Đánh giá bộ combo máy trạm và màn hình 240 triệu đồng của Lenovo : "trời sinh một cặp"

Hãy thử tưởng tượng thế này: Bạn tình cờ có 250 triệu trong tay, đang muốn nâng hiệu suất công việc của mình lên một tầm cao mới. Chúng không cần phải quá hào nhoáng, thay vào đó bạn muốn một thứ gì đó tinh tế, tiện lợi và đáp ứng được mọi nhu cầu mà bạn đặt ra.
Nếu rơi vào tình huống này, hãy đừng tìm đâu xa, vì Lenovo có chính xác thứ mà bạn cần, đó chính là bộ sản phẩm gồm máy trạm ThinkStation P620 và màn hình ThinkVision P40w-20, cũng là nhân vật chính của bài viết này.

Lenovo ThinkVision P40w-20

Với giá bán tham khảo 30,9 triệu đồng, về cơ bản, ThinkVision P40w-20 là mẫu màn hình cao cấp nhất của Lenovo mà bạn có thể mua ở thời điểm hiện tại. Nó sở hữu cấu hình cực “khủng” gồm độ phân giải 5120 x 2160 pixel (WUHD) tỷ lệ dài 21:9 lý tưởng cho nhu cầu đa nhiệm, kích thước 40 inch, độ cong 2500R và tấm nền IPS 10-bit 1 tỷ màu để góc nhìn cùng chất lượng hiển thị không bị biến dạng. Tuy được thiết kế cho nhu cầu công việc là chính, ThinkVision P40w-20 vẫn được trang bị tần số quét 75 Hz, cao hơn một chút so với mức 60 Hz phổ thông và đủ để bạn cảm nhận được sự mượt mà hơn khi cuộn, rê các nội dung hiển thị trên desktop.
VNReview.vn

Kích thước 40 inch cùng độ phân giải 5K x 2K cho phép người dùng hiển thị nhiều nội dung khác nhau cùng một lúc.
ThinkVision P40w-20 có thiết kế vuông vức, nhấn mạnh vào công thái học với giá đỡ đa dụng, có thể nghiêng, xoay và nâng, có các rãnh đi dây cho gọn, đồng thời tương thích với ngàm VESA nếu bạn có nhu cầu gắn tường hoặc lắp vào monitor-arm. Các viền màn hình rất mỏng mang đến trải nghiệm nhìn ngắm thoáng đãng và độ cong 2500R bao trọn tầm nhìn mang lại cho mình cảm giác gần như chìm đắm vào trong nội dung hiển thị vậy.
VNReview.vn

Chân đế rộng, vững chắc, hạn chế tốt rung lắc khi sử dụng.
VNReview.vn

Màn hình kích thước 40 inch sở hữu viền mỏng, độ cong 2500R.
VNReview.vn

Chính giữa màn hình có một mini-hub với cổng USB-A và USB-C để người dùng tiện kết nối với điện thoại, laptop, thiết bị ngoại vi.
Nhưng cấu hình chỉ là một phần. Điều khiến ThinkVision P40w-20 trở nên đặc biệt so với những màn hình văn phòng khác là những tiện ích mà Lenovo đã tích hợp ở bên trong. Đầu tiên, ThinkVision P40w-20 là màn hình Thunderbolt 4 đầu tiên trên thế giới hỗ trợ Intel Active Management Technology cho khách hàng Intel vPro, một giải pháp cho phép người dùng doanh nghiệp triển khai, bảo trì từ xa trên các thiết bị kết nối.
VNReview.vn

Tính năng True Split cho phép bạn hiển thị qua hai nguồn độc lập và chọn một trong hai nửa màn hình để chia sẻ khi họp trực tuyến.
Tiếp theo, là những công nghệ độc quyền của Lenovo gồm eKVM cho phép bạn truy cập tức thời 2 nguồn PC trên một màn hình và chuyển đổi qua lại giữa chúng mà không cần phải cài driver đặc biệt; và True Split hiển thị đồng thời cả hai máy PC hoặc bạn có thể chọn một trong hai PC để chia sẻ với cuộc họp video, trong khi mình vẫn làm việc với nửa màn hình còn lại. Mình nghĩ rằng tính năng này sẽ rất phù hợp với những ai vừa có máy để bàn, vừa có laptop cần đa nhiệm cho những công việc khác nhau.
VNReview.vn

Các cổng kết nối chính của ThinkVision P40w-20.
Khả năng kết nối của ThinkVision P40w-20 cũng là một trong những khía cạnh rất đáng nể. Bên cạnh hai cổng Thunderbolt 4 đa mục đích (cổng thứ hai bạn có thể dùng để daisy-chain thêm màn hình, mở rộng hơn nữa diện tích hiển thị), ThinkVision P40w-20 còn được trang bị hàng loạt cổng USB 3.2 Gen 1 (cả Type-A và Type-C), đầy đủ giao thức kết nối HDMI, DisplayPort, sạc Power Delivery, cổng mạng Ethernet,… liệt kê ra hết thôi cũng đủ mệt rồi.
VNReview.vn

