Giới trẻ Hàn Quốc đang từ bỏ lối sống "YOLO" để chuyển sang "Godsaeng"

Jung Hye-in, một nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul đang xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh với nước ấm, tập vài tư thế yoga và đọc tin tức, ít nhất một báo cáo kinh tế vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc. Trong giờ ăn trưa, cô ấy tranh thủ tham gia vào một lớp học TOEFL hoặc đi bộ 30 phút. Trước khi đi ngủ, cô ấy viết Blog về cuộc sống hằng ngày và chia sẻ những sở thích của mình đối với thời trang, trang trí nhà cửa, đọc sách và âm nhạc.

Từ suy nghĩ "Tôi chỉ sống một lần" đến lối sống mang ý nghĩa "thực dụng" hơn

Cô nói rằng "Tôi vốn là Planner (Người lập kế hoạch), nhưng tôi bắt đầu theo dõi các thói quen của mình chính xác hơn sau khi chuyển ra khỏi nhà của bố mẹ vào năm 2020. Đặt ra mục tiêu và siêng năng làm việc để đạt được nó là điều có ý nghĩa và hài lòng với điều đó".
Giống như Jung, ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc áp dụng những thói quen đơn giản và lành mạnh trong lối sống hằng ngày - từ những thứ đơn giản như giữ cho không gian sống của mình ngăn nắp và gọn gàng, cố gắng uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và hạn chế tối đa thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Họ làm như vậy đẻ mong "có một cuộc sống bận rộn và năng động hơn" trong những thời điểm mà họ coi là đang có sự chênh vênh trong cuộc đời. Họ đang thực hiện cái gọi là "Godsaeng" (một từ ghép trong tiếng Hàn, gồm "God" và "saeng" có nghĩa là "cuộc sống"), những bạn trẻ thuộc thế hệ Millennials (Gen Y) và Gen Z đang cố gắng tận dụng tối đa thời gian của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ chạy theo những kế hoạch hoành tráng, thay vào đó, họ tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong việc hoàn thành những công việc hằng ngày.

Giới trẻ Hàn Quốc đang từ bỏ lối sống YOLO để chuyển sang Godsaeng
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul nói rằng "Sự căng thẳng của việc liên tục bị từ chối khi đi xin việc, trong một thị trường việc làm khắc nghiệt tại Hàn Quốc hay việc đưa ra những so sánh trong xã hội đã khiến cho những người trẻ tuổi chuyển sang xu hướng tìm kiếm những khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi. Thay vì đặt ra những mục tiêu lớn và dài hạn, họ đặt ra một loạt những mục tiêu nhỏ dường như có thể đạt được và đo lường được".
"Một thời gian dài bị hạn chế tiếp xúc do những phong tỏa vì dịch bệnh đã kích thích giới trẻ tạo ra những thói quen mới và tập trung hơn vào những mục tiêu cho bản thân. Bằng cách này, họ có thể đối phó tốt hơn với tình trạng căng thẳng, sợ hãi và lo lắng trong đại dịch."

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa lối sống Godsaeng và xu hướng "YOLO" (từ viết tắt của You Only Live Once có nghĩa là "bạn chỉ sống một lần"), đề cập đến một lối sống khuyến khích mọi người hãy trân trọng những khoảnh khắc hiện tại và sống hết mình thay vì lo lắng quá nhiều về tương lai, giáo sư Kwak Geum-joo cho rằng "Godsaeng còn hơn cả thực dụng. Vì một số lý do, YOLO đã được hiểu theo những hàm ý tiêu cực ở Hàn Quốc. Thuật ngữ này từng được sử dụng để đề cập đến những người trẻ đang từ bỏ công việc ổn định của họ để khám phá những gì họ thực sự muốn và có thêm những trải nghiệm mới. Ngược lại những Godsaeng-ers tin rằng những nỗ lực nho nhỏ hằng ngày của họ nếu được xây dựng hằng ngày và giúp họ tạo ra được những thành tựu lớn hơn trong tương lại, đó là lối suy nghĩ khôn ngoan và cẩn trọng."
Lee Kyung-min, một bác sĩ tâm lý và Giám đốc điều hành của Mindroute Leadership Lab cho biết "theo đuổi lối sống Godsaeng có thể giúp cải thiện lòng tự trọng của một người. Millennials và GenZers có ít khả năng kiểm soát cuộc sống của họ hơn, chẳng hạn như việc thăng tiến trong công việc hay kinh doanh bất động sản, vì thế họ chuyển sang việc xây dựng những thói quen nhỏ hằng ngày và có thể thực hiện nó một cách hiệu quả. Tất nhiên, mong muốn cuối cùng vẫn là cải thiện cuộc sống hằng ngày của mình."

