Các hãng smartphone Trung Quốc bị chính quyền Ấn Độ “săn lùng” vì trốn thuế

Vào năm 2014, các nhãn hiệu smartphone Trung Quốc là Vivo, Oppo, và OnePlus đã tiến công thị trường Ấn Độ, tiếp theo sau là Realme vào năm 2018 và iQOO vào năm 2020. Những nhãn hiệu này đều là công ty con của công ty Trung Quốc BBK Electronics và đóng một vai trò quan trọng giúp Ấn Độ vượt Mỹ để trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới.
Nhưng nay, có vẻ như cuộc phiêu lưu của những nhãn hiệu cực kỳ nổi tiếng nói trên đã đến hồi kết, khi mà tất cả đang phải hứng chịu cơn thịnh nộ của chính quyền Ấn Độ giữa lúc căng thẳng chính trị với Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Các hãng smartphone Trung Quốc bị chính quyền Ấn Độ “săn lùng” vì trốn thuế
Thị phần thị trường smartphone Ấn Độ
Theo trang RestOfWorld, các nhãn hiệu con của BBK Electronics chiếm đến gần 40% số smartphone xuất xưởng sang Ấn Độ kể từ năm 2020 đến nay. Mặc cho đợt truy quét mà chính quyền Ấn Độ thực hiện gần đây nhằm vào công nghệ Trung Quốc (đã có hơn 300 ứng dụng Trung Quốc bị cấm cửa tại Ấn Độ do tình hình xung đột biên giới giữa hai nước), các nhãn hiệu của BBK vẫn giữ vững chỗ đứng của mình, biến công ty mẹ thành một thế lực đáng gờm tại quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, tháng trước, đà tăng trưởng của BBK bắt đầu gặp trở ngại khi Tổng cục Thực thi Ấn Độ (ED) phong tỏa hơn 58 triệu USD nằm trong 119 tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu của Vivo Ấn Độ do trốn thuế, và Tổng cục Tình báo Thuế quan nước này cáo buộc Oppo tìm cách trốn khoản thuế lên đến 551 triệu USD.
Những động thái đó diễn ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền Ấn Độ truy thu hơn 700 triệu USD từ chi nhánh Xiaomi Ấn Độ với cáo buộc chuyển tiền về công ty mẹ tại Trung Quốc một cách phi pháp. Hồi đầu tháng này, hãng tin Bloomberg dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh cho biết, chính quyền Ấn Độ đang xem xét một lệnh cấm bán đối với các thiết bị có giá dưới 150 USD đến từ các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc. Theo công ty tư vấn Counterpoint Research (Hong Kong), một phần ba trong tổng số thiết bị bán ra tại Ấn Độ trong quý II/2022 nằm trong vùng giá đó!
Chính quyền chắc chắn biết rằng những công ty kia cần Ấn Độ hơn Ấn Độ cần họ” - theo Tarun Pathak, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research. “Có rất nhiều cơ hội để tăng trưởng. Đó là lý do tại sao các công ty này tập trung vào Ấn Độ, và tại sao họ lại đầu tư rất nhiều tại đây. Họ biết Ấn Độ là chiến lược dài hơi của mình”
BBK (trụ sở tại Thâm Quyến) là một trong những nhà sản xuất và phân phối điện tử lớn nhất Trung Quốc. Được thành lập vào năm 1995 bởi tỷ phú Duan Yongping, công ty này tập trung vào thiết bị nghe nhìn, liên lạc, và giáo dục. Sau đó, Oppo và Vivo lần lượt tách ra khỏi BBK, nằm dưới quyền kiểm soát của các cựu lãnh đạo công ty này. Điều tương tự cũng đúng với Realme và OnePlus. Theo Amber Liu, một nhà phân tích nghiên cứu smartphone tại Canalys Thượng Hải, Oppo và Realme còn chia sẻ tài nguyên trong lĩnh vực smartphone nữa.
Các hãng smartphone Trung Quốc bị chính quyền Ấn Độ “săn lùng” vì trốn thuế
Những cái tên nổi bật trên thị trường smartphone Ấn Độ
Oppo và Vivo tiếp cận Ấn Độ bằng chính chiến lược đã giúp họ trở thành những cái tên hàng đầu tại Trung Quốc - Liu cho biết. Những nhãn hiệu này lợi dụng sở thích dùng iPhone của người tiêu dùng Trung Quốc để tung ra nhiều mẫu smartphone với giá rẻ hơn hẳn. Họ theo đuổi không chỉ những khách hàng thường xuyên mua sắm trực tuyến tại các thành thị lớn, mà còn nhắm đến các kênh bán hàng ngoại tuyến để lôi kéo khách hàng ở các thành phố nhỏ và vùng sâu vùng xa. Chưa hết, cả hai đều bỏ tiền mời người nổi tiếng làm đại sứ hình ảnh và ký kết những thỏa thuận đối tác độc quyền với các nền tảng thương mại điện tử trong nước.
