Các nhà khoa học đã trả lời được câu hỏi: Tại sao chúng ta lại dễ bị cảm cúm hơn vào mùa đông?

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Một mùa lạnh giá nữa lại khẽ khàng gõ cửa, và các bạn biết nó đồng nghĩa với điều gì rồi đấy: mùa sục sôi tìm gấu để cùng nhau vượt qua mùa đông giá rét; mùa mà cứ hễ lên Facebook là đầy rẫy những status kiểu “những ai dậy đi làm giờ này xứng đáng là thiên thần”; và, đúng rồi: mùa của cảm cúm! Đột nhiên một ngày đến công ty, bạn nhận ra mọi người xung quanh mình hắt hơi, nghẹt mũi, và thậm chí triệu chứng có thể tồi tệ hơn nữa, thì xin chúc mừng, mùa đông đến rồi. Cứ như kiểu những mầm bệnh cảm cúm khó ưa đó, thay vì ngủ đông thì lại chỉ chực chờ giá lạnh đến để mặc sức tung hoành.
Nhưng không. Có một sự thật là những mầm bệnh “chăm chỉ” đó tồn tại và xuất hiện quanh năm. Không tin hả? Vậy bạn hãy nhớ về lần gần nhất bạn bị cảm cúm vào mùa hè đi. Vậy thì tại sao mọi người lại có vẻ dễ mắc phải cảm cúm (và đừng quên hiện nay còn có thêm sự góp mặt của Covid 19) hơn khi thời tiết trở nên lạnh giá và rất “chill” ngoài kia?
Trong một nghiên cứu mang tính đột phá mới đây, các nhà khoa học có thể đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề nói trên. Và ngạc nhiên chưa, hóa ra chính bản thân không khí lạnh mới là kẻ thù đã tiêu diệt phản ứng miễn dịch diễn ra ở trong mũi chúng ta.
Đây là lần đầu tiên chúng ta tìm ra một lời giải thích trên phương diện sinh học và phân tử liên quan đến một yếu tố của phản ứng miễn dịch bẩm sinh: phản ứng này dường như bị giới hạn và kìm hãm lại bởi sự giảm nhiệt độ” – Bác sĩ, Tiến sĩ chuyên khoa mũi Zara Patel, một giáo sư ngành tai mũi họng và phẫu thuật đầu–cổ tại trường Đại học Y Dược Stanford ở California cho biết (Zara Patel không tham gia nghiên cứu mới này).
Thực tế, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học lâm sàng, khi nhiệt độ bên trong mũi giảm ít nhất 9ºF (5ºC) thì gần một nửa trong số hàng tỷ tế bào có chức năng chống lại virus và vi khuẩn tồn tại trong lỗ mũi bị tiêu diệt.
Không khí lạnh có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ nhiễm virus vì lí do cơ bản là bạn đã bị mất một nửa khả năng miễn dịch, và vấn đề bắt nguồn sâu xa từ chính sự giảm nhiệt độ tưởng chừng bé nhỏ đó” - Bác sĩ, Tiến sĩ chuyên khoa mũi Benjamin Bleier, giám đốc nghiên cứu dịch thuật tai mũi họng tại Massachusetts Eye and Ear, đồng thời là một Phó Giáo sư tại trường Y khoa Harvard ở Boston cho biết.
Cần chú ý một vấn đề quan trọng rằng những nghiên cứu kể trên được tiến hành trong ống nghiệm, điều đó có nghĩa là chúng ta sử dụng mô người trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu phản ứng miễn dịch, chứ không phải trực tiếp thực hiện một cách “người thật việc thật” bên trong mũi của một ai đó! – Patel trao đổi trong một email. “Thường thì những phát hiện thông qua nghiên cứu thực hành trong ống nghiệm cũng sẽ được xác nhận và chứng thực đúng với nghiên cứu trên cơ thể sống, tuy nhiên điều này không luôn luôn xảy ra”.
Các nhà khoa học đã trả lời được câu hỏi: Tại sao chúng ta lại dễ bị cảm cúm hơn vào mùa đông?

“Tổ ong vò vẽ”

Để hiểu được nguyên nhân xảy ra điều này, Bleier đã tập hợp các cộng sự cùng đồng tác giả Mansoo Amiji, người chủ trì khoa Khoa học dược phẩm tại Đại học Northeastern ở Boston để tổ chức một cuộc “điều tra khám phá” khoa học. Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, khi một loại virus liên quan đến đường hô hấp hoặc vi khuẩn lăm le tìm cách xâm nhập cơ thể người, mũi sẽ là đột phá điểm đầu tiên chúng nhắm vào. Ngay lập tức, phần trước mũi phát hiện ra mầm bệnh trước khi phần sau mũi nhận ra được điều này. Tại thời điểm đó, các tế bào lót mũi ngay lập tức tạo ra hàng tỷ bản sao đơn giản, những bản sao này được gọi là túi ngoại bào, hay EV.
EV không thể phân chia được như các tế bào. Chúng chỉ giống như một phiên bản mini của các tế bào được thiết kế đặc biệt có nhiệm vụ đối mặt và tiêu diệt những virus gây bệnh không mời mà đến. Cách hoạt động của EV như một mồi nhử, ngay tại thời điểm bạn hít phải virus, virus sẽ dính vào những mồi nhử này thay vì dính vào tế bào” – Bleier cho biết.
Những bản sao thu nhỏ này sau đó bị các tế bào trục xuất vào dịch nhầy mũi, nơi chúng ngưng việc xâm nhập mầm bệnh trước khi những vị khách không mời này có thể đến đích và nhân lên gấp bội.
Đây là một trong những (nếu không phải là duy nhất) phần của hệ thống miễn dịch rời khỏi cơ thể bạn để chống lại virus và vi khuẩn trước khi chúng thực sự xâm nhập.
Một khi đã được hình thành và phân tán vào dịch nhầy mũi, hàng tỷ EV tiến hành tập hợp bao vây lũ mầm bệnh gây hại”
. Bleier nói.
Cũng như khi bạn đá vào một tổ ong vò vẽ, điều gì sẽ xảy ra? Bạn có thể thấy một vài con ong lượn lờ xung quanh, nhưng khi bạn thẳng chân sút vào nó, toàn bộ đàn ong đều bay ra khỏi tổ để tấn công trước khi kẻ thù của chúng có thể tự chui vào và làm hại đến tổ. Đó cũng chính là cách cơ thể lau sạch đám virus vô tình được hít vào để chúng không bao giờ có thể xâm nhập tế bào ngay từ đầu” – Bleier cho biết thêm.

