Đổi tên cũng không thoát, Ấn Độ tiếp tục cấm 54 ứng dụng của Trung Quốc vì an ninh quốc gia

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin của Ấn Độ đã cấm các phiên bản đổi tên (rebrand) của các ứng dụng Trung Quốc đã từng bị nước này cấm vào năm 2020.
Đổi tên cũng không thoát, Ấn Độ tiếp tục cấm 54 ứng dụng của Trung Quốc vì an ninh quốc gia
Theo truyền thông địa phương, Ấn Độ đã cấm 54 ứng dụng của Trung Quốc theo lệnh mới với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Đây là động thái mới nhất trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng do tranh chấp biên giới kéo dài.
Một số ứng dụng thuộc sở hữu của các công ty công nghệ lớn Trung Quốc như Tencent, Alibaba và NetEase. Đây đều là các ứng dụng đã được đổi tên để tránh lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ hồi năm 2020.
54 ứng dụng Trung Quốc bao gồm Garena Free Fire, Beauty Camera: Sweet Selfie HD, Beauty Camera - Selfie Camera, Equalizer & Bass Booster, CamCard for SalesForce Ent, Isoland 2: Ashes of Time Lite, Viva Video Editor, Tencent Xriver, Onmyoji Chess, Onmyoji Arena, AppLock, Dual Space Lite,…
Đầu tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm cả các nền tảng mạng xã hội lớn như TikTok, WeChat vì mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của quốc gia.
Phần lớn các ứng dụng bị cấm vào ngày 29/6/2021 với lý do lo ngại chúng đang thu thập dữ liệu người dùng và gửi ra "bên ngoài". Động thái này đưa ra không lâu sau khi 20 binh sỹ Ấn Độ và một số lính Trung Quốc bị thiệt mạng trong giao tranh ở biên giới hai nước.
Đổi tên cũng không thoát, Ấn Độ tiếp tục cấm 54 ứng dụng của Trung Quốc vì an ninh quốc gia
Cuối tháng 9, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục chặn 118 ứng dụng di động của Trung Quốc và tuyên bố, chúng "gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, nền quốc phòng của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng".
Đáp lại, Trung Quốc phản đối quyết định của Ấn Độ khi tiếp tục cấm các ứng dụng di động của nước này và cho rằng, hành động này vi phạm các nguyên tắc không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Động thái mới nhất diễn ra trong bối cảnh tranh chấp kéo dài giữa hai quốc gia vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt đã có một cuộc giao tranh đẫm máu năm 2020 khiến binh lính hai bên thiệt mạng. Trong đó, Ấn Độ đã đưa ra nhiều đạo luật cứng rắn hơn nhắm vào các khoản đầu tư từ Trung Quốc, bao gồm cả việc cấm các ứng dụng di động của nước này.
Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.488 km và không có cột mốc phân định dọc theo dãy Himalaya. Kể từ đó luôn có hàng ngàn binh lính, xe tăng và súng pháo của cả hai nước tập trung ở đây để bảo vệ biên giới.
Nguồn: SCMP
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top