Chất lượng phụ đề trên Netflix và Disney+ xuống cấp, khán giả phàn nàn

nhhgiap

Pearl
Khi Disney Plus ra mắt tại Hàn Quốc vào ngày 12/11, nhiều người dùng xứ kim chi đã rất kỳ vọng vào chất lượng dịch vụ của nhà Chuột. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần sử dụng, thứ duy nhất họ nhận được là chất lượng phụ đề hết sức tệ. Các bài đăng phàn nàn phụ đề Hàn tràn ngập trên Twitter và Naver: Trong bộ phim Gia đình Simpson, "GOAT" là từ viết tắt của "greatest of all time” (vĩ đại nhất hành tinh) thì lại được dịch là “dê”. Toy Story 3 cũng là nạn nhân của bộ phận dịch thuật, phần Buzz Lightyear nói bằng tiếng Tây Ban Nha không được dịch sang tiếng Hàn mà chỉ là tiếng Anh phiên âm bằng tiếng Hàn. Trong Olaf's Frozen Adventure, câu “Bạn được hoan nghênh tham gia tại lâu đài chúng tôi” lại được dịch sang tiếng Hàn thành “Cùng nhau với đũng quần”. Rõ ràng chẳng ăn khớp gì với ý nghĩa gốc.
Chất lượng phụ đề trên Netflix và Disney+ xuống cấp, khán giả phàn nàn
Một nhân viên văn phòng 30 tuổi, đăng ký Disney Plus, cho biết cô đã chết lặng trước chất lượng phụ đề mà Disney Plus cung cấp. “Khi xem những phân đoạn cao trào, phụ đề là thứ khiến tôi tụt cảm xúc, nó thật sự vô lý. Tuy nhiên, tôi may mắn vì còn hiểu được phụ đề tiếng Anh nhưng với những người chỉ biết tiếng Hàn, đó thực sự là trải nghiệm xem phim tồi tệ”. “Mọi người đến với nền tảng chiếu phim này vì danh tiếng của Disney nhưng thứ họ nhận được chỉ là những câu chữ vụng về, vô lý”, cô nói. Một bài đăng khác trên Twitter thắc mắc: "Tại sao Disney mất quá nhiều thời gian ra mắt Disney Plus ở đây, nếu họ định cung cấp phim ảnh mà không thèm kiểm tra phụ đề?”.

Đi tìm nguyên nhân

Được biết, nhà Chuột không trực tiếp làm phụ đề mà thuê công ty bên ngoài. Nhiều người cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tụt giảm chất lượng phụ đề nhưng sự thật có phải chỉ như vậy. Disney không phải công ty duy nhất bị phàn nàn vì phụ đề kém chất lượng, một nền tảng chiếu phim đa quốc gia khác, Netflix, cũng chịu chung số phận khi thâm nhập thị trường Hàn Quốc. Netflix đã chi hơn nửa tỷ đô la chỉ riêng cho nội dung sản xuất ở xứ sở kim chi. Cùng với Disney Plus và HBO Max, cả ba góp phần thúc đẩy nội dung giải trí vượt ra khỏi rào cản địa lý và ngôn ngữ. Ngoài ra, một xu hướng khác cũng nổi lên là ngày càng nhiều bài hát tiếng nước ngoài được yêu thích ở thị trường nói tiếng Anh.
Chất lượng phụ đề trên Netflix và Disney+ xuống cấp, khán giả phàn nàn
Tuy nhiên, dường như những nền tảng chiếu phim lớn đang quá tập trung vào sản xuất phim mà quên đầu tư vào phụ đề - vốn là yếu tố rất quan trọng trong thị trường phim đa quốc gia. Khi được hỏi về những tranh cãi xung quanh phụ đề, người phát ngôn của Netflix cho biết: “Nói chung, chúng tôi nghĩ rằng phụ đề và lồng tiếng của chúng tôi tốt nhưng chưa phải là tuyệt vời. Vì vậy, Netflix đang cố gắng không ngừng để cải thiện điều đó”.

