Chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà và cách phòng tránh

Mr Bens
Mr Bens
Phản hồi: 0

Mr Bens

Intern Writer
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ nhỏ như tiêu chảy; viêm phổi; viêm loét giác mạc có thể gây mù; viêm não có thể dẫn đến tử vong. Với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ khám, kê đơn hướng dẫn theo dõi điều trị tại nhà để trẻ được nghỉ ngơi, tránh nguy cơ lây chéo bệnh.

Bệnh sởi do vi rút sởi gây ra, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây bệnh xảy ra quanh năm. Hiện nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sởi: thông thường bệnh sởi diễn ra 4 thời kì:

  • - Thời kì ủ bệnh: từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày), thường không có triệu chứng.
  • - Thời kì khởi phát: Kéo dài 2 - 4 ngày với biểu hiện sốt cao, ho tăng dần, chảy mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ, sưng nề nhiều gỉ, hạch ngoại biên có thể sưng to, có thể viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
1740024822888.png


  • - Thời kì toàn phát: Kéo dài 2 - 6 ngày. Trẻ bắt đầu phát ban, ban mọc theo thứ tự sau tai, lan ra mặt rồi lan xuống đến cổ, ngực, lưng, tay, rồi lan đến chân, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Ban là dạng ban hồng, dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ các ban có khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn.
  • - Thời kì lui bệnh: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ, ban bay theo thứ tự như khi mọc, có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban. Thông thường khi ban bay thì hết sốt, nếu còn sốt phải kiểm tra biến chứng.
Các biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em

  • - Viêm tai giữa: đây là biến chứng luôn phải nghĩ tới trước tiên.
  • - Viêm loét giác mạc có thể gây mù.
  • - Viêm não cấp: Trẻ sau khi phát ban (1 - 15 ngày) xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, co giật, đau đầu, nôn, cứng gáy.
  • - Tiêu chảy gây mất nước nặng, suy dinh dưỡng.
  • - Viêm thanh quản, viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn, dễ suy hô hấp nặng.
  • - Thể lao tiềm ẩn tái bùng phát do cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch.
1740024840625.png


Chăm sóc và theo dõi trẻ em bị sởi tại nhà:

Trước tiên nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, không đến chỗ tập trung đông bệnh nhân để tránh lây bệnh khác. Nếu trẻ bị sởi thể thông thường và đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, thì nên chăm sóc tại nhà theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bao gồm:

  • - Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành. Để trẻ nằm trong buồng sạch sẽ, thoáng khí, đủ ánh sáng. Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ.
  • - Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
  • - Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol 15mg/kg/liều khi sốt > 38°C kết hợp chườm ấm.
  • - Nhỏ mắt và xịt mũi họng dung dịch nước muối 0,9% 4 lần/ngày
  • - Bổ xung sung Vitamin A:
  • Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị / ngày x 2 ngày liên tiếp.
  • Trẻ 6 - 12 tháng: uống 100.000 đơn vị / ngày x 2 ngày liên tiếp.
  • Trẻ >12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ có thai): uống 200.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.
  • Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.
  • - Vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ (tắm hàng ngày).
  • - Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nước Oresol, nước lọc, nước trái cây.
  • - Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú. Trẻ đã ăn dặm cần cho ăn thức ăn lỏng, đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, dễ tiêu, nên chia thành nhiều bữa trong ngày. Cung cấp thêm cho trẻ thực phẩm giàu các vitamin nhóm A, B, C để tăng cường miễn dịch, sức đề kháng và tăng cường hoạt động chuyển hóa cơ thể.
Các triệu chứng cần đưa trẻ đến bệnh viện:

  • - Trẻ sốt cao dày cơn, khó hạ.
  • - Trẻ mệt, li bì hoặc kích thích, bú kém, bỏ bú.
  • - Trẻ ho nhiều, thở nhanh, khó thở.
  • - Nôn nhiều, tiêu chảy nhiều hoặc co giật.
  • - Ban sởi lặn hết mà trẻ vẫn sốt.
Phòng bệnh:

  • - Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Tiêm vaccin sởi đơn mũi đầu khi trẻ được 9 tháng. Sau đó tiêm sởi - rubella khi trẻ được 18 tháng.
  • - Cách ly bệnh nhân và vệ sinh cá nhân ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban, sử dụng khẩu trang y tế cho bệnh nhân, người chăm sóc, người tiếp xúc gần và nhân viên y tế.
  • - Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ. Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
  • - Uống đầy đủ nước mỗi ngày. Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.
1740024877189.png

1740024895687.png



ThS. Bs Trần Văn Duy - TS. Lê Thị Thúy Hằng

Bộ môn – Khoa Nhi

Đọc chi tiết tại đây: https://benhvien103.vn/huong-dan-cham-soc-tre-bi-soi-tai-nha-va-cach-phong-benh/
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top