Các “pháp sư Trung Hoa” vừa có thêm đối thủ đáng gờm cho Apple Vision Pro: màn hình micro-OLED 8K kép, chạy chip Snapdragon, đối tác với IMAX

Mai Nhung

Writer
Sau khi Apple tung ra chiếc kính thực tế ảo Vision Pro, nhiều công ty Trung Quốc cũng ngay lập tức nhảy vào cuộc đua điện toán không gian. Tân binh mới nhất trong cuộc đua này nhà sản xuất thiết bị thực tế mở rộng (XR) Play For Dream.

DSC09328_jpg_75.jpg

Cuối tháng 6 vừa qua, công ty đã ra mắt thiết bị điện toán không gian chạy hệ điều hành Android đầu tiên trên thế giới, “Play For Dream MR” (PFD MR), tại Singapore. MR dùng để chỉ thuật ngữ thực tế hỗn hợp, hiểu đơn giản là sự kết hợp giữa trải nghiệm vật lý và trải nghiệm do máy tính tạo ra (trải nghiệm ảo bằng công nghệ).

Theo KrASIA, so với thế hệ tiền nhiệm, sản phẩm mới nhất của Play For Dream cải tiến đáng kể về thông số kỹ thuật phần cứng, hệ sinh thái phần mềm và tương tác không gian đa chiều. PFD MR hướng đến mục tiêu cấu hình hàng đầu với màn hình micro-OLED 8K kép và giải pháp quang học do chính hãng phát triển.

Màn hình quang học là “trái tim” của bất kỳ thiết bị điện toán không gian nào. Màn hình 8K kép của PFD MR cung cấp độ phân giải lên tới 27 triệu pixel cho tầm nhìn hai mắt. Để kết hợp thế giới ảo với thế giới thực, thiết bị được trang bị 11 camera, 7 loại cảm biến và 22 đèn hồng ngoại, giảm độ trễ hình ảnh xuống chỉ còn 14 miligiây.

DSC09300_jpg_75.jpg

PFD MR là một trong những headset đầu tiên sử dụng chip Snapdragon XR2+ thế hệ thứ hai của Qualcomm. Thiết bị chỉ dày 33 mm và phân bổ trọng lượng cân bằng 3:2 giúp giảm đáng kể áp lực lên mặt và cổ khi đeo, mang tới cảm giác thoải mái hơn cho người dùng.

Nhằm tạo ra trải nghiệm tự nhiên nhất, Play For Dream cũng phát triển các mô-đun theo dõi chuyển động đầu, cử chỉ tay và cử chỉ mắt, tạo điều kiện cho thiết bị cảm nhận chuyển động con người một cách toàn diện.

Kinh-thuc-te-ao-Android-canh-tranh-voi-Apple-Vision-tai-chau-a-1-1719802783-977-width1200heigh...jpg

Thực tế trước đây, Vision Pro của Apple đã giới thiệu mô hình theo dõi mắt và cử chỉ tay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định tương tác tay - mắt vẫn chưa phải giải pháp hoàn hảo cho một số tình huống đòi hỏi phản hồi mạnh và độ chính xác cao. Do đó, bên cạnh bộ theo dõi cử chỉ tay - mắt, PFD MR vẫn giữ nguyên phong cách tương tác quen thuộc dựa trên bảng điều khiển, đồng thời hỗ trợ yêu cầu bằng giọng nói.

Xét về tính ứng dụng, thiết bị XR chủ yếu nhắm tới trường hợp sử dụng liên quan đến nhiếp ảnh, điện ảnh cũng như trò chơi thực tế ảo.

Là đối tác chiến lược đầu tiên của công ty công nghệ điện ảnh hàng đầu IMAX và hãng thu âm nổi tiếng DTS, Play For Dream đang cùng các hãng này khám phá tiêu chuẩn điện ảnh không gian mới. PFD MR đạt được hiệu ứng điện ảnh cấp độ IMAX thông qua màn hình micro-OLED và hiệu ứng âm thanh mô phỏng DTS (công nghệ âm thanh surround kỹ thuật số).

DSC09342_jpg_75.jpg

Hiện nay, thách thức lớn đối với dòng thiết bị điện toán không gian nói chung là hệ sinh thái nội dung bị giới hạn. Thông thường, nhiều nhà sản xuất giải quyết vấn đề bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào nội dung tự phát triển hoặc mua bản quyền truy cập độc quyền. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định phương pháp trên tốn kém và không bền vững. Rõ ràng, toàn ngành đang tập trung tìm ra giải pháp mới.

Giám đốc Tiếp thị Play For Dream, ông Zhu Ran, cho biết công ty đã liên kết với gần 100 nhà cung cấp nội dung và có kế hoạch mở rộng hợp tác ra thị trường nước ngoài trong năm 2024.

4ccacef3-5779-438e-aa63-edcff0bb7dba.jpeg_75.jpg

Bên cạnh ứng dụng MR và VR (thực tế ảo) gốc, Play For Dream luôn nỗ lực tối ưu hóa hệ thống nhằm tích hợp tốt hơn nội dung 2D từ máy tính và trò chơi di động vào thiết bị điện toán không gian.

Trí tuệ nhân tạo là yếu tố quyết định đối với Play For Dream. PFD MR được cho là đang nghiên cứu về trợ lý ảo AI với khả năng sáng tác nhạc, dịch văn bản, điều khiển bằng giọng nói và một số công cụ trợ lý cá nhân khác. Ngoài ra, thiết bị sở hữu chức năng hoàn thiện hình ảnh toàn cảnh, nhận dạng đối tượng cũng như chuyển đổi ảnh từ 2D sang 3D bằng AI.

Ông Zhang Teng, người đứng đầu bộ phận phát triển công nghệ tại Play For Dream, chia sẻ với KrASIA rằng AI tổng quát sẽ hỗ trợ cung cấp nhiều tính năng thú vị hơn trong thế giới thực tế hỗn hợp.

DSC09339_jpg_75.jpg

Bên cạnh kế hoạch ra mắt sản phẩm mới, Play For Dream cũng công bố dự án thành lập trụ sở chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore, nhắm tới thị trường nước ngoài đầu tiên Singapore và Malaysia, tiếp theo là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Nhật Bản.

Giám đốc Zhu nói thêm rằng chiến lược thâm nhập thị trường Singapore là quyết định dựa trên nhiều yếu tố như thu nhập trung bình hàng tháng và thói quen người tiêu dùng. "Hiện tại, phạm vi giá của dòng sản phẩm mà công ty đang phát triển tương đối phù hợp với thị trường Singapore", vị Giám đốc thừa nhận. Tuy nhiên, giá bán chính thức vẫn chưa được tiết lộ.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top