Ông lớn chưa coi trọng

Nguyên nhân đầu tiên là hiện tại các nền tảng chiếu phim trực tuyến chưa đánh giá cao mức độ thách thức của công việc dịch thuật phụ đề phim. Để đảm bảo dễ đọc, không làm mất hứng thú xem phim, độ dài phụ đề bị giới hạn chỉ bằng một nửa số chữ cái, ký tự trong kịch bản lồng tiếng. Người dịch thuật vừa phải sản xuất phụ đề theo nguyên tắc trên vừa phải chọn lựa câu từ sao cho giữ được ý nghĩa trọn vẹn nhất. Nhiệm vụ dịch thuật trở nên khó khăn hơn khi đoạn hội thoại có nhiều sắc thái nghĩa. Việc tìm kiếm một từ có cùng sắc thái nghĩa ở ngôn ngữ đang dịch là rất quan trọng. Từ đó có thể gây cười ở ngôn ngữ gốc nhưng nếu không dịch cẩn thận, nó sẽ trở nên nực cười trong ngữ cảnh văn hóa quốc gia khác. Đôi khi, nhiều trường hợp còn không có từ tương ứng ở ngôn ngữ dịch. Đặc biệt ở những quốc gia Đông Á với hệ thống xưng hô phức tạp (cô, dì, chú, bác, anh, chị, em,...) luôn gây đau đầu cho người dịch tiếng Anh hay nhiều ngôn ngữ khác. Điển hình như trong Squid Game, từ “oppa”, được phụ nữ sử dụng để gọi anh trai hoặc người đàn ông hơn họ vài tuổi, lại trở thành “ông già” và “em bé” khi dịch thuật. Từ “ajumma”, dùng để chỉ người phụ nữ trung niên đã kết hôn, được dịch thành “bà già”.
Chất lượng phụ đề trên Netflix và Disney+ xuống cấp, khán giả phàn nàn
Squid Game vẫn thành công nhưng đổi lại, phụ đề vô lý làm giảm chất lượng truyền tải nội dung đồng thời gây hiểu nhầm về văn hóa Hàn Quốc cho khán giả song ngữ. Khi mang Squid Game so sánh với một tác phẩm nổi tiếng khác của Hàn Quốc, Parasite, ta thấy rõ việc đầu tư chỉnh chu có tác dụng như thế nào. Darcy Paquet, nhà phê bình phim, giảng viên đồng thời là diễn viên làm việc ở Seoul, Hàn Quốc, ông là người chịu trách nhiệm làm phụ đề cho siêu phẩm trên, đã nói: “Trước khi bắt đầu công việc, tôi được thảo luận trực tiếp với đạo diễn Bong Joon Ho. Anh ấy hiểu rõ tầm quan trọng của việc dịch phụ đề, vì vậy tôi được anh hướng dẫn rất chi tiết về những đoạn hội thoại cần nhấn mạnh”. Mặc dù vậy, việc được đạo diễn trực tiếp hướng dẫn như ông Darcey là một điều khá hiếm, đặc biệt trong thị trường chiếu phim đa quốc gia vốn cạnh tranh rất khốc liệt. “Những ông lớn như Netflix chú ý nhiều đến các tác phẩm có khả năng hái ra tiền lớn, trong một kho tàng phim khổng lồ, họ không thể đầu tư đều về chất lượng phụ đề. Điều này thể hiện rõ khi chất lượng phụ đề của phần 2 “Vương triều xác sống” đã được cải thiện đáng kể sau thành công của phần 1”, một người làm phụ đề Hàn - Anh lâu năm cho biết.

Lương thấp, deadline gấp

Theo những người làm công việc phụ đề cho biết, chính việc cắt giảm lương từ những nền tảng chiếu phim như Netflix là nguyên nhân dẫn đến phụ đề ngày càng kém chất lượng. Đầu tư yếu kém khiến phụ đề có nguy cơ dịch sai, dẫn đến hệ lụy như gây phản cảm văn hóa cho người xem song ngữ, ảnh hưởng đến những chương trình được đầu tư chỉnh chu khác. Với một phim dài 110 phút, người dịch thường được trả khoảng 255 USD. Tiền lương thấp tương đương với deadline ngắn, chính điều này khiến chất lượng phụ đề giảm sút. Ở Nhật Bản, việc chú ý đến phụ đề Parasite là cực kỳ nghiêm ngặt, theo ông Jason Gray, nhà sản xuất tại Tokyo’s Loaded Films kiêm người làm phụ đề. “Thay vì chỉ được xem là một nội dung viết đơn thuần, làm phụ đề là công việc quan trọng để truyền tải nội dung tiếng Nhật đến gần hơn với người mua”, ông Gray nói. Tuy nhiên, kể từ khi Netflix ra mắt tại thị trường này vào năm 2015, người ta lại thấy chất lượng phụ đề ngày càng thụt lùi. “Chi phí trả cho người làm phụ đề có kinh nghiệm đã giảm khoảng 25%, nhưng giảm gần một nửa với người dịch sơ cấp”, một người trong ngành lâu năm cho biết. Mức phí trung bình mà Netflix Nhật Bản dành cho một tập phim dài một tiếng là khoảng 300 USD, chỉ bằng một nửa mức phí của những hãng sản xuất phim nội địa. “Thời gian cũng là yếu tố làm suy giảm chất lượng. Thông thường chúng tôi có một tuần để hoàn thành mọi khâu từ dịch đến tạo phụ đề nhưng lại không có thời gian để kiểm tra chất lượng bản dịch, đặc biệt với các sản phẩm nhỏ hơn”, một dịch giả cho biết.

