Chuyện chưa từng xảy ra ở Trung Quốc: Hai đối thủ không đội trời chung Alibaba và Tencent lập liên minh

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Không có bạn bè hay đối thủ vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Có vẻ như điều đó đúng với trường hợp của Alibaba và Tencent, từng là những đối thủ không đội trời chung tạo thành nên hai phe phái lớn nhất trong ngành công nghệ Trung Quốc.
Chuyện chưa từng xảy ra ở Trung Quốc: Hai đối thủ không đội trời chung Alibaba và Tencent lập liên minh
Trong suốt một thập kỷ vừa, Alibaba và Tencent là những ông vua của thế giới công nghệ Trung Quốc. Họ đứng sau hỗ trợ hàng trăm công ty khởi nghiệp. Khi kêu gọi đầu tư, các công ty khởi nghiệp thường phải quyết định chọn một trong hai phe: Alibaba hay Tencent. Khi nhận đầu tư, những công ty khởi nghiệp này hầu như chỉ được cung cấp cho hệ sinh thái của một trong hai “phe”.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc xiết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ vào cuối năm 2020. Theo chính quyền Bắc Kinh thì chỉ có Đảng mới có lòng trung thành. Kể từ đó, Alibaba và Tencent đã có những động thái không thể tưởng tượng được: hợp tác cùng nhau.
Theo hãng tin Bloomberg, gần đây, hai đối thủ lâu đời này đã bắt tay rót hàng triệu USD vào hai công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo đang phát triển của Trung Quốc là Zhipu và Baichuan. Những người sáng lập của hai startup này không còn cần phải chọn bên nữa, vì Alibaba và Tencent có vẻ thoải mái đặt cược vào cùng một công ty nhằm theo đuổi việc tăng tốc và tận dụng tiềm năng to lớn của các dịch vụ AI giống như ChatGPT.
Mới đây, hai gã khổng lồ này công bố sẽ hợp tác cùng nhau trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11/11) sắp tới. Đây là sự kiện mua sắm thường niên đặc trưng của Alibaba, vượt xa ngày “Thứ Sáu Đen Tối” của Mỹ về quy mô và mức độ tăng trưởng. Alibaba và Tencent đã thành lập một liên minh quảng cáo. Giờ đây, người dùng WeChat của Tencent có thể được đưa trực tiếp đến các cửa hàng Taobao của Alibaba, động thái đôi bên cùng có lợi khi Tencent có được nhiều tiền quảng cáo hơn, còn Alibaba thì bán được khối lượng hàng hóa nhiều hơn.
Việc hợp tác đã dẫn đến sự sụp đổ các rào cản nhân tạo do hai công ty dựng nên. Alibaba và Tencent từng là những khu vườn có tường bao quanh không khác gì kho ứng dụng App Store của Apple. Không chỉ là khu vườn đóng, trước đó hai công ty này còn ngăn chặn nhau. Chẳng hạn người dùng WeChat sẽ nhận được trang “cảnh báo” mỗi khi nhấp vào liên kết của Taobao, trong khi Alibaba trong một thời gian dài đã loại trừ WeChat Pay - một trong hai phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc - khỏi hàng loạt thị trường và ứng dụng theo sở thích để ưu ái cho nền tảng Alipay của Alibaba.
Người bán hàng phải đối mặt với tình trạng khó xử tương tự, với điều khoản “chọn một trong hai” của Alibaba quy định họ không thể niêm yết trên các nền tảng thương mại điện tử khác nếu họ sử dụng Taobao hoặc Tmall. Điều đó đã gây ra một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba và kết thúc với mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vào tháng 4/2021.
Việc xóa bỏ tư duy xây dựng hàng rào này đã được chính phủ Trung Quốc dẫn đầu, vì nó thúc đẩy “khả năng kết nối” trong lĩnh vực công nghệ. Những thay đổi đã nhỏ giọt theo thời gian. Vào năm 2021, WeChat lần đầu tiên cho phép người dùng chia sẻ các liên kết bên ngoài trong các cuộc trò chuyện trực tiếp và sau đó các nhóm WeChat được phép hiển thị liên kết đến các trang mua sắm như Tmall và Taobao của Alibaba.
Quá trình này hiện đang tăng tốc, một phần vì Alibaba và Tencent dường như không còn là vấn đề đau đầu nhất của nhau. ByteDance, một kỳ lân thực sự của Trung Quốc, đã nổi lên như một mối đe dọa ngày càng lớn đối với các công ty trong lĩnh vực công nghệ. Dịch vụ video ngắn Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đã thu hút một lượng lớn người dùng và cùng với đó là doanh thu quảng cáo khổng lồ. ByteDance đang mở rộng sang thương mại điện tử trực tiếp và do đó đang dẫm chân lên cả hai gã khổng lồ Alibaba và Tencent.
Việc Alibaba bị chia tách thành sáu công ty cũng giúp đẩy nhanh quá trình hợp tác với các công ty từng là đối thủ như Tencent. Mỗi công ty trong 6 công ty của Alibaba, được gọi là “Baby Baba” đều chịu trách nhiệm về lãi lỗ của mình và ít quan tâm đến các trò chơi cạnh tranh trên toàn hệ sinh thái. Nếu việc hợp tác với một số nhà cung cấp ngoài phạm vi Alibaba mang lại ý nghĩa kinh tế thì đó là con đường họ sẽ theo đuổi và điều đó đã xảy ra.
Các cuộc đụng độ của những năm trước không còn được chính phủ ủng hộ cũng như không còn hiệu quả về mặt kinh tế nữa. Trong thời điểm khó khăn, hai gã khổng lồ đang phải chật vật tìm cách vượt qua sự phục hồi kinh tế yếu ớt và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tencent thà tập trung vào việc chống lại ByteDance trong các đấu trường như trò chơi điện tử, trong khi Alibaba tập trung vào chiến lược giá thấp nhằm giành lại vị thế đã mất vào tay PDD Holdings và các nền tảng như Douyin.
Đối với các công ty internet lớn nhất của Trung Quốc, việc đón nhận một kỷ nguyên mới tăng trưởng chậm hơn cũng đồng nghĩa với việc phải ôm lấy nhau.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top