ThinkVision P40w-20 có độ chuẩn màu cao, đáp ứng nhu cầu đồ họa chuyên nghiệp.
Màn hình chuyên nghiệp thì không thể không nhắc đến độ chuẩn màu. ThinkVision P40w-20 bao phủ 99% không gian màu sRGB và 98% không gian màu DCI-P3, có thể chuyển đổi tức thì giữa các chế độ gam màu thông qua phần mềm ThinkColor. Ngay từ khi xuất xưởng thì ThinkVision P40w-20 đã được nhà sản xuất cân màu sẵn với Delta E<2, nên bạn có thể an tâm tuyệt đối khi sử dụng màn hình cho các tác vụ như chỉnh sửa ảnh và video.
VNReview.vn

Giao diện chính của phần mềm Lenovo ThinkColor.
VNReview.vn

Giao diện chính của phần mềm Lenovo ThinkColor.

Lenovo ThinkStation P620

Kể từ khi ra mắt năm 2008, dòng máy trạm (workstation) ThinkStation của Lenovo vẫn luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, một phần nhờ vào việc chúng trải dài ở mọi phân khúc, từ small form-factor phổ thông cho đến các máy trạm dạng tháp cao cấp dual-socket. 2021 đánh dấu một cột mốc đặc biệt với ThinkStation, khi Lenovo lần đầu tiên sử dụng con chip AMD Threadripper Pro thay vì Xeon của Intel cho P620, tạo ra một dòng 600-series mới thuộc phân khúc cao cấp single-socket.
VNReview.vn

P620 là máy trạm ThinkStation đầu tiên của Lenovo sử dụng CPU AMD Threadripper Pro.
Có nhiều lý do dẫn đến quyết định lựa chọn chip AMD Threadripper của Lenovo, nhưng quan trọng hơn hết chắc chắn sẽ là hiệu năng. AMD, sau khi vùng lên đánh chiếm thị phần CPU mainstream với dòng sản phẩm Ryzen, quyết tâm tấn công cả thị trường màu mỡ là server và workstation với Epyc và Threadripper. Những sản phẩm của AMD sở hữu số nhân/luồng khủng, xung nhịp mạnh mẽ, hiệu năng thậm chí vượt mặt cả những CPU Xeon Dual của Intel với mức giá hấp dẫn hơn hẳn. Hỗ trợ giao thức PCIe 4.0 với băng thông gấp đôi chuẩn cũ PCIe 3.0 cũng là một trong những lợi thế to lớn của AMD Threadripper Pro với phần còn lại.
VNReview.vn

Case có kích thước nhỏ gọn, tương đương một hệ thống mid-tower.
Về thiết kế, ấn tượng đầu tiên là chiếc ThinkStation P620 rất nhỏ gọn nếu xét đến phần cứng mạnh mẽ bên trong nó. Với kích thước lần lượt 440 x 165 x 460mm, ThinkStation P620 còn nhỏ hơn một bộ máy tính mid-tower. Phía trước case là một tay xách để bạn dễ dàng di chuyển máy khi cần và bạn nên tận dụng nó, bởi tuỳ vào cấu hình mà ThinkStation P620 có thể nặng tới 25 kg. Case có dạng tháp đứng bề ngoài tối giản, người bình thường nhìn vào có lẽ cũng không nghĩ ThinkStation P620 lại mạnh mẽ đến vậy.
VNReview.vn

Ảnh minh hoạ cách sắp xếp linh kiện bên trong ThinkStation P620. @Anandtech.
VNReview.vn

Hốc hút gió của ThinkStation P620 không có tấm lọc bụi, nên bạn sẽ cần phải vệ sinh linh kiện khá thường xuyên.
Tiếp cận các linh kiện bên trong case là một thao tác đơn giản, khi bên trái của case có một cái lẫy để mở và nhấc miếng che mà không cần đến bất kỳ công cụ nào (tuy nhiên cỗ máy gửi cho bọn mình đã vô tình bị khoá nên không mở ra được). Vì 2 bên hông và phía trên dưới của case hoàn toàn kín, hốc thông gió phía trước và quạt tản nhiệt 80mm phía sau case sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc lưu thông khí (airflow) bên trong, giống như 1 đường hầm vậy. Cũng vì thế mà mình nghĩ lẽ ra ThinkStation P620 nên có thêm các lưới lọc bụi, vì sau một thời gian ngắn sử dụng thôi mà bên trong đã bám khá nhiều bụi rồi.
VNReview.vn

