Các cảng ở Brazil chật cứng hơn 70.000 xe điện Trung Quốc ế

Bỉ Ngạn Hoa
Bỉ Ngạn Hoa
Phản hồi: 0
Các cảng của Brazil đã bị tắc nghẽn trong năm nay với hơn 70.000 xe điện (EV) Trung Quốc chưa bán được, một dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang gặp khó khăn như thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của họ.

1734265075011.png

Theo tờ SCMP, các công ty xe hơi Trung Quốc như BYD và Great Wall Motor có tham vọng toàn cầu xem Brazil là nơi thử nghiệm quan trọng khi nhiều nền kinh tế lớn khác đang chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ. Quốc gia này là thị trường ô tô lớn thứ sáu thế giới và thành công ở đó có thể thúc đẩy triển vọng trên toàn khu vực.

Nhưng sau khi tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực xe điện mới ra đời của Brazil, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng. Tình trạng dư thừa xe tại các cảng xuất phát từ việc họ cố gắng tránh thuế quan mới. Các đối thủ cạnh tranh trong nước đã phản ứng bằng cách bổ sung thêm những lựa xe điện và tăng đầu tư. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng xe điện của quốc gia này đang chậm lại, giống như nhiều nơi khác trên thế giới.

Alexander Seitz, chủ tịch điều hành của đơn vị Volkswagen tại Nam Mỹ, công ty đã bán ô tô tại Brazil từ những năm 1950 và sản xuất một số mẫu xe động cơ đốt trong bán chạy nhất tại quốc gia này, cho biết "tuần trăng mật đã kết thúc".

BYD đang trên đà vượt mốc 100 tỷ USD doanh số trong năm nay và Brazil là một phần lớn trong số đó. Đây là thị trường nước ngoài BYD đặt nhiều kỳ vọng tăng trưởng nhất vì công ty này đang phải đối mặt với sự phản đối từ các chính phủ ở Mỹ và Châu Âu.

Trong thập kỷ qua, Brazil đã miễn thuế nhập khẩu 35% đối với xe điện và xe hybrid nhằm thúc đẩy ngành này phát triển. Điều đó đã thu hút các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc. Các nhà sản xuất xe hơi Brazil, tất cả đều là công ty con của các công ty toàn cầu như General Motors phần lớn đã bỏ qua các mẫu xe điện và xe hybrid.

BYD đã giới thiệu những chiếc xe đầu tiên của mình đến Brazil vào năm 2021 và đẩy nhanh xuất khẩu vào năm ngoái. Với mẫu xe có giá thành thấp nhất chỉ 115.800 reais (19.100 USD), BYD đã nhanh chóng giành được thị phần nhờ giá rẻ hơn so với các loại xe chạy bằng xăng của đối thủ. Các nhà sản xuất trong nước đã phản ứng bằng cách giảm giá một số mẫu xe động cơ đốt trong tới 30%.

Các nhà sản xuất ô tô của Brazil đã vận động hành lang để khôi phục thuế nhập khẩu và cuối cùng đã tìm được sự ủng hộ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người đã trở lại nắm quyền vào tháng 1 năm 2023. Chính phủ của ông Lula bắt đầu khôi phục mức thuế một năm sau đó ở mức 10% và có kế hoạch tăng dần lên 35% vào giữa năm 2026.

Để ứng phó, BYD đã xuất khẩu tràn ngập xe vào Brazil trước khi áp dụng thuế quan. Vào đầu tháng 11, một giám đốc điều hành của công ty cho biết họ còn 35.000 xe tại các cảng, tương đương với lượng hàng tồn kho trong khoảng 4 tháng. Alexandre Baldy, phó chủ tịch cấp cao của BYD tại Brazil, cho biết tất cả đều nằm trong kế hoạch đi trước thuế quan để duy trì giá cả và chống lại cái mà ông gọi là ngành công nghiệp trong nước "lỗi thời".

"Chúng tôi đã làm rung chuyển thị trường ô tô Brazil đến mức gieo rắc nỗi sợ hãi cho các đối thủ cạnh tranh", Baldy cho biết. "Đó là sự tuyệt vọng hoàn toàn của đối thủ cạnh tranh".

Theo hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Anfavea, thị phần xe điện trong tổng doanh số bán ô tô của Brazil đã tăng gần gấp đôi lên 7% vào tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn duy trì ở mức 7% kể từ đó. Tính đến tháng 10, các công ty ô tô đã bán được khoảng 2 triệu xe ở Brazil và khoảng 140.000 xe là xe điện.

