CEO kiêm nhà sáng lập Tiki từ chức?

Trang DealstreetAsia đưa tin, CEO kiêm nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Tiki là ông Trần Ngọc Thái Sơn đã nộp đơn xin từ chức lên hội đồng quản trị (HĐQT) công ty.
CEO kiêm nhà sáng lập Tiki từ chức?
Ra đời năm 2010 với hướng đi bán sách tiếng Anh trực tuyến, Tiki từng được hy vọng là "kỳ lân" của thương mại điện tử Việt Nam. Tuy luôn nằm trong top 3 sàn TMĐT lớn nhất cùng Shopee và Lazada, Tiki gần đây có dấu hiệu "hụt hơi" trước sự vươn lên mạnh mẽ của TikTok Shop.
Năm 2022, tổng doanh thu của Tiki giảm 7% so với năm 2021, trong khi chi phí tăng 4% cùng kỳ, khiến khoản lỗ hoạt động tăng thêm 39% trong tài khoá 2022.
Tiki cũng đuối sức trong cuộc đua GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa). Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 do công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works vừa công bố, tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên TMĐT năm 2022 tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD. Trong đó, giá trị giao dịch hàng hóa trên Shopee chiếm tới 63% tổng GMV toàn thị trường, đạt khoảng 5,67 tỷ USD (khoảng 113.245 tỷ đồng). Đứng ở vị trí thứ hai là Lazada, với thị phần tính theo GMV chỉ đạt khoảng 2,7 tỷ USD (khoảng 63.450 tỷ đồng), bằng 1/3 thành tích của Shopee. Tuy nhiên, Tiki chỉ đóng góp 6% vào tổng GMV của TMĐT Việt Nam, tương ứng 540 triệu USD.
CEO kiêm nhà sáng lập Tiki từ chức?
TechinAsia cho biết, khoản lỗ dự kiến năm 2022 của Tiki là khoảng 100 triệu USD và công ty có thể tiếp tục hoạt động trong vòng 3 năm nữa trước khi cần thêm vốn. Do đó, việc tiến hành IPO có thể phải chờ đến năm 2024 hoặc thậm chí sang năm 2025.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn (sinh năm 1981) đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Thương mại điện tử tại Đại học New South Wales (Úc) vào năm 2007. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Thái Lan, ông đã quay về Việt Nam và đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau như Giám đốc Marketing tại Vinabook và Quản lý điều hành tại Vega.
Tiki - viết tắt của hai từ "tìm kiếm" và "tiết kiệm" - được lấy cảm hứng từ Amazon của Jeff Bezos. Mô hình hoạt động của Tiki cũng khá giống Amazon khi duy trì cả hai hình thức kinh doanh 1P (Tiki nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển tới tay khách hàng) và 3P (third party, các nhà bán hàng cũng bán trực tiếp tới tay người dùng).
GMV từ 1P chiếm tới 45% tổng GMV của Tiki. Tuy mô hình này giúp Tiki kiểm soát chất lượng hàng hoá trên sàn, nó cũng bộc lộ nhiều điểm yếu khi khiến nền tảng này tốn nhiều chi phí hơn, trong khi việc mở rộng quy mô lại bị hạn chế. Ngoài ra, số lượng hàng hoá trên Tiki cũng kém đa dạng hơn các nền tảng cạnh tranh như Shopee hay Lazada.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top