Disney “ôm đầu máu” vì phải bù lỗ hơn chục tỷ USD cho nền tảng phát trực tuyến

Disney được coi là kẻ thách thức đáng gờm nhất cho vị thế thống trị của Netflix. Kho lưu trữ chứa hơn 8.000 giờ trải dài qua 8 thập kỷ, rõ ràng họ có lợi thế áp đảo so với Netflix. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh phát trực tuyến đầy hứa hẹn nhanh chóng trở thành chú vịt con xấu xí, khiến Disney phải đau đầu. Chỉ có nụ hôn đầu là ngọt ngào, sau đó đọng lại vị đắng ngắt kéo dài suốt 3 năm. Màn ra mắt Disney+ cuối 2019 của CEO Bob Iger tưởng như là 1 món quà không thể tốt hơn.

Tuần trăng mật ngọt ngào

Thực vậy, hiếm có tập đoàn nào lại chịu ảnh hưởng từ đại dịch nặng nề như Disney. COVID-19 đã gieo một câu thần chú hắc ám lên phần lớn các bộ phận kinh doanh. Tàn phá từ cửa hàng bán hàng hóa ăn theo cho tới các quầy băng đĩa DVD/Blu-ray. Tàu du lịch không thể rời cảng, khách sạn heo hút, công viên đóng cửa, phim cũng thể ra rạp như bình thường… Chưa kể hàng tỷ USD chi phí phòng ngừa dịch bệnh bùng phát.
Ngoại lệ là nền tảng trực tuyến Disney+. Trong 2 năm 2020 và 2021, Disney gần như phụ thuộc vào Disney+. Mọi người mắc kẹt trong nhà do lệnh phong tỏa biến nền tảng phát trực tuyến này thành nơi trú ngụ lý tưởng. Nó được ca ngợi là “hiệp sĩ trắng” đã giải cứu công ty vào thời điểm đó. Do vậy, thật khó tưởng tượng bây giờ chính Disney+ lại trở thành cơn đau đầu dai dẳng.
Disney ban đầu đã bị tuần trăng mật làm cho mù quáng, tin rằng Disney+ là tương lai của mình và không ngại rót hàng chục tỷ USD vào sản xuất nội dung độc quyền. Kể từ năm 2022, thế giới dần vận động bình thường trở lại, mọi người phục hồi nhịp sống vốn có trước đại dịch và lượng thuê bao mới sụt giảm nhanh chóng. Nó dẫn đến việc cắt giảm đăng ký phát trực tuyến và để lại cho Disney một nền tảng vẫn chưa đem về 1 đồng lãi nào.

Disney “ôm đầu máu” vì phải bù lỗ hơn chục tỷ USD cho nền tảng phát trực tuyến
Disney nhảy vào streaming video

Phơi bày hiện thực phũ phàng

Khi CEO Iger được đưa trở lại ghế lãnh đạo để vực dậy công ty theo kì vọng các nhà đầu tư, 1 trong những hành động đầu tiên của ông là cắt giảm chi phí lên đến 7,5 tỷ USD, bao gồm cả khoản chi để giữ nội dung độc quyền trên Disney+. Lỗ lũy kế của nền tảng này đã lên đến 11,4 tỷ USD kể từ khi ra mắt. Nó được dự báo sẽ không có lãi cho đến hết năm 2024, tức khoản lỗ này sẽ còn phình to nữa, Forbes thông tin.
Chỉ vì máu me cạnh tranh với Netflix ở thị trường phát trực tuyến, Disney đã phải “ôm đầu máu” bù lỗ hơn chục tỷ USD cho Disney+. Khởi đầu của mọi chuyện bắt đầu từ năm 1997, khi Reed Hastings và Marc Randolph đã thành lập một doanh nghiệp bán và cho thuê DVD đặt hàng qua thư. Sau này, nó trở thành Netflix và đến năm 2009, hãng đã vận chuyển 900 triệu DVD mỗi năm cho hơn 10 triệu người đăng ký.
Sau đó, họ tung ra dịch vụ SVOD cho phép xem phim trực tuyến qua mạng Internet, thời gian đầu, dịch vụ chỉ có 1.000 tựa phát trực tuyến so với 70.000 đầu phim trên DVD. Đến nay, nó đã phát triển thành nền tảng streaming video hơn 260 triệu người đăng ký, đóng cửa hoàn toàn dịch vụ thuê DVD qua thư. Cựu CEO Disney Michael Eisner thừa nhận “Reed Hastings là 1 thiên tài trong lĩnh vực này” khi phát minh ra mô hình đó. Đột phá giúp Netflix trở thành công ty truyền thông lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường, giá trị 275,3 tỷ USD.

