Đi tìm nguyên nhân khiến nhiều người bị lừa tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng bởi các cuộc gọi giả danh công an dù đã có rất nhiều cảnh báo

Sử dụng chức năng
  1. Mục lục Xem nhanh
Mặc dù các phương tiện truyền thông, báo đài đã cảnh báo rất nhiều về các thủ đoạn lừa đảo, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy và bị chiếm đoạt số tiền rất lớn, lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả vài tỷ đồng.

1723449752323.jpeg

Cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin để đối tượng lừa đảo gọi điện giả danh công an hoành hành


Gần đây nhất, cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo lừa đảo mạo danh cán bộ công an nhằm chiếm đoạt tài sản nhân và nạn nhân trong vụ việc này gây bất ngờ khi chính là nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Anh phản ánh bị kẻ xấu lừa rút mất 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng cá nhân.

1723449742110.jpeg

Cụ thể vào chiều 8-8, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết, có đối tượng đã giả danh Công an Quận 10 gọi cho anh để hỗ trợ định danh tài khoản. Tại đây, đối tượng yêu cầu nam ca sĩ phải sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android mới làm được vì theo lời đống tượng thì hệ thống Nhà nước đồng bộ như vậy.

Sau đó, đối tượng dùng chế độ quét mặt qua một ứng dụng và ngay lập tức, tài khoản của nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị rút mất hơn 200 triệu đồng.

Hay một vụ việc khác vào ngày 9/8, Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 5 tỷ đồng. Theo đó, Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của bà H. (SN 1954; trú tại Long Biên, Hà Nội). Bà H. trình bày nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội. Người này nói bà H. liên quan vụ án mà cơ quan công an đang điều tra. Đối tượng yêu cầu người chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Sau đó bà H. đến ngân hàng chuyển 5 tỷ đồng cho các đối tượng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, một nạn nhân khác là bà L. (SN 1951, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) nhận được điện thoại của người tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói bà L. liên quan đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà chuyển tiền để xác minh. Do lo sợ nên bà L. chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, bà L. kể lại với người thân trong gia đình thì mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.

Hé lộ nguyên nhân khiến nhiều người sập bẫy đối tượng lừa đảo qua điện thoại giả danh công an


Những “kịch bản” tự xưng là cán bộ cơ quan công quyền gọi điện cho người dân thông báo liên quan vụ án hình sự như rửa tiền, buôn bán ma túy, bí mật an ninh… rồi sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định nhằm mục đích chiếm đoạt được xem là thủ đoạn lừa đảo điển hình trên không gian mạng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, những vụ lừa đảo như trên hầu hết sử dụng thủ đoạn thao túng tâm lý nạn nhân, từ đó khiến họ tin tưởng và cung cấp thông tin mà kẻ xấu nhắm tới, có thể là chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng, mật khẩu mã OTP đăng nhập tài khoản cá nhân.

luadao_1-120423-161722-800-resize_jpg_75.jpg

Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, thậm chí gọi điện video call mặc quân phục công an giả mạo để đánh lừa người nhẹ dạ cả tin
gia-cong-an-347.jpeg_75.jpg

Để thực hiện được cuộc gọi kiểu này, các đối tượng tội phạm thường nắm được một phần thông tin cá nhân của nạn nhân, từ đó sử dụng như các "chiêu" về tâm lý. Tâm lý chung là không ai muốn liên quan đến pháp luật, nên trong tình huống này, nạn nhân thường mất bình tĩnh, mù mờ thông tin, hoảng sợ trước việc mình có thể bị kết án và nhanh chóng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng hòng chứng minh mình không phạm tội.

Qua nhiều vụ án cho thấy, nạn nhân của chiêu trò gọi điện nhằm mục đích lừa đảo thường là những người cao tuổi hưu trí, bị hạn chế trong việc tiếp xúc cập nhật thông tin xã hội. Họ thường không nắm rõ được quy trình, cách thức làm việc của lực lượng công an. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an khu vực, địa phương. Tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Hiện “kịch bản” lừa đảo liên tục được tội phạm công nghệ cao thay đổi, núp bóng theo các hoạt động, sự kiện của đời sống thường ngày để lợi dụng triệt để sự thiếu ý thức cảnh giác, chưa kịp cập nhật thông tin của người dân.

Cho dù diễn ra bằng “kịch bản” nào, thì mục tiêu cuối cùng nhắm đến là chiếm đoạt được tiền của nạn nhân, như yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ để chờ điều tra; chuyển tiền nộp thuế phí hải quan để nhận quà; thanh toán đơn hàng nhận hoa hồng…

Tiếp tục cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân cũng luôn cần đề cao cảnh giác


Việc đẩy mạnh tuyên truyền vẫn được xem là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ mình trước những “kịch bản” lừa đảo. Trên trang web, các nhóm Zalo, Facebook tương tác với người dân, Công an TP Hà Nội đều liên tục đưa ra những cảnh báo về tội phạm lừa đảo. Tất cả những thông tin cảnh báo, dấu hiệu nhận biết thủ đoạn phạm tội mới đều được tuyên truyền trong cộng đồng để người dân tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng phòng, chống và lật tẩy mọi thủ đoạn phạm tội.


Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin cá nhân, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng. Những người trẻ tuổi hơn trong gia đình cần giúp người thân lớn tuổi hiểu được tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin, cũng như thường xuyên cập nhật các tình huống lừa đảo trên mạng để phòng tránh, hạn chế tối đa rủi ro.

Quan trọng nhất là công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, nếu có bất cứ vấn đề gì, luôn đến trụ sở công an gần nhất để được giải quyết, không làm việc với người tự xưng là cán bộ công an, không chuyển tiền cho các đối tượng tự nhận là công an, cảnh sát, không cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, không phân phối qua kho ứng dụng Apple hay Google.

#ĐàmVĩnhHưngbịlừa #gọiđiệngiảdanhcôngan
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top