Các nhãn hiệu của BBK đã bán thiết bị 4G tại thị trường Trung Quốc từ năm 2014, giúp họ có kinh nghiệm và nền móng để nhảy vào và tăng tốc quá trình phủ sóng công nghệ 4G tại Ấn Độ. Nhờ đó, họ nhanh chóng thâu tóm thị trường từ các nhãn hiệu nội địa như Micromax và Lava, vốn là những ông lớn trong thời đại 2G và 3G.
Để thành công tại Ấn Độ, các nhãn hiệu Trung Quốc sử dụng nhiều phương thức kinh doanh đa dạng - từ tung ra sản phẩm ở các phân khúc giá khác nhau, cho đến triển khai hàng loạt các kênh bán hàng đáp ứng mọi thói quen của người tiêu dùng.
Trong khi Vivo và Oppo nhắm đến hình thức bán hàng ngoại tuyến thông qua các nhà bán lẻ nhỏ, bằng cách mang đến cho người bán mức lợi nhuận biên cao và mang đến cho người tiêu dùng một loạt lựa chọn giá rẻ lẫn trung cấp; thì Realme tập trung vào bán hàng trực tuyến, nhắm đến đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi ở thành thị, hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử như Amazon và Flipkart để tung ra các chương trình độc quyền. OnePlus, ngược lại, nhắm đến nhóm khách hàng cao cấp có xu hướng lựa chọn các sản phẩm của Apple.
Từ năm 2016 đến 2020, các nhãn hiệu của BBK đã chi ra hàng triệu USD cho các chiến dịch marketing hoành tráng nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Ấn Độ. Năm 2016, Vivo tài trợ cho Giải Premier League Ấn Độ, đưa logo của hãng lên trang phục của các cầu thủ trong giải đấu cricket lớn nhất thế giới, tạo dựng hình ảnh Vivo gắn liền với smartphone Ấn Độ trong mắt hàng triệu người xem toàn cầu. Công ty này được cho là đã bỏ ra khoảng 130 triệu USD trong suốt nhiều năm trời để duy trì vị thế nhà tài trợ độc quyền nói trên.
Các nhãn hiệu Trung Quốc còn làm đủ mọi cách để biến bản thân thành những công ty bản địa tại Ấn Độ.
Các hãng smartphone Trung Quốc bị chính quyền Ấn Độ “săn lùng” vì trốn thuế
Trong bối cảnh chính quyền Ấn Độ thực hiện những khoản đầu tư khổng lồ nhằm biến đất nước trở thành trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu thế giới (sáng kiến Make in India của Thủ tướng Narendra Modi), các nhãn hiệu của BBK xác định phải đưa dây chuyền sản xuất của họ vào Ấn Độ. Oppo, OnePlus, và Realme thậm chí chấp nhận dùng chung các dây chuyền sản xuất tại một cơ sở ở Noida, và một trung tâm R&D tại Hyderabad. Mọi thiết bị Vivo bán tại Ấn Độ đều được sản xuất và lắp ráp ở Noida, nơi có thể đạt công suất hơn 50 triệu thiết bị mỗi năm. Đây là một phần trụ cột với tầm nhìn dài hạn trong chiến lược của BBK. Bằng cách đầu tư vào sản xuất và R&D, các nhãn hiệu Trung Quốc kỳ vọng thuyết phục được thị trường bản địa rằng họ muốn kinh doanh lâu dài thay vì chụp giật.
Ấy thế nhưng, dù các nhãn hiệu của BBK thực hiện hoạt động đóng gói và lắp ráp một vài thành phần thiết bị tại Ấn Độ, các khâu quan trọng trong dây chuyền sản xuất vẫn diễn ra ở Đài Loan và Trung Quốc.
Theo Sanyam Chaurasia,một nhà phân tích tại Canalys, rất khó cho bất kỳ nhãn hiệu nào khác giành lại chỗ đứng của các công ty Trung Quốc trên thị trường, mặc cho những rắc rối họ đang phải đối mặt. “Xâm nhập thị trường smartphone Ấn Độ và giành lấy thị phần ngay lập tức là điều không hề dễ dàng”.
Đối với một số nhãn hiệu của BBK, như Realme, Ấn Độ được xem là thị trường quan trọng hơn cả Trung Quốc, nơi phân khúc smartphone giá tốt đã quá bão hòa. Hầu hết người dùng Ấn Độ hiện mới chỉ sắm cho mình chiếc smartphone đầu tiên, hoặc thứ hai, và gần một nửa trong tổng số 1,4 tỷ dân chưa hề sử dụng smartphone bao giờ!
Trong khi các công ty Trung Quốc đã và đang thống trị thị trường smartphone Ấn Độ suốt 7 năm qua, các nhà sản xuất nội địa chỉ có thể đứng nhìn thị phần ngày càng giảm sút. Các nhãn hiệu Ấn Độ hiện chỉ chiếm 1% thị trường. Ngoài Apple và Samsung, chương trình Make in India chủ yếu được thực hiện nhờ các nhãn hiệu của BBK. Và các nhà phân tích cho rằng những công ty này sẽ tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường Ấn Độ trong thời gian rất dài nữa!
Tham khảo: RestOfWorld

>> Dọn đường cho các nhà sản xuất nội địa, Ấn Độ sẽ “hạn chế” smartphone giá rẻ từ các hãng Trung Quốc

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top