Disney “ôm đầu máu” vì phải bù lỗ hơn chục tỷ USD cho nền tảng phát trực tuyến
Disney chịu áp lực phải đối phó với gã khổng lồ phát trực tuyến và họ dần rút nội dung của mình về, hướng đến 1 dịch vụ riêng hòng cạnh tranh lại. Vào tháng 12 năm 2017, Iger đã khiến ngành truyền thông choáng váng khi công bố thỏa thuận 71 tỷ USD mua 21st Century Fox. Mang về loạt IP giá trị như X-Men, Fantasic Four, The Simpsons, Family Guy,... Họ đã vũ trang rất kĩ trước khi ra mắt Disney+.
Iger tiết lộ mục đích khi công bố thương vụ này: “Một trong những lợi ích lớn nhất trong việc mua lại Fox của chúng tôi là nó cho phép thúc đẩy đáng kể chiến lược DTC, cho phép phục vụ người tiêu dùng trên toàn thế giới tốt hơn.” Đó là một khởi đầu tốn kém cho Disney+. Và cho đến giờ, còn lại gì ngoài khoản lỗ hơn 11 tỷ USD khiến Disney phải ráo riết điều chỉnh lại chiến lược?

Sai lầm khi sản xuất ồ ạt

Một trong những USP (Unique Selling Point: lợi thế bán hàng độc nhất) của Disney là chiều sâu của thư viện nội dung sau khi hấp thụ Fox. Hơn 13.000 chương trình hỗ trợ 39 ngôn ngữ khác nhau. Chưa kể loạt studio Pixar, Marvel Studios, Lucasfilm, Walt Disney Pictures được bổ sung thêm 20th Century Studios và Searchlight Pictures, sẵn sàng đưa nội dung của họ lên nền tảng chỉ sau vài tháng chiếu rạp như 1 liều doping cực mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, ban đầu không ai nghi ngờ thành công của Disney+ cho tới khi vết nứt xuất hiện. Đó chính là bộ phim kinh phí lớn 200 triệu USD Black Widow của Marvel Studios. Disney đưa ra quyết định tranh cãi khi phát hành đồng thời tại rạp lẫn trên Disney+, nơi người đăng ký có thể truy cập phim trong 1 tháng với khoản phụ phí 30 USD. Quyết định đó gây ra phản ứng dữ dội. Về mặt phòng vé, nó thất bại khi chỉ kiếm được 380 triệu USD.

