Game thủ Trung Quốc hiện cảm thấy “mỗi ngày đều là ngày tận thế”

nhhgiap

Pearl
Ngành công nghiệp game của Trung Quốc đang bùng nổ. Nhưng với Stone Shi, nhà thiết kế game sống tại đây, anh lại không cảm thấy như vậy.
Game thủ Trung Quốc hiện cảm thấy “mỗi ngày đều là ngày tận thế”
Shi có công việc đầu tiên vào 2018 khi chính phủ tạm dừng phê duyệt các trò chơi mới. Năm 2019, họ đặt ra những quy định về thời gian chơi game của trẻ em. Vài tuần trước, các quy định mới được ban hành còn nghiêm ngặt hơn. Theo quy định mới, những người dưới 18 tuổi chỉ có thể chơi game ba giờ một tuần vào các ngày cuối tuần.
Shi cho biết:
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy được tin tốt cho ngành công nghiệp game. Trong ngành chúng tôi hay đùa nhau rằng mỗi khi quy định mới ban hành, đó là ngày tận thế của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Vì vậy, ngày nào cũng là ngày tận thế".
Mặc dù các quy định ngày càng gắt gao nhưng hàng trăm triệu dân Trung Quốc trưởng thành vẫn chơi game hằng ngày. Trẻ vị thành niên vẫn tìm cách lách qua khe cửa hẹp để chơi game. Và các công ty công nghệ Trung Quốc như Tencent vẫn là gã khổng lồ của thị trường game toàn cầu. Trung Quốc cũng nhanh chóng nắm bắt những lợi ích từ các giải đấu game online, từ đó xây dựng nên hệ thống Esport đồ sộ và tạo điều kiện cho các sinh viên đại học được tham gia.
Tuy nhiên, những năm gần đây các quan chức và nhiều phụ huynh cho rằng game tồn tại những mặt trái tiềm ẩn như
gây nghiện và khiến mọi người dễ mất tập trung. Khi chủ tịch Tập Cận Bình trúng cử, ông đã đẩy mạnh các chính sách trong lĩnh vực giải trí, đặc biệt là các quy định liên quan đến game. Bên cạnh việc chấn chỉnh nền showbiz quốc gia, chính quyền của ông Tập cũng coi game là một trò tiêu khiển không cần thiết và xem nó như một đe dọa về văn hóa và đạo đức của đất nước.
Mặc dù trẻ vị thành niên chỉ đóng góp một phần nhỏ trên tổng doanh thu của mảng game tại Trung Quốc, nhưng giá cổ phiếu của các công ty game đã giảm mạnh do lo ngại về các tác động lâu dài đối với văn hóa chơi game.
Mặc dù các game thủ và các doanh nghiệp đều tỏ ra chán nản nhưng họ đã dần thích nghi được với các quy định của chính phủ. Đối với hầu hết game thủ, các quy định mới có rất ít tác động. Còn đối với các công ty chỉ đơn giản là một chút sụt giảm trong doanh thu ở một lĩnh vực cực kì hấp dẫn.
Nhiều người trong ngành phát triển game tại Trung Quốc đồng ý rằng trò chơi có một số mặt trái. Vì hầu hết các game phổ biến nhất trong nước được phát hành miễn phí, dẫn đến doanh nghiệp chỉ có thể kiếm tiền bằng việc tung ra các vật phẩm hấp dẫn người dùng. Các nhà phát triển game thực sự là bậc thầy khơi gợi sự cuốn hút.
Nhưng những nỗ lực của xã hội để cai nghiện game - trạng thái tiêu cực mà truyền thông tại Trung Quốc gọi là “chất độc” và
“gây hại cho tinh thần” đôi khi khắc nghiệt hơn chính sự nghiện game. Số lượng các trại cai nghiện với kỷ luật thép của quân đội tăng liên tục. Trên mạng xã hội tại Trung Quốc cũng có các lời kể về các vụ lạm dụng như đánh đập hay điều trị bằng điện giật và biệt giam.
Ngay cả lệnh cấm trong quá khứ đối với các máy chơi game như PlayStation cũng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, ông Shi cho biết. Lệnh cấm đó đã giúp cho các trò chơi phát hành miễn phí trên điện thoại di động phát triển mạnh mẽ.

Game thủ Trung Quốc hiện cảm thấy “mỗi ngày đều là ngày tận thế”
Đối với anh Shi, các giới hạn mới của chính phủ tương tự như các yêu cầu mà mẹ anh đặt ra cho ông khi còn nhỏ. Vào các ngày trong tuần, PlayStation 2 của anh ấy bị nhốt trong tủ. Mỗi chiếc đĩa game anh mua đều được chăm chút kỹ lưỡng. Nhiều game trong số các game anh đã mua được xem là không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên.
Khi vào đại học, anh ấy bước vào giai đoạn thả cửa, bù lại cho những năm tháng giới hạn nghiêm ngặt của gia đình. Ngay cả bây giờ, đôi khi Shi vẫn thích chơi game hoặc chi tiêu cho game hơn mức cần thiết. Anh cho rằng mọi người hãy hiểu là đối với một thế hệ lớn lên không có anh chị em do chính sách 1 con, cha mẹ làm việc muộn, game như cánh cổng dẫn đến một nơi mà áp lực học đường không tồn tại.

