Giải mã cơn sốt Labubu, tại sao giới trẻ lại mê mệt, sẵn sàng xếp hàng xuyên đêm săn bằng được món đồ chơi thú bông tưởng như “vô tri” này

Mai Nhung

Writer
Labubu liên tục là từ khóa cực nóng trong thời gian qua với giới trẻ Việt khiến họ sẵn sàng xếp hàng xuyên đêm, vạ vật ăn nằm, ngủ nghỉ, cắm trại trước cửa hàng bán loại đồ chơi thú bông này để săn cho bằng được.

Cơn sốt Labubu bắt đầu từ tháng 4 tới nay, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù mức giá cho một món đồ chơi dao động từ 400.000 đồng tới hơn 20 triệu đồng.

455340110-381518651634572-5503-4560-1303-1723775354_jpg_75.jpg

Những người ngủ qua đêm trước trung tâm thương mại đợi mua Labubu ở quận 7, TP HCM, chiều 15/8. Ảnh: Ngọc Ngân

Theo báo VnExpress đưa tin, Ngọc Anh ở TP.HCM đã cắp theo hai chiếc gối, túi bánh ngọt, nước lọc đến trung tâm thương mại ở quận 7 từ chiều 15/8, sẵn sàng xếp hàng qua đêm chờ mua đồ chơi Labubu.

Giải thích về hai chiếc gối, cô gái 22 tuổi nói một chiếc để giữ chỗ sẵn cho chị họ, người ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đang đón xe xuống TP HCM cũng chờ mua hàng. Họ cùng sở thích sưu tầm loại đồ chơi nghệ thuật (art toys) tên Labubu - sản phẩm do nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung thiết kế năm 2015, lấy cảm hứng từ quái vật nhỏ, răng nhọn của thần thoại Bắc Âu. Để phù hợp với xu hướng đương đại, Labubu được diện những trang phục, phụ kiện riêng nên nó giống như một phiên bản thể hiện "cái tôi" của người chủ sở hữu. Nửa năm nay, Labubu trở thành cơn sốt ở Việt Nam.

"Nó dễ thương, nhìn rất hay", Ngọc Anh nói. Cô có bộ sưu tập 10 con và muốn mua thêm Labubu trong Blind Box (hộp bí mật, màu ngẫu nhiên) lên kệ ngày 15/8 ở cửa hàng nằm trong trung tâm thương mại này.

Screen-Shot-2024-08-16-at-09-0-7481-2374-1723775354_png_75.jpg

Dòng người đợi mua Labubu trước trung tâm thương mại ở quận 7, TP HCM. Ảnh: Ngọc Ngân

Do số lượng có hạn, nhu cầu lớn, hàng trăm người chấp nhận xếp hàng, giữ chỗ từ chiều đến sáng hôm sau. Họ mang theo thức ăn, nước uống, ghế xếp, chiếu, gối để qua đêm.

Ngọc Anh nói mình thức gần như trắng đêm. Cô chỉ ngồi đợi trong khi nhiều bạn cạnh bên đã quá mỏi, nằm la liệt nhưng không ai chịu rời chỗ. "Ít nhất tôi sẽ nằm trong nhóm người đầu tiên bốc số vào cửa hàng", cô nói. "Có người hôm trước xếp hàng ròng rã nhưng phải về tay trắng".

Vì sao Labubu thành hiện tượng?


Labubu là một món đồ chơi nghệ thuật (Art toy), ra đời vào năm 2015. Cha đẻ của "quái vật đồ chơi" này là Kasing Lung - nghệ sĩ người Hong Kong. Labubu được lấy cảm hứng từ quái vật trong thần thoại Bắc Âu, có ngoại hình đáng sợ với tai dài, hàm răng nhọn, đôi mắt tròn, nụ cười nham hiểm. Nhưng qua nét vẽ của nghệ sĩ, Labubu trở nên dễ thương hơn, có nét cá tính, độc đáo. Sau đó, Labubu được phân phối bởi Pop Mart - "gã khổng lồ" của lĩnh vực đồ chơi nghệ thuật, từng tạo ra cơn sốt mô hình Skullpanda, Dimoo.

1723864555577.png

Nhưng bước ngoặt khiến Labubu đến gần với công chúng là khi ca sĩ Lisa - nhóm Blackpink đăng một vài bức ảnh cầm thỏ bông quái vật Labubu trên Instagram. Sau đó, một loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng khác khoe ảnh gắn Labubu lên túi xách, quần áo, mũ... khiến art toy này trở thành món đồ được nhiều cộng đồng fan săn lùng ráo riết. Tại Việt Nam, siêu mẫu Thanh Hằng cũng là người tiên phong, góp phần tạo trend khi dùng Labubu treo túi xách. Sau cô có Bảo Thy, Huyền My, Đỗ Thị Hà, Kỳ Duyên, Văn Mai Hương... cũng gia nhập trend dùng Labubu làm phụ kiện.

Bên cạnh đó, đồ chơi Labubu được ưa chuộng bởi thiết kế độc đáo, đa dạng, được hãng tích cực quảng bá trên nhiều nền tảng TikTok, Instagram, trở thành xu hướng thịnh hành. Mỗi phiên bản của nó có những đặc trưng riêng từ biểu cảm, màu sắc bộ lông bên ngoài, trang phục đến phụ kiện.

1723864567879.jpeg

Labubu đang vượt ngoài giới hạn của một món đồ chơi bởi mang tính biểu tượng cho phong cách sống sáng tạo, cá tính. Lần đầu tiên, Labubu được xuất hiện với tư cách VIP tại Tuần lễ thời trang nam Milan, ngồi trên hàng ghế đầu của bộ sưu tập Thu - Đông 2024 của nhà mốt Pronounce. "Quái vật thỏ" khoác lên mình chiếc áo cardigan họa tiết dây thừng được thiết kế riêng. Labubu nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự kiện, mang đến hình ảnh phá cách cho những nhân vật art toy.

Theo Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng - truyền thông, Trường ĐH Văn Lang TP HCM, cho rằng sự lan tỏa và tác động của Labubu đến từ nhiều yếu tố truyền thông cộng hưởng, bên cạnh chiến lược của nhãn hàng.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng đây là trào lưu cũng giống như cơn sốt Capybara (chuột lang) trước đó, người trẻ săn lùng mua gấu bông, móc khóa, phụ kiện liên quan đến hình ảnh con vật này. "Labubu sẽ duy trì được độ 'nóng' khoảng vài tháng trước giới trẻ chuyển sang thú vui mới", ông Tú nói.

Nguồn: Ngọc Ngân/VnExpress

#labubu
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top