Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz

Màn hình gaming Odyssey của Samsung được cộng đồng đánh giá cao với thiết kế bắt mắt và trang bị nhiều tính năng để nâng cao trải nghiệm người dùng khi chơi game. Tuy nhiên, Odyssey G5, G7 và G9 đều nằm ở phân khúc tầm trung trở lên, phải đến năm ngoái thì Samsung mới ra mắt thêm dòng G3 dành cho người dùng phổ thông với hầu bao không quá lớn.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Trong khoảng hơn một tuần vừa qua, mình đã có cơ hội trải nghiệm chiếc màn hình Odyssey G3 với tên mã đầy đủ là LS24AG320NEXXV. Đây dường như là phiên bản nâng cấp nhẹ của thế hệ Odyssey G3 ra mắt tại Việt Nam hồi năm ngoái, hiện được bán với mức giá trên dưới 5 triệu đồng tùy chính sách của đại lý. Ngoài phiên bản 24 inch, Odyssey G3 còn có hai tùy chọn kích thước nữa là 27 inch và 32 inch.

Màn hình gaming nhưng lại rất “công thái học”

Với màn hình gaming, các hãng sản xuất thường không quá quan tâm đến tính công thái học của sản phẩm, và game thủ cũng đã quá quen với điều đó nên có xu hướng “tặc lưỡi cho qua”. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng để nâng cao khả năng chiến thắng thì sự thoải mái khi chơi cũng rất quan trọng, và nó thể hiện ở việc màn hình có thể thay đổi tư thế, chiều cao theo vị trí ngồi của bạn.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Odyssey G3 mang đến một ấn tượng rất khác. Bạn có thể điều chỉnh chiều cao với chân đế 120mm, nghiêng, quay trái quay phải, thậm chí xoay dọc 90 độ khi muốn lướt web hoặc gõ code lập trình. Ngoài ra thì Odyssey G3 còn hỗ trợ chuẩn VESA 100x100, nên bạn có thể treo tường hoặc dùng các monitor arm nếu muốn. Nói chung, mình đánh giá cao tính công thái học của Odyssey G3, và đây có lẽ là điểm mà các hãng sản xuất màn hình gaming khác nên học hỏi.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Về thiết kế, chiếc Odyssey G3 mình trải nghiệm trong bài viết này không khác nhiều so với phiên bản ra mắt năm ngoái, với lớp vỏ ngoài đen nhám và các đường nét vuông vức. Điểm khác biệt dễ thấy nhất là ở cạnh dưới màn hình có thêm hai hốc tản nhiệt nhìn giống như ống xả trên những chiếc sportcar đắt tiền trông khá hay ho nhưng mình nghĩ hiệu quả không cao vì màn hình thường không tỏa nhiệt nhiều đến vậy. Ban đầu mình còn tưởng đây là loa ngoài, nhưng thực tế thì Odyssey G3 không có loa ngoài tích hợp.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Hốc tản nhiệt ở hai phía dưới màn hình.
Để giữ cho Odyssey G3 ở phân khúc phổ thông thì Samsung sử dụng tấm nền phẳng thay vì cong như những đàn anh G5 hay G7, G9. Một số người mình quen nói rằng họ thích chơi game trên màn hình phẳng hơn màn hình cong, cái này còn phụ thuộc vào sở thích của từng người nữa. Cá nhân mình hay chơi các tựa game RPG nhập vai, màn hình cong sẽ có cảm giác chìm đắm vào nội dung hơn nhưng kích thước màn hình phải đủ lớn, còn với kích thước 24 inch thì cảm giác ấy có thể sẽ không rõ rệt bằng.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Chân đế chữ V của Odyssey G3 làm từ nhựa nhám, có phần “mỏng cơm” nhưng thực tế sử dụng lại rất chắc chắn trên bàn, mình chỉ nhận thấy sự rung lắc nhẹ khi để màn hình ở chiều cao tối đa mà thôi. Chân đế cũng có một dây đai cao su để bạn có thể luồn dây của các thiết bị ngoại vi như bàn phím, chuột,… cho gọn gàng.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Tặng kèm bên trong hộp của Odyssey G3 là một cái ốp nhựa để bạn gắn vào mặt sau của màn hình, giống như lõi chiếu sáng vô cực của Odyssey G7 và G9 nhưng tất nhiên bạn sẽ không thể thay đổi màu sắc như hai mẫu màn hình cao cấp kia.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Số lượng cổng kết nối trên Odyssey G3 có thể nói là chỉ đủ dùng, gồm DisplayPort 1.2, HDMI 1.4, một jack âm thanh 3.5mm và một cổng USB-A 2.0 duy nhất. Sẽ tốt hơn nếu Samsung tích hợp thêm một vài cổng USB để người dùng cài cắm các thiết bị ngoại vi của mình, thuận tiện hơn việc phải cắm vào máy tính hoặc bỏ thêm tiền mua phụ kiện không dây.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
OSD (on-screen display) trên Odyssey G3 có khá nhiều tùy chỉnh để bạn thiết lập, từ thay đổi tần số quét, độ sáng, tương phản cho đến những tính năng nâng cao hơn như công nghệ chống rách hình AMD FreeSync Premium Pro, tâm ngắm ảo (virtual aim point) cho các tựa game bắn súng FPS,…

