Các hãng điện thoại giờ đua nhau làm chip hình ảnh tuỳ biến

Ngày càng nhiều nhà sản xuất smartphone tìm cách chế tạo những con chip hình ảnh tuỳ biến. Điều gì đã dẫn đến xu thế này?
Khả năng nhiếp ảnh là thứ giúp smartphone đắt hàng. Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại cũng như từ một vài năm trở về trước, nó có lẽ là yếu tố lớn nhất tạo nên sự khác biệt giữa các sản phẩm trên thị trường. Việc các nhà sản xuất thử nghiệm nhiều cụm camera độc lạ đã mang đến cho chúng ta những công cụ nhiếp ảnh đặc sắc, nhưng không phải lúc nào cũng thực dụng. Và cuộc chiến nhiếp ảnh trên smartphone sắp tới đây có thể chuyển sang một chiến trường mới: khả năng xử lý hình ảnh.

Các hãng điện thoại giờ đua nhau làm chip hình ảnh tuỳ biến
Các nhãn hiệu Trung Quốc như Vivo và Xiaomi hiện đang gây sức ép lên thị trường với công nghệ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) “nhà làm” nhằm tăng cường sức mạnh cho bộ vi xử lý (SoC) bên trong điện thoại. Oppo cũng được đồn đoán là đang phát triển con chip của riêng mình. Tất nhiên, Google không thể đứng ngoài cuộc khi tìm cách đưa khả năng nhiếp ảnh của mẫu flagship Pixel 6 sắp ra mắt lên một tầm cao mới bằng cách tận dụng sức mạnh học máy chưa từng có trong SoC tuỳ biến mang tên Tensor của mình.
Rõ ràng, chip hình ảnh tuỳ biến là một xu thế chắc chắn sẽ nở rộ xuyên suốt năm 2022. Lý do tại sao, chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
Khả năng xử lý hình ảnh tốt hơn
Lý do hiển nhiên mà các nhà sản xuất muốn đầu tư vào công nghệ ISP tuỳ biến là nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh hoặc mang lại những tính năng mà bạn không thể tìm thấy trên các thiết bị cạnh tranh. Ví dụ, chip Surge C1 của Xiaomi hứa hẹn cải thiện chất lượng hình ảnh thiếu sáng, lấy nét tốt hơn, và cải thiện tự động phơi sáng và tự động cân bằng trắng - về cơ bản là cải thiện những yếu tố đóng vai trò nền tảng trong nhiếp ảnh di động. Nhưng những ISP tiên tiến còn có thể được sử dụng để khiến HDR, và thậm chí là công nghệ học máy, trở nên nhanh hơn và mạnh mẽ hơn - điều mà Google rõ ràng muốn nhắm đến với chip Tensor.
Dù các loại cảm biến hình ảnh trên máy chuyên dụng liên tục được cải tiến, camera smartphone vẫn bị hạn chế bởi kích cỡ cảm biến hình ảnh mà chúng buộc phải chấp nhận nếu không muốn những cụm camera quá thô kệch hay đánh đổi bằng thời lượng pin. Để giải quyết rào cản này, các nhà sản xuất smartphone bắt đầu chuyển hướng sang các loại công nghệ và kỹ thuật xử lý mới, như nhiều dải ISO, nhiều lớp phơi sáng, HDR đơn khung hình… nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh. Nhưng những tính năng mạnh mẽ đó lại đòi hỏi những con chip chuyên dụng, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn - đó là lý do vai trò của ISP trong những smartphone hiện đại ngày càng quan trọng hơn.