Disney “ôm đầu máu” vì phải bù lỗ hơn chục tỷ USD cho nền tảng phát trực tuyến
Nhưng hậu quả tai hại hơn là diễn viên chính Scarlett Johansson đã đâm đơn kiện công ty vì cho rằng phát trực tuyến ảnh hưởng đến quyền lợi của cô. Theo WSJ, nữ minh tinh đã hụt thu hơn 50 triệu USD vì kiểu phát hành song song này. Nhiều chủ rạp cũng tức giận với Disney vì cho rằng công ty tham lam, không phát hành độc quyền ở rạp khiến doanh thu bán vé bị giảm. Hiển nhiên nếu công ty chọn chiếu trực tuyến, họ có thể giữ lại 100% doanh thu mà chẳng phải chia sẻ với ai.
Chính sự tham lam đó dẫn đến quyết định sai lầm khi sản xuất ồ ạt nội dung trên Disney+. Disney tăng đơn đặt hàng nội dung độc quyền cho dịch vụ của mình, chỉ trong năm 2022 đã chi 33 tỷ USD. Bạn hẳn còn nhớ, chính Bob Iger đã phải thừa nhận Disney+ là nguyên nhân “làm hại” Marvel Studios. Sản xuất ồ ạt khiến nội dung Marvel bị loãng và mất kiểm soát chất lượng, hậu quả là thương hiệu Marvel thua trận đau đớn.
Trận đại hồng thủy nội dung đã khiến Disney phải trả giá đắt, cả về tài chính lẫn nỗ lực soán ngôi Netflix. Số lượng người đăng ký Disney+ đã giảm từ mức cao nhất là 164,2 triệu vào tháng 9 năm 2022 xuống còn 149,6 triệu vào cuối năm ngoái trong khi Netflix đã tăng gần gấp đôi con số đó là 260 triệu. Và tất nhiên, trong khi Netflix đã kiếm được tiền lãi thì Disney vẫn phải “oằn mình” gồng lỗ cho Disney+.

Disney “ôm đầu máu” vì phải bù lỗ hơn chục tỷ USD cho nền tảng phát trực tuyến
Disney lỗ hơn 11 tỷ USD vì Disney+
Đầu tuần này, Iger thừa nhận với CNBC rằng hãng không lường trước sẽ mất nhiều tiền đến vậy khi tham gia phát trực tuyến. Bởi công ty mải mê chạy theo số lượng thuê bao mà quên mất cải thiện lợi nhuận. Sau 3 năm, trung bình họ phải bù gần 4 tỷ USD mỗi năm cho nền tảng này. “Rõ ràng điều đó không hề bền vững và không thể chấp nhận được. Mục tiêu trước tiên là giảm thiểu những tổn thất đó” - Iger nói.
Thực vậy, họ đã mất kiểm soát chi phí. Disney đã chi hơn 500 triệu USD để thực hiện 3 dự án Moon Knight, Secret Invasion Loki Season 2. Trước đó, 2 TV series Ms. MarvelThe Falcon and the Winter Solider tổng chi phí hết 300 triệu USD. Chỉ riêng She-Hulk cũng ngốn 225 triệu USD, là 1 trong những show Marvel đắt nhất trên Disney+. Ngoài ra, live-action Peter Pan & Wendy hết 170 triệu USD, live-action Pinocchio cũng cỡ 150 triệu USD.
Iger cũng phải thừa nhận điều này và đã cắt giảm mạnh tay danh mục nội dung sắp tới trên nền tảng phát trực tuyến. Mục tiêu nhắm đến là chi tiêu 4,5 tỷ USD mỗi năm cho nội dung giải trí hàng năm, bằng việc sản xuất ít hơn và ngân sách cho mỗi dự án cũng bị thắt chặt lại. Ông cũng nhấn mạnh vào chiếu rạp độc quyền để bảo vệ nguồn doanh thu béo bở đó. Theo tin đồn gần đây, 1 số chương trình Marvel cũng rơi vào diện cắt giảm này.
Bằng hàng loạt biện pháp, nó đã mang lại tác động kỳ diệu khi bộ phận DTC cải thiện lợi nhuận lên 86% ở quý đầu tiên năm 2024. Họ “hướng đến mục đích mang lại tỷ suất lợi nhuận hai con số trong tương lai”. Nếu thuận lợi, có thể không cần chờ hết năm 2024 để Disney+ mang về những đồng tiền lãi đầu tiên, công ty cần tích cực cắt giảm chi tiêu hơn nữa.

