Giới khoa học bất ngờ phát hiện ra “oxy tối” không cần đến quá trình quang hợp, lịch sử Trái đất có thể phải viết lại

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra loại oxy được tạo ra bởi các nốt kim loại hình củ khoai tây nằm sâu hàng nghìn mét dưới bề mặt Thái Bình Dương.

Phát hiện này được công bố hôm 22/7 trên tạp chí Nature Geoscience, thách thức sự đồng thuận khoa học về cách tạo ra oxy và thậm chí có thể buộc phải suy nghĩ lại một cách triệt để về nguồn gốc của sự sống phức tạp trên Trái đất.

1721784074302.png

Bên cạnh những ý nghĩa đối với khoa học đại dương, nghiên cứu này còn đặt ra những lo ngại mới về rủi ro của việc khai thác dưới biển sâu.

Một nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Andrew Sweetman dẫn đầu tại Hiệp hội Khoa học Hàng hải Scotland của Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng oxy được tạo ra trong bóng tối hoàn toàn ở độ sâu khoảng 4.000 mét (13.100 feet) bên dưới bề mặt đại dương.

Trước đây người ta cho rằng chỉ những sinh vật sống như thực vật và tảo mới có thể sử dụng năng lượng để tạo ra oxy cho hành tinh thông qua một quá trình gọi là quang hợp, đòi hỏi ánh sáng mặt trời.

“Để cuộc sống hiếu khí bắt đầu trên hành tinh, cần phải có oxy và sự hiểu biết của chúng ta là nguồn cung cấp oxy cho Trái đất bắt đầu từ các sinh vật quang hợp”, giáo sư Andrew Sweetman nói.

“Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng có oxy được tạo ra ở vùng biển sâu, nơi không có ánh sáng. Tôi nghĩ do đó chúng ta cần xem lại các câu hỏi như: cuộc sống hiếu khí có thể bắt đầu từ đâu?”

“Ôxy tối” được phát hiện khi các nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu thực địa trên tàu ở Thái Bình Dương. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu đáy biển của vùng Clarion-Clapperton, một vùng đồng bằng vực sâu giữa Hawaii và Mexico, để đánh giá tác động có thể có của việc khai thác dưới biển sâu.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều nốt sần (nodule) và phát hiện nhiều nốt sần mang điện tích “rất cao”, mà họ cho rằng có thể dẫn đến sự phân tách nước biển thành hydro và oxy thông qua một quá trình gọi là điện phân nước biển.

1721784130802.png

Các nốt sần dưới đáy biển sâu chứa nhiều kim loại quan trọng

“Qua khám phá này, chúng tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa được trả lời và tôi nghĩ chúng tôi có nhiều điều phải suy nghĩ về cách khai thác những nốt sần này, chúng có tác dụng như những cục pin trong đá”, Andrew Sweetman nói và cho rằng cần phải nghiên cứu sâu hơn về sản xuất “oxy tối”.

Khai thác biển sâu

Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi công ty khai thác biển sâu The Metals Company của Canada, nhằm mục đích khai thác tại khu vực thuộc Vùng Clarion-Clapperton vào cuối năm 2025.

Hoạt động gây tranh cãi trong khai thác biển sâu liên quan đến việc sử dụng máy móc hạng nặng để loại bỏ các khoáng chất và kim loại có giá trị - chẳng hạn như coban, niken, đồng và mangan - có thể tìm thấy trong các nốt đa kim dưới đáy đại dương. Mục đích sử dụng cuối cùng của các khoáng chất này rất đa dạng, bao gồm pin xe điện, tua-bin gió và các tấm pin mặt trời.

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng khó có thể dự đoán được toàn bộ tác động đến môi trường của việc khai thác dưới biển sâu.

Trong khi đó, các nhóm bảo vệ môi trường nói rằng hoạt động này không thể được thực hiện một cách bền vững và chắc chắn sẽ dẫn đến sự hủy diệt hệ sinh thái và sự tuyệt chủng của các loài.

Sofia Tsenikli, người đứng đầu Liên minh Bảo tồn Biển sâu (Deep Sea Conservation Coalition), tổ chức phi chính phủ về môi trường, cho biết: “Việc phát hiện ra các nốt đa kim đang tạo ra oxy ở khu vực được ngành công nghiệp khai thác biển sâu nhắm tới đã củng cố nhu cầu cấp thiết về một lệnh cấm khai thác biển sâu.”

“Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn còn phải khám phá và tìm hiểu về biển sâu đến mức nào, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi hơn về việc khai thác dưới biển sâu có thể tác động như thế nào đến đời sống và các quá trình ở biển sâu”, Sofia Tsenikli nói thêm.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top