Google "dứt áo ra đi", ngừng hợp tác làm chip Tensor với Samsung: "Gã khổng lồ" Hàn Quốc sốc nặng, phải họp khẩn và điều tra nội bộ

Hoàng Anh
Hoàng Anh
Phản hồi: 0

Hoàng Anh

Writer
Việc Google quyết định chuyển sang đối tác TSMC để sản xuất chip Tensor G5 cho dòng Pixel 10 được cho là do tỷ lệ năng suất (yield rate) tiến trình 3nm của Samsung quá thấp. Cú sốc này nối tiếp xu hướng "chảy máu" khách hàng của Samsung, đồng thời phơi bày những vấn đề nghiêm trọng về văn hóa "làm đẹp số liệu" và "che giấu sai phạm" bên trong tập đoàn.

2025-06-23091724-1750646327412-1750646327684266677458_png_75.jpg

Cú sốc "mang tên Google" và lời cảnh tỉnh cho Samsung


Một quyết định từ Google đã tạo ra một làn sóng chấn động trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Gã khổng lồ tìm kiếm được cho là đã quyết định ngừng hợp tác với Samsung trong việc sản xuất con chip Tensor G5 cho dòng điện thoại thông minh Pixel 10 sắp tới, và sẽ chuyển toàn bộ đơn hàng sang cho đối thủ không đội trời chung của Samsung là TSMC (Đài Loan).

Chip Tensor G5 sẽ được Google thiết kế lại từ đầu, không còn dựa trên kiến trúc của con chip Exynos của Samsung. Ngoài ra, Google được cho là đã ký một hợp đồng độc quyền với TSMC cho các dòng chip Tensor từ Pixel 10 cho đến Pixel 14, một hợp đồng kéo dài tới 5 năm.

Động thái này không chỉ là một cú sốc lớn đối với bộ phận xưởng đúc (Foundry) của Samsung mà còn là một lời cảnh tỉnh đanh thép, buộc "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc phải nhìn lại những điểm yếu cố hữu của chính mình.

1750649380794.jpeg

Vì sao Google "quay lưng"?


Mối quan hệ hợp tác giữa Google và Samsung trong việc phát triển chip Tensor cho dòng điện thoại Pixel đã bắt đầu từ năm 2021 với thế hệ Pixel 6. Tuy nhiên, qua các thế hệ, các con chip Tensor do Samsung sản xuất thường xuyên phải đối mặt với những chỉ trích về hiệu suất và đặc biệt là về khả năng tản nhiệt.

Gần đây, một loạt các báo cáo về sự cố cháy nổ của chiếc Pixel 6a (ra mắt từ năm 2022) đã khiến Google phải tuyên bố sẽ sớm ra mắt một bản cập nhật phần mềm bắt buộc, một động thái dù làm giảm nguy cơ pin bị quá nóng nhưng lại khiến cho điện thoại sạc chậm hơn và có thời lượng pin ngắn hơn. Sự việc này làm người ta liên tưởng đến vụ bê bối cháy nổ của chiếc Samsung Galaxy Note 7 cách đây 9 năm.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định "dứt áo ra đi" của Google được cho là nằm ở tỷ lệ năng suất (yield rate) quá thấp của Samsung trên tiến trình 3nm. Trong khi TSMC có thể đạt được một tỷ lệ ấn tượng lên tới 90% (tức là 90% số chip trên một tấm wafer là đạt chuẩn), thì Samsung lại chỉ loanh quanh ở mức 50%. Điều này không chỉ đẩy chi phí sản xuất lên cao mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về việc chậm trễ và thiếu hụt nguồn cung.

Thêm vào đó, việc Google muốn thiết kế lại hoàn toàn con chip Tensor từ đầu thay vì phải dựa trên kiến trúc Exynos của Samsung cũng là một yếu tố quan trọng. Google mong muốn có thể kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thiết kế để có thể tối ưu hóa con chip một cách tốt nhất cho các thuật toán AI và các yêu cầu về hiệu năng của riêng mình.