Các cổng kết nối mặt trước.
VNReview.vn

Và mặt sau.
VNReview.vn

Các cổng kết nối hình của card đồ họa Nvidia Quadro RTX 5000.
Số lượng cổng kết nối của ThinkVision P40w-20 vẫn chưa khiến bạn thoả mãn? Phía trước, chiếc ThinkStation P620 trang bị hai cổng USB-C và hai cổng USB-A, tất cả đều chuẩn 3.2 Gen 2, trong khi phía sau có tới 6 cổng USB-A nữa, gồm 4 cổng USB 3.2 Gen 2 nữa và 2 cổng USB 2.0. Ngoài ra là những cổng kết nối khác như PS/2 cho các thiết bị ngoại vi đời cũ, âm thanh, Ethernet 10 Gbps. Với kết nối không dây, con chip tích hợp Intel AC 9260 bao gồm cả Wi-Fi lẫn Bluetooth luôn. Có lẽ, đáng tiếc duy nhất là do sử dụng chipset AMD, ThinkStation P620 không hỗ trợ Thunderbolt.
Cấu hình bên trong, Lenovo gửi cho bọn mình cỗ máy review gồm CPU AMD Ryzen Threadripper Pro 3975WX (32 nhân/64 luồng), 128GB RAM, 256GB SSD M.2, 1TB HDD, card đồ hoạ Nvidia Quadro RTX 5000 16GB, bộ nguồn 1000W 80 Plus Platinum để vận hành tất cả những thứ trên, và cài đặt sẵn Windows 10 Pro 64 bit với mức giá tham khảo 209,99 triệu đồng.
Trên thực tế, cấu hình trên mới chỉ ở mức “thường thường bậc trung” của ThinkStation P620. Bạn có thể nâng lên cấu hình tối đa với CPU Threadripper Pro 3995WX 64 nhân/128 luồng, 2TB RAM ECC, 2 card đồ hoạ Nvidia Quadro GV100s, 2 khe SSD M.2 và 4 khay HDD, tất nhiên chi phí bỏ ra cũng sẽ thay đổi dựa trên linh kiện bạn chọn.
Mọi tác vụ mà bạn có thể nghĩ đến, ThinkStation P620 đều xử lý một cách nhanh chóng. Ngay cả những công việc như biên tập video của VnReview cũng không phải là trở ngại với con quái vật này. Nhóm đối tượng mà ThinkStation P620 hướng đến là những người thuộc lĩnh vực nghiên cứu, khai thác dữ liệu chuyên sâu như nhà khoa học, kiến trúc sư, địa vật lý,… hay nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo. Để bạn dễ hình dung hơn, chiếc desktop mà mình vẫn thường dùng để đánh giá, nếu bình thường chạy benchmark Cinebench R23 mất gần 2 phút, kịp pha 1 cốc cà phê thì ThinkStation P620 chỉ mất khoảng hơn 10 giây mà thôi.
Thử nghiệm với các ứng dụng benchmark quen thuộc, ThinkStation P620 đều mang đến những kết quả rất ấn tượng. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng các con số benchmark với cấu hình như thế này sẽ mang ý nghĩa tham khảo là chính, phần lớn các ứng dụng mà chúng ta dùng hàng ngày thường sẽ không thể tận dụng được hết toàn bộ sức mạnh xử lý của con chip Threadripper Pro 3975WX.
VNReview.vn

PCMark 10 đo hiệu năng tổng thể của máy với các tác vụ hàng ngày, không tận dụng được hết số nhân của Threadripper Pro 3975WX nên có điểm trung bình 6.713.
VNReview.vn

CineBench R23, công cụ giả lập render video để đo hiệu năng CPU. Với bài test này, ThinkStation P620 đạt 1.267 điểm đơn nhân, trong dữ liệu của CineBench thì điểm số này chỉ ngang ngửa với Intel Core i7-7700K, không quá ngạc nhiên khi Threadripper Pro 3975WX có xung nhịp cơ bản chỉ 3.5GHz (Boost 4.2 GHz).
VNReview.vn

Tuy nhiên khi xét đến hiệu năng đa nhân, Threadripper Pro 3975WX đạt điểm số tới 41.413 điểm. Để bạn dễ hình dung, con chip “tương đương” của Intel trong phân khúc, Xeon W-3175X (ít nhân/luồng hơn và đắt hơn Threadripper Pro 3975WX) chỉ đạt khoảng hơn 31 nghìn điểm đa nhân trên CineBench R23.
VNReview.vn

Trên GeekBench 5, ThinkStation P620 đạt 1.288 điểm đơn nhân và 25.015 điểm đa nhân trong bài test CPU...
VNReview.vn

... Và 115.905 điểm trong bài test GPU OpenCL.
VNReview.vn

Chuyển qua ứng dụng Blender, với bài test BMW27 cực phổ biến, ThinkStation P620 hoàn thành tác vụ render trong 53,45 giây với Threadripper Pro 3975WX.
VNReview.vn

