Đuổi việc nhân viên không biết xin nghỉ phép online, công ty phải trả giá đắt

Trong một vụ kiện hiếm gặp tại Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, câu chuyện về ông Tân, một công nhân 59 tuổi với thâm niên làm việc lâu năm, đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Vụ việc bắt đầu khi ông Tân bị công ty sa thải vì không thực hiện thủ tục xin nghỉ phép trực tuyến, dẫn đến việc bị xem là vắng mặt không lý do quá ba ngày liên tiếp.
Theo truyền thông địa phương, vào tháng 4 năm 2019, công ty nơi ông Tân làm việc đã ban hành quy định mới, yêu cầu nhân viên muốn nghỉ phép phải đăng ký trực tuyến qua ứng dụng của doanh nghiệp. Nếu không tuân thủ, họ sẽ bị xem là vắng mặt và xử lý theo quy định.
Ông Tân, do đã lớn tuổi và chỉ quen với công việc tay chân trong nhà máy suốt hơn 10 năm qua, không am hiểu về công nghệ số nên thường phải nhờ các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn giúp đỡ trong việc xin nghỉ phép. Đầu năm 2023, ông đã nhờ các đồng nghiệp trẻ giúp xin nghỉ phép từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 1 và được công ty chấp thuận.
Đuổi việc nhân viên không biết xin nghỉ phép online, công ty phải trả giá đắt
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau đó kế hoạch thực hiện việc riêng của ông Tân có sự thay đổi đột xuất về thời gian. Ông không kịp nhờ đồng nghiệp giúp cập nhật trên ứng dụng, chỉ biết gọi điện thoại và nhắn tin cho trưởng nhóm để xin nghỉ phép. Nhưng công ty cho rằng việc xin nghỉ phép qua tin nhắn và điện thoại vô giá trị vì không phù hợp với quy định mới, nên đã quyết định sa thải ông Tân với lý do nghỉ làm không phép.
Không chấp nhận cách xử lý này, ông Tân đã kiện công ty ra tòa với cáo buộc sa thải bất hợp pháp, vi phạm luật lao động, đồng thời đòi bồi thường hơn 100 nghìn nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng).
Tòa án sơ thẩm đã nhận định rằng công ty đã vi phạm luật lao động và phải bồi thường cho ông Tân số tiền mà ông yêu cầu. Công ty đã làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán vẫn cho rằng ông Tân không có ý định vắng mặt chủ quan và không đủ bằng chứng xác định ông vi phạm quy định của công ty. Thêm vào đó, hành vi nghỉ phép của ông Tân cũng không đủ để gây ra tác động lớn đến công ty, không dẫn đến tình trạng mất niềm tin cơ bản giữa hai bên khiến họ không thể duy trì mối quan hệ lao động.
Cuối cùng, thẩm phán kết luận rằng việc ông Tân nghỉ phép không đến mức độ khiến công ty phải sa thải. Tòa đã đưa ra phán quyết cuối cùng buộc công ty phải bồi thường cho ông Tân hơn 100 nghìn nhân dân tệ vì đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top