Cú hack 615 triệu USD tại Axie Infinity và “gương mặt” của bảo mật

Xuất hiện trong một sự kiện sau vụ việc bị tấn công lấy cắp số tiền ảo trị giá khoảng 615 triệu USD, CEO Nguyễn Thành Trung của Sky Mavis – doanh nghiệp sở hữu và vận hành game Axie Infinity (bị hack số tiền trên) thổ lộ rằng “cảm thấy tức giận vì hacker quá tham lam”. 1. Thực ra thì hacker chẳng có gì là tham lam cả. Hay nói đúng hơn, dùng từ tham lam để chỉ kẻ cắp/kẻ cướp thì e rằng… chỉ bằng thừa. Bởi đã chuyên tấn công xâm nhập và lấy cắp, kẻ cắp sẽ cố lấy được càng nhiều và xóa được vết càng sạch càng tốt. Con số 615 triệu USD hacker lấy cắp từ Axie Infinity mới chỉ tương đương hơn 22% so với giá trị vốn hóa hiện tại của game này trên thị trường. Tuy nhiên, đây là một trong những vụ tấn công lấy cắp tiền ảo tính trên giá trị vốn hóa của game có thể nói là lớn và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, chiếm hơn 1/5 giá trị vốn hóa của doanh nghiệp. Sky Mavis với game NFT Axie Infinity phải mất đúng 3 năm để trở thành một kỳ lân (doanh nghiệp có giá trị vốn hóa từ 1 tỉ USD trở lên). Thế nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, vụ tấn công của tin tặc đã có thể lấy đi một lượng tiền khủng trị giá bằng khoảng 2/3 giá trị vốn hóa của một doanh nghiệp kỳ lân. Quy đổi ra tiền Việt, 615 triệu USD tương đương khoảng 14.000 tỉ đồng, một số tiền khổng lồ. Bất cứ một doanh nghiệp nào không phải là Sky Mavis nếu bị tấn công đánh cắp lượng tài sản có giá trị như vậy chắc khó để mà tiếp tục tồn tại chứ không nói là kinh doanh. Axie Infinity thời gian qua đang ăn nên làm ra, nhưng không có nghĩa là thu lãi vào một cách quá dễ dàng. Trong khi đó, hacker “moi” tiền từ Axie Infinity có vẻ như không quá khó khăn.
Cú hack 615 triệu USD tại Axie Infinity và “gương mặt” của bảo mật
Axie Infinity là một trong những game NFT có lượng người chơi lớn nhất trên thế giới. Chính vì thế, vị CEO của Sky Mavis “cảm giác tức giận” hacker nhưng trên hết có lẽ là cảm xúc buồn bực, bất lực, tự trách mình nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, chữ “nếu…” thường hay được đưa ra để “ước gì” sự đã rồi đã không xảy ra. 2. CEO Sky Mavis thừa nhận nguyên nhân chủ quan của vụ bị hack lấy cắp 615 triệu USD là do bất cẩn. Tất nhiên là thế và thậm chí còn hơn thế nữa, đó là sự đầu tư chưa đủ về bảo mật, hay hệ thống còn khá “mỏng manh” về các giải pháp, công cụ bảo mật. Chưa hết, nhân viên cũng có thể là một kênh vô tình “rước hacker” nếu chủ quan bất cẩn trong công việc. Mất 615 triệu USD trong đó có một phần không nhỏ là doanh thu, lợi nhuận của Sky Mavis. Còn phần mất mát của người dùng, Sky Mavis đã nhanh chóng huy động được 150 triệu USD ở vòng gọi vốn mới nhất để đền bù. Rất may là Sky Mavis còn có phương cách tìm ra nguồn tiền nhanh để đền bù cho khách hàng. Đó là một động thái xử lý nhanh và dứt khoát của Sky Mavis nhằm gỡ gạc lại uy tín và hình ảnh, từ đó hòng khôi phục lòng tin của người dùng. Nhưng dù gì, Sky Mavis ngay lúc này cũng chưa thể xua tan hết nỗi ngờ vực, lo lắng, bất an của người chơi và kinh doanh trên nền tảng của game Axie Infinity. Vốn hóa của Axie Infinity đã sụt giảm mạnh trong khoảng một tháng qua nhưng sau khi có thông tin game này bị hacker đánh cắp hơn 615 triệu USD tiền ảo thì giá trị vốn hóa của Axie Infinity còn giảm mạnh hơn. Tới thời điểm này, giá trị vốn hóa của game Axie Infinity đã quay trở lại mức cách đây nhiều tháng trước khi bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong thời gian qua. Trong vụ hacker đánh cắp 615 triệu USD tương đương hơn 14.000 tỉ VNĐ, vận theo cảm xúc “tức giận” của CEO Nguyễn Thành Trung thì tin tặc thể hiện một bộ mặt “quá tham lam”. Vậy còn ở phía ngược lại các nạn nhân thì sao? Đó là sự tức giận, buồn bã, lo lắng về sự đổ vỡ, thậm chí bật khóc vì bất lực. Đó là “gương mặt” rất thật và những cảm xúc cũng rất thật tại một doanh nghiệp Việt bị hacker tấn công đánh cắp lượng tiền ảo trị giá 615 triệu USD. “Gương mặt” đó có lẽ sẽ chưa hết ám ảnh những người trong cuộc trong một thời gian nữa. Giải pháp tối ưu nhất đối với những kẻ tham lam không phải là chửi mắng, trút giận mà chính là ngăn chặn lòng tham đó, không để lòng tham đó trỗi dậy, triệt để hơn là nên triệt tiêu môi trường dung dưỡng cho lòng tham đó. Nhưng trước hết hãy làm việc đó bằng hành động cụ thể nhưng đúng đích từ tự thân doanh nghiệp, chứ không phải bằng cách hô hào khẩu hiệu hay lập dự án đầu tư trang bị rồi để vào ngăn kéo. Mất mát, thiệt hại vì bị tin tặc tấn công là có thực, thậm chí mức độ mất mát, thiệt hại còn nặng nề nữa là đằng khác, như trường hợp Sky Mavis vừa gặp phải. Nhưng từ phía doanh nghiệp, không còn cách nào khác là phải vượt qua vị đắng đó để trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Và trên hết, vụ bị hack lấy cắp 615 triệu USD phải trở thành bài học xương máu, không chỉ cho chính Sky Mavis mà còn đối với nhiều doanh nghiệp khác. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top