Có thể "bẻ khóa" mã độc tống tiền không?

Trong hơn 30 năm qua, mã độc tống tiền (ransomware) đã trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh mạng toàn cầu. Sự bùng nổ của Internet, quá trình chuyển đổi số và sự ra đời của tiền mã hóa đã tạo điều kiện cho ransomware phát triển và trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Theo thống kê của Statista, cứ mỗi 11 giây lại có một tổ chức trở thành mục tiêu của mã độc tống tiền, với hơn 493 triệu cuộc tấn công trong năm 2022. Những con số này không chỉ cảnh báo về sự phổ biến của loại hình tấn công trực tuyến này mà còn nhấn mạnh mức độ tổn thất mà nó có thể gây ra cho cá nhân và tổ chức.
Trước tình hình đó, các chuyên gia bảo mật đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp để đối phó với ransomware. Một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến là giải mã tệp dữ liệu bị mã hóa bởi mã độc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình giải mã ransomware không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.
Bản chất của ransomware là mã hóa các tệp trên thiết bị bị nhiễm, khiến chủ sở hữu không thể truy cập vào dữ liệu của mình. Khi đó, nạn nhân thường nhận được thông báo yêu cầu trả tiền chuộc để nhận lại "khóa" giải mã. Mặc dù một số trường hợp, tội phạm mạng sẽ cung cấp khóa giải mã sau khi nhận được tiền, nhưng cũng có nhiều trường hợp chúng biến mất, bỏ mặc nạn nhân với tệp tin bị mã hóa.
Có thể bẻ khóa mã độc tống tiền không?
Mã độc tống tiền là "ác mộng" thường trực đối với các doanh nghiệp
Để giải mã ransomware, các chuyên gia bảo mật sử dụng công cụ giải mã - phần mềm được thiết kế riêng cho từng loại mã độc tống tiền. Khi một tệp được giải mã thành công, mã ngẫu nhiên thực thi ban đầu sẽ bị hóa giải, chuyển đổi dữ liệu trở lại dạng văn bản ban đầu. Tuy nhiên, mỗi loại ransomware đều cần có bộ giải mã riêng, không thể áp dụng một công cụ chung cho tất cả. Điều này đòi hỏi nạn nhân phải xác định chính xác loại mã độc đang gặp phải để tìm ra công cụ phù hợp, đây là một thách thức không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, quá trình giải mã cũng đòi hỏi nguồn lực tính toán khổng lồ và tiêu tốn rất nhiều thời gian, tùy thuộc vào độ phức tạp của thuật toán mã hóa. Ví dụ, với khóa theo chuẩn RSA 2048 bit, một chiếc máy tính để bàn cấu hình trung bình sẽ cần tới 5 triệu triệu năm để "dò" ra mật khẩu. Máy tính lượng tử là thứ được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian phá khóa. Tuy nhiên, công nghệ máy tính lượng tử vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa thể được sử dụng rộng rãi trong tương lai gần.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng Internet nên tập trung vào việc phòng ngừa ransomware bằng chiến lược bảo mật toàn diện, thay vì chỉ trông chờ vào giải pháp giải mã khi đã bị nhiễm mã độc hoặc trả tiền chuộc với hy vọng mong manh vào "thiện chí" của tin tặc. Việc nâng cao nhận thức về an ninh mạng, sử dụng phần mềm diệt virus đáng tin cậy, thường xuyên sao lưu dữ liệu và cập nhật hệ thống là những biện pháp thiết yếu để bảo vệ bản thân và tổ chức trước nguy cơ tấn công của ransomware.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top