Khả năng miễn dịch tăng mạnh

Nghiên cứu cho thấy, khi bị tấn công, mũi gia tăng các sản phẩm EV lên đến 160%. Có một vài điểm khác biệt: EV tồn tại nhiều thụ thể trên bề mặt hơn các tế bào ban đầu, do đó sẽ thúc đẩy khả năng ngăn chặn virus.
Các bạn cứ hình dung rằng thụ thể cũng như những cánh tay bé xíu đang vươn ra, cố gắng bám vào các phân tử virus mà bạn lỡ hít vào. Chúng tôi phát hiện ra rằng trên bề mặt mỗi EV có số lượng thụ thể nhiều gấp 20 lần, khiến cho chúng trở thành những vận động viên bắt dính virus cừ khôi” – Bleier nói.
Các tế bào trong cơ thể cũng có cơ chế tiêu diệt virus của riêng mình gọi là micro RNA – thứ sẽ tiêu diệt những mầm bệnh xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy EV trong mũi chứa gấp 13 lần trình tự micro RNA so với các tế bào bình thường.
Vì vậy, nếu phải ra trận, mũi hoàn toàn tự tin khi được vũ trang bởi hàng loạt vũ khí “khủng”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trận chiến đó diễn ra vào tiết trời lạnh giá?
Để tìm ra câu trả lời, Bleier cùng cộng sự đã cho 04 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu tiếp xúc với nhiệt độ ở mức 40ºF (4.4ºC) trong thời gian 15 phút, sau đó tiến hành đo các chỉ số bên trong khoang mũi của họ.
Những gì chúng tôi phát hiện ra là khi bạn tiếp xúc với không khí lạnh, nhiệt độ trong mũi của bạn có thể giảm tới 9ºF. Về cơ bản, thế là đã quá đủ để loại bỏ cả 03 lợi thế miễn dịch mà mũi được trang bị” – Bleier nhận định.
Thực tế, chỉ cần chóp mũi của bạn cảm thấy hơi lạnh thôi cũng đủ khiến 42% chiến binh EV bị loại khỏi cuộc chiến, Bleier nói.
Điều tương tự, bạn có gần một nửa lượng micro RNA chứa trong mỗi EV, và bạn cũng có thể bị sụt giảm tới 70% số lượng thụ thể trên mỗi EV, khiến độ bắt dính của chúng kém đi nhiều”.
Vậy thì điều đó ảnh hưởng như thế nào đến khả năng chống lại cảm lạnh, cúm và Covid 19 của bạn? Hiển nhiên là nó giảm một nửa sức chiến đấu chống lại nhiễm trùng đường hô hấp của hệ thống miễn dịch. Bleier kết luận.

Bạn không cần phải đeo một cái bít tất cho mũi của bạn đâu!

Hóa ra đại dịch đã cho chúng ta biết chính xác những gì cần để chống lại không khí lạnh và giữ khả năng miễn dịch luôn ở trạng thái cao, Bleier nói.
Việc đeo khẩu trang không chỉ giúp bạn tránh hít phải virus, mà còn có tác dụng giữ ấm, như một cái áo len được choàng lên mũi của bạn vậy”, bác sĩ Benjamin Bleier nhận định.
Patel cũng có cùng quan điểm với vấn đề này, cô cho biết: “Bạn càng giữ ấm môi trường phía trong mũi tốt bao nhiêu thì cơ chế miễn dịch bẩm sinh của cơ thể sẽ hoạt động hiệu quả bấy nhiêu. Thêm một lí do nữa cho việc bạn nên đeo khẩu trang rồi đấy!
Trong tương lai, Bleier hi vọng sẽ nhìn thấy sự phát triển của các loại thuốc mũi sử dụng tại chỗ được xây dựng dựa trên công bố khoa học này. Những loại dược phẩm mới mẻ này về cơ bản sẽ “đánh lừa mũi nghĩ rằng nó vừa phải chạm trán với virus”, Bleier nói.
Bằng cách tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm đó, bạn sẽ bổ sung thêm một số lượng ong vò vẽ tuần tra quanh chất nhầy mũi nhằm mục đích bảo vệ bạn”, Bleier cho biết thêm.
Tham khảo: CNN
>> Tại sao đôi khi cảm lạnh thông thường cũng có thể giết chết người?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top