Các hãng điện thoại giờ đua nhau làm chip hình ảnh tuỳ biến
Như đã đề cập ở trên, Google là một trong những công ty đầu tiên đề cao tầm quan trọng và khả năng của chip xử lý hình ảnh. Dù không hẳn là những ISP theo định nghĩa truyền thống, Pixel Visual Core và sau này là Pixel Neural Core đã mang lại những kỹ thuật xử lý hình ảnh tối tân giúp smartphone của hãng vượt trội về khả năng nhiếp ảnh điện toán. Hiện công ty đang phát triển một dự án lớn hơn: tuỳ biến cấu trúc bên trong của SoC Tensor trên Pixel 6.
Chúng ta không thể không so sánh những nỗ lực của Google trên Pixel với các nhãn hiệu khác cũng đang theo đuổi phần cứng hình ảnh của riêng mình. Tương tự Google, Qualcomm cũng liên tục nâng cấp khả năng xử lý hình ảnh của SoC Snapdragon qua nhiều thế hệ.
Trong bối cảnh smartphone tiếp tục đe doạ các loại máy ảnh nhỏ gọn, khả năng xử lý hình ảnh lẫn các công cụ phần mềm sẽ đóng vai trò ngày một quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình cải tiến. Sự khác biệt về khả năng nhiếp ảnh của các mẫu smartphone trên thị trường rồi sẽ xoay quanh những con chip tuỳ biến, cũng như cảm biến hình ảnh và thấu kính chất lượng cao - dù rằng đó chẳng phải là lý do duy nhất khiến các công ty thèm khát chip của riêng mình.
Trung Quốc muốn có chip riêng
Không hề trùng hợp khi các nhãn hiệu Trung Quốc đang đi đầu thị trường với chip hình ảnh tuỳ biến. Nước này hiện ngày đêm quảng cáo về quá trình phát triển chip quốc gia để giảm sự lệ thuộc vào tài sản trí tuệ của phương Tây. Mối đe doạ hiện hữu rằng Mỹ có thể ngăn chặn các công ty tiếp cận tài sản trí tuệ càng nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết kế cũng như kỹ thuật sản xuất bán dẫn “nhà làm” của Trung Quốc.
Vi xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) là một trong số ít linh kiện quan trọng trên smartphone có thể được tách rời khỏi SoC chính một cách tương đối dễ dàng. Những con chip học máy riêng biệt là một cơ hội khác, và các công ty Trung Quốc hiển nhiên cũng đang nghiên cứu tự thiết kế loại chip này. Nhưng các linh kiện 5G, CPU, và GPU lại phụ thuộc rất nhiều vào tài sản trí tuệ của phương Tây. Huawei là nhà sản xuất chip di động duy nhất của Trung Quốc nắm trong tay những tài sản trí tuệ tiên tiến giúp họ có thể phát triển các SoC cho riêng mình, nhưng bản thân hãng vẫn phải mua giấy phép sử dụng CPU, GPU và các công nghệ khác từ phương Tây - ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra cũng đừng quên rằng cuộc chơi này còn một nhà sản xuất Trung Quốc khác là Xiaomi, với SoC Surge S1 bình dân.
Phát triển ISP là một quá trình đòi hòi nhiều công sức và tiền bạc. Thiết kế vi xử lý chuyên dụng sẽ là một cột mốc quan trọng hướng đến những thiết kế tổng thể hơn trong tương lai. Và đừng quên là, qua quá trình này, các nhà sản xuất smartphone sẽ được trải nghiệm những gian khó của việc sản xuất chip - một điều mà từ trước đến nay chỉ những nhà sản xuất SoC lớn như Apple, Huawei, Qualcomm, và Samsung biết được. Cuối cùng, phần cứng riêng là điều kiện cần để một công ty đứng ngang hàng rồi từ đó cạnh tranh với các ông lớn khác.
Tự tay sản xuất những con chip hình ảnh chuyên dụng là một bước tiến gần hơn đến sự tự chủ về chip. Đó là chưa kể công nghệ ISP không chỉ hữu dụng đối với camera smartphone. Nó có thể đóng vai trò quan trọng trong máy ảnh kỹ thuật số, các thiết bị an ninh và nhận dạng khuôn mặt, xe hơi… Về cơ bản, bất kỳ thứ gì có camera sẽ cần một ISP, và thị trường dành cho loại chip này đang ngày càng rộng lớn hơn.

Các hãng điện thoại giờ đua nhau làm chip hình ảnh tuỳ biến
ISP tuỳ biến: chiến trường nhiếp ảnh di động tiếp theo
Xu hướng nhiếp ảnh điện toán di động với sự hỗ trợ của những công nghệ hình ảnh tiên tiến đã hình thành từ một vài năm qua, đưa chất lượng hình ảnh trên smartphone lên một tầm cao mới. Vi xử lý tín hiệu hình ảnh là một phần không thể thiếu trong câu chuyện đó, đứng sau những tính năng rất cơ bản như lấy nét tự động và phơi sáng, cho đến những thứ tiên tiến hơn, như HDR và các thuật toán AI.
ISP tuỳ biến được các nhà sản xuất smartphone xem là một “vũ khí” tạo nên sự khác biệt. Cải thiện chất lượng hình ảnh là mục tiêu hàng đầu, và phần cứng mới này chắc chắn sẽ giúp đưa những tính năng nhiếp ảnh phổ thông lên những cột mốc cao hơn, mà bằng chứng rõ nét nhất chính là dòng sản phẩm Pixel của Google. Mặt khác, phát triển chip cũng sẽ góp phần tạo nên sự khác biệt, cả về khía cạnh tạo nên những sản phẩm nổi bật lẫn giúp chứng minh rằng những nhãn hiệu đang nổi, đặc biệt là những cái tên đến từ Trung Quốc, hoàn toàn có thể cạnh tranh với những nhà phát triển chip tại Apple, Samsung và nhiều nơi khác.
Dù người tiêu dùng có lẽ mới chỉ bắt đầu làm quen với khái niệm này, ISP tuỳ biến nhiều khả năng sẽ là một phần then chốt trong các chiến dịch quảng bá nhiếp ảnh di động từ nay đến năm 2022 và có lẽ là xa hơn nữa.
Tham khảo:
AndroidAuthority
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top