Đi tàu cao tốc ở Ý quá sướng, người dân chán cả máy bay

Hơn một thập kỷ trước, Francesco Galietti từng bay quãng đường dài 600 km từ Rome đến Milan, Ý để làm việc thì ngày nay ông đã có thể chọn một phương tiện thay thế khác là tàu cao tốc.
Không chỉ mình Galietti, giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro chính trị Policy Sonar có trụ sở tại Rome cũng chọn loại phương tiện này. Vào năm 2019, theo số liệu công bố của công ty đường sắt nhà nước Ý Ferrovie dello Stato cho thấy số lượng hành khách đi tàu trên tuyến đường chính giữa Rome và Milan đã tăng gần gấp bốn lần trong một thập kỷ, từ 1 triệu vào năm 2008 lên 3,6 triệu vào năm 2018.
Đi tàu cao tốc ở Ý quá sướng, người dân chán cả máy bay
Hiện nay hơn hai phần ba số người dân di chuyển giữa hai thành phố bằng tàu hỏa. Đó là một bước tiến đáng chú ý của mạng lưới đường sắt cao tốc của Ý, được ra mắt vào năm 2008.
Lý do mọi người chọn tàu làm phương tiện di chuyển chính là vì thời gian đi lại giữa Milan và Rome chỉ mất 2 giờ 59 phút. Các ga xe lửa đều ở vị trí trung tâm thành phố, mọi người không cần phải có mặt từ rất sớm trước giờ khởi hành và cửa tàu chỉ đóng hai phút trước khi khởi hành. Điều đó hoàn toàn trái ngược với việc đi xe mất nửa giờ đến Fiumicino ở Rome, làm thủ tục trước giờ khởi hành 90 phút, một giờ trên không rồi hạ cánh ở sân bay Linate, cách thành phố khoảng 20 phút lái xe.

Nuốt chửng ngành hàng không​

Nhiều giả thiết được đặt ra rằng, liệu các tuyến đường sắt cao tốc đã góp phần đặt dấu chấm hết Alitalia - hãng hàng không quốc gia của Ý chuẩn bị đóng cửa vào 15/10?
"Đối với thị trường quốc tế, Alitalia như một con chim cánh cụt ngay từ đầu - vì nó đa phần là tập trung vào thị trường nội địa", Galietti cho biết.
Đi tàu cao tốc ở Ý quá sướng, người dân chán cả máy bay
Tất nhiên, người Ý chủ yếu đi nghỉ mát ở Ý, và các du khách thì muốn khám phá hết toàn bộ mọi miền trên lãnh thổ đất nước. Bay đến Milan, sau đó đến Napoli hoặc Rome, là một điều hoàn toàn bình thường đối với những người đến từ các quốc gia như Mỹ, nơi mà việc đi lại bằng máy bay là phổ biến.
Tuy nhiên, theo Galietti, việc tập trung vào thị trường nội địa làm cho Alitalia dễ bị cạnh tranh khi cuộc cách mạng bay giá rẻ bắt đầu và sau đó là tàu cao tốc.
Ông nói: "Trên thị trường nội địa, họ có vấp phải sự cạnh tranh lớn từ các hãng hàng không giá rẻ và tàu hỏa. Bản thân tôi, nếu phải đến Milan, Turin hoặc Venice, tôi sẽ chọn đi tàu. Tàu cao tốc Frecciarossa có thể đi từ trung tâm thành phố này đến trung tâm thành phố khác mà hành khách không phải đáp xuống vùng ngoại ô cách trung tâm 20 dặm - khoảng 32 km, đó là một sự cạnh tranh đầy khốc liệt đối với Alitalia".
Không chỉ riêng người dân cảm thấy thuận tiện khi di chuyển bằng tàu, khách du lịch cũng cảm thấy như vậy. Cristina Taylor, một du khách Anh thường xuyên đến Ý, nói rằng cô thấy việc đi tàu “dễ dàng hơn so với đi máy bay”.
"Ga tàu có mặt ở khắp nơi trong trung tâm thành phố, hành khách cũng không cần làm thủ tục rườm rà như ở sân bay hoặc quá cảnh giữa chặng khi đến các địa điểm. Ngoài ra, trong những năm qua, nước Ý đã cải thiện rất tốt về khả năng tiếp nhận hành khách quốc tế. Tôi nghĩ việc di chuyển bằng tàu mang lại nhiều giá trị tốt, nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với đường hàng không", Taylor chia sẻ.