Vẫn là ứng dụng Blender, GPU Quadro RTX 5000 hoàn thành bài test trong 47,98 giây
VNReview.vn

Thời gian hoàn thành tính toán số pi, 250 triệu chữ số sau dấu phẩy.
VNReview.vn

Ngoài render, tính toán số Pi cũng là một cách thú vị và trực quan để nhận biết hiệu năng của một cỗ máy. Mình sử dụng phần mềm y-cruncher, chọn 2 mức tính toán là 250 triệu chữ số và 2,5 tỷ chữ số (sau dấu phẩy). Kết quả, với Threadripper Pro 3975WX và 128GB RAM, ThinkStation P620 tính toán 250 triệu chữ số mất 5,2 giây, và 2,5 tỷ chữ số mất 54,98 giây.
VNReview.vn

3DMark Fire Strike Ultra.
VNReview.vn

3DMark Time Spy Extreme.
VNReview.vn

3DMark Port Royal.
Đi sâu hơn một chút về GPU, một trong những phần mềm tốt nhất để đo hiệu năng của chúng là 3D Mark. Các bài test Fire Strike Ultra (4K DX11), Time Spy Extreme (4K DX12) và Port Royal (Ray Tracing) cho chúng ta một cái nhìn về hiệu năng của GPU cũng như ước lượng khả năng của chúng ở một số tựa game nổi tiếng. Quadro RTX 5000 của ThinkStation P620 đạt 6.687 trong bài test Fire Strike Ultra, 5.708 điểm trong bài test Time Spy Extreme và 6.711 điểm trong bài test Port Royal. Theo ước tính của 3D Mark, card đồ hoạ này có thể chơi tốt Battlefield V ở độ phân giải 2K, thiết lập đồ hoạ Ultra với FPS từ 100 trở lên.
VNReview.vn

Final Fantasy XIV: Endwalker.
VNReview.vn

Monster Hunter Onine.
VNReview.vn

Street Fighter V.
Sau những giờ nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo mệt mỏi, bạn muốn giải trí bằng cách chơi game thì sao? Qua các bộ ứng dụng benchmark chính thức của Final Fantasy XIV: Endwalker, Street Fighter V và Monster Hunter Online, ở độ phân giải 4K (3820 x 2160 pixel) và thiết lập đồ hoạ cao nhất, ThinkStation P620 đều thể hiện khá tốt với FPS trung bình từ 40-60. Nếu chấp nhận giảm chất lượng đồ hoạ hoặc hạ độ phân giải xuống, chắc chắn trải nghiệm chơi game sẽ còn mượt mà hơn nữa.
VNReview.vn

Nhiệt độ CPU AMD Threadripper Pro 3975WX. Từ trái qua phải: Nhiệt độ hiện tại, nhiệt độ thấp nhất và nhiệt độ cao nhất.
VNReview.vn

Nhiệt độ GPU Nvidia Quadro RTX 5000.Từ trái qua phải: Nhiệt độ hiện tại, nhiệt độ thấp nhất và nhiệt độ cao nhất.
Về nhiệt độ và độ ồn, với kích thước nhỏ gọn và cấu hình mạnh mẽ như vậy, không ngạc nhiên khi ThinkStation P620 toả ra rất nhiều nhiệt khi phải chạy hết công suất. Bọn mình ghi nhận nhiệt độ tối đa CPU vào khoảng 94 độ C, còn GPU là 84,5 độ C, nhưng cũng cần lưu ý là không phải lúc nào bạn cũng dùng hết khả năng của máy như khi stress test, và vì ThinkStation xử lý các tác vụ rất nhanh, mức nhiệt độ này sẽ không thể gây khó chịu khi sử dụng hàng ngày. Máy cũng phát ra rất ít tiếng ồn khi ở trạng thái nghỉ, độ ồn chỉ tăng lên khi mình thực hiện các tác vụ render video nặng.

Tổng kết

Một màn hình tối ưu cho đa nhiệm với diện tích hiển thị cực rộng rãi, một máy trạm có thể xử lý nhanh chóng tất cả những tác vụ mà bạn đưa ra, ThinkVision P40w-20 và ThinkStation P620 giống như “trời sinh một cặp” để bạn nâng cấp toàn diện năng suất công việc của mình. Cả hai đều không có điểm nào để chê nếu xét giá trị mà chúng mang lại, hoặc cùng lắm thì mình nghĩ rằng chiếc ThinkStation P620 nên có thêm lưới lọc bụi. Số tiền bỏ ra ban đầu nghe có vẻ lớn, nhưng những người dùng mà hai sản phẩm này của Lenovo hướng tới chắc chắn sẽ không quan trọng vấn đề tài chính đâu.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top