Gấu Koala có nguy cơ tuyệt chủng vì bệnh lây qua đường tình dục

Koala, loài gấu túi của Úc, đang có nguy cơ chết dần chết mòn do một loại virus thầm lặng, nguy hiểm đang lây lan trong quần thể loài động vật này. Các chuyên gia động vật hoang dã lo ngại loài thú có túi mang tính biểu tượng của đất nước Australia sẽ bị tuyệt chủng.
Thủ phạm chính là chlamydia, một loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Hàng năm lây nhiễm hơn 100 triệu người trên thế giới và có thể gây vô sinh ở người nếu không được điều trị.

Gấu Koala có nguy cơ tuyệt chủng vì bệnh lây qua đường tình dục
Đối với gấu túi, vi khuẩn chlamydia có thể gây mù lòa và gây u nang đau đớn trong đường sinh sản của loài động vật, có thể dẫn đến vô sinh hoặc thậm chí tử vong.
Tệ hơn nữa, thuốc kháng sinh để điều trị bệnh có thể phá hủy hệ vi khuẩn đường ruột cần cho việc tiêu hóa lá bạch đàn, loại thức ăn chủ yếu của Koala. Khiến một số con chết đói ngay cả khi đã được chữa khỏi.

Bệnh có thể lây lan nhanh chóng

Theo Mark Krockenberger, một giáo sư về bệnh lý thú y tại Đại học Sydney, vào năm 2008, "tỷ lệ nhiễm chlamydia rất thấp" - khoảng 10% - trong quần thể gấu túi ở Gunnedah, một thị trấn nông thôn ở phía đông bắc New South Wales. Tuy nhiên, đến năm 2015, con số đó đã tăng lên đến 60%. Và hiện nay, khoảng 85% dân số koala đã bị nhiễm bệnh, Krockenberger cho biết.
"Rất có thể quần thể gấu túi không còn sống sót nữa vì nguy cơ vô sinh. Khá nhiều gấu cái nhiễm chlamydia sẽ bị vô sinh trong vòng một năm, có thể tối đa là hai năm ... Ngay cả khi họ sống sót, họ không thể sinh sản", ông nói.
Các chuyên gia cho biết quần thể gấu túi trên khắp nước Úc đang đối mặt với những tình huống nguy cơ như vậy, đe dọa các quần thể động vật, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do cháy rừng ngày càng trầm trọng và mất môi trường sống do phá rừng.
Các nhà khoa học đang thử nghiệm loại vắc xin chống lại chlamydia để bảo vệ động vật. Tuy nhiên, Krockenberger cho biết rủi ro rất cao, nếu chiến lược vắc-xin không phát huy tác dụng…

Gấu túi có nguy cơ tuyệt chủng ở Úc không?

Tại Australia, gấu túi Koala được coi là biểu tượng. Loài thú có túi tai xám, lông tơ, ăn lá cây bạch đàn và mang con non trong túi, chỉ có thể được tìm thấy ở Úc và thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện đại diện văn hóa của đất nước.
Nhưng gấu túi đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đối với sự sống còn của chúng. Ngoài bệnh tật, thú có túi bị mất môi trường sống và thường bị chó hoang tấn công, bị ô tô đâm.
Gấu túi được đưa vào danh sách "dễ bị tổn thương" trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Danh sách này liệt kê các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. IUCN cho biết có khoảng 100.000 đến nửa triệu con gấu túi trong tự nhiên, nhưng Tổ chức Koala Úc cho biết chỉ có gần 58.000 con.
Sự bất đồng trong số liệu quy mô dân số koala đã thôi thúc chính phủ Úc cam kết chi 2 triệu đô la Úc (1,47 triệu USD) hồi năm ngoái để điều tra dân số koala quốc gia, tìm xem chúng ở đâu và còn lại bao nhiêu.
Koala chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng trong trận cháy rừng thảm khốc năm 2019, trận cháy rừng đã phá hủy hơn 12 triệu mẫu Anh (48.000 km vuông) đất chỉ riêng trên toàn New South Wales.

Gấu Koala có nguy cơ tuyệt chủng vì bệnh lây qua đường tình dục
Theo Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), các đám cháy đã giết chết hoặc di dời gần 3 tỷ động vật. Trong số đó, có hơn 60.000 con gấu túi đã chết, mất môi trường sống hoặc bị thương, chấn thương, hít phải khói và áp lực nhiệt từ ngọn lửa.
Vào giữa năm 2021, một báo cáo của chính phủ Úc về tình trạng bảo tồn gấu túi đã khuyến nghị chuyển đổi tình trạng của loài động vật này thành "nguy cấp" ở Queensland, New South Wales và Thủ đô Australia, do số lượng koala suy giảm mạnh ở những khu vực này. Ở một số vùng, báo cáo cho thấy số lượng koala đã giảm gần một nửa chỉ trong vòng 20 năm.
Chính phủ Úc đang soạn thảo Kế hoạch phục hồi quốc gia cho Koala, sẽ xem xét vào tháng 12/2021 và có khả năng được thông qua, trở thành luật vào năm 2022.
Nhưng Deborah Tabart, chủ tịch của Tổ chức Koala Australia, nói rằng như thế vẫn chưa đủ, cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ gấu túi và môi trường sống của chúng trên toàn quốc. Bà cảnh báo loài thú có túi có thể bị xóa sổ trong vòng 3 thế hệ.
“Chúng tôi muốn có Đạo luật Bảo vệ Koala”, bà nói. “Nếu thực sự nghiêm túc bảo vệ loài động vật này, Đạo luật cần có hiệu lực và điều đó cũng giúp bảo vệ cây cối”.
Các nhà vận động nói rằng Đạo luật bảo vệ Koala sẽ giống với Đạo luật Bald Eagle ở Mỹ nhằm bảo vệ loài động vật biểu tượng của đất nước khỏi các mối đe dọa suy giảm dân số và môi trường sống của chúng.