1750649387998.jpeg

"Cú sốc", điều tra nội bộ và những vấn đề về văn hóa


Đối với Samsung, đây thực sự là một đòn giáng mạnh. Bộ phận xưởng đúc của Samsung, vốn đang nỗ lực để có thể thu hẹp khoảng cách với TSMC, đã phải hứng chịu một "cú sốc lớn" và được cho là đã ngay lập tức phải mở một cuộc điều tra nội bộ để xem xét lại năng lực cạnh tranh của mình. Vụ việc này được gọi là "sự cố Google" (Google incident) trong nội bộ Samsung.

Việc mất đi một khách hàng lớn và mang tính chiến lược như Google không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu mà còn làm suy giảm nghiêm trọng uy tín và vị thế của Samsung. Trong quý đầu tiên của năm nay, thị phần của Samsung Foundry đã giảm xuống còn 7,7% từ mức 8,1% của quý trước, trong khi đó, TSMC lại tăng từ 67,1% lên 67,6%.

Việc mất hợp đồng với Google cũng đã nối tiếp một xu hướng "chảy máu" khách hàng đã diễn ra trước đó, khi các "ông lớn" khác như Apple, Qualcomm… cũng đã chuyển các đơn hàng flagship của mình sang cho TSMC do lợi thế vượt trội về năng lực sản xuất của công ty Đài Loan.

Tờ Rest of World (RoW) cho hay, đằng sau những con số không mấy khả quan này là những vấn đề sâu xa về văn hóa doanh nghiệp tại Samsung. Khi các con số thực tế không đủ đẹp, nhiều nhóm nhân viên tại Samsung được cho là đã bị ép phải "làm đẹp" dữ liệu (massage data) – từ việc thổi phồng tỷ lệ chip không lỗi cho đến việc bỏ qua những sự cố trong sản xuất. Tờ báo này cũng dẫn lời các kỹ sư cho biết họ thường xuyên bị các nhà quản lý gây áp lực để bịa đặt hoặc bóp méo dữ liệu, báo cáo thiếu các lỗi được phát hiện để làm đẹp báo cáo theo ý của cấp trên.

1750649397449.jpeg

Một cựu kỹ sư thiết kế đã nói với RoW rằng người quản lý của anh ấy đã triển khai các tập lệnh tự động hóa nhưng chúng không hề hoạt động, tuy nhiên người quản lý này vẫn báo cáo lên cấp trên rằng họ đã cải thiện được thiết kế của con chip nhờ vào các tập lệnh này.

Chủ tịch của Samsung, ông Lee Jae-yong, đã gọi đây là một "cuộc khủng hoảng sống còn", trong khi người đứng đầu mới của bộ phận bán dẫn, ông Jun Young-hyun, cũng đã phải gửi một bản ghi nhớ nội bộ tới các nhân viên vào khoảng tháng 8 năm 2024, thừa nhận rằng "văn hóa che giấu hoặc tránh né vấn đề để đối phó một cách tức thời, và việc báo cáo các kế hoạch không thực tế dựa trên những kỳ vọng hão huyền, đã lan rộng và làm trầm trọng thêm các vấn đề của chúng ta."

Đối với Samsung, đây là một lời cảnh tỉnh rõ ràng: nếu không nhanh chóng cải thiện công nghệ, nâng cao tỷ lệ năng suất và thay đổi văn hóa làm việc, họ sẽ tiếp tục bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua bán dẫn không khoan nhượng.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Shop Quần Jean Nam Đẹp Ở TPHCM
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL2dvb2dsZS1kdXQtYW8tcmEtZGktbmd1bmctaG9wLXRhYy1sYW0tY2hpcC10ZW5zb3Itdm9pLXNhbXN1bmctZ2Eta2hvbmctbG8taGFuLXF1b2Mtc29jLW5hbmctcGhhaS1ob3Ata2hhbi12YS1kaWV1LXRyYS1ub2ktYm8uNjM1MTEv
Top