“Trước đây sau khi tan học, tôi thường ăn tối một mình, và điều đó nghe khá buồn bã. Nhưng điều khiến mọi thứ không buồn chán là tôi có những bạn bè trong game để tâm sự”, anh nói. Anh kể lại rằng khi bị bố mẹ cấm chơi game, anh lên mạng và xem những người khác chơi game. Shi nhận định: “Bạn cấm ai làm điều gì đó không có nghĩa là họ sẽ làm theo những gì bạn muốn”.
Trung Quốc đang đầu tư để kiểm soát các hoạt động của trẻ em trên không gian mạng. Một hệ thống số điện thoại theo danh tính thật được phát triển để chấm dứt tình trạng ẩn danh trên Internet. Để đăng ký bất kỳ nền tảng nào trên Internet của Trung Quốc, như mạng xã hội hoặc game, bạn cần có số điện thoại. Vì vậy các công ty sẽ dễ dàng xác định ai đang tạo tài khoản trong game là trẻ vị thành niên.
Tuy nhiên, vẫn luôn có cách để lách luật. Khi quy định hạn chế thời gian chơi game được ban hành, trẻ vị thành niên đã sử dụng các số điện thoại di động của người trưởng thành để đăng ký tài khoản. Một số sẽ mua, số khác sẽ đi thuê. Nhiều trẻ đi mượn hoặc lấy số điện thoại của cha mẹ hoặc ông bà. Gần đây, Tencent đã bổ sung yêu cầu nhận dạng khuôn mặt để xác nhận danh tính của người chơi trên các trò chơi phổ biến nhất của công ty.

Game thủ Trung Quốc hiện cảm thấy “mỗi ngày đều là ngày tận thế”
Đơn cử như một tài khoản có số điện thoại thuộc về một người 60 tuổi, nhiều người cho rằng một trẻ vị thành niên nào đó đã sử dụng số điện thoại này vì tài khoản trên đã hoàn thành các màn chơi trong game Honor of Kings chỉ một buổi tối. Tencent cho biết rằng từ tháng 3 đến nay tài khoản này đã vượt qua 17 lần quét nhận dạng khuôn mặt.
Nhiều game thủ và nhà phát hành game đã tự hỏi các quy định tiếp theo sẽ là gì. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thể thao điện tử cho biết các quy định có thể sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển dụng và phát triển tài năng. Ma Xue, streamer trong lĩnh vực Esport cho biết các quy tắc thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của nhiều người.

“Một game thủ tài năng 15 tuổi sẽ phải đợi vài năm để có đủ điều kiện tham gia thi đấu. Nhưng Esport thì luôn thay đổi chóng mặt. Thể thao điện tử là một thế giới cạnh tranh khốc liệt", Xue chia sẻ.
Hou Xu, sáng lập trung tâm đào tạo Esport Yizhimeng, cho biết lệnh cấm này
"cố gắng ép mọi người vào khuôn khổ". Dù vậy ông Hou cho biết việc đào tạo của trung tâm sẽ không thay đổi, vì các trung tâm đều nhận được sự cho phép của phụ huynh để đảm bảo các vận động viên dưới 18 tuổi có thể tham gia tập luyện.
Thông qua trung tâm của mình, ông Hou chủ yếu muốn chứng minh cho những đứa trẻ mê game và cha mẹ của chúng biết được việc có một vị trí cao trong các giải thi đấu Esport chuyên nghiệp khó khăn như thế nào. Chỉ có 1/60 người từ trung tâm của ông được tham gia thử việc tại một câu lạc bộ chuyên nghiệp. Và anh ấy đã không có được một vị trí chính thức sau khi kết thúc giai đoạn thử việc.
Ngoài việc phát triển kỹ năng cho học sinh để họ có đủ điều kiện tham gia thi đấu, Hou còn cố gắng giúp những học sinh khác giải quyết những vấn đề về tinh thần.
“Ngày nay, nhu cầu tinh thần của trẻ em không được đáp ứng. Trong thế giới ảo, thật dễ dàng để chúng có được cảm giác hoàn hảo, chủ động, giỏi giang nhưng chúng có thể không có được điều đó trong học tập hoặc trong cuộc sống thực”, Hou nói thêm.
Anh Shi nhận thấy sau lệnh cấm, trẻ em đang dần chuyển sang giải trí bằng các trò chơi truyền thống. Anh tình cờ gặp một số lượng lớn trẻ em tại một cửa hàng cùng nhau ngồi tô tượng hoặc đùa giỡn khi đang chơi boardgame.
“Nếu tôi có con và chúng gặp vấn đề với game online, tôi sẽ khám phá trò gì mà chúng tôi có thể làm cùng nhau như cờ vua, cờ vây hoặc các môn thể thao. Chúng đều là sự thay thế rất tốt cho trò chơi điện tử”, Shi nói.
Nguồn: The New York Times
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top