Trải nghiệm sử dụng thực tế

Odyssey G3 trang bị tấm nền VA, độ phân giải Full HD (1920 x 1080), tỷ lệ 16:9 truyền thống với tần số quét 165Hz, một sự nâng cấp nhẹ so với con số 144Hz của phiên bản G3 năm ngoái. Tần số quét 165Hz đang dần trở nên phổ biến hơn trên thị trường gaming với mục tiêu thay thế chính vị trí của 144Hz. Một card đồ họa chơi game tốt ở độ phân giải 1080p 144Hz gần như chắc chắn cũng sẽ làm được điều tương tự với 1080p 165Hz, nên game thủ không cần phải tính đến chuyện mua card đồ họa mới. Với các nhà sản xuất, bước chuyển đổi từ 144Hz sang 165Hz không hề yêu cầu công nghệ tấm nền mới mà chỉ cần tinh chỉnh, cho phép họ mang đến những sản phẩm mới có tần số quét cao hơn mà không cần đầu tư tốn kém. Với lợi ích cho cả hai phía, sự “phổ cập” của màn hình 165Hz là điều chắc chắn trong tương lai.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Chúng ta có phân biệt được 144Hz và 165Hz không? Nhiều khả năng là không, nên những ai đang sử dụng màn hình 144Hz rồi thì không nhất thiết phải nâng cấp lên 165Hz. Nhưng với những ai vẫn đang sử dụng màn hình 60Hz, việc nâng cấp lên màn hình 165Hz như Odyssey G3 chắc chắn sẽ mang lại sự khác biệt rõ rệt. Bạn có thể cảm nhận sự mượt mà của từng chuyển động, dù đó là chơi game hay đơn giản là thao tác ngoài desktop. Và khi màn hình 165Hz có giá tiền tương đương 144 Hz, tất nhiên chúng ta sẽ muốn chọn màn hình 165Hz phải không nào?
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) là thể loại game tận dụng màn hình tần số quét cao tốt nhất. Mình trải nghiệm với tựa game nổi tiếng Counter Strike: Global Offensive và thấy rằng Odyssey G3 mang đến chuyển động hình ảnh mượt mà, bị ghosting nhẹ nhưng nếu không “soi” kỹ thì sẽ khó nhận thấy được. Chỉnh Response time trong OSD lên thành “Fastest” sẽ cải thiện tình trạng ghosting, nhưng cần lưu ý là khi bật FreeSync Premium Pro thì màn hình sẽ không cho tùy chỉnh Response time nữa.
Ở tần số quét 165Hz, hình ảnh được làm mới nhanh hơn rất nhiều so với 60Hz truyền thống. Trong một game phụ thuộc nhiều vào kỹ năng như CS:GO, đôi khi kết cục của ván đấu chỉ được quyết định bởi 1-2 khung hình. Kết hợp với độ trễ chỉ 1ms (MRPT), rõ ràng Odyssey G3 sẽ đảm bảo bạn có những điều kiện tốt nhất để giành chiến thắng, khi mọi yếu tố giật, lag đều đã bị loại bỏ.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Tuy không rõ rệt bằng, nhưng khi chơi game MOBA Liên Minh Huyền Thoại, mình vẫn có thể cảm nhận được sự khác biệt mà tần số quét 165Hz mang lại. Các thao tác rê chuột, thi triển kỹ năng có cảm giác mượt mà và chính xác hơn, ít nhất là nếu so với chiếc màn hình cũ 60Hz mà mình vẫn đang dùng. Một lần nữa, tần số quét cao và độ trễ chỉ 1ms của Odyssey G3 giúp mình phản xạ tốt hơn trước các "skill" của đối thủ, từ đó "outplay" bằng kỹ năng đỉnh cao của mình 😆.
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey G3: “Phổ cập” tần số quét 165Hz
Trong tầm giá này, nếu so với IPS thì tấm nền VA có một số ưu điểm như tương phản rộng hơn, màu đen sâu hơn chứ không có xu hướng ngả xám (bạn sẽ thấy rõ hơn khi xem trong phòng tối), do đó sẽ phù hợp để giải trí như chơi game và xem phim hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là góc nhìn của màn hình không quá rộng, khi nhìn từ các góc chéo và từ trên xuống/dưới lên sẽ nhận thấy màu sắc bị biến dạng. Nhưng nếu bạn chủ yếu sử dụng màn hình ở góc nhìn chính diện, đây sẽ không phải là vấn đề quá lớn.
Màu sắc của Odyssey G3 có xu hướng thiên lạnh, và theo Samsung thì màn hình bao phủ 72% không gian màu NTSC. Các thông tin về không gian màu sRGB, DCI-P3 của Odyssey G3 không được Samsung công bố, và đáng tiếc là mình đang không có bộ đo màu ở đây, nhưng về cơ bản thì Odyssey G3 vẫn là một màn hình gaming, nên khó có thể đòi hỏi nó đáp ứng được cả nhu cầu chỉnh sửa ảnh/video chuyên nghiệp.

Tổng kết

165Hz đến để thay thế 144Hz, và Odyssey G3 của Samsung là sản phẩm rất hợp lý để bạn cân nhắc tạm biệt chiếc màn hình 60Hz cũ kĩ của mình. Cấu hình và những tính năng tích hợp trên Odyssey G3 đều nhằm mang đến cho bạn trải nghiệm chơi game lý tưởng, và tính công thái học là một trong những ưu điểm lớn mà những màn hình khác trên thị trường cần phải học hỏi thêm.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top