Việc tìm kiếm khách hàng mới sẵn sàng mua xe điện ở một quốc gia mới bắt đầu xây dựng các trạm sạc đang trở nên khó khăn hơn. Thêm vào nỗi lo về quãng đường xe điện có thể đi được chỉ với một lần sạc là một vấn đề lớn ở Brazil, quốc gia lớn có khoảng cách lớn giữa các trung tâm dân cư.

“Chúng tôi cần mở rộng cơ sở hạ tầng của mình”, Ricardo Bastos, giám đốc quan hệ chính phủ của Great Wall Motor tại Brazil cho biết. “Doanh số hiện đang tốt, nhưng có tiềm năng tăng trưởng hơn nữa nếu cơ sở hạ tầng của chúng tôi tiếp tục phát triển”.

Để đẩy nhanh quá trình phổ cập xe điện, BYD và Great Wall Motor đang tích cực đầu tư hơn vào năm 2025. Cả hai đều đang có kế hoạch mở nhà máy tại Brazil.

Đối với BYD, nhà máy ô tô điện đầu tiên của hãng bên ngoài châu Á dự kiến bắt đầu sản xuất ô tô vào tháng 3 năm tới. Trên địa điểm của một cơ sở cũ của Ford Motor ở Brazil, BYD đang đầu tư 5,5 tỷ real (910 triệu USD) và kỳ vọng rằng trong hai năm, nhà máy này sẽ sản xuất 300.000 ô tô mỗi năm.

1734265108734.png

Địa điểm nhà máy sản xuất xe điện mới của BYD tại Camacari, Brazil. Ảnh: Reuters

BYD cũng cho biết họ sẽ tăng gấp đôi số lượng đại lý tại quốc gia này và đưa hàng chục mẫu xe điện thâm nhập thị trường, gồm cả mẫu xe mà công ty cho biết là xe bán tải hybrid đầu tiên trên thị trường.

Trong khi đó, Great Wall Motor, dự kiến sẽ vượt qua mốc 28 tỷ USD doanh số trong năm nay, có kế hoạch sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất xe điện vào tháng 5/2025 tại một nhà máy cũ của Daimler. Nhà máy đó là một phần của kế hoạch đầu tư 10 tỷ real (1,65 tỷ USD) của Great Wall Motor tại Brazil trong khoảng một thập kỷ.

Các công ty Trung Quốc khác gần đây cũng đã công bố kế hoạch mở rộng sang Brazil, trong bối cảnh làn sóng rào cản thuế mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ. Đầu năm nay, chính quyền của ông Biden đã tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ 25% lên 100% để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô Mỹ khỏi những gì mà họ cho là các hoạt động thương mại không công bằng.

Omoda và Jaecoo, các thương hiệu thuộc sở hữu của Chery Automotive, có kế hoạch tung ra một số mẫu xe tại Brazil vào năm 2026. GAC hứa sẽ đầu tư khoảng 6 tỷ real (gần 1 tỷ USD) vào Brazil. Neta, liên kết với tập đoàn Hozon New Energy Automobile, hiện đang thâm nhập thị trường. Và Zeekr, thương hiệu của Geely Automotive Holdings, gần đây đã bắt đầu giới thiệu các mẫu xe cao cấp tại quốc gia này.

1734265161588.png

Chery có kế hoạch bán xe Omoda và Jaecoo tại Brazil vào năm 2026. Ảnh: Reuters

Những hãng xe hơi lớn bao gồm Volkswagen, Toyota Motor và Renault, đã công bố khoản đầu tư hơn 100 tỷ real ở Brazil vào cuối thập kỷ này. Phần lớn số tiền đó được lên kế hoạch để phát triển xe hybrid, bao gồm các giải pháp linh hoạt kết hợp điện với động cơ đốt trong chạy bằng xăng và ethanol, một loại nhiên liệu được sản xuất tại địa phương từ cây mía của Brazil.

Stellantis, chủ sở hữu các thương hiệu truyền thống như Fiat, Jeep và Peugeot, đang có kế hoạch bắt đầu bán các mẫu xe điện từ đối tác Trung Quốc Leapmotor tại Brazil vào đầu năm tới.

Trước khi áp dụng mức thuế mới đối với xe điện nhập khẩu, người Trung Quốc đã không “chơi trong cùng điều kiện”, Emanuele Cappellano, giám đốc điều hành của Stellantis tại Nam Mỹ cho biết.

Giống như phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô trong nước của Brazil, Cappellano đang đặt cược rằng điều đó sẽ giúp cân bằng sân chơi.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top