Elon Musk cân nhắc việc lập nền tảng mạng xã hội mới

Trong một bài đăng trên Twitter, tỷ phú Elon Musk cho biết ông đang “suy nghĩ nghiêm túc” về việc tạo một nền tảng mạng xã hội mới. Trước đó, ông chỉ trích Twitter cản trở tự do ngôn luận.
“Đóng vai trò như một nền tảng công cộng quyền lực, Twitter đã không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về tự do ngôn luận của nền dân chủ”, CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk nói trên Twitter hôm thứ Sáu khi trả lời câu hỏi của một người dùng về việc có cần xây dựng một nền tảng mạng xã hội mới hay không.
Elon Musk cân nhắc việc lập nền tảng mạng xã hội mới
Là một người dùng có tầm ảnh hưởng trên Twitter, bản thân Musk thời gian gần đây đã nhiều lần chỉ trích các chính sách mới của Twitter. Cách đây không lâu, Musk cũng mở một cuộc thăm dò trên Twitter hỏi rằng mọi người có tin rằng mạng xã hội này đang tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận hay không. Kết quả là có hơn 70% người tham gia nói "không".
Đây không phải lần đầu tiên tỷ phú giàu nhất thế giới gây tranh cãi trên Twitter. Theo một thỏa thuận với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) năm 2018, Elon Musk phải được sự chấp thuận của các giám đốc khác trong ban điều hành của Tesla trước khi đăng các dòng tweet về công ty.
Tháng 11 năm ngoái, việc Musk đăng đàn trên Twitter hỏi rằng liệu ông có nên bán 10% cổ phần mình đang nắm giữ của Tesla đã “châm ngòi” cho một đợt bán tháo lớn cổ phiếu hãng xe này. Ngay sau đó, Tesla nhận trát yêu cầu hầu tòa từ SEC về việc này, động thái mà Musk cho là “hành vi quấy rối”.
Đầu tuần trước, phản ứng lại những lời thách thức của ông Musk với trát hầu tòa này, một quan chức SEC đã thúc giục thẩm phán liên bang cho phép tiếp tục giám sát đăng tải trên Twitter của Musk.
Tỷ phú giàu nhất thế giới hiện là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên Twitter với hơn 77 triệu người theo dõi. Tài khoản của ông hiện có lượng người theo dõi nhiều thứ 11 trên thế giới. Mỗi đăng tải của ông nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, thích và bình luận. Theo một phân tích của Visual Capitalist, ông Musk hiếm khi đăng tải dưới 30 dòng tweet mỗi ngày. Các dòng tweet của tỷ phú này có chủ đề đa dạng nhưng có một điểm chung là gây tác động lớn, từ giá cổ phiếu Tesla cho tới giá một loạt tiền ảo.
Theo các nhà phân tích, nếu Elon Musk mở nền tảng mạng xã hội riêng, ông sẽ gia nhập danh sách các nhân vật công chúng và công ty công nghệ đang muốn rời bỏ các mạng xã hội phổ biến hiện tại (như Twitter, Facebook, YouTube...) và lập ra "sân chơi" của riêng mình để được “tự do ngôn luận”.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người bị Twitter khóa tài khoản và cấm sử dụng từ tháng 1/2021, tháng trước đã ra mắt mạng xã hội Truth Social, do Trump Media & Technology Group quản lý.
Rumble, Parler, Gettr và nhiều dịch vụ mạng xã hội khác cũng đã được thành lập như những lựa chọn thay thế cho các mạng xã hội chính thống. Trong đó, Parler đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple với cáo buộc rằng những kẻ gây ra bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào 6/1/2021 đã sử dụng nền tảng này để kích động bạo lực. Tới tháng 4 cùng năm, mạng xã hội này đã trở lại sau khi thực hiện một số cải tiến để phát hiện và kiểm soát tốt hơn các phát ngôn thù địch.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các mạng xã hội mới này, kể của Truth Social của ông Trump, mới chỉ có lượng người dùng hạn chế và chưa phổ biến như các nền tảng lâu năm.
Nguồn: CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top