Được trang bị Thunderbolt, nhưng trải nghiệm kết nối iPad với Mac vẫn cực kỳ tệ

Loạt iPad Pro thế hệ mới nhất đã có cổng Thunderbolt, và bạn cho rằng điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu suất khi kết nối iPad với một mẫu MacBook Pro cũng được trang bị Thunderbolt? Không, mọi thứ vẫn vậy, lỗi chồng lỗi.
Theo trang AppleInsider, nhiều người dùng thời gian qua cho biết chiếc iPad Pro với Thunderbolt của họ không thể kết nối với những chiếc MacBook Pro mới nhất dùng chip Apple Silicon. Do đó, trang đã tiến hành kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân vấn đề bằng một chiếc iPad Pro 12.9-inch thế hệ 5 và một chiếc MacBook Pro 14-inch với vi xử lý M1 Pro.
Một số bài viết trên website hỗ trợ người dùng của Apple khẳng định iPad Pro sẽ không kết nối được với MacBook Pro qua cổng Thunderbolt. Số khác cho biết họ gặp may khi sử dụng cáp do Apple sản xuất, nhưng việc duy trì kết nối thì khá khó khăn.
Các chuyên gia của trang AppleInsider đã thử dùng cáp Thunderbolt 4 đi kèm với màn hình Studio Display của Apple, và một sợi cáp Thunderbolt 4 khác của Satechi mà họ vừa mua. Trong cả hai trường hợp, iPad Pro đều xuất hiện chớp nhoáng trong trình quản lý tập tin Finder trên macOS, sau đó biến mất như thể sợi cáp bị lỏng hay gặp lỗi gì đó.
Như vậy, rõ ràng MacBook Pro biết rằng có một chiếc iPad Pro đang kết nối với nó, nhưng không thể duy trì kết nối trong Finder đủ lâu để người dùng thực hiện bất kỳ tương tác nào. Điều tương tự diễn ra khi sử dụng các loại cáp Thunderbolt 4 khác, trong khi nếu sử dụng cáp thông thường thì không vấn đề gì. Trong một bài test, chiếc iPad mini 6 với cổng USB-C kết nối bình thường với MacBook Pro khi dùng bất kỳ sợi cáp nào, bao gồm cả cáp Thunderbolt, bởi thiết bị này dùng chuẩn USB 3.1 chứ không phải Thunderbolt.
Được trang bị Thunderbolt, nhưng trải nghiệm kết nối iPad với Mac vẫn cực kỳ tệ
Khá thú vị là trang AppleInsider đã tìm được cách vượt qua lỗi kết nối bằng cách liên tục rút ra và cắm lại cáp Thunderbolt vào cổng Thunderbolt của MacBook Pro. Cuối cùng kết nối cũng ổn định với mọi sợi cáp, và họ đã có thể truyền tập tin cũng như đồng bộ hai thiết bị một cách bình thường.
Tuy nhiên, đây không được xem là một giải pháp thực sự, bởi bạn phải lặp lại mỗi lần khởi động lại máy Mac và muốn tái kết nối chiếc iPad.
Khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của Apple, người đại diện công ty chỉ hướng dẫn thực hiện các bước xác định lỗi như thường lệ, và chính họ cũng không thể xác nhận liệu đây có phải là một lỗi đã biết hay không.
Vấn đề kết nối này vẫn hiện diện sau khi khởi động lại máy Mac, cài đặt lại macOS, và thực hiện safe boot.
Được trang bị Thunderbolt, nhưng trải nghiệm kết nối iPad với Mac vẫn cực kỳ tệ
Dù không có câu trả lời rõ ràng lý giải nguyên nhân vấn đề, và bản thân loại cáp Thunderbolt là chủ động hay thụ động cũng không quan trọng, có vẻ như macOS trên Apple Silicon không ngờ đến việc tương tác với iPad qua Thunderbolt, dù iPad đã được trang bị Thunderbolt từ hơn một năm trước rồi.

