Cảnh 'săn' giày náo loạn ở trung tâm mua sắm Hàn Quốc

V
VNR Content
Phản hồi: 0
"Thật đáng sợ khi thấy họ chạy như zombie", một nhân viên mô tả sự hỗn loạn hôm 14/1 tại trung tâm mua sắm Shinsegae ở Daegu, theo The Korea Times.
Nhiều người đã đứng đợi hàng tiếng đồng hồ trước giờ trung tâm mở cửa trong ngày đôi giày thể thao Air Jordan 1 Low G cập bến khoảng 30 cửa hàng Nike trên khắp Hàn Quốc với số lượng giới hạn.
Đôi giày này hiện được bán với giá 179.000 won. Cửa hàng Shinsegae ở Daegu có 100 đôi, trong khi những nơi khác có số lượng hạn chế hơn.
Các thành viên của một cộng đồng trực tuyến yêu thích giày thể thao tên "Nike Mania" chia sẻ nhiều video, hình ảnh cho thấy đám đông hỗn loạn, chen lấn để mua giày. Cảnh xô xát, đánh nhau thậm chí xảy ra trước các cửa hàng ở Daegu, Yeongdeungpo (Seoul) và Uijeongbu. Còn cửa hàng ở Ilsandong đã thông báo bán hết giày.
Cảnh 'săn' giày náo loạn ở trung tâm mua sắm Hàn Quốc
Người Hàn ngồi xếp hàng trước giờ mở cửa của trung tâm thương mại để "săn" hàng hiệu. Ảnh: Newsis.

Mua đi bán lại​

Dù một số người có thể thực sự thích và muốn sở hữu đôi giày Air Jordan 1 Low G, đa số người xếp hàng, điên cuồng chạy đua vì mục đích khác: mua với giá gốc để bán lại với giá gấp 2, gấp 3 thậm chí gấp hàng chục lần.
Trên các nền tảng mua đi bán lại trực tuyến ở Hàn Quốc, dòng giày chơi golf của Nike được gắn logo Jordan đang rất được quan tâm.
Khoảng 240 đôi giày thể thao Jordan 1 Low G đã được bán trên Kream, nền tảng bán lại trực tuyến lớn nhất trong nước, chỉ 3 giờ sau khi hàng được đưa lên kệ, với giá trung bình 634.000 won/đôi.
Dòng Jordan 1 Retro Golf Cleat Chicago, ra mắt vào năm 2017, gần đây được bán với giá hơn 2 triệu won trên thị trường. Còn Jordan 1 Retro High Off-White Chicago được bán với giá gấp 50 lần giá ban đầu 226.000 won.
Cảnh 'săn' giày náo loạn ở trung tâm mua sắm Hàn Quốc
Air Jordan 1 Low G golf shoes trên trang web của Nike.
Kwondo1, mẫu giày hợp tác giữa Nike và ca sĩ Kpop G-Dragon, cũng được bán với giá cao gấp 3 lần giá ban đầu của nó là 219.000 won trên các thị trường bán lại.
Việc chơi golf ngày càng phổ biến trong đại dịch khiến nhiều người tìm mua giày hơn. Xu hướng này diễn ra song song với doanh số bán hàng kỷ lục của Nike trong giai đoạn 2020-2021. Thương hiệu này tăng 12,3% doanh số, vượt qua Uniqlo của Nhật Bản.
Không có thương hiệu thời trang nào khác ở Hàn Quốc đạt được con số ấn tượng như vậy trong giai đoạn 2020-2021. Nike cũng bùng nổ trên toàn thế giới vào năm ngoái, đạt doanh thu kỷ lục 44,5 tỷ USD.

Không bận tâm chuyện tăng giá​

Không chỉ trên các trang web bán lại, ở các trung tâm thương mại, những thương hiệu lớn đang không ngừng tăng giá. Tuy nhiên, người Hàn Quốc dường như không mấy bận tâm.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, Louis Vuitton đã tăng giá 5 lần, Chanel tăng giá 2 lần và Hermès một lần. Giá các sản phẩm thuộc Prada cũng được nâng lên 5 lần. Burberry và Celine đều có 2 đợt tăng giá.
Lee Jung-min, giám đốc điều hành của đơn vị tư vấn chiến lược Trend Lab 506, cho biết: "Việc tăng giá làm gia tăng sự khan hiếm và phổ biến của các mặt hàng xa xỉ. Những món đồ này càng khó mua lại càng được đánh giá cao. Ở Hàn Quốc, đây lại là một chiến lược tiếp thị hiệu quả".
Những người trẻ Hàn Quốc thuộc thế hệ MZ (ghép từ Millennials và Gen Z, những người sinh từ năm 1980 đến khoảng 2000) đang là nhóm khách hàng chính của thị trường hàng xa xỉ.
Yoo Hyun-jung, giáo sư về khoa học tiêu dùng tại Đại học Quốc gia Chungbuk, cho biết: "Thế hệ trẻ ngày nay không còn nghĩ rằng hàng xa xỉ là thứ họ không thể mua được. Họ sẵn sàng chắt bóp trong vài tháng để mua một sản phẩm đắt tiền cho bản thân".
Cảnh 'săn' giày náo loạn ở trung tâm mua sắm Hàn Quốc

Cảnh 'săn' giày náo loạn ở trung tâm mua sắm Hàn Quốc
Người Hàn xếp hàng 14 tiếng giữa mùa đông để mua túi Chanel. Ảnh: Bloomberg.
Còn theo Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cơn khát hàng hiệu của giới trẻ Hàn Quốc là ví dụ điển hình về hiệu ứng Veblen và Panoplie.
Hiệu ứng Veblen đề cập đến sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng dựa trên nhận thức rằng những gì càng đắt tiền thì càng độc quyền và có một không hai.
Hiệu ứng Panoplie nói về cảm giác một món đồ xa xỉ khiến chủ sở hữu thấy bản thân thuộc về tầng lớp xã hội cao hơn.
"Thế hệ trẻ dường như tìm thấy lòng tự tôn, cảm giác thành tựu hay đạt tới tiêu chuẩn của những người nổi tiếng bằng cách mua những thứ họ sử dụng hoặc mặc", Kwak nói.
Theo Zing
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top