Hàn Quốc, Trung Quốc chấm dứt đầu tư các dự án nhiệt điện nước ngoài

Theo thông tin từ Korea Times, Hàn Quốc sẽ hạn chế rót tiền công vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài, bắt đầu từ tháng 10. Điều này phù hợp với các sáng kiến toàn cầu nhằm loại bỏ dần các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống và chuyển sang trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050.
Hàn Quốc, Trung Quốc chấm dứt đầu tư các dự án nhiệt điện nước ngoài
Cụ thể, trong tháng tới, tất cả các tổ chức công của Hàn Quốc sẽ không giải ngân vốn cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân có cổ phần nhà nước cũng sẽ thực hiện các biện pháp tương tự. Hàn Quốc đã đưa ra thông báo này trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu vào tháng Tư.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cho biết các dự án mà họ hợp tác với các quốc gia khác vẫn được duy trì vì mối quan hệ ngoại giao.
Hàn Quốc cho biết thêm, cũng sẽ tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận toàn cầu nhằm cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả các cuộc thảo luận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, với mục tiêu áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn đối với các nhà máy than địa phương.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, nước này sẽ rời bỏ việc tài trợ cho các dự án than ở nước ngoài. Ông nói: “Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và thải ra hàm lượng carbon thấp, đồng thời sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài”.
Hàn Quốc, Trung Quốc chấm dứt đầu tư các dự án nhiệt điện nước ngoài
Ông Tập không đưa ra thời gian cụ thể cho việc ngừng hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng ta biết Trung Quốc là nguồn cung cấp tài chính hàng đầu cho các dự án nhiệt điện than. Họ hiện đang là nước đứng sau một nửa dự án điện than đang được lên kế hoạch xây dựng khắp thế giới - tổng cộng khoảng 163 gigawatt điện cho các dự án ở nước ngoài. Đó là một con số lớn, nhưng thấp hơn đáng kể so với trước đây: Trung Quốc đã hủy bỏ 74% các dự án than kể từ năm 2015, khi Thỏa thuận Paris được ký kết, rút lại hỗ trợ 484 gigawatt điện than trong 6 năm qua.
Tính đến năm 2019, Trung Quốc tài trợ cho hơn 300 nhà máy điện than ở các quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh, Ai Cập và Philippines. Khi tương lai kinh tế của ngành than ngày càng mờ nhạt, các quốc gia này càng cảm thấy áp lực khi phải trả các khoản vay cho Trung Quốc.
Thỏa thuận Paris không quy định hoặc giám sát nào đối với các khoản đầu tư quốc gia vào nhữnh dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Tuy nhiên, áp lực quốc tế đang gia tăng đối với Trung Quốc trong việc chấm dứt tài trợ cho các dự án điện than. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản, các quốc gia tài trợ lớn thứ hai và thứ ba, cũng đưa ra cam kết chấm dứt tài trợ than vào đầu năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì các khoản tài trợ cho điện than trong năm nay.
Dù vậy, phát ngôn mới đây của Trung Quốc có thể gây áp lực lên các quốc gia khác như Nga và Ấn Độ, buộc họ phải suy nghĩ lại về các khoản đầu tư cho điện than.
Thông báo của Trung Quốc là một tin tức đáng hoan nghênh về mặt phát triển quốc tế. Tuy nhiên, nước này vẫn là thị trường than lớn nhất thế giới – nơi chiếm một nửa số nhà máy than đang hoạt động của thế giới. Các nhà máy than này đã cản trở đất nước đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong các cam kết về khí hậu. Năm ngoái, ngay cả khi Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí kỷ lục do ảnh hưởng của điện than thì họ vẫn tăng thêm 38,4 gigawatt từ các nhà máy điện than mới - gấp ba lần lượng điện than được đưa vào sử dụng ở các nước còn lại trên thế giới.
Mặc dù tuyên bố của ông Tập mang tính lịch sử, nhưng vẫn còn phải xem Trung Quốc sẽ ngừng tài trợ các dự án điện than trên thế giới như thế nào. Ngoài ra, họ sẽ phải giải quyết một lượng lớn các nhà máy điện than ở quê nhà nữa.
Nguồn: Korea Times, Gizmodo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top