Giới trẻ Hàn Quốc đang từ bỏ lối sống YOLO để chuyển sang Godsaeng
Millennials và GenZers chia sẻ hình ảnh về lối sống của họ trên mạng xã hội

Hàng loạt công ty đã có những sản phẩm và dịch vụ "ăn theo"

Những doanh nghiệp kinh doanh trong nước đã nhanh chóng phổ biến khái niệm này và bắt đầu sử dụng cụm từ Godsaeng để quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ của họ, hay tổ chức những sự kiện khác nhau với chủ đề "Godsaeng".
Chẳng hạn ứng dụng Challengers giúp người dùng đạt được mục tiêu của họ bằng cách cho họ cơ hội đặt cược vào việc đạt được mục tiêu bằng tiền của chính họ và nhận các khoản thanh toán và thậm chí cả giải thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ. Hay Cashwalk là một ứng dụng dựa trên phần thưởng khác có thể chuyển đổi các hoạt động ngoài trời của người dùng thành tiền ảo trên mỗi bước chân đi bộ của họ. Còn Youcandoo, một dịch vụ do hãng công nghệ giáo dục Yanadoo tung ra, cho phép người dùng nhận phần thưởng - gồm các phiếu mua cà phê giảm giá hoặc các thẻ quà tặng - khi họ đạt được các mục tiêu học tập của cá nhân. Nó cũng giúp mỗi người biết cách sắp xếp các kế hoạch công việc hằng ngày của họ một cách hợp lý, giúp họ cải thiện năng suất cũng như thói quen cá nhân của họ.

Giới trẻ Hàn Quốc đang từ bỏ lối sống YOLO để chuyển sang Godsaeng
Flo, một nền tảng về nội dung âm thanh gần đây cũng đã phát động sự kiện thử thách Godsaeng, trong đó cung cấp các phiếu giảm giá cho người dùng nghe podcast, hướng dẫn ngôn ngữ, thông tin sức khỏe tinh thần và các bài học về sức khỏe trong ít nhất 10 phút mỗi ngày trong ba tuần liên tiếp. "Chúng tôi tổ chức sự kiện này để quảng bá các nội dung âm thanh của mình, từ đó có thể giúp mọi người tiếp thu kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau, quản lý sức khỏe tâm thần và hỗ trợ lối sống năng động của họ".

Những cảnh báo từ các chuyên gia

Thực tế không thể phủ nhận là lối sống này đã thu hút rất nhiều người quan tâm và làm theo nó. Kwak tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: “Mặc dù xu hướng này trước đó đã được các công ty khai thác phần nào, nhưng thực tế là nó đã được nhiều người Hàn Quốc chấp nhận như một quy tắc văn hóa sống ở hiện tại”.
Tuy nhiên bác sĩ tâm lý Lee cũng cảnh báo rằng việc theo đuổi mục tiêu về năng suất quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực. "Những người tham gia vào lối sống Thiên Chúa thường là những người có thành tích cao. Tôi đã quan sát thấy rằng những người này tự đẩy mình đi quá xa và trải qua tình trạng kiệt sức". Cô cũng nhấn mạnh rằng chúng ta nên tự nhủ rằng việc không thể hoàn thiện bản thân mỗi ngày hoặc đôi khi không đạt được mục tiêu là điều bình thường. "Hãy rộng lượng hơn với bản thân."
Nguồn
Koreatimes
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top