Vi khuẩn Chlamydia lây lan như thế nào?

Trước các mối đe dọa trong môi trường sống và nguồn cung cấp thức ăn của gấu túi, vi khuẩn chlamydia có thể chỉ là vấn đề thứ yếu. Tuy nhiên, khi số lượng koala ngày càng giảm, các chuyên gia cho biết việc sinh sản chưa bao giờ quan trọng hơn thế.
Có hai giống vi khuẩn chlamydia ở gấu túi Úc, một trong số đó, chlamydia pecorum, gần như là nguyên nhân gây ra các trường hợp bệnh nghiêm trọng nhất trong quần thể.
Bệnh lây lan trong quần thể gấu túi thông qua sinh sản và các hoạt động liên quan đến giao phối, và gấu túi con có thể lây bệnh từ mẹ của chúng.
Theo Đại học Sydney, tỷ lệ lây nhiễm bệnh trong một số quần thể gấu túi ở Queensland, New South Wales và Victoria có thể cao tới 100%, khiến chúng hoàn toàn vô sinh.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Sinh thái học Ứng dụng vào tháng 3/2018 cho thấy, trong số 291 con gấu túi được kiểm tra trong 4 năm, 18% đã chết vì chlamydia hoặc các biến chứng liên quan. Dịch bệnh là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai, sau các cuộc tấn công của động vật.

Biến đổi khí hậu khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn

Cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến Australia phải đối mặt với những đám cháy rừng tàn khốc, chẳng hạn như những trận đã xảy ra vào năm 2019, cũng như hạn hán và sóng nhiệt. Cháy rừng cũng làm cho gấu túi dễ mắc bệnh hơn.
Theo cơ quan khoa học hàng đầu của Australia, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), khí hậu Australia đã ấm lên trung bình khoảng 1,44 độ kể từ năm 1910.
Báo cáo của chính phủ Australia cho biết khi các loài thú có túi tiếp xúc với các điều kiện môi trường căng thẳng bất thường, bao gồm "thời tiết nóng, hạn hán, mất môi trường sống và phân mảnh", vi khuẩn chlamydia lại lây lan nhanh hơn trong quần thể của chúng. Các chuyên gia cho biết họ đã chứng kiến những đợt bùng phát dịch bệnh tương tự trong tự nhiên.
Peter Timms, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Sunshine Coast ở Úc, cho biết một khi gấu túi bị kích thích, căng thẳng do các vấn đề môi trường, bệnh nhiễm trùng thường tiến triển từ một vấn đề tương đối nhỏ thành "một vấn đề nghiêm trọng hơn”.
Ông cho biết mất môi trường sống và thay đổi khí hậu đang khiến gấu túi bị "căng thẳng kinh niên", làm suy giảm hệ miễn dịch của chúng và tất cả những điều đó đều dẫn đến phản ứng với vi khuẩn chlamydia kém.

Gấu Koala có nguy cơ tuyệt chủng vì bệnh lây qua đường tình dục
Một tấm biển cảnh báo lái xe rằng những chú koala đang ở phía trước

Thử nghiệm vắc xin Chlamydia cho gấu túi

Một loại vắc-xin chlamydia, được nhà nghiên cứu Timms phát triển trong thập kỷ qua, đang được thử nghiệm trong quần thể gấu túi nhằm bảo vệ loài động vật này khỏi các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
Các thử nghiệm đối chứng đang được tiến hành để kiểm tra hiệu quả của vắc-xin trên các nhóm nhỏ gấu túi - thường khoảng 20 hoặc 30 con mỗi lần, Timms nói. Thử nghiệm hiện tại là thử nghiệm lớn nhất, liên quan đến 400 con gấu túi.
Một số gấu túi được tiêm phòng vì chúng mắc những căn bệnh khác, ngoài bệnh chlamydia, trong khi những con khác được tiêm phòng để tăng cao hiệu quả bảo vệ.
Timms nói: “Chúng tôi biết vắc-xin có thể giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm. Tất nhiên, không giảm được đến 0, không có vắc-xin nào làm được điều đó, nhưng nó ngăn chặn số lượng nhiễm bệnh”.
Giáo sư Krockenberger của Đại học Sydney, người tham gia vào một cuộc thử nghiệm vắc-xin riêng, cho biết mục đích của loại thuốc này không phải để đảo ngược sự tiến triển của bệnh ở cá thể gấu túi. Ông nói: “Một khi chúng nhiễm bệnh mãn tính, chúng thường vẫn có thể sống hạnh phúc, nhưng không thể sinh sản”.
Thay vào đó, ông cho biết việc sử dụng vắc xin mang lại hy vọng giảm mức độ lây nhiễm bệnh chlamydia ở gấu túi, và từ đó có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang vật chủ mới để duy trì một quần thể sinh sản.
Timms cho biết một khi vắc-xin được chứng minh là an toàn và hiệu quả, ông hy vọng chiến dịch tiêm vắc xin sẽ triển khai đến các bệnh viện động vật hoang dã trên khắp nước Úc để tiêm phòng cho mọi chú gấu túi.
Tất cả những gì có thể làm là cố gắng cứu càng nhiều Koala càng tốt.
Nguồn:
CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top