Đất diệt vong khó mà xảy ra, nhưng chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị cho tình huống đó. Có một số biện pháp ngăn chặn đã được đề ra. Và Văn phòng Điều phối Phòng vệ Hành tinh tại NASA được đề cập đến trong bộ phim Don’t Look Up cũng hoàn toàn có thật.
Bộ phim “Don’t Look Up” có chính xác về mặt khoa học?
Họ có sẵn các phương án dự phòng, chẳng hạn như nhiệm vụ Double Asteroid Redirection Test (thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép – DART), nhằm chuyển hướng quỹ đạo của các tiểu hành tinh đang hướng vào Trái Đất. Hay thậm chí là bắn tên lửa vào các tiểu hành tinh/sao chổi nhỏ khiến chúng vỡ ra thành những mảnh nhỏ nhằm giảm thiểu hoặc triệt tiêu thiệt hại có thể có.
Về mặt khoa học, bộ phim Don’t Look Up đã truyền tải chính xác những gì sẽ xảy ra khi một sao chổi đâm vào Trái Đất và kết thúc toàn bộ sự sống trên hành tinh này. Do đó, bạn có thể yên tâm vì xác suất xảy ra là cực thấp!
Theo ScienceABC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top