Du lịch tan băng - mừng lo trộn lẫn

Do đại dịch Covid-19, hơn hai năm qua, du lịch nước ta phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, đóng băng. Từ ngày 15-3, du lịch nước nhà bắt đầu hòa vào làn sóng mở cửa toàn cầu, mừng đấy, nhưng cũng không ít nỗi lo.

Có phao cứu sinh​

Dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng năm 2021, ngành du lịch nước nhà vẫn ghi dấu bằng một loạt các giải thưởng quốc tế uy tín như: Việt Nam là điểm đến văn hóa, điểm đến di sản, điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á, điểm đến Golf tốt nhất châu Á; Tổng cục Du lịch nước ta được bình chọn là “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu Châu Á” (giải thưởng do WTA-World Travel Awards bình chọn). Nước ta cũng được tạp chí Travel & Leisure của Mỹ xếp hạng đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến dành cho du lịch cá nhân năm 2021. Tiếng lành đồn xa. Ngay từ đầu năm 2022 số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021-theo số liệu của Google, người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất. Những biện pháp và lộ trình đón khách nội địa và thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine đã có những thử nghiệm từ năm ngoái, sẽ là căn cứ, điểm tựa để du lịch nước nhà vững tin mở cửa lại trong bối cảnh bình thường mới. Năm 2020, chính phủ nước ta đã tạm ngưng việc miễn visa nhập cảnh đối với khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến 15-3 sẽ không còn áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa, mà thực hiện giống như trước khi có dịch Covid-19, bao gồm việc cấp visa điện tử và miễn visa. Kể từ ngày 15-3, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không còn phải đăng ký theo tour như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccin ngừa Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay. Khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không sẽ chỉ cần tự cách ly trong vòng 24 tiếng và làm xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm PCR. Chỉ những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ Covid thì mới phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. Còn khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ thì được xét nghiệm tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh. Du lịch và hàng không gắn với nhau như hình với bóng. Hầu như các quốc gia mà nước ta đề nghị khôi phục đường hàng không như trước Covid-19 đều đã đồng ý. Việc mở cửa trở lại đón khách quốc tế được xem là một trong những chiếc phao cứu sinh cho ngành du lịch.
Du lịch tan băng - mừng lo trộn lẫn

Thử thách phải vượt qua​

Làn sóng Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4 năm 2021 khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp lữ hành là những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp khi họ phải căng mình chống chọi suốt hơn 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp xoay chuyển ngành nghề khác, nay lại loay hoay trong phục hồi. Một trong những thách thức khi khởi động lại thị trường đó là việc đảm bảo các kết nối, xúc tiến lại các thị trường sẽ phát sinh các chi phí, chẳng hạn chi phí về xúc tiến thương mại. Nhất là giá dầu leo thang dẫn tới chi phí vận tải tăng chóng mặt. Hẳn là chúng ta còn nhớ, để hỗ trợ ngành hàng không trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năm 2021 Bộ tài chính đã giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, từ đầu năm 2022 mức giảm là 50%. Quyết định này đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành. Tuy nhiên Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không vẫn đề xuất nâng mức hỗ trợ thuế môi trường lên 70-80%, thậm chí là 100% cho doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023. Thiết nghĩ, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp phải chủ động mới giải quyết được khó khăn. Hơn lúc nào hết đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải có giải pháp để vừa giảm chi phí vừa thu hút được khách du lịch. Chẳng hạn như phải triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu hành khách giữa các hãng hàng không, khách sạn, công ty du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch bằng cách tăng các trải nghiệm cho khách; Việc kết nối giao thông hàng không với đường bộ cũng vậy. Ngoài các điểm đến là thành phố, Chính phủ cũng chọn các điểm đến phù hợp với tình hình để đón khách quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực mới là một thử thách lớn. Theo thông kê, năm 2020 có gần 400 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi cấp giấy phép. Nhiều doanh nghiệp du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%. Năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, 1/4 nhân lực chất lượng dịch chuyển sang các lĩnh vực khác. Để bù lại lực lượng lao động có tay nghề cao như chuyên gia, quản trị du lịch đã dịch chuyển chắc chắn chúng ta phải đào tạo và đào tạo lại. Vì nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Đây là một trong những yếu tố cơ bản làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương và cả ngành du lịch. Đơn cử, đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới. Một hướng dẫn viên du lịch giờ đây không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ tham gia hành trình tour, giới thiệu, hướng dẫn những trải nghiệm cho du khách mà còn cần có kỹ năng tạo cho du khách cảm giác an toàn bằng chính những hoạt động, thao tác đảm bảo phòng chống dịch an toàn, xử lý tình huống kịp thời tạo sự yên tâm, tin tưởng cho du khách. Muốn thực hiện tốt “du lịch thông minh” thì việc đào tạo những kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số hiện nay là tất yếu. Vì những kiến thức này tạo điều kiện cho một bộ phận lao động có thể mở rộng quan hệ hợp tác và liên kết kinh tế và du lịch trên phạm vi quốc gia, thế giới hoặc làm các công việc chuyên môn thường ngày mà không cần di chuyển đến công sở, tiết kiệm được hao phí lao động, chi phí kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Với hướng dẫn viên được tăng cường trang bị các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế tour, tìm kiếm các dữ liệu, thực hiện số hóa tài nguyên du lịch, quay, dựng các clip liên quan đến các hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách trong chuyến đi, đáp ứng tốt yêu cầu của khách thì sẽ níu chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn mà còn hứa hẹn tái ngộ. ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top