Thuê ngoài

Tương tự như ở Hàn Quốc, một lượng lớn công việc liên quan đến phụ đề được Netflix Nhật Bản giao cho cơ sở dịch vụ trung gian. Những người này sẽ lo liệu mọi thứ từ ký hợp đồng cho đến phát lương cho người dịch tự do. Sự thiếu quản lý khiến nhiều cơ sở dịch vụ làm ăn lỏng lẻo, trả lương rất thấp cho những người dịch.
Chất lượng phụ đề trên Netflix và Disney+ xuống cấp, khán giả phàn nàn
“Tại sao Netflix, một tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la, lại thuê ngoài thay vì có một nhóm chuyên trách nội bộ để đảm bảo chất lượng cho mảng này?”, câu hỏi từ một người làm phụ đề kiêm dịch thuật cho nội dung từ Netflix. Được biết, vào năm 2018, Netflix đã đóng cửa nền tảng Hermes của mình. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất phụ đề cho kho tàng phim khổng lồ của Netflix đồng thời đào tạo ra những thế hệ làm nghề đầy hướng hẹn.

Trời Tây có khác?

Ở châu Âu, tình hình có vẻ khả quan hơn khi làm phụ đề vẫn được coi như một môn nghệ thuật. Luật pháp ở nước Pháp quy định người làm phụ đề phải được đề tên trong phần credit, người dịch đóng vai trò như một phần tạo ra bộ phim. Nhưng số lượng streamer gia tăng đang tác động đến nền công nghiệp làm phụ đề. “Nhiều streamer đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người làm phụ đề hơn, cả chuyên lẫn không chuyên. Điều này làm loãng thị trường, chi phí trả thấp đồng thời chất lượng cũng đi xuống”, Isabelle Miller, chủ tịch của ATAA, hiệp hội đại diện cho dịch giả lồng tiếng và phụ đề ở Pháp, cho biết. Do thiếu dịch giả Hàn - Pháp nên phụ đề tiếng Pháp của bộ phim Squid Game được dịch từ tiếng Anh. “Bất kỳ sai sót nào trong bản tiếng Anh đều được chuyển cho chúng tôi”, Miller nói.
Chất lượng phụ đề trên Netflix và Disney+ xuống cấp, khán giả phàn nàn
Alfonso Cuarón’s Roma, bộ phim mang về tượng vàng Oscar đầu tiên cho Netflix, đã bị hủy hoại bởi phụ đề bằng tiếng Pháp. Theo khán giả nước Pháp, bộ phim trở thành một “trò hề pha trộn với bi kịch” nhờ vào chuỗi câu thiếu động từ hoặc mạo từ, hội thoại nhân vật chuyển đổi ngẫu nhiên giữa tiếng lóng đương đại và tiếng Pháp thế kỷ 19. ATAA đang vận động cơ quan điện ảnh nhà nước Pháp, CNC, tập hợp các dịch giả, người làm phụ đề tạo ra bộ tiêu chuẩn phụ đề cho toàn ngành. Miller cho biết Netflix cùng các ông lớn khác sẽ không tốn nhiều tiền cho mảng sản xuất phụ đề. Theo cô, nó ít hơn 10.000 euro (11.585 USD) cho kịch bản lồng tiếng và phụ đề được dịch chuyên nghiệp. “Đó là một mức giá rất khiêm tốn. Nếu không đầu tư như vậy thì có đáng để làm ra một bộ phim không?”, cô nhấn mạnh. Nguồn: The Korea Times, The Hollywood Reporter.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top