Hà Nội còn bao nhiêu giường điều trị bệnh nhân Covid-19?

Nguyên nhân của việc một số F0 tại Hà Nội không được các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận là những cơ sở này chỉ điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội trong thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục dao động ở ngưỡng 600-700 trường hợp mỗi ngày. Đây là mức F0 được ghi nhận sau 24 giờ cao nhất của thành phố từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.
Song song với số ca mắc mới tăng cao là lượng bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị lớn. Vừa qua, một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện việc điều trị F0 tại nhà, nhiều người dân vẫn lo ngại về việc quá tải hệ thống y tế tương tự TP.HCM trong làn sóng dịch thứ 4.
Hà Nội còn bao nhiêu giường điều trị bệnh nhân Covid-19?
Số ca mắc Covid-19 theo từng ngày tại Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.
Thực tế, động thái chuyển các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tới cơ sở y tế khác của một số bệnh viện trên địa bàn thành phố sau khi nhận kết quả xét nghiệm cũng khiến lo lắng của người dân trở nên có cơ sở hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo các bệnh viện khẳng định số giường bệnh vẫn trong kế hoạch của thành phố. Việc luân chuyển bệnh nhân cũng là quy định về tầng điều trị.

Số bệnh nhân mới đạt gần nửa lượng giường bệnh​

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết cơ sở y tế này được phân công tại tầng 3 trong mô hình điều trị của Bộ Y tế và hiện có 250 giường. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mới có tổng cộng 153 F0 đang được theo dõi và điều trị.
Trong số này, khoảng 20 trường hợp đang có diễn biến nặng. Số bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch là 10 người. Cụ thể, 2 bệnh nhân phải lọc máu, 5 ca thở máy xâm nhập và 3 trường hợp thở máy không xâm nhập.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm: “Theo kế hoạch, Hà Nội đã chuẩn bị 12.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, toàn hệ thống y tế của thành phố đến nay mới đang điều trị gần 6.000 bệnh nhân. Do đó, các bệnh viện tại Hà Nội vẫn chưa đến mức quá tải”.
Hà Nội còn bao nhiêu giường điều trị bệnh nhân Covid-19?
Bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cũng cho biết cơ sở y tế này cũng thuộc tầng 3 trong mô hình điều trị. Bệnh viện Thanh Nhàn đang theo dõi và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, gần 40 trường hợp có diễn biến rất nặng và nguy kịch.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế tuyến đầu tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng trên toàn khu vực phía Bắc, đang có tổng cộng 510 F0. Trong đó, số bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch là 103 người.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế này đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai 500 giường hồi sức tích cực và dự kiến sẽ đáp ứng sau vài tuần tới.
Ngoài ra, theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố còn 22 bệnh viện khác đang tiếp nhận và điều F0 trên địa bàn gồm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (đang điều trị 168 F0), các bệnh viện thuộc Hà Nội là Hà Đông (146), Sơn Tây (53), Bắc Thăng Long (59), Gia Lâm (48), Mê Linh (147), Tâm Thần Hà Nội (11), Quốc Oai (113), Chương Mỹ (121), Vân Đình (152), Phú Xuyên (133), Hoài Đức (17), Mỹ Đức (95), Sóc Sơn (04), Đan Phượng (13), Đông Anh (7), Ba Vì (38), Thạch Thất (16), Thanh Oai (34), Phúc Thọ (2), Phụ Sản (8), Phổi Hà Nội (4).
Một số cơ sở điều trị khác gồm: Ký túc xá Phenikaa (535), Đền Lừ III (919), Thượng Thanh (786), Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.622).
Hà Nội còn bao nhiêu giường điều trị bệnh nhân Covid-19?
Diễn tập tại trạm y tế lưu động trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Văn Phong.
Các trạm y tế lưu động tại 22 quận, huyện cũng đang tiếp nhận các trường hợp nhiễm nCoV là: Hoài Đức (124), Đan Phượng (91), Thanh Trì (17), Mỹ Đức (26), Sóc Sơn (101), Long Biên (32), Đông Anh (7), Hà Đông (6), Bắc Từ Liêm (59), Chương Mỹ (193), Gia Lâm (39), Mê Linh (54), Thanh Xuân (57), Quốc Oai (24), Thạch Thất (21), Tây Hồ (05), Ba Vì (3), Phú Xuyên (2), Nam Từ Liêm (2), Thanh Oai (2), Hoàng Mai (2), Thường Tín (2).
“Tôi nghĩ vấn đề có thể nằm ở sự phối hợp giữa các đơn vị còn chưa thực sự nhuần nhuyễn, người dân chưa hiểu rõ hệ thống tiếp nhận và điều trị. Nếu nói thành phố quá tải giường bệnh là chưa đúng”, ông Thường nhận định.

