Đây là 6 vấn đề mình ghét nhất khi sống trong hệ sinh thái Apple

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Hầu hết chúng ta đều đã biết đến hệ sinh thái Apple. Nhờ khả năng kết nối liền mạch giữa các thiết bị với nhau, hệ sinh thái Apple giúp biến những điều tưởng như cực khó trở nên khả thi, nhưng nó cũng tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Dưới đây là một vài trong số đó.

1. "Thuế Apple” khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn

Nếu bạn muốn mua hàng Apple, bạn phải chuẩn bị sẵn một túi tiền dư dả. Các sản phẩm của họ chưa bao giờ rẻ và điều đó sẽ khó thay đổi trong tương lai trước mắt.
Cụ thể, iPhone là thiết bị đầu tiên bạn cần sở hữu khi muốn tham gia vào hệ sinh thái Apple. Nhưng ngay cả bản cơ bản của iPhone 13 đã có giá lên đến 799 USD rồi.
Nhiều người mua cân nhắc một chiếc MacBook để dùng trong ít nhất 5 năm, hoặc lâu hơn, và họ có lý do cả. Mẫu laptop rẻ nhất hiện nay của Apple, MacBook Air M1, có giá khởi điểm 999 USD, ngang ngửa nhiều mẫu laptop cao cấp trên thị trường. Và dù là một sản phẩm chất lượng, MacBook Air M1 cũng đã ra mắt được vài năm rồi. Nếu muốn “lên đời” MacBook Pro với thiết kế mới nhất, hãy chuẩn bị ít nhất 2.000 USD.
Máy tính bảng là nơi “thuế Apple” thể hiện rõ nhất. Có hàng tá mẫu máy tính bảng Android giá dưới 100 USD, nhưng mẫu iPad rẻ nhất của Apple vốn có thiết kế không mấy thay đổi từ năm 2017 đã có giá bán lẻ 329 USD!
Không thể chối bỏ sự đắt đỏ của các sản phẩm Apple và dù một số người nói rằng chi phí bỏ ra là chấp nhận được khi so với những gì chúng mang lại, đôi lúc các sản phẩm Apple bị "ngáo giá” và không đáng mua.
Đây là 6 vấn đề mình ghét nhất khi sống trong hệ sinh thái Apple

2. Không thể truy cập một số nội dung

Apple nắm toàn quyền quyết định nội dung nào được phép xuất hiện trên thiết bị của họ và nội dung nào không. Ví dụ, ai cũng biết tựa game bắn súng cực kỳ nổi tiếng là Fortnite, nhưng đố bạn tìm thấy nó trên App Store đấy?
Đó là bởi Apple đưa ra những quy định nghiêm ngặt về những điều các nhà phát triển ứng dụng được và không được làm. Apple “rút phích” Fortnite bởi công ty mẹ của nó, Epic Games, tự tiện tích hợp một hệ thống xử lý giao dịch nơi người chơi có thể tiêu tiền trong game mà không thông qua App Store. Epic Games sau đó đáp trả bằng cách nộp đơn kiện Apple.
Có vô số quy định được Apple đưa ra trên App Store, từ loại nội dung được phép cho đến cách nội dung được chuyển đến người dùng. Bạn có lẽ từng nghe đến Google Stadia và Xbox Cloud Gaming nếu là game thủ. Những dịch vụ này, cho phép bạn chơi game console ở bất kỳ đâu bằng cách stream chúng qua internet, nhưng đừng mơ đến việc cài đặt chúng từ App Store vì chúng đã bị cấm do không phù hợp với chính sách giao dịch của Apple.
Mọi người thường gọi hệ sinh thái Apple là một khu vườn kín và họ nói đúng, bởi đôi lúc, nó khiến bạn cảm giác mình đang bị giam cầm trong đó.
Đây là 6 vấn đề mình ghét nhất khi sống trong hệ sinh thái Apple

3. Siri là một sự thất vọng đau đớn

Apple đã dẫn đầu xu thế khi ra mắt Siri vào năm 2011, nhưng kể từ đó, Siri dần tụt hậu đằng sau các đối thủ như Alexa của Amazon và Google Assistant.
Với nhiều người, trong nhiều trường hợp, Siri chỉ gây ra thêm rắc rối thay vì được việc. Nếu như bạn có thể lựa chọn hàng tá thiết bị Amazon Echo khác nhau, cùng nhiều thiết bị bên thứ ba tương thích Alexa, thì bạn buộc phải theo luật chơi của Apple khi dùng Siri để điều khiển ngôi nhà của mình. Có nghĩa là bạn phải mua một chiếc HomePod hay HomePod mini đắt đỏ, chưa kể số lượng thiết bị hoạt động được với Siri cũng ít hơn hẳn.
Kể cả với những tính năng cơ bản như hỗ trợ ứng dụng bên thứ ba, Siri chưa bao giờ làm tốt. Và với iOS 15, Apple còn loại bỏ nốt hầu hết khả năng hỗ trợ bên thứ ba này. Có quá nhiều tính năng các trợ lý giọng nói khác làm được còn Siri thì không. Ví dụ, Siri không thể gọi Uber cho bạn được. Google Assistant thì có thể phiên dịch đến 44 ngôn ngữ trong thời gian thực!
Dù Apple nắm giữ hệ sinh thái hoành tráng nhất trong thế giới công nghệ, họ vẫn bám víu lấy một trong những AI ngớ ngẩn nhất hiện nay.
Đây là 6 vấn đề mình ghét nhất khi sống trong hệ sinh thái Apple

4. Đứng bét cuộc đua công nghệ

Nếu bạn đầu tư mạnh vào hệ sinh thái Apple, bạn hẳn là người yêu công nghệ. Điều đó càng khiến việc đứng ngoài nhìn các công ty khác liên tục tung ra những thiết bị mà Apple không có trở nên khó khăn hơn.
Samsung đã ra mắt thiết bị Galaxy Fold đầu tiên vào năm 2019, và kể từ đó, chúng ta bắt đầu thấy những chiếc điện thoại gập đi từ chỗ chỉ dành cho giới đại gia trở thành một lựa chọn nghiêm túc cho nhiều người tiêu dùng. Dù bạn chọn Galaxy Z Flip hay Galaxy Fold, Samsung đã chứng minh được rằng điện thoại gập là tương lai. Không may, một chiếc iPhone gập vẫn bặt vô âm tín.
Apple trở thành gã khổng lồ công nghệ như ngày nay là bởi họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và tiến đến những công nghệ cùng thiết kế mới mẻ. Nhưng dường như Apple đang tự mãn và tụt lại đằng sau cuộc đua khốc liệt.

5. Hệ sinh thái Apple được thiết kế để giữ chân người dùng

Giống như một cuốn sách hay, hệ sinh thái Apple có thể nhanh chóng cuốn bạn vào vòng xoáy không lối thoát. Bạn sẽ sớm nhận ra mình không chỉ mua iPhone, iPad, MacBook, và thậm chí là Apple Watch nữa. À, đừng quên AirPods, Apple Pencil và cả đám sạc đi kèm!
Một khi đã đầu tư hàng trăm hay hàng ngàn đô vào bất kỳ thứ gì, sẽ rất khó rút chân ra. Do đó, dù bạn có thể chán ngán iOS và sẵn sàng tìm đến với Android, cả tá thiết bị khác của Apple mà bạn đang nắm giữ có lẽ sẽ giữ chân bạn trong hệ sinh thái của hãng.
Cuối cùng, rời bỏ hệ sinh thái Apple đồng nghĩa bạn mất quyền truy cập đến bất kỳ ứng dụng hay gói trả phí nào đã mua thông qua App Store. Quả thật, nói lời từ biệt với iPhone khó hơn nhiều so với bạn nghĩ đấy!
Đây là 6 vấn đề mình ghét nhất khi sống trong hệ sinh thái Apple

6. Rắc rối với giải pháp sạc

Dù không muốn thừa nhận, giải pháp sạc hiện nay của Apple, có thể được xem là một mớ hổ lốn đối với một công ty luôn đề cao chủ nghĩa tối giản.
Apple là một trong những nhà sản xuất đầu tiên chọn USB-C để sạc MacBook đời 2015. Nhưng không hiểu sao hãng vẫn từ chối trang bị USB-C cho iPhone. Thay vào đó, Apple buộc chúng ta sử dụng Lightning, một loại kết nối tuổi đời đã cả thập kỷ.
Toàn bộ dòng sản phẩm AirPods của Apple cũng mắc kẹt với cổng Lightning. Trong khi đó, Apple Watch không thể dùng USB-C lẫn Lightning, mà cần một giải pháp sạc riêng, càng khiến mọi chuyện trở nên rắc rối.
Tóm lại, khi nói đến vấn đề sạc, các thiết bị của Apple chắc chắn không tối giản như phương châm của hãng!

Hệ sinh thái Apple: khu vườn tươi đẹp hay nhà tù công nghệ?

Dù là iMessage, FaceTime, hay AirDrop, mọi người có khá nhiều lý do để tiếp tục gắn bó với Apple. Nhưng lựa chọn hệ sinh thái Apple đồng nghĩa đôi lúc phải từ bỏ sự tiện lợi.
Nhưng hầu hết mọi người sẽ tiếp tục mua sản phẩm Apple, kể cả khi họ phải bỏ thêm nhiều tiền hơn nữa và mắc kẹt trong một hệ sinh thái được thiết kế để hạn chế sự tự do. Nếu bạn không thích, luôn có Android và Windows chờ đón.
Suy cho cùng, hệ sinh thái Apple giúp biến những điều tuyệt vời trở nên khả thi, nhưng những tính năng hấp dẫn đó luôn đi kèm với một cái giá mà bạn phải chấp nhận.
Tham khảo: MakeUseOf

>> 6 tính năng khiến iFan không thể dứt bỏ "khu vườn khép kín" của Apple

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top