FPT mở công ty phần mềm ô tô tại Mỹ, tham vọng vào câu lạc bộ tỷ USD

TienCM

Pearl
Tập đoàn FPT vừa công bố thành lập công ty FPT Automotive có trụ sở tại Texas, Mỹ với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô đạt trị giá 1 tỷ đô la vào năm 2030.
Theo FPT, công ty FPT Automotive sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.
FPT mở công ty phần mềm ô tô tại Mỹ, tham vọng vào câu lạc bộ tỷ USD
FPT Automotive sẽ cung cấp các dịch vụ tới các khách hàng gồm công nghệ giải trí, thông tin trong xe, đơn vị điều khiển điện tử (ECU), chức năng an toàn, an ninh, thiết kế UI/UX cho ô tô, kết nối không dây và kỹ thuật số. Trung tâm của các dịch vụ này là các sản phẩm MaaZ, AUTOSAR độc quyền cho các giải pháp ECU mà công ty đã phát triển và đạt nhiều thành tựu với khách hàng.
"Với trải nghiệm nhiều năm trong ngành ô tô và nguồn nhân lực tài năng đông đảo cùng với những công nghệ mới nhất như AI, siêu điện toán đám mây, tri thức thị giác máy tính..., chúng tôi mong muốn đồng hành cùng với các hãng OEM hàng đầu để thúc đẩy nhanh sự phát triển ngành ô tô - ngành đang được quyết định bởi phần mềm", ông Trương Gia Bình, người sáng lập và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết.
FPT đã có 10 năm kinh nghiệm trong thị trường phần mềm xe hơi. Tập đoàn này hiện có hơn 4.000 kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm ô tô, với mạng lưới hơn 150 khách hàng là các hãng tên tuổi trên thế giới như Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, Yazaki, LG, Panasonic, NXP... FPT Automotive đã đạt các tiêu chuẩn công nghiệp như ISO26262 trong quản lý an toàn chức năng và Automotive SPICE cho các quy trình phát triển phần mềm trong lĩnh vực ô tô.
Những năm gần đây, phần mềm đóng vai trò ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển ngày một vượt trội của các dòng xe hơi nói riêng, và công nghiệp ngành ô tô nói chung. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, gia tăng trải nghiệm người dùng và giúp nhà sản xuất có thêm doanh thu, lợi nhuận.
Các phương tiện hiện đại ngày nay có thể có gần 100 đơn vị điều khiển điện tử, yêu cầu tới 100 triệu dòng mã (code). Phần mềm cùng với cảm biến và các thành phần tương tự, được dự báo sẽ chiếm khoảng 50% chi phí phương tiện vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với mức 20% của năm 2020. Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu được dự đoán sẽ chi hơn 238 tỷ USD/năm vào năm 2030 khi chuyển dịch từ các dòng xe với hệ truyền động đốt sang xe điện.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top