Một số F0 chủ động tới thẳng bệnh viện thuộc tầng 3​

Ông Nguyễn Văn Thường cho biết thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng tiếp nhận một số trường hợp chủ động tới xét nghiệm và thăm khám Covid-19.
“Với những bệnh nhân này, sau khi nhận thấy không có yếu tố nguy cơ hay triệu chứng nặng, chúng tôi sẽ chủ động chuyển họ quay lại tầng 1 trong hệ thống điều trị”, vị lãnh đạo nói.
Theo ông, đây cũng là vấn đề tâm lý có thể thông cảm cho người dân khi họ lo lắng cho sức khỏe của bản thân. Nhiều người đang điều trị ở tầng 1 nhưng cũng mong muốn chuyển lên tầng 2, 3.
Hà Nội còn bao nhiêu giường điều trị bệnh nhân Covid-19?
Bên trong khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ảnh: Thạch Thảo.
“Tuy nhiên, các bệnh nhân Covid-19 khi chuyển lên tầng 2, 3 phải được cân nhắc một số tiêu chí, điều kiện liên quan nguy cơ và diễn biến. Nếu những đơn vị này cũng nhận bệnh nhân từ tầng 1, trong tương lai, khi xuất hiện những bệnh nhân diễn biến nặng và nguy kịch hơn cần điều trị, chúng ta lại không đủ giường đáp ứng”, ông Thường giải thích.
Tương tự tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết một số trường hợp sau khi tới khám và có kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ, sẽ được chuyển lại cơ sở điều trị tầng dưới.
Liên quan vấn đề tâm lý của người dân, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay thông qua khảo sát của các địa phương, nhóm bệnh nhân Covid-19 đã tiêm chủng vaccine có tỷ lệ diễn biến nặng giảm đi khá lớn.
“Trước đây, tỷ lệ diễn biến nặng rơi vào khoảng 20%. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ này tại một số địa phương đã xuống dưới 10%. Chỉ có một số nhóm như người cao tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi, trường hợp có bệnh nền, cũng chưa tiêm chủng, người có hệ miễn dịch kém, dù đã tiêm nhưng không tạo được miễn dịch, vẫn diễn biến nặng”, vị chuyên gia này nói thêm.
Bác sĩ Cấp cho biết trong 3 tháng qua, xét sơ bộ trên nhóm bệnh nhân tử vong, hầu hết là người cao tuổi (trên 85 tuổi), mắc nhiều bệnh nền, chưa tiêm hoặc mới có một mũi vaccine. Ngược lại, tỷ lệ nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, không mắc bệnh nền diễn biến nặng, tử vong là rất thấp.
Từ đây, người dân sau khi phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 cũng không nên quá lo lắng và cần liên hệ cơ quan chức năng để được hướng dẫn.
Mới đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết thành phố đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, cung cấp thông tin phục vụ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà gồm tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động toàn địa bàn.
Cùng với đó, ngành y tế cũng phối hợp với đơn vị công nghệ - thông tin, xây dựng phần mềm trên điện thoại thông minh để người dân tự cập nhật tình trạng sức khỏe, được hỗ trợ y tế cũng như kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh nhân chuyển tầng.
"Qua tổng đài 1022, chúng tôi nhắn tin cho F0 nhắc tự khai báo tình trạng sức khỏe 2 lần/ngày. Nếu F0 có dấu hiệu bất thường như khó thở, ho tăng, sốt cao, cán bộ y tế sẽ lập tức tiếp cận để hỗ trợ thuốc, khám và điều trị", bà Hà nói.
Để giảm tải cho lực lượng y tế, Sở Y tế cũng xây dựng thêm lực lượng hỗ trợ tại từng địa phương để cùng làm nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc F0.
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top