Một vấn đề khác trên iPad với Thunderbolt

Dù không phải là một lỗi liên quan, vấn đề tiếp theo chắc chắn cần được đề cập đến khi bạn tìm cách đồng bộ các thiết bị với máy Mac. Khi trang AppleInsider tìm hiểu các vấn đề về kết nối, họ phát hiện ra một vấn đề hoàn toàn mới liên quan đến tốc độ truyền tải.
Được trang bị Thunderbolt, nhưng trải nghiệm kết nối iPad với Mac vẫn cực kỳ tệ
Một số người dùng trong diễn đàn của Apple nói rằng chỉ cáp Apple mới có thể được dùng để truyền dữ liệu, trong khi số khác cho biết chúng còn ưu việt hơn thế. Sau khi đã kết nối được iPad Pro với MacBook Pro, trang AppleInsider thử truyền một tập tin 5.9 GB bằng những sợi cáp Thunderbolt khác nhau để kiểm chứng.
Cáp Thunderbolt 4 của Apple có thể truyền tập tin ở tốc độ xấp xỉ 70MB/s, và cáp của hãng khác chỉ dừng ở mức khoảng 32MB/s. Kết quả được xác thực nhờ ứng dụng iStat Menus và đo thời gian truyền tải thủ công bằng đồng hồ bấm giờ.
Tuy nhiên, tốc độ nói trên vẫn chưa nhanh lắm. Để tham khảo, USB 2.0 có tốc độ truyền dữ liệu khoảng 35MB/s. USB 3.0 là khoảng 350MB/s, còn USB 3.1 và 3.2 10 Gigabit đạt đến 700MB/s.
Thunderbolt 3 và Thunderbolt 4 có thể vượt mức 2.8GB/s.
Khi sử dụng cùng những sợi cáp ở trên với Mac mini chip Intel, kết quả thu được khác biệt đến bất ngờ, cho thấy vấn đề có lẽ liên quan đến chip Apple Silicon. Cụ thể, iPad Pro kết nối mượt mà với Mac mini Intel, và có tốc độ truyền dữ liệu đến 200MB/s bất kể đang dùng cáp nào.
Nhưng cần nói rõ rằng trong cả hai trường hợp, tốc độ thu được là quá thấp, bởi tốc độ của Thunderbolt phải tính bằng gigabytes chứ không phải megabytes. Tuy nhiên, đây có lẽ là vấn đề liên quan đến cách Apple xử lý việc truyền tập tin trên iPad và iPhone, khi mà chúng sử dụng một giao thức độc quyền thông qua iTunes - về cơ bản là cùng giao thức truyền tập tin qua cáp để đồng bộ dữ liệu từ các nguồn tương thích như các ứng dụng Music, TV, Photos, và Books vào Finder.
Được trang bị Thunderbolt, nhưng trải nghiệm kết nối iPad với Mac vẫn cực kỳ tệ
Trước macOS Catalina, mọi hoạt động đồng bộ, và kết nối với các thiết bị iOS/iPadOS, đều được thực hiện bởi iTunes và các quy trình của nó. Sau khi Apple tách ứng dụng Music và TV ra thành các sản phẩm riêng, thì việc quản lý đồng bộ được chuyển giao cho Finder và framework mới được tạo ra để quản lý quy trình này.
Một daemon tên AMPDevicesAgent sẽ xuất hiện mỗi khi có iPhone hoặc iPad kết nối với máy Mac. Đây chính là framework đồng bộ vừa đề cập đến ở trên, và nó nổi tiếng vì...sử dụng cực nhiều CPU trong quá trình đồng bộ. Một số người dùng cho biết mức sử dụng CPU trên máy Mac của họ tăng vọt lên 100% khi mới vừa cắm thiết bị vào!
Giao thức đồng bộ độc quyền này nhiều khả năng là nguyên nhân đằng sau hầu hết các vấn đề phát hiện được trên các máy Mac Apple Silicon lẫn Intel. Cụ thể là thế nào thì chúng ta chưa rõ, nhưng giả thuyết khả thi nhất là giao thức này có một tốc độ truyền tải tối đa mà khi đạt đến sẽ hạn chế tốc độ kết nối thiết bị.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu có phải nó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chập chờn khi kết nối Thunderbolt, hay lỗi này là do driver trong trình điều khiển của Thunderbolt.

Ảnh hưởng đối với người dùng

Trên thực tế, lỗi kết nối Thunderbolt không phải là vấn đề quá to tát với hầu hết người dùng iPad. Nó chỉ xảy ra khi bạn sở hữu cả iPad và Mac, và muốn kết nối chúng để đồng bộ hoặc dùng tính năng SideCar. Và phạm vi ảnh hưởng của lỗi càng thu hẹp hơn nữa khi chỉ xảy ra với iPad Pro và máy Mac dùng chip Apple Silicon mà thôi.
Được trang bị Thunderbolt, nhưng trải nghiệm kết nối iPad với Mac vẫn cực kỳ tệ
Những người dùng iPad Pro làm máy chính cũng sẽ không bao giờ gặp vấn đề bởi họ có lẽ không bao giờ cần kết nối nó với máy Mac. Do đó, có khả năng tình huống này hiếm khi xảy ra đến mức ngay cả Apple cũng không gặp phải trong quá trình thử nghiệm sản phẩm.
Cứ mỗi máy Mac bán ra, thì Apple bán được 25 chiếc iPhone. Tỉ lệ này cũng tương đương nếu thay Mac bằng iPad. Do đó khách hàng của Apple sẽ rơi vào 4 nhóm: chỉ dùng iPhone (đông nhất), chỉ dùng Mac, chỉ dùng iPad, và vừa dùng Mac vừa dùng iPad (rất ít).
Gần đây, Apple cũng đã loại bỏ khả năng đồng bộ ứng dụng từ iTunes sang iPad bằng cổng Lightning, đồng nghĩa việc dùng cáp đồng bộ iPad đã không còn được hãng ưu tiên nữa nhằm đẩy mạnh khuyến khích người dùng sao lưu qua iCloud và đồng bộ không dây. SideCar qua cáp thì sử dụng một giao thức khác so với truyền tải tập tin, nhưng khá bất ngờ là Apple không để ý đến AMPDevicesAgent khi nó bị phàn nàn nhiều đến thế.
Suy đoán ở đây là, hoặc công ty không ưu tiên phát triển AMPDevicesAgent (giải thích tại sao nó vẫn tồn tại sao một năm ra mắt iPad Pro với Thunderbolt), hoặc các kỹ sư Apple đã bỏ sót nó. Dù thế nào đi nữa, đây là một thiếu sót khi nó cho thấy Apple gần đây đã thiếu quan tâm hơn đến tiểu tiết.
Apple chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào hoặc chưa thừa nhận lỗi trên. Ở thời điểm này, nếu bạn muốn kết nối iPad Pro với máy Mac dùng Apple Silicon, hãy dùng cáp USB-C không Thunderbolt và chấp nhận tốc độ truyền dữ liệu chậm chạp không khác là bao so với Lightning trước kia!
Tham khảo: AppleInsider
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top