Bước tiến mới về tàu cao tốc​

Hệ thống tàu cao tốc ngày nay khác xa so với mạng lưới đường sắt của Ý trong quá khứ, vốn là những chuyến tàu di chuyển chậm, lạc hậu và thường đến muộn.
Thậm chí hành khách hiện nay còn có thể lựa chọn đi một trong hai công ty tàu cao tốc. Trenitalia, hãng tàu do nhà nước vận hành, có các chuyến tàu Frecce, Frecciarossa, Frecciabianca và Frecciargento, mỗi tuyến bao phủ một phần của Ý gần giống hình chữ T dọc theo phần phía bắc của đất nước và sau đó đi thẳng xuống bán đảo Italy. Các chuyến tàu Frecciarossa nhanh nhất có thể chạy với tốc độ 360 km/h.
Trong khi đó, công ty vận tải tư nhân Nuovo Trasporto Viaggiatori đã khai trương các chuyến tàu Italo vào năm 2012, phủ sóng 54 thành phố với các chuyến hoạt động mỗi ngày. Ý là quốc gia duy nhất trên thế giới có hai công ty khai thác tàu cao tốc. Đây cũng là nơi có dịch vụ vận chuyển hàng hóa tốc độ cao đầu tiên trên thế giới, chạy giữa Bologna và Maddaloni, Campania, chỉ trong 3 giờ 30 phút.
Giá vé không quá đắt đỏ khi di chuyển bằng đường sắt trong khu vực được trợ giá (mặc dù không phải tốc độ cao) cũng là ưu điểm để người dân chọn di chuyển bằng đường sắt. Galietti cho rằng giá vé đi tàu ở Ý khá tiết kiệm so với Pháp, Đức và Thụy Sĩ.
Khi di chuyển trên tàu, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ không khác gì ở một hãng hàng không. Mọi hành khách đều phải có một chỗ ngồi được đặt trước như khi đi máy bay, không ai được phép chen lấn và thay đổi chỗ ngồi. Hành khách có thể chọn chỗ ngồi của mình khi mua vé và có thể tích lũy điểm để được ưu đãi. Cả Trenitalia và Italo đều có phòng chờ tại các nhà ga chính.

Giải pháp giúp giảm khí nhà kính​

Carlo Barbante, giám đốc Viện Khoa học Địa cực tại trường đại học Ca 'Foscari ở Venice thường xuyên đến Rome bằng tàu Frecciarossa. Ông hào hứng cho biết: “Nó thuận tiện hơn cho mọi thứ. Đầu tiên, tôi quan tâm đến lượng khí thải carbon đã được giảm xuống và tôi thích cả việc có thể check-in chỉ vài phút trước khi khởi hành, điều đó giúp thuận tiện hơn cho công việc, đi lại dễ dàng, cảm thấy rất an toàn và thoải mái”.
Đi tàu cao tốc ở Ý quá sướng, người dân chán cả máy bay
Là một nhà khoa học khí hậu, Barbante ưu tiên đi tàu lửa. “Để thuyết phục mọi người giảm lượng khí thải carbon, chúng tôi phải làm gương - đầu tiên đó là cho mọi người thấy rằng chúng tôi đang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tôi cảm thấy đó như một nhiệm vụ, đi tàu là một trong những cách tối ưu nhất để giảm lượng khí thải carbon”.
Tuy nhiên, trước khi cuộc cách mạng tàu cao tốc diễn ra, các chuyến tàu trước đây của Ý quá chậm để khả thi hóa việc di chuyển trong ngày từ Venice đến Rome. Do đó, Barbante thường đi các chuyến tàu đêm. Giờ đây nó đã được rút ngắn còn khoảng 3 giờ đồng hồ.
Barbante vừa trở về sau chuyến đi đến Geneva từ Venice bằng tàu hỏa. "Nó rất thoải mái khi bạn có toàn bộ thời gian để làm việc và thư giãn. Vì thế không có lí do gì để bạn phải chọn máy bay cả", ông nói.
"Tôi nghĩ rằng tàu cao tốc đang chiếm một phần tốt ở thị trường bay nội địa. Chúng nhanh hơn và thư giãn hơn".

Cuộc cách mạng đường sắt​

Đi tàu cao tốc ở Ý quá sướng, người dân chán cả máy bay
Trenitalia đã đưa ra báo cáo vào năm 2019 để xem mọi thứ đã thay đổi như thế nào trong thập kỷ đầu tiên của tàu cao tốc. Theo báo cáo cho thấy, số lượng chuyến tàu trên các tuyến đã tăng gấp đôi và lượng hành khách trên các chuyến tàu cao tốc của hãng đã tăng vọt từ 6,5 triệu lượt vào năm 2008 lên 40 triệu lượt vào năm 2018. Tất nhiên, đó là chưa kể những người chọn đi tàu của Italo.
Số lượng tàu cao tốc trong đội đã tăng gấp đôi lên 144 chiếc và vào năm 2018, 69% tổng số hành khách đi lại giữa Rome và Milan đã chọn tàu, tăng 7,4% chỉ trong ba năm. Trong khi đó, du lịch hàng không giảm gần 7% từ năm 2015 đến năm 2018, chỉ chiếm 19,5% thị phần phương tiện.
Cuộc cách mạng đường sắt ở Ý đã có sự khai phá, tác động đến các ngành khác. Trong khi giá bất động sản ở Milan giảm 20,5% từ năm 2008 đến 2018, giá văn phòng xung quanh các ga tàu cao tốc Rogoredo và Porta Garibaldi lại tăng khoảng 10%.
Số lượng khách du lịch sử dụng tàu hỏa đã tăng vọt từ 1,8 triệu trong năm 2008 lên 7,3 triệu vào năm 2018. Rome đến Florence và Venice trở thành những tuyến du lịch phổ biến nhất - đây đều đã từng là những tuyến đường bay chính của Alitalia
Trên thực tế, mối liên hệ giữa tàu hỏa và máy bay của Ý đã được thể hiện khá rõ ràng vào năm 2019, khi Trenitalia đang dần nhấn chìm Alitalia.
Cuối cùng, Alitalia không đủ cơ hội để vực dậy khi chỉ xoay quanh các chuyến bay nội địa mà không bay quốc tế. Hơn nữa, những chuyến bay nội địa đó lại vắng khách khi phần lớn người dân chọn đi tàu. Các chuyến bay cuối cùng của Alitalia cất cánh vào ngày 14/10.
Nguồn: CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top