"Chảo lửa" Ukraine chưa hết nóng, lại bùng nổ chiến sự Trung Đông, nên tích trữ đồng tiền nào lúc này để "trú ẩn" an toàn?

Theo số liệu từ Sàn giao dịch chứng khoán Moscow, vào ngày 9/10, đồng rúp đã mất giá trị 1,7%, giao dịch ở mức 102,1 rúp đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Các nhà phân tích cho rằng, việc đồng rúp mất giá là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra, bên cạnh xung đột leo thang giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas kiểm soát Dải Gaza.
Đồng rúp đã giảm 40% kể từ đầu năm 2023 trong bối cảnh đồng đô la mạnh hơn và dòng chảy thương mại mất cân bằng.
Vào tháng 9, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản lên 13% nhằm giảm áp lực lạm phát lên nền kinh tế.
Vào tháng 8, Ngân hàng Nga đã tổ chức một “cuộc họp lãi suất chủ chốt đột xuất” và tăng thêm 350 điểm cơ bản lên 12% để hỗ trợ đồng rúp suy yếu.
Theo tờ Market Insider, mặc dù xung đột tại Trung Đông trong lịch sử đã làm tăng giá dầu - nguồn thu nhập chính của Nga, nhưng cuộc chiến mới bùng phát giữa Israel và Hamas đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư ngoại tệ, khiến họ chọn đồng đô la Mỹ làm đồng tiền trú ẩn an toàn.
Điều đó đã thúc đẩy giá trị của đồng đô la, tiếp tục là một trong những loại tiền tệ hoạt động tốt nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ số Đô la Mỹ (US Dollar Index) - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với 6 loại tiền tệ khác - nhích lên mức cao hơn, khoảng 106,25 vào ngày 9/10.
Chảo lửa Ukraine chưa hết nóng, lại bùng nổ chiến sự Trung Đông, nên tích trữ đồng tiền nào lúc này để trú ẩn an toàn?
Đồng đô la Mỹ đã tăng giá trị so với các đồng tiền khác sau khi Chính phủ Israel tuyên chiến sau các cuộc tấn công bất ngờ từ nhóm vũ trang Hamas. Ảnh: The Jerusalem Post
Trong khi đó, giá trị của đồng shekel Israel tụt xuống mức thấp nhất trong 7 năm so với đồng đô la Mỹ, khiến Ngân hàng trung ương Israel tuyên bố sẽ bán tới 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối để ngăn chặn đà trượt dốc.
Theo tờ Market Insider, đồng rúp Nga đã giảm giá trong hầu hết năm 2023, giảm 38% so với tỷ giá giữa đồng rúp và đồng đô la vào tháng 1. Sự sụt giảm đó phần lớn đến từ tình hình ảm đạm của nền kinh tế Nga, với nguồn vốn chảy ra khỏi Nga và doanh thu từ năng lượng của nước này bị hạn chế do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu khí của Nga.
Tuy nhiên, theo hãng tin Interfax, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ những cáo buộc rằng nền kinh tế Nga đang ở trong tình trạng tồi tệ. Trước đó, ông nói rằng, không có vấn đề "hoàn toàn không thể vượt qua" mà Nga hiện đang phải đối mặt; và trong cuộc họp vào tháng 9 với các nhà hoạch định ngân sách của nước này, ông Putin tuyên bố rằng, tình hình kinh tế Nga "nói chung là ổn định và cân bằng".
Ở chiều ngược lại, theo cơ quan xếp hạng tín dụng châu Âu Scope Ratings, GDP của Nga có thể giảm gần 1% trong năm nay do lạm phát cao tàn phá nền kinh tế nước này.
Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Phần Lan cho biết, Nga cũng có rủi ro phi công nghiệp hóa khi phân bổ nhiều tiền hơn cho quân sự.
Theo tờ Telegraph, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự đồng rúp Nga là đồng bảng Anh. Hôm 9/10, đồng bảng Anh đã mất 0,2% giá trị so với đồng đô la Mỹ, sau khi đã giảm tới 0,6% bởi các nhà đầu tư đổ xô nắm giữ đồng đô la như đồng tiền trú ẩn an toàn trong bối cảnh xung đột ở Israel và Gaza.
Mohit Kumar - nhà kinh tế trưởng châu Âu tại ngân hàng đầu tư Jefferies - cho biết, những thay đổi trên thị trường tiền tệ đang được thúc đẩy bởi “sự gia tăng tâm lý lo ngại rủi ro, được thúc đẩy bởi căng thẳng ở Trung Đông”.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top