Hoàn trả khoản thâm hụt khổng lồ

Disney “ôm đầu máu” vì phải bù lỗ hơn chục tỷ USD cho nền tảng phát trực tuyến
Netflix đã sớm kiếm được lãi từ năm 2016
Dù vậy,đó chỉ là 1 phần của công việc. Nếu cắt lỗ thành công, nó chỉ chứng minh là công ty có thể kiếm được tiền từ streaming video. Họ vẫn cần bù lại khoản lỗ lũy kế 11,4 tỷ USD do nền tảng này tạo ra cho đến nay. Netflix đã có lời vào năm 2016, tỷ suất lợi nhuận ở mức 21% vào năm 2023. Giả sử Disney+ đạt mức tỷ suất 2 chữ số như ở trên, họ phải mất hơn 3 năm để xóa hoàn toàn khoản lỗ lũy kế của mình.
Đây là phép tính dựa trên giả định doanh thu hàng năm đều đặn 17 tỷ USD, với mức tỷ suất sinh lời 21% thì mỗi năm sẽ dư ra được 3,6 tỷ USD tiền lãi. Vậy là cần 3 năm để hoàn trả đầy đủ khoản thâm hụt 11,4 tỷ USD mà Disney+ đã gây ra. Nhưng dù thế nào, người ta vẫn tin rằng Netflix sẽ có nhiều lợi nhuận hơn. Nó đến từ sự tinh ranh của nền tảng phát trực tuyến này.
Đầu tiên, Netflix tập trung xin cấp phép nội dung từ các hãng phim, thay vì đổ tiền vào tự sản xuất. Và dựa trên tỷ suất lượt xem, nếu bộ phim nào kém thu hút thì họ sẽ ngừng gia hạn mùa tiếp theo để cắt giảm chi phí. Sau này khi đã có đủ cơ sở khách hàng lẫn dữ liệu thị hiếu, công ty mới bắt đầu ký các hợp đồng thuê ngoài sản xuất với studio khác, tự tạo ra những chương trình gốc.
Thứ hai và rất quan trọng, Netflix không phải 1 studio nên không cần nguồn thu từ tiền bán vé, do đó không cạnh tranh với chính khách hàng của mình. Không để nguồn thu từ streaming “dẫm đạp” vào nguồn thu chiếu rạp. Điều này tương tự với Sony, công ty duy nhất trong nhóm Big 5 Hollywood không có dịch vụ phát trực tuyến riêng, nhờ đó tránh khỏi khoản lỗ nhiều tỷ USD.

Disney “ôm đầu máu” vì phải bù lỗ hơn chục tỷ USD cho nền tảng phát trực tuyến
Việc đặt hàng các studio chung tập đoàn sản xuất nội dung độc quyền tiềm ẩn rủi ro không nhỏ. Bất kể chi phí sản xuất là bao nhiêu, nội dung phát trực tuyến độc quyền là một canh bạc và Disney đã phải hứng chịu quả bom đó. Việc duy trì nó trên nền tảng cũng gây tốn kém và đánh mất nhiều triệu USD chi phí cơ hội. Bởi nếu Disney mở cấp phép ra bên ngoài thay vì giữ độc nhất ở Disney+, họ có thể thu thêm khoản tiền bản quyền không nhỏ từ Netflix và các nền tảng streaming khác.
Như vậy, ngoài hơn 11 tỷ USD thâm hụt trong 3 năm qua, có thể công ty còn mất nhiều hơn thế. Đã bao nhiêu hợp đồng cấp phép nội dung bị bỏ qua chỉ vì Disney+ muốn độc quyền tác phẩm sau khi chiếu rạp? Các lãnh đạo đã quá bận tâm đến việc liệu họ có thể đối đầu trực tiếp với Netflix hay không, họ đã không dừng lại để suy nghĩ xem có xứng đáng để làm vậy không. Canh bạc nhằm lật đổ ông vua phát trực tuyến của hãng đã thất bại toàn tập, để lại khoản thâm hụt nặng nề.


>>> Khủng hoảng Disney: sản xuất phim thua lỗ suốt 1 năm rưỡi vừa qua, cả Pixar lẫn Marvel đều xuống dốc
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top