Dịch vụ nội dung trên mạng di động: Ngày tàn đang đến?

Dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, một cụm từ nói thật đã hơi xa xăm. Bởi cho tới thời điểm sắp kết thúc năm 2022 này, nhiều người dùng di động có lẽ khó mà nhớ nổi tên những dịch vụ nội dung trên mạng di động họ từng sử dụng.

Những con số sụt giảm chưa phải là tệ nhất

Những con số thống kê gần đây nhất cho thấy dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động đang dần mất thị trường. Hay nói cách khác, dịch vụ này đang bị người dùng dần quên lãng. Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2022 trên cả nước vẫn có hơn 500 tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động. Thế nhưng, trong 11 tháng, chỉ có 6 giấy chứng nhận được cấp mới so với con số 60 của cùng kỳ năm ngoái. Con số trên cho thấy, doanh nghiệp không còn mặn với việc cung cấp loại hình dịch vụ nội dung từng một thời bùng nổ mạnh mẽ giúp các nhà mạng được “ăn trên ngồi chốc” và cửa quyền, ép uổng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung nói chung (Content Provider – CP).
Dịch vụ nội dung trên mạng di động: Ngày tàn đang đến?
Cũng từ tình trạng cửa quyền đó mới sinh ra các CP “cửa sau, sân sau” mà một trong những điển hình là đường dây game cờ bạc Rikvip chục ngàn tỉ đồng do Phan Sào Nam cầm đầu đã khiến một số người làm tại các nhà mạng “nhúng chàm”. Ở chiều ngược lại, nhiều CP một thời ăn nên làm ra, nhưng thị trường của loại dịch vụ giá trị gia tăng này cũng một thời bát nháo, trắng đen lẫn lộn giăng bẫy người dùng khắp nơi. Bổ sung thêm con số, doanh thu của các CP trong 11 tháng năm 2022 chỉ đạt khoảng 4.400 tỉ đồng, không chỉ đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021, mà tính bình quân doanh thu bình quân trên mỗi công ty đạt chưa tới 10 tỉ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm được cơ quan quản lý lý giải là do bão hòa. Nhưng nếu nhìn vào nguyên nhân sâu xa, có thể nói là do người dùng, thị trường đã thay đổi theo sự thay đổi của công nghệ.

Sẽ còn tệ hơn nếu không thay đổi

Bảy, tám năm trước, dịch vụ nội dung cung cấp trên mạng viễn thông di động thịnh hành là bởi vì, mạng di động khi đó gần như là kênh chủ yếu chuyển tải các dịch vụ nội dung đến cho người dùng di động. Dịch vụ trên web đã xuất hiện nhưng hỗn đỗn, vàng thau lẫn lộn. Thời cao điểm, mỗi nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone cung cấp từ 100-200 dịch vụ nội dung. Song trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc sử dụng thiết bị di động gắn với truy cập Internet ngày càng phổ biến hơn và các dịch vụ được cung cấp chủ yếu thông qua nền tảng là các ứng dụng di động. Hơn nữa, những loại dịch vụ trước đây nhà mạng hoàn toàn có thể kiếm bộn tiền từ người dùng thì nay người dùng có thể tìm thấy và sử dụng hoàn toàn miễn phí tại các ứng dụng di động và website. Sự suy giảm doanh thu dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động cũng tương tự như tình trạng suy giảm doanh thu của dịch vụ thoại và tin nhắn SMS trong những năm qua. Doanh thu thoại và SMS giảm nhưng nhà mạng đã có dịch vụ cung cấp Internet di động để bù vào. Từ dịch vụ này, người dùng mới có thể kết nối và sử dụng các ứng dụng di động hay những dịch vụ hoàn toàn miễn phí trên Internet. Tuy nhiên, với loại hình dịch vụ nội dung trên nền mạng viễn thông di động đang trên đà suy giảm theo xu thế, các CP và cả nhà mạng dường như chưa tìm được dịch vụ thay thế đủ hấp dẫn cả về mặt công nghệ và tính năng, nội dung để tạo nguồn thu bù đắp. Cả hai cho thấy đang thiếu những dịch vụ thế hệ mới dựa trên các nền tảng công nghệ mới để tạo nguồn thu gối đầu. Càng hiểu vì sao, Mark Zuckerberg đã phải “đốt” hàng chục tỉ USD trong hai năm qua cho vũ trụ ảo (metaverse). Cho dù metaverse vẫn chưa đi tới đâu nhưng việc “đốt” tiền của Mark hoàn toàn có lý do chính đáng, là nhằm xây dựng một nền tảng mới với một thế giới dịch vụ mới và cũng mang tới những loại hình kinh doanh dịch vụ mới để có nguồn thu gối đầu trong tương lai. Quay trở lại việc kinh doanh dịch vụ nội dung của nhà mạng, nền tảng mới và sự thay thế, sự gối đầu chính là bài toán cần phải giải. Giải được bài toán này nhà mạng sẽ có được thế hệ dịch vụ nội dung mới có thể mang tới nguồn doanh thu bứt phá thay vì chỉ có thể bình bình như hiện nay hoặc thậm chí doanh thu chung còn bị sụt giảm. Nếu nhìn từ góc độ này, có thể khẳng định rằng nguyên nhân chính không phải do dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động đã bão hòa, mà điều chính yếu nhất chính là ít tính mới và thiếu tính hấp dẫn, thu hút người dùng, không thể cạnh tranh với những tính năng, tiện ích của các dịch vụ miễn phí đầy dãy trên mạng Internet. Vòng đời của các dịch vụ nội dung trên mạng di động theo cách kinh doanh từ trước tới nay dường như đang dần khép lại. Nếu không thay đổi, cách tân, tình hình kinh doanh loại hình dịch vụ này có